Thái Nguyên: đi chợ tết không cần mang theo tiền, vì đã có… chợ 4.0

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:48, 23/01/2023

Quên mang theo tiền khi đi chợ không phải một tình huống quá hiếm với các bà các mẹ, khi trong bộn bề cuộc sống, nhiều người thỉnh thoảng lại rơi vào trạng thái “não cá vàng”. Nhưng giờ đây, tại một số khu chợ ở Thái Nguyên, các bà, các mẹ có thể đi chợ mà không cần phải … mang theo tiền. Bởi vì, những khu chợ này đã vận hành theo mô hình Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt.
Chuyển đổi số

Thái Nguyên: đi chợ tết không cần mang theo tiền, vì đã có… chợ 4.0

Phạm Quang Hiếu 23/01/2023 09:48

Quên mang theo tiền khi đi chợ không phải một tình huống quá hiếm với các bà các mẹ, khi trong bộn bề cuộc sống, nhiều người thỉnh thoảng lại rơi vào trạng thái “não cá vàng”. Nhưng giờ đây, tại một số khu chợ ở Thái Nguyên, các bà, các mẹ có thể đi chợ mà không cần phải … mang theo tiền. Bởi vì, những khu chợ này đã vận hành theo mô hình Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt.

Mô hình Chợ 4.0 được tỉnh Thái Nguyên triển khai nhằm thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Với mô hình Chợ 4.0, các tiểu thương và người dân có thể mua bán mọi mặt hàng tại chợ bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền Mobile Money. Hoạt động này cũng tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm; đồng thời hướng đến triển khai áp dụng cho các chợ trên địa bàn tỉnh.

cho-4.0_1.png

Thanh toán không dùng tiền mặt đã đến được với đồng bào dân tộc thiểu số

Trên thực tế, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra phổ biến tại các khu vực đô thị. Phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại và hệ thống ATM cũng chủ yếu được thiết lập tại các khu vực trung tâm. Trong khi đó, tỉnh Thái Nguyên có 178 đơn vị cấp xã với dân số đạt trên 1,3 triệu người, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn. Cụ thể, tỷ lệ dân số Thái Nguyên ở thành thị là 32,2% và ở nông thôn là 67,8%. Dễ dàng nhận thấy, khu vực nông thôn vẫn còn khó khăn trong tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa. Các xã điều kiện kinh tế khó khăn trên địa bàn vẫn còn rất nhiều người dân chưa có tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại.

Không chỉ vậy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn là điều lạ lẫm với nhiều người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chị Hoàng Thị Ngà, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, cho biết mô hình Chợ 4.0 được triển khai trên địa bàn huyện Định Hóa từ tháng 10/2022. Thời gian đầu khi mới triển khai, mô hình này cũng gặp nhiều khó khăn do người dân chưa nhận thức đầy đủ về những tiện ích mà Chợ 4.0 mang lại. Đặc biệt, Định Hóa là huyện miền núi, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ cũng như dịch vụ tài chính, ngân hàng và họ vẫn có thói quen tiêu dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, những khó khăn ban đầu dần được hóa giải. Kế hoạch triển khai Chợ 4.0 trên địa bàn huyện được thực hiện từng bước, triển khai và tổ chức thí điểm. UBND huyện đã chỉ đạo các xã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú đa dạng như tuyên truyền trên truyền thông, pano, áp phích, tuyên truyền trực tiếp tại các phiên chợ ngày chợ.... Qua đó, người dân đã từng bước được nâng cao nhận thức và thấy được những tiện ích của việc tiêu dùng không tiền mặt mang lại.

“Ban đầu người dân và các tiểu thương cũng e ngại vì tâm lý lo sợ bị mất tiền, vì thực hiện giao dịch phải qua nhiều bước. Đặc biệt là ban đầu triển khai, một số tiểu thương trong chợ nhất định không hợp tác phối hợp để mở tài khoản ngân hàng hay ví điện tử với lý do bất tiện, không có tiền nên không mở tài khoản”, chị Ngà chia sẻ. Thực chất, những tâm lý này của người dân khá mơ hồ và phần lớn chỉ là “nghe nói”, bởi vì họ chưa bao giờ thực sự trải nghiệm những dịch vụ này.

