Quản lý mở để doanh nghiệp linh hoạt và hiệu quả
Diễn đàn - Ngày đăng : 11:37, 25/12/2022
Quản lý mở để doanh nghiệp linh hoạt và hiệu quả
Trong bài viết, tác giả lý giải sự cần thiết trở thành doanh nghiệp linh hoạt, khái niệm khá mới ở Việt Nam trong đó nhấn mạnh đến việc “thích ứng và gắn kết một cách bền vững”. Tác giả cũng nêu 3 đặc điểm của doanh nghiệp linh hoạt: Những người làm việc trong đó hạnh phúc; Các hệ thống làm việc tinh gọn và hiệu quả;
Tóm tắt nội dung:
- Linh hoạt trong kinh doanh là khả năng và sự sẵn sàng của một tổ chức để thích nghi, tạo ra và thúc đẩy sự thay đổi vì lợi ích khách hàng.
- Trong doanh nghiệp linh hoạt, hệ thống được xây dựng trên cơ sở minh bạch và quản lý mở (Open Management): Minh bạch về mục đích, mục tiêu chiến lược và tầm nhìn; Các dòng chảy công việc và dòng chảy thông tin minh bạch; Ra quyết định minh bạch; Minh bạch về tài chính và sự đãi ngộ.
Tác giả trích dẫn
Vì sao cần trở thành doanh nghiệp linh hoạt?
Thế giới đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Các tổ chức thuộc mọi quy mô đang đấu tranh để duy trì sự liên quan trong mắt khách hàng và xã hội. Khách hàng có nhiều thông tin hơn và kỳ
vọng của họ cao hơn bao giờ hết. Nhân viên cũng đòi hỏi sự rõ ràng hơn, muốn được trao quyền và biết ý nghĩa trong công việc họ làm.
Chỉ những tổ chức có hiệu suất cao, có sự thích nghi và linh
hoạt sẽ phát triển mạnh trong thị trường không thể đoán trước này.
Chúng tôi gọi là sự linh hoạt trong doanh nghiệp. Nói một cách đơn giản nhất thì sự linh hoạt trong kinh doanh là khả năng và sự sẵn sàng của một tổ chức để thích nghi, tạo ra và thúc đẩy sự thay đổi vì lợi ích khách hàng. Tuyên bố đơn giản này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong tư duy là cần thiết cho các tổ chức linh hoạt. Điều
này sẽ giúp bạn phản ứng chính xác hơn, có thể dự đoán trước khi thị trường phản hồi tới bạn.
Xây dựng một doanh nghiệp linh hoạt giúp chúng ta thích ứng và gắn kết một cách bền vững, điều này cũng chỉ dẫn cho chúng ta cách tiến về tương lai. Đó là mô hình hoạt động khuếch đại khả năng thích ứng và đáp ứng trong mọi lĩnh vực kinh doanh của bạn.
Chúng ta cần nhận thức được rằng một tổ chức là một hệ thống thích ứng phức tạp và sự linh hoạt phải là trách nhiệm của mọi người. Điều đó có nghĩa là, mức độ linh hoạt của một tổ chức chỉ bằng bộ phận kém linh hoạt nhất trong tổ chức đó.
Để cải tiến từ doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp linh hoạt đòi hỏi nhiều hơn là việc dán nhãn trên trang web của công ty và tự nhận là doanh nghiệp linh hoạt (Agile Enterprise). Nó cũng không phải là “viên đạn bạc”, cũng không là thuốc tiên chỉ cần tiêm một mũi, tiêm xong đảm bảo thành công ngay lập tức.
Để trở nên linh hoạt đòi hỏi sự sẵn sàng cho một sự thay đổi về tư duy, sự cởi mở để thay đổi các cách làm việc lâu dài, cam kết gắn với nó, tuân thủ theo nó để phát triển bền vững và thành công.
Một doanh nghiệp linh hoạt trông như thế nào?
Hình dưới đây Teal Unicorn mô tả một doanh nghiệp linh hoạt trông như thế nào. Theo Teal Unicorn thì một doanh nghiệp linh hoạt có 3 đặc điểm chính sau đây:
Những người làm việc trong đó hạnh phúc: Khi nhân viên hạnh phúc, họ sẽ chăm sóc khách hàng của bạn một cách tốt nhất và làm cho khách hàng hân hoan. Khi khách hàng hân hoan doanh số, lợi
nhuận sẽ đến như một kết quả. Doanh nghiệp sẽ phát triển liên tục và bền vững.
Các hệ thống làm việc tinh gọn và hiệu quả: Khi hệ thống tin gọn và hiệu quả bạn sẽ tập trung vào những việc có giá trị, loại bỏ những gì vô giá trị, cồng kềnh, quan liêu.
Sự linh hoạt: Khi linh hoạt bạn sẽ luôn có khả năng thay đổi thật nhanh so với sự thay đổi của hoàn cảnh, của thị trường. Bạn chỉ có thể di chuyển và cải tiến cách bạn đang làm và những gì bạn đang làm khi con người và hệ thống của bạn có sự linh hoạt.
Mô hình này đơn giản bắt đầu từ việc lấy khách hàng làm trung tâm. Doanh nghiệp linh hoạt hướng mọi hoạt động của mình vào việc làm cho khách hàng hân hoan và nhân viên hạnh phúc. Vì
vậy việc quản lý sẽ tập trung vào kết quả mong muốn đó.
Doanh nghiệp linh hoạt hướng tới một nền văn hoá mà ở đó con người được đối xử công bằng, được tôn trọng, được quan tâm chia sẻ và thường xuyên khích lệ để họ làm tốt nhất công việc của mình.
Bên cạnh đó các hệ thống trong doanh nghiệp linh hoạt được xây dựng trên cơ sở minh bạch và quản lý mở (Open Management):
- Minh bạch về mục đích, mục tiêu chiến lược và tầm nhìn:
+ Mọi người trong tổ chức đều biết mục đích của tổ chức mình là gì.
+ Chúng ta muốn đi tới đâu.
+ Để đạt được mục đích đó chúng ta có những mục tiêu chiến lược gì.
- Các dòng chảy công việc và dòng chảy thông tin minh bạch:
+ Các dòng chảy công việc, dòng chảy thông tin được hiển thị rõ ràng để biết chỗ nào đang thông, chỗ nào đang tắc và ai đang
cản trở ai.
+ Tiến độ và kết quả công việc của các team, của toàn bộ tổ chức được hiển thị rõ ràng để tất cả mọi người trong các team và trong
toàn tổ chức biết chúng ta đang làm như thế nào.
- Ra quyết định minh bạch:
+ Những người chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ quyết định hay chính sách nào đều hiểu vì sao có những quyết định đó.
+ Họ được tham gia vào quá trình ra quyết định