Nông nghiệp thông minh: “nông dân chỉ ngồi nhà… bấm smartphone”

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:17, 26/01/2023

Tất nhiên, nói nông dân ngày nay chỉ việc ngồi … bấm máy tính, điện thoại thông minh chỉ là lời nói đùa trong câu chuyện trao đổi của phóng viên Tạp chí Thông tin và Truyền thông với những người làm nông nghiệp.
Chuyển đổi số

Nông nghiệp thông minh: “nông dân chỉ ngồi nhà… bấm smartphone”

Huyền Thương 26/01/2023 10:17

Tất nhiên, nói nông dân ngày nay chỉ việc ngồi … bấm máy tính, điện thoại thông minh chỉ là lời nói đùa trong câu chuyện trao đổi của phóng viên Tạp chí Thông tin và Truyền thông với những người làm nông nghiệp.

Song thực sự, công nghệ thông tin (CNTT) đã len lỏi vào nghề nông, mang lại nhiều điều bất ngờ. Đừng ai nói chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp chỉ là một khẩu hiệu, một sự hô hào, CĐS nông nghiệp đã thực sự đi vào đời sống, dù ở bất cứ quy mô, hình dạng nào và dù đó chưa hoàn toàn là CĐS, song đã mang lại nhiều sự khấm khá, ấm no cho đồng bào cả nước những ngày cuối năm. Thậm chí, có những người nông dân chưa hiểu gì về công nghệ, nhưng giờ đây cũng đã biết dùng máy bay không người lái để giúp phòng ngừa sâu bệnh cho cây trồng.

nong-ngiep-thong-minh.png

Hình ảnh máy bay không người lái hỗ trợ nông dân Việt Nam trong mùa màng, trồng trọt không còn là hình ảnh xa lạ.

Từ máy bay không người lái đến chăn nuôi lợn trên... điện thoại

Thực vậy, việc ứng dụng CNTT vào trồng trọt, chăn nuôi đã không còn là điều xa lạ với những người nông dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước. “Bây giờ mọi người toàn dùng máy móc, không giống như ngày xưa đâu”, chị Trần Thị Nguyệt, ở xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, hồ hởi kể khi được hỏi về công việc đồng áng và ứng dụng CNTT. Chị Nguyệt cho biết không chỉ máy móc thông thường, mà nhiều gia đình ở đây đã “sử dụng máy bay và có người điều khiển ở phía dưới khi cần phun thuốc trừ sâu bệnh”. Chiếc máy bay “có người điều khiển phía dưới” mà chị Nguyệt nhắc đến chính là máy bay không người lái và thường đến mỗi vụ mùa khi cần sử dụng, người nông dân ở xã Nghĩa Hợp lại thay phiên nhau “thuê máy bay”. Việc thuê máy bay không người lái để ứng dụng trong trồng trọt mùa vụ giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian và tránh những ảnh hưởng của thuốc trừ sâu lên sức khỏe người lao động.

Câu chuyện về thuê máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu bệnh ở xã Nghĩa Hợp, một xã miền núi của huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, cho thấy việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp đã lan tỏa rộng khắp.

Nguyễn Tùng Lâm, trưởng phòng kế hoạch và đầu tư phát triển một công ty thức ăn chăn nuôi tại Hải Dương cho biết việc ứng dụng CNTT trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được ứng dụng khoảng vài năm nay. Tại Công Ty Cổ Phần Pvr Việt Nam (cụm công nghiệp Nam Sách, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương) mà Lâm đang làm việc, CNTT đã giúp cải thiện năng suất nuôi trồng, giảm chi phí nhân công. Lâm cho biết việc sử dụng CNTT vừa là kỹ thuật tiên tiến giúp tăng năng suất, giải phóng sức lao động, vừa kiểm soát bệnh tật, đảm bảo chất lượng vật nuôi. Trang trại chăn nuôi của công ty được trang bị các loại cảm biến, hệ thống tự động cho ăn, hệ

thống nước uống và cả hệ thống kiểm soát nhiệt độ. “Những thiết bị công nghệ này mang lại hiệu quả và chất lượng sản phẩm cao hơn, mặc dù phải bỏ ra khoản đầu tư chi phí ban đầu song sẽ thu về lợi ích lâu dài, giúp giảm chi phí vận hành lâu dài cho trang trại. Đặc biệt, những hệ thống này đều kết nối với smartphone, được các nhà quản lý trang trại vận hành, theo dõi ngay trên màn hình, ở mọi lúc mọi nơi”, Lâm nói.