“Sau khi được sự hướng dẫn tuyên truyền của Tổ công nghệ số cộng đồng, của các doanh nghiệp viễn thông, người dân đã tiếp cận và dần thích ứng”, chị Ngà cho biết. “Hơn nữa, sau khi các tiểu thương khác trong chợ cùng thực hiện và số lượng người đến mua tại các “gian hàng 4.0” nhiều hơn vì tiện lợi hơn và nhanh hơn, các tiểu thương ban đầu còn e ngại và từ chối đã tự nguyện đăng ký tham gia”.

cho-4.0_5.png

Tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các chương trình tạo tài khoản ngân hàng đã được triển khai mạnh mẽ, như tạo tài khoản để giới thiệu nhận các chính sách bảo trợ xã hội, hay mở tài khoản cho người có công, người nghèo... Cuối năm cũng là một dịp để người dân có thể nhận các khoản chi trả qua tài khoản ngân hàng.

Trong năm 2023, dự kiến sẽ có nhiều chương trình được triển khai hơn nữa, để tăng tỷ lệ thanh toán không tiền mặt, như chương trình nhận lương hưu hay chi trả các loại phụ cấp cho các đối tượng bán chuyên trách ở cấp xã, hay thanh toán học phí qua tài khoản ngân hàng.... Những nỗ lực này đang giúp tạo thói quen thanh toán không tiền mặt và thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng cho người dân.

Người bán không còn lo thiếu tiền lẻ trả lại, người mua không còn ngại “tiền ướt” Theo chị Nguyễn Thị Thoa, nhân viên giám sát kênh Viettel Pay ở Thái Nguyên, với việc thanh toán không dùng tiền mặt, người dân đi chợ cũng như các tiểu thương không còn phải lo ngại về việc chuẩn bị tiền lẻ để trả lại khi mua hàng, không còn phải chạy đôn chạy đáo đi đổi tiền hay mượn tạm 5.000 đồng hay 10.000 đồng để trả lại tiền thừa cho khách. Đặc biệt, giờ đây người dân đi chợ cũng không e ngại trả lại “tiền ướt” - nghĩa là tiền của những người chủ sạp hàng bán thực phẩm tươi sống như thịt lợn hay tôm, cá ở ngoài chợ, những đồng tiền lao động nhiều khi trả lại cho khách vẫn còn dính cả... vảy cá. Ngoài ra, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng tránh được những mối lo ngại như tiền giả, tiền rách góc...

Tính tiện lợi của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thực sự đã được cả tiểu thương, người mua lẫn người bán nhận rõ. Chị Thoa cho biết qua theo dõi, đối với các chợ ở thành phố, gần như tỷ lệ phát sinh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt đến 100%, thậm chí giá trị giao dịch đạt mức cao, lên đến vài trăm triệu đồng hoặc thậm chí là “tiền tỷ” trong một tháng. Tuy nhiên, ở các khu chợ vùng nông thôn, tỷ lệ giao dịch thanh toán không tiền mặt mới chỉ đạt khoảng 70-80% tại một số khu chợ, và ở các vùng sâu vùng xa, tỷ lệ này thấp hơn nữa, do người dân vẫn chưa quen với việc không dùng tiền mặt.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt yêu cầu người dân phải có tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ví điện tử. Đây cũng là một khó khăn khiến tỷ lệ tiếp cận, giao dịch không tiền mặt vẫn còn thấp. Tuy vậy, Thái Nguyên là một trong những tỉnh có mức độ chuyển đổi số tốt trên cả nước, cơ sở hạ tầng đã được xây dựng và hoàn thiện, để người dân có thể sẵn sàng chuyển đổi số cùng chính quyền địa phương.

Tính tới cuối năm 2021, hạ tầng phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh có: số lượng tài khoản cá nhân tại các ngân hàng đạt trên 1,1 triệu tài khoản, tính trên 986.000 người trưởng thành; có 106 phòng giao dịch, 273 máy ATM và 2.274 thiết bị POS được lắp đặt tại 2.132 đơn vị chấp nhận thẻ. Hệ thống thiết bị, hạ tầng thanh toán đã được kết nối liên thông để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng một cách dễ dàng, thuận lợi.

