Đại học số: khi sinh viên được đào tạo theo năng lực

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 12:12, 07/02/2023

Đại học (ĐH) số không chỉ còn là xu hướng mà đã thực tế tại nhiều trường ở Việt Nam. Học tập trong môi trường ĐH số đang là cách tiếp cận mới mẻ hơn đối với sinh viên. Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đang viết nên những câu chuyện về học tập, trải nghiệm của mình trong môi trường ĐH số.
Chuyển đổi số

Đại học số: khi sinh viên được đào tạo theo năng lực

Lan Phương 07/02/2023 12:12

Đại học (ĐH) số không chỉ còn là xu hướng mà đã thực tế tại nhiều trường ở Việt Nam. Học tập trong môi trường ĐH số đang là cách tiếp cận mới mẻ hơn đối với sinh viên. Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đang viết nên những câu chuyện về học tập, trải nghiệm của mình trong môi trường ĐH số.

Cách tiếp cận tri thức mới mẻ hơn

Hẹn gặp trực tiếp mãi trong những ngày cuối năm 2022, cuối cùng bởi những guồng quay công việc, học tập, tôi vẫn phải trao đổi với Nguyễn Thị Vy Anh, thủ khoa ngành thương mại điện tử (TMĐT) khóa D18 của Học viện theo cách trực tuyến nhiều hơn về quãng thời gian học tập khi là sinh viên tại Học viện.

vy-anh.jpg

Nguyễn Thị Vy Anh, sinh viên D18CQTM Đại học chính quy ngành TMĐT

Nhớ lại khoảng thời gian học tập đáng nhớ, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra, Vy Anh chia sẻ việc phải tiếp xúc với một cách dạy và học mới đòi hỏi em cần tìm ra những cách tiếp cận tri thức mới mẻ hơn, bằng cách tìm hiểu và tiếp xúc với nhiều phần mềm hỗ trợ trong việc học tập. “Việc học tập trở nên thú vị hơn rất nhiều khi chúng em có thể tạo ra nội dung bằng việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ việc làm video truyền tải thông tin, các phần mềm giúp tạo trò chơi tương tác,... Từ đó chúng em có thêm kỹ năng sử dụng và khai thác các phần mềm khác nhau phù hợp với mục đích của mình”.

Đối với những kỳ học có nhiều môn học với khối lượng thông tin lớn, sinh viên chúng em muốn học tập hiệu quả cần phải biết sắp xếp và lưu trữ thông tin làm sao để tiện tra cứu, nhất là khi trong thời điểm dịch bệnh, các tài liệu học tập đều được lưu trữ và truy cập trên không gian số. Những kỹ năng cơ bản như tìm kiếm, lọc và quản lý dữ liệu từ đó mà dần dần được nâng cao hơn. Ngoài ra, Học viện có các cuộc thi như “Sinh viên Nghiên cứu Khoa học” tạo điều kiện cho sinh viên biết cách truy cập nguồn thông tin khổng lồ, đồng thời phải biết cách chọn lọc thông tin hữu ích và sử dụng chúng một cách phù hợp.

Thêm nữa, theo Vy Anh, trong môi trường số với vô vàn nguồn thông tin và tri thức sẵn có, việc tôn trọng tri thức và bản quyền cũng được các thầy, cô nhấn mạnh nên sinh viên ngành TMĐT chúng em luôn ý thức trong các bài làm của mình đều cần phải trích dẫn nguồn cụ thể, và việc sử dụng những nội dung số phải được sự cho phép của tác giả.

Chi tiết hơn, Vy Anh cho biết trong chương trình học tập của ngành TMĐT có học phần “An toàn dữ liệu và bảo mật trong TMĐT” đã giúp chúng em trang bị được những hiểu biết về an toàn trong môi trường số cũng như nhận thức được các nguy cơ và rủi ro của công nghệ cùng với đó là các biện pháp bảo vệ mình trong thời đại số.

Không chỉ có vậy, ngay từ năm thứ 3, chúng em đã có học phần “Khởi sự kinh doanh TMĐT” đòi hỏi chúng em lập một bản kế hoạch kinh doanh nhưng phải có yếu tố “số” trong đó. Vì thế, chúng em đã được trang bị bước đầu kiến thức về việc phân tích và đánh giá dữ liệu trong một lĩnh vực/ngành nghề cụ thể và thực hành việc đổi mới sáng tạo để tạo ra một ý tưởng sản phẩm mới và khởi nghiệp trong môi trường số.