Nhân sự trang trại giờ đây không còn phải vất vả làm các công việc thủ công như trước, mà đã có máy móc hỗ trợ. Nghĩa là, nông dân giờ đây chủ yếu ... ngồi và bấm nút, chứ không phải “xắn quần lội ruộng” nhiều như trước. “Nhiều hoạt động chăn nuôi diễn ra trên màn hình điện thoại. Mọi thứ được quản lý bằng phần mềm, bằng ứng dụng. Hàng ngày, nhìn vào app sẽ biết mọi thông tin, từ thức ăn còn hay thiếu, ngày khám sức khỏe cho vật nuôi và ngày chích ngừa, ngày bắt đầu nuôi, ngày xuất chuồng...”.

Nguyễn Tùng Lâm cho biết sau khi ứng dụng CNTT vào hệ thống trang trại lợn, năng suất đã tăng khoảng 60-70%. “Công nghệ đã giúp thay đổi rất nhiều thứ trong nông nghiệp. Và đó là sự thay đổi theo hướng tích cực, bền vững”, Lâm nói.

Vũ Thị Phương Thanh, một kỹ sư nông nghiệp hiện đang làm việc trong một dự án phi lợi nhuận, cho biết dù không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp với các chuyên gia nông nghiệp, tuy nhiên người nông dân hoàn toàn có thể giao tiếp với chuyên gia qua ... ứng dụng. Cụ thể, với nền tảng Nông nghiệp thông minh mobiAgri là nền tảng số kết nối người nông dân với chuyên gia nông nghiệp để thu thập, dán nhãn dữ liệu theo hình thức đóng góp của cộng đồng.

Nền tảng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ phân tích, phát hiện sớm bệnh dịch cho cây trồng, vật nuôi để đưa ra khuyến cáo, cách phòng trừ hiệu quả. Chẳng hạn, khi phát hiện cây trồng, vật nuôi có những biểu hiện bất thường, như chuyển đổi màu sắc hay xuất hiện đốm lạ, nông dân có thể chụp ảnh và tải lên ứng dụng, nhờ các chuyên gia giải thích và chẩn đoán bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Ứng dụng vừa giúp kết nối nông dân với chuyên gia, đồng thời cũng tạo ra cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giúp các chuyên gia nhận biết những sâu bệnh hại nào đang hiện hữu trên các cây trồng, sau đó kết hợp dữ liệu đó với những dữ liệu về dự báo thời tiết, để có thể sớm đưa ra những cảnh báo hoặc phòng ngừa hữu ích.

Và những câu chuyện truyền cảm hứng...

Không ít những câu chuyện của các bạn trẻ xuất thân từ nông nghiệp, nông thôn và với sức trẻ, với ý chí và niềm đam mê học hỏi, đã ứng dụng CNTT thành công vào các sản phẩm nông nghiệp, đưa đặc sản địa phương đi khắp mọi miền tổ quốc, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Đó là những câu chuyện thực sự truyền cảm hứng, mang lại niềm tin mạnh mẽ về một tương lai tươi sáng, dưới sự chắp cánh của các công nghệ hiện đại, biến đặc sản quê hương trở thành niềm tự hào của mỗi người con đất Việt.

Từ những vụ mùa cà chua chỉ mang về ... 14 ly chè, đến ước mơ phát triển TMĐT nông thôn

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Luật Kinh doanh năm 2007, Võ Đặng Thành Trung ra trường và làm cho một công ty logistics của Nhật Bản. Sau 3 năm, Trung quyết định nghỉ việc để phát triển cửa hàng hải sản và tham gia phát triển bán hàng nội địa và xuất khẩu cho Công ty CP Chế biến & Xuất khẩu nước mắm Phan Thiết - Mũi Né, một công ty của người dì. Trong câu chuyện chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Trung “khoe” rằng “quê em có nhà máy sản xuất nước mắm Phan Thiết ở KCN nước mắm ở Phú Hài, TP. Phan Thiết, đó là một đặc sản nổi tiếng của Bình Thuận ngoài trái Thanh Long và em muốn chắp cánh cho sản vật quê hương mình được nhiều người biết đến”. Hiện nay, nước mắm Phan Thiết - Mũi Né đã có 3 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang xuất khẩu Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật, Nga và Trung Quốc.