Là đơn vị tham gia và đồng hành cùng chương trình Chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt tại Thái Nguyên, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Viettel Thái Nguyên đã nhận nhiệm vụ triển khai nhân rộng mô hình Chợ 4.0 tại các địa bàn toàn tỉnh. Ông Trịnh Quang Minh, Phó Giám đốc Viettel Thái Nguyên, cho biết bà con vùng sâu vùng xa còn hạn chế trong tiếp cận thông tin cũng là một khó khăn bước đầu của chương trình Chợ 4.0. Chính vì thế, các hoạt động truyền thông rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được chính quyền địa phương thực hiện, tổ chức các buổi ra quân tại địa bàn. Các nguồn lực địa phương như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tổ công nghệ số cộng đồng đã được huy động, tổ chức các buổi mua sắm không dùng tiền mặt để gần gũi hơn với người dân.

cho-4.0_3.png

Tại huyện Đại Từ của tỉnh Thái Nguyên, mô hình Chợ 4.0 đã giúp cho gần 300 tiểu thương tại chợ tiếp cận với việc thanh toán không dùng tiền mặt, giúp bà con thuận tiện hơn trong công việc kinh doanh. Tính đến nay Viettel Thái Nguyên đã thực hiện nhân rộng đến 20 chợ trên địa bàn toàn tỉnh, 9/9 huyện/ thành phố đều có Chợ 4.0 với hàng nghìn giao dịch mỗi tháng.

Ông Minh cho biết với Viettel Money, những giao dịch nhỏ vài nghìn cũng có thể được thực hiện một cách nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện, đặc biệt có thể thực hiện ngay trên chiếc điện thoại đen trắng và không cần kết nối mạng Internet. Người dùng cũng không mất các khoản phí duy trì tài khoản hay tin nhắn báo biến động số dư, có thể rút tiền đến 0đ trong tài khoản, rút tiền miễn phí tại hệ thống cây ATM của tất cả các ngân hàng và hệ thống gần 2.000 cửa hàng/ điểm bán của Viettel trên toàn tỉnh.

“Trong thời gian qua, việc phát triển Chợ 4.0 hay các chương trình như mở tài khoản cho đối tượng an sinh xã hội hay người nghèo đều là những việc phát sinh ngoài nhiệm vụ của Tập đoàn giao cho chúng tôi, trong khi các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chúng tôi vẫn đảm bảo”, ông Trịnh Quang Minh nói.

Nhân rộng mô hình Chợ 4.0, hình thành thói quen không dùng tiền mặt

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, hoạt động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã được triển khai theo Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 20/7/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Trước yêu cầu thực tiễn mới, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 55/ KH-UBND ngày 30/3/2021 thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu “đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính quyền số tỉnh Thái Nguyên, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt”.

Ông Phạm Quang Hiếu, Phó giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên, cho biết trên cơ sở nhận thức trong bối cảnh mới, cùng sự ủng hộ và cam kết vào cuộc của lãnh đạo UBND huyện Đại Từ, tháng 02/2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp cùng 03 nhà mạng trên địa bàn tỉnh, gồm Viễn thông tỉnh, Chi nhánh Viettel Thái Nguyên và Mobifone Thái Nguyên tổ chức triển khai kế hoạch thúc đẩy sử dụng dịch vụ thanh toán di động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, các nhà mạng sẽ tập trung triển khai trước, triển khai điểm tại 02 xã La Bằng và xã Tiên Hội của Huyện Đại Từ, với các nội dung như hỗ trợ mở tài khoản thanh toán di động; thanh toán dịch vụ điện, nước, đóng học phí qua dịch vụ thanh toán di động; chi trả lương, phụ cấp và các khoản trợ cấp xã hội, an sinh xã hội tới tài khoản thanh toán di động và xây dựng mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt – Chợ 4.0.

cho-4.0_2.png

Đặc biệt, mô hình Chợ 4.0 đã được triển khai tại Chợ huyện Đại Từ với việc trang bị tài khoản và phương tiện thanh toán cho hơn 60% tiểu thương, thiết lập 01 điểm hỗ trợ dịch vụ. Hoạt động trải nghiệm dịch vụ đã đón nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các tiểu thương và nhân dân, góp phần tích cực thực hiện hóa chủ trương phát triển công dân số của lãnh đạo và chính quyền huyện Đại Từ.

