Đầu tư vào chuyển đổi số tại Trung Đông sẽ tăng mạnh
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 18:33, 24/12/2022
Đầu tư vào chuyển đổi số tại Trung Đông sẽ tăng mạnh
Chi tiêu cho các sáng kiến chuyển đổi số (CĐS) dự kiến sẽ tăng với tốc độ gộp hàng năm khoảng 16% trong khoảng thời gian 5 năm cho đến năm 2026.
Đầu tư vào CĐS trên khắp khu vực Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Phi dự kiến sẽ vượt 74 tỷ USD vào năm 2026, giúp các tổ chức đạt được sự ổn định và tăng trưởng lâu dài, một nghiên cứu mới từ Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) cho biết.
Chi tiêu cho các sáng kiến CĐS dự kiến sẽ tăng với tốc độ kép hàng năm khoảng 16% trong khoảng thời gian 5 năm cho đến năm 2026 và sẽ chiếm hơn 43% tổng đầu tư vào công nghệ thông tin và truyền thông, công ty nghiên cứu của Mỹ cho biết. Tốc độ tăng trưởng đó sẽ hơn gấp đôi trong giai đoạn 2021 - 2026.
Jyoti Lalchandani, Phó chủ tịch nhóm và giám đốc điều hành khu vực này tại IDC cho biết, đối với nhiều tổ chức, khoản chi tiêu mà họ khởi xướng khi bắt đầu đại dịch COVID-19 đã giúp họ có vị thế tốt hơn để ứng phó và thích nghi với bối cảnh kinh tế đang thay đổi nhanh chóng.
Ông nói: “Các khoản đầu tư vào công nghệ số mà họ đã thực hiện trong đại dịch để xây dựng khả năng phục hồi sẽ được phát huy tác dụng vào năm 2023 trên các khía cạnh kinh doanh chính như trải nghiệm khách hàng, hoạt động và quản lý tài chính, cùng những khía cạnh khác. Việc triển khai số hóa hơn nữa trong các lĩnh vực quan trọng và chuyển đổi nhanh hơn sang cách tiếp cận kinh doanh số sẽ là chìa khóa sức bật của các công ty”.
Các doanh nghiệp và chính phủ đã ca ngợi vai trò quan trọng của CĐS đối với nền kinh tế và xã hội, khi thế giới chuẩn bị cho một tương lai chủ yếu được hỗ trợ bởi công nghệ.
Theo dữ liệu từ Grand View Research, thị trường CĐS toàn cầu dự đoán sẽ đạt khoảng 3,95 nghìn tỷ USD vào năm 2030, từ khoảng 608 tỷ USD vào năm ngoái, tăng trưởng với tốc độ gộp hàng năm hơn 23%.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Ả Rập, đã triển khai một số sáng kiến nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ trong các hoạt động và giao dịch hàng ngày, đồng thời là những nước đi đầu trong khu vực trên mặt trận này.
Theo trang The Economist, với sự biến động khó lường về địa chính trị quốc tế và đại dịch gần đây, một thực tế kinh tế mới đã xuất hiện. Khi nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng COVID-19, các chính phủ phải tiếp tục tái cơ cấu các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế để thúc đẩy phát triển.
Nghiên cứu của IDC cho biết tự động hóa sẽ đi đầu quy trình, từ đó sẽ giúp giảm chi phí hoạt động, giải quyết các thách thức và thiếu hụt lao động, đồng thời tăng tốc độ đổi mới./.