“Em xuất thân từ vùng nông thôn (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), hồi nhỏ ba mẹ nghỉ làm nhà nước về làm nông. Em nhớ nhất hồi em còn nhỏ, có mấy ông bán giống cà chua bi về hợp tác xã, kêu bà con "trồng đi, trồng đi rồi bao tiêu (đảm bảo phần tiêu thụ)", Trung kể. “Nhưng mà ngày đó là khoảng năm 1995-96, trồng cà chua bi và mọi người ở quê vẫn chưa quen tiêu thụ loại cà chua này, vì thế bà con trồng xong rồi không biết bán cho ai. Ở nông thôn, người dân thường có kế hoạch chi tiêu cho cả gia đình đợi vào ngày mùa, thu hoạch bán xong sẽ dành tiền mua quần áo mới cho con, mua sắm ăn tết, mua giống và phân bón cho đợt sau. Nhưng mùa cà chua đó, người bán giống biệt tăm, người dân ở quê em phải nhổ bỏ, nhà e chỉ bán được 7.000 đồng ở chợ cho cả 2000m2 (2 sào). Lúc đó, một ly chè giá là 500 đồng. Như vậy là cả mùa cà chua, người dân chỉ thu được tương đương 14 ly chè”.

Trồng ra nông sản nhưng không tiêu thụ được, người nông dân rất khổ và khổ nhất là phụ nữ, bởi vì áp lực kiếm tiền và chi tiêu cho gia đình, con cái đè lên họ, nhiều gia đình vướng vào tín dụng đen, gia đình ly tán, tự tử, bỏ xứ đi nơi khác. Trong khi đó, nhiều nam giới, đàn ông ở nông thôn lâm vào tệ nạn rượu chè, cờ bạc, mại dâm... do có nhiều thời gian rảnh.

May mắn, Trung được lên Sài Gòn đi học từ sớm, vào năm lớp 11, nên có nhiều cơ hội tự học tiếng Anh, tiếp cận nhiều kiến thức mới qua Internet. Thời đó, trẻ em ở quê không đi học thì cứ tầm 12 - 14 tuổi sẽ đi làm thuê để kiếm tiền như đi biển, đi lặn, chăn bò mướn. Đi làm kiếm tiền, có tiền nhưng họ lại tiêu hết, mua điện thoại, mua xe và không đầu tư vào giáo dục hay nghề nghiệp, và thực tế là họ muốn đầu tư cũng không biết phải đầu tư vào cái gì vì ở nông thôn không có các cơ sở đào tạo nghề ngắn hạn.

Cũng chính vì chứng kiến và thấu hiểu đời sống của người dân nông thôn ở quê hương và những khó khăn khi xây dựng kênh phân phối nước mắm nội địa theo cách truyền thống nên Trung mơ ước xây dựng kênh phân phối riêng,

bán các mặt hàng nông sản, đặc biệt là gắn kết, tạo công ăn việc làm cho những người dân ở quê, giúp họ thay đổi tư duy, đào tạo cho họ cách kiếm tiền, để họ có lợi nhuận và đầu tư cho con cái đi học đến nơi đến chốn. Như thế mới thay đổi được cả cuộc đời của họ, thay đổi được cuộc sống của con cái và của cả gia đình.

Ngoài việc là trợ lý Tổng giám đốc, phụ trách kinh doanh quốc tế, của Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất khẩu nước mắm Phan Thiết - Mũi Né ở P. Phú Hài, TP. Phan Thiết, Bình Thuận, Võ Đặng Thành Trung đã thành lập Công ty TNHH Womart D2C Việt Nam từ 2019 với mô hình TMĐT nông thôn dựa trên 4 mảng cốt lõi là: Logistics Cross Border E-Commerce (TMĐT xuyên quốc gia); chuyển phát nhanh nội địa chuyên biệt cho hàng nông, thủy, hải sản; triển khai Odoo ERP để quản trị; CĐS cho DN sản xuất nhỏ, các dịch vụ hỗ trợ nông dân làm TMĐT như chụp ảnh, quảng cáo đa nền tảng, vận hành sàn TMĐT.

Tuy vậy, việc giúp đỡ người dân có thể tự thao tác, bán sản phẩm qua mạng Internet không hề dễ, bởi vì họ sẽ phải học rất nhiều thứ, từ kỹ năng chụp ảnh đến marketing, rồi vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, rất dễ hư hỏng nếu không vận chuyển đúng cách và kịp thời.

“Người dân cần có kỹ năng về chụp ảnh, chụp sao cho bức hình đẹp và đầy đủ thông tin về sản phẩm, để có thể bán qua kênh online, làm sao để người mua hàng ở xa, không trực tiếp sờ vào sản phẩm nhưng nhìn qua bức ảnh, họ có thể hình dung ra sản phẩm và cảm thấy hấp dẫn, quyết định mua hàng và phải có kênh vận chuyển, đóng gói, giao hàng chuyên biệt để làm hài lòng người tiêu dùng”, Trung nói. Trong khi đó, hầu hết người nông dân hầu như chỉ muốn bán sản phẩm và thu tiền nhanh.