Từ các kết quả tích cực trong hoạt động thúc đẩy sử dụng dịch vụ thanh toán di động, đặc biệt là hiệu ứng lan tỏa từ mô hình Chợ 4.0, ngày 20/10/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND về triển khai nhân rộng mô hình Chợ 4.0 – Chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, mô hình Chợ 4.0 được nhân rộng để hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng công dân số và góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030. Đồng thời, đưa thanh toán số trở thành dịch vụ phổ cập từ thành thị tới nông thôn, được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày của người dân và doanh nghiệp.

Tính đến đầu tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 60 chợ triển khai mô hình Chợ 4.0. Trong đó, có 05 địa phương là huyện Đại Từ, thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, huyện Võ Nhai và huyện Định Hóa đã hoàn thành 100% chỉ tiêu đăng ký triển khai mô hình Chợ 4.0 trên địa bàn.

Phó giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên, cho biết một báo cáo của McKinsey chỉ ra nếu phổ cập dịch vụ tài chính số sẽ giúp kích hoạt các hoạt động kinh tế tiềm năng và đóng góp vào tăng trưởng trung bình 06% GDP trong vòng 10 năm. Đối với các nước đang phát triển, khả năng đóng góp còn cao hơn, tới hơn 10% GDP. Ông Hiếu cho biết đó cũng chính là cơ sở, tầm nhìn để Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp phổ cập dịch vụ tài chính số nói chung và thanh toán số nói riêng trên địa bàn, với mong muốn thiết lập hạ tầng thanh toán số rộng khắp, từ đó kích hoạt các giao dịch số tiềm năng, góp phần phát triển Kinh tế số, Chính quyền số trên địa bàn tỉnh.

Số liệu quản lý nhà nước cho thấy, tỉnh Thái Nguyên có tỉ lệ thuê bao di động đạt 95 thuê bao/100 người dân, trong đó có 79% là thuê bao Internet băng rộng di động (3G/4G) và tỉ lệ phủ sóng di động đạt 99% khu vực dân cư (thôn, bản, tổ dân phố) trên phạm vi toàn tỉnh. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng đã thiết lập mạng lưới gồm hơn 2.500 điểm cung cấp dịch vụ phủ khắp các khu vực dân cư, kể cả ở khu vực nông thôn. Trong khi, một điểm phục vụ như vậy được đánh giá có độ phủ, tiếp cận và phục vụ khách hàng tốt gấp 04 lần một cây ATM thông thường. Đây là hạ tầng quan trọng, bổ trợ cho hạ tầng dịch vụ của các ngân hàng thương mại để phủ khắp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng thương mại, dịch vụ thanh toán trên nền tảng di động của các nhà mạng là giải pháp hết sức thuận tiện, thiết thực và hiệu quả cho phép phổ cập dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tới tất cả người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những người chưa có tài khoản thanh toán ngân hàng hoặc cư trú tại các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Góp phần triển khai hiệu quả các chính sách, kế hoạch thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh.

cho-4.0_4.png

Mô hình Chợ 4.0 là một điển hình tốt, giúp tăng cường trải nghiệm và lan tỏa lợi ích của dịch vụ thanh toán di động trong cộng đồng, góp phần hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống hàng ngày của người dân. Với hơn 317.000 tài khoản, hơn 2.900 điểm cung cấp dịch vụ, hơn 5.750 điểm chấp nhận thanh toán và các số liệu phát triển dịch vụ vẫn đang tiến triển tích cực, dịch vụ thanh toán di động cùng với cách làm phối hợp triển khai của các nhà mạng trên địa bàn chính là giải pháp đột phá để thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách phổ cập dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng thanh toán số là nền tảng quan trọng để phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế số, đồng thời từng bước bồi đắp và xây dựng văn hóa số văn minh, là nền tảng để phát triển xã hội số; tạo nền móng vững chắc để triển khai các hoạt động chuyển đổi số một cách thiết thực và bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Với việc được nhân rộng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều bà, nhiều mẹ ở Thái Nguyên không còn phải lo lắng chuyện “quên mang theo tiền khi đi chợ”.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)

Phạm Quang Hiếu