Riêng với bản thân, Vy Anh cho biết em luôn ý thức được tầm quan trọng của việc học với sự phát triển cá nhân nên em còn tìm kiếm các cơ hội học tập trong môi trường trực tuyến với các nền tảng học trực tuyến mở (MOOCs) như Coursera, Udemy, EdX,... “Công nghệ ngày nay thay đổi nhanh chóng nên việc tự trang bị thêm những kiến thức mới khiến em có cái nhìn rộng hơn, từ đó hiểu thêm được nhiều nhu cầu và khám phá ra nhiều sở thích của bản thân đồng thời còn là chuẩn bị cho bản thân một hành trang đầy kỹ năng và năng lực”.

Vy Anh cũng nghĩ rằng, không chỉ sinh viên ngành TMĐT được tiếp cận môi trường số, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành. “Tất cả sinh viên và nhà trường đều phải có những hướng đi làm quen với môi trường số nói riêng và chuyển đổi số (CĐS) nói chung”.

Chia sẻ về Học viện đang triển khai CĐS và ĐH số mạnh mẽ trong không chỉ trong dạy, học và các công tác học vụ, Vy Anh cho biết chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, em có thể xem thời khóa biểu, tiến trình học tập, tài liệu số, lịch học, lịch thi thông qua một ứng dụng điện thoại (PTIT S-link) do Học viện mới triển khai. Nhờ đó, em có thể ngồi ở bất cứ đâu và tương tác với toàn bộ quá trình đào tạo. Em có thể dễ dàng kiểm tra hoặc được nhận thông báo hôm nay mình học lớp nào, phòng nào, học môn gì, giảng viên là ai,... Ngoài ra, sau những kỳ thi, sinh viên đều có thể dễ dàng có tra cứu điểm thi ngay trên ứng dụng (app) của điện thoại thông minh.

Vy Anh cũng hứng khởi chia sẻ: Các thủ tục hành chính, các khảo sát về chất lượng học tập, giảng dạy của nhà trường đều được sinh viên thực hiện trên ứng dụng di động (app mobile) khiến mọi thứ đơn giản và tối ưu hơn. Bên cạnh đó, thư viện số của nhà trường giúp sinh viên như em dễ dàng truy cập các tài liệu học tập một cách nhanh chóng và mọi lúc mọi nơi. Việc tra cứu các tài liệu phục vụ cho học tập và nghiên cứu đều được các bạn sinh viên như em thực hiện dễ dàng tại nhà mà không cần đến thư viện truyền thống trong trường.

Chia sẻ về thuận lợi trong học tập qua môi trường số, Vy Anh cho biết khi các tài liệu, giáo trình được số hóa và được đưa lên các nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập đã tạo điều kiện rất nhiều cho sinh viên nói chung và bản thân em nói riêng khi có thể dễ dàng truy cập mọi lúc mọi nơi. Việc tự xây dựng cho mình lộ trình học tập và việc chủ động học tập được hỗ trợ rất nhiều khi nhà trường ứng dụng công nghệ số vào học tập và giảng dạy.

Ngoài ra, khi công nghệ phát triển, sinh viên dễ dàng chia sẻ với nhau các nội dung kiến thức thu thập được thông qua các phương tiện công nghệ để hoàn thành các bài tập và nhiệm vụ được giao. Việc dạy và học không còn cứng nhắc khi các giảng viên đều sử dụng nhiều công cụ đa phương tiện khác nhau để hỗ trợ sinh viên tiếp thu các nội dung học tập.

Trong môi trường số, giảng viên không phải là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất mà giảng viên là người định hướng cho sinh viên tìm hiểu vấn đề, sinh viên chủ động tìm các nguồn tư liệu dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ và chia sẻ với các sinh viên khác. Điều này tạo ra tương tác hai chiều, giúp giảng viên giảng dạy hiệu quả hơn và sinh viên chủ động tham gia vào nội dung học tập, từ đó tăng tính độc lập sáng tạo.

Thực tế là, phần lớn giáo trình, bài giảng đã được số hóa nhưng vẫn chưa được cập nhật thường xuyên, vẫn chưa có nhiều học liệu chứa đựng các thông tin mới. Vy Anh bày tỏ mong muốn nhà trường chú trọng vào việc số hóa những học liệu mới, xây dựng một thư viện số với nguồn tài liệu phong phú, đáp ứng nhu cầu kịp thời cho người học. Ngoài ra, trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà trường có thể kết nối với những thư viện của các cơ sở đào tạo khác tạo thành một mạng lưới thư viện. Điều này tạo điều kiện lớn cho sinh viên tiếp cận kho học liệu dùng chung khổng lồ.