Chính vì vậy, Womart D2C Việt Nam đã triển khai mô hình thiết lập Điểm dịch vụ Womart. Đó là các trung tâm hỗ trợ nhà bán hàng ở nông thôn ngay tại địa phương và kết hợp với Hội Phụ nữ, Hội Khuyến nông, Đoàn Thanh Niên để hướng dẫn người dân bán hàng, cung cấp dịch vụ qua kênh TMĐT. Trong đó, Trung chú trọng hỗ trợ, tư vấn cho con em nông dân, vì các em còn trẻ nên có thể học hỏi nhanh và yêu thích công việc liên quan đến công nghệ. Tiêu thụ hàng hóa, mang lại thu nhập sẽ giúp người dân thay đổi tư duy pháp lý cộng đồng, từ đó thay đổi cuộc sống và đầu tư nhiều hơn và giáo dục, học vấn cho con cái. Hiện Womart đang triển khai các điểm dịch vụ Womart và sẽ thí điểm ở một số nơi như huyện Tuy Phong, huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận và huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam trong đầu năm 2023.

CNTT và đổi mới sáng tạo chắp cánh những ước mơ...

Câu chuyện về “cô gái thịt chua Phú Thọ” đã được nhiều người biết đến, và trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng trong Chương trình Dấu ấn TECHFEST 2022 vừa qua. Nguyễn Thị Thu Hoa là một cô gái người dân tộc Mường, đã sáng lập và điều hành doanh nghiệp Trường Foods với sản phẩm là đặc sản thịt chua, hiện đã có hơn 70.000 điểm bán trên cả nước. Câu chuyện của bạn Hoa đến từ nỗ lực cá nhân phát hiện, khai thác thế mạnh của địa phương, sử dụng công nghệ và các giải pháp sáng tạo để tạo ra lợi thế cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng.

techfest.png

“Cô gái thịt chua Phú Thọ” Nguyễn Thị Thu Hoa chia sẻ tại Chương trình Dấu ấn TECHFEST 2022.

Chia sẻ tại Chương trình Dấu ấn TECHFEST 2022 vừa qua, Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết đã khởi nghiệp vào năm 18 tuổi, với mục tiêu ban đầu là có thu nhập cho gia đình. Nhưng rồi, “thịt chua đã ngấm vào trong tôi lúc nào không biết, khiến tôi yêu nó, đam mê nó và mong muốn lan tỏa đặc sản thịt chua đến mọi miền Tổ quốc”, Thu Hoa nói.

Ước mơ "lan tỏa thịt chua đến mọi miền Tổ quốc" được Thu Hoa dần dần thực hiện và có những thành công ban đầu. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến mọi thứ bị chùng xuống, doanh số giảm mạnh. Thu Hoa quyết định chuyển đổi mô hình bán hàng truyền thống sang mô hình bán hàng online và đã thực sự thành công với bước chuyển đổi này. Cho đến nay, dù dịch COVID-19 đã lắng xuống và được kiểm soát, song thịt chua Phú Thọ vẫn tiếp tục được phân phối đến người tiêu dùng qua kênh bán hàng TMĐT. Cô gái người Mường đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân địa phương và giúp cho bà con có cuộc sống tốt hơn.

Nhắn nhủ đến các bạn trẻ trên cả nước, Nguyễn Thị Thu Hoa “rủ” mọi người hãy sẵn sàng khởi nghiệp bằng chính thế mạnh của địa phương. "Chỉ cần các bạn áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo vào phát triển sản phẩm cũng như mô hình kinh doanh, tôi tin chắc rằng các bạn còn phát triển hơn chúng tôi rất nhiều", Hoa nói.

Trong khi đó, chặng đường khởi nghiệp của chàng trai Bình Thuận Võ Đặng Thành Trung vẫn còn dài ở phía trước. Với tri thức sau khi được đi học và làm việc, sức mạnh giúp Trung thực hiện ước mơ chính là quan niệm TMĐT nông thôn là phải dùng TMĐT để thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển. Và điều đáng nói, mục đích cuối cùng là tạo thu nhập cho người dân, để từ đó cùng họ thúc đẩy giáo dục, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn Việt Nam và thế giới, thay đổi tư duy pháp lý cộng đồng cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em để họ luôn có góc nhìn đúng đắn dựa trên pháp lý khi xử lý mọi tình huống và tự bảo vệ mình.

Trung khẳng định: “Để thay đổi tư duy, phải giúp họ có thu nhập. Với người nông dân, cách hiệu quả nhất là giúp họ có thu nhập qua việc kinh doanh nông sản, các sản phẩm của gia đình, dịch vụ do họ sản xuất ra, thông qua kênh TMĐT để bán đi cả nước”.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)

Huyền Thương