Việc xây dựng tài liệu số phong phú cũng như kết nối với các thư viện số khác sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong các trường ĐH. “Để làm được điều này ngoài những nỗ lực của cán bộ thư viện tại các thư viện ĐH, cũng cần phải có sự quan tâm chỉ đạo và định hướng từ các cấp lãnh đạo của nhà trường, của các bộ, ban, ngành liên quan”, Vy Anh cho hay.

Trước trao đổi khi giao tiếp số, nhiều hoạt động lên môi trường số, người trẻ có thấy áp lực trong môi trường số, Vy Anh cho biết ngay thế hệ của em là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời đại số - thời đại mà các công nghệ hiện đại, các thiết bị thông minh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, bản thân em cũng đã từng cảm thấy rất mệt mỏi khi luôn phải hiện diện trên môi trường số vì sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ những gì đang xảy ra ngoài kia. Tuy nhiên, lúc cần thiết em vẫn ngắt kết nối và biết ưu tiên cho những gì quan trọng.

Tuy nhiên, “em cũng nhận thấy môi trường số mang lại tính ưu việt, tạo điều kiện cho con người tạo ra các tương tác, trao đổi ý kiến và chia sẻ thông tin một cách đa chiều, tức thời hơn. Các rào cản khi con người tương tác trong không gian thực dường như bị tháo bỏ trong môi trường số. Chính vì vậy, việc trang bị những năng lực số cho bản thân là điều tất yếu cần cho sự thích ứng với đời sống trong kỷ nguyên số”, Vy Anh chia sẻ.

Môi trường truyền cảm hứng

Cũng với hứng khởi ấy và trước xu hướng tất yếu của thời đại là làm việc, học tập và thực hiện nhiều giao tiếp trên môi trường số, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, sinh viên năm thứ hai chuyên ngành Công nghệ Tài chính (fintech), Khoa Tài chính kế toán 1 - PTIT chia sẻ trong thời đại công nghệ số hiện nay, công nghệ là cốt yếu trong mọi lĩnh vực, việc sử dụng công nghệ thông tin để ứng dụng vào các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, nghiệp vụ tài chính,...và các hoạt động khác sẽ có thể nâng cao được năng suất, chất lượng, hiệu quả của các hoạt động đó. Ngành Fintech của Học viện được xây dựng lên để đón đầu xu thế ấy, nên em đã lựa chọn theo học và cảm thấy chương trình đào tạo của ngành khá là cân bằng giữa hai yếu tố chính là công nghệ và tài chính. “Các môn học đều có tính ứng dụng cao, làm nền tảng quan trọng để phát triển và ứng dụng công nghệ trong tương lai”, Minh Nguyệt chia sẻ.

minh-nguyet.jpg

Minh Nguyệt - sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành fintech - Khoa Tài chính Kế toán 1

Về học tập và được hướng dẫn, trang bị các kỹ năng, năng lực số, Minh Nguyệt cho biết các em luôn được thầy, cô nhắc nhở về việc học tập chủ động, nghiêm túc và sáng tạo để có nền tảng kiến thức vững chắc. Các môn học luôn được thực hành song song với lý thuyết. Ngoài ra, Học viện cũng thường xuyên tổ chức các buổi diễn đàn, các cuộc thi liên quan đến công nghệ số. Thầy, cô trong Khoa Tài chính Kế toán 1 của chúng em cũng hết sức quan tâm và luôn tạo điều kiện, mở ra các buổi hội thảo chia sẻ, truyền cảm hứng của những diễn giả đến từ cả trong và ngoài nước như tọa đàm “Fintech Career and Study Opportunities”, “Seminar Fintech”,... giúp sinh viên có được năng lực số cần thiết để học tập, làm việc và tham gia giao tiếp xã hội một cách tích cực và an toàn trong môi trường số.

Đối với sự chủ động của bản thân trong học tập trong môi trường số, Minh Nguyệt cho biết việc học tập trở nên tiện lợi giúp các em tăng sự chủ động hơn rất nhiều. “Em và các bạn sinh viên trong khoa có thể hoạt động, học nhóm và trao đổi trực tuyến (online), tìm kiếm các thông tin, tài liệu thông qua thư viện số của Học viện. Nếu có khúc mắc thì chúng em cũng có thể trao đổi trực tuyến với các giảng viên để được thầy cô hỗ trợ và giúp đỡ một cách nhanh nhất”.

Bên cạnh đó, Minh Nguyệt cho biết Học viện đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, có các hệ thống như trung tâm dữ liệu (data center), trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm và thực hành,... hỗ trợ sinh viên được sử dụng những thiết bị học tập hiện đại, luôn được cập nhật trong thời đại công nghệ số. Bên cạnh đó, thông qua các nền tảng số, việc đăng ký tín chỉ, nhập học của trường trở nên nhanh chóng, thuận tiện cũng như tra cứu điểm, tài liệu hay thông tin thì sinh viên cũng có thể thao tác dễ dàng hơn qua các ứng dụng nhà trường cung cấp. Học viện cũng tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận nhà tuyển dụng để hiểu rõ và cọ xát môi trường làm việc thực tế. Các hoạt động đoàn thể, câu lạc bộ trong trường cũng diễn ra rất sôi nổi để sinh viên có thể phát triển thêm về kỹ năng hoạt động nhóm, xử lý tình huống,...

Với những điều kiện thuận lợi trong môi trường ĐH số như vậy, Minh Nguyệt cho biết là một sinh viên, thế hệ trẻ, em nghĩ mình sẽ cần phải cố gắng học tập thật tốt, luôn luôn bắt kịp và thích nghi với những đổi mới. Bên cạnh đó, để đối mặt với những thách thức, cạnh tranh của thời đại công nghệ 4.0, sinh viên cũng cần phải trang bị đầy đủ vốn kiến thức và hành trang để có thể tự tin, vững vàng hơn trong tương lai.

Nhiều thuận lợi cho việc học tập

Là sinh viên năm thứ ba và là Bí thư Đoàn khoa CNTT 1 của Học viện, Nguyễn Thành Hưng cho biết Internet có rất nhiều thông tin cơ bản về ngành học CNTT, việc tự học là kỹ năng cần có. Ngoài ra, sinh viên CNTT được học, thực hành và chấm code tự động bằng máy qua trang web code.ptit.edu.vn để luyện tập và thi trên đó thay vì phải code trên giấy. “Theo như em được biết thì Học viện là trường đầu tiên có trang web code như thế này”, Thành Hưng chia sẻ.

Bên cạnh đó, sinh viên CNTT của Học viện có thể làm thực hành ngay ở nhà mà không cần giám sát vì đã có tích hợp chống gian lận. Học viện cũng có hệ thống phòng lab khá tốt tạo thuận lợi cho sinh viên CNTT.

nguyen-thanh-hung.jpg

Nguyễn Thành Hưng, sinh viên năm thứ ba là Bí thư Đoàn khoa CNTT 1

Với môi trường ĐH số của Học viện, Hưng chia sẻ việc xin giấy tờ cá nhân được thực hiện qua app. Các thủ tục xin giấy xác nhận học tập hay các giấy tờ liên quan đến sinh viên thay vì tới văn phòng một cửa thì sinh viên có thể điền thông tin trên app và tới khi hoàn thành thì đến lấy luôn chứ không cần tới trực tiếp trường.

Cũng như Vy Anh và Minh Nguyệt, Thành Hưng cho biết Học viện có app PTIT-Slink, giúp sinh viên xem được thời khóa biểu, nhắc nhở sinh viên khi có lịch học, hay có thể đặt nước uống trong trường thông qua app này. Trên app cũng thông báo điểm thi để sinh viên có thể xem luôn và cả có thể phúc khảo bài thi. “Với app PTIT -Slink, sinh viên Học viện không cần đến trực tiếp trường để làm các thủ tục. Điều này khá thuận tiện và tiết kiệm thời gian”.

Với mong muốn tiếp thu kiến thức ngay trên lớp, Thành Hưng bày tỏ mong muốn thầy, cô của Học viện có thể quay video bài giảng để sinh viên có thể xem lại và cũng thuận tiện cho sinh viên ôn tập cuối kỳ. Thành Hưng cũng chia sẻ nhỏ do học theo mô hình tín chỉ nên việc gắn kết trực tiếp với bạn bè cũng khó hơn.

Sẽ còn nhiều những câu chuyện về học tập, trao đổi, hưởng thụ môi trường ĐH số như của Vy Anh, Minh Nguyệt, Thành Hưng bởi tôi tin mỗi sinh viên đều có cách tiếp cận của riêng mình cho học tập, rèn luyện kỹ năng, giao tiếp và tương tác trong môi trường ĐH số.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)

Lan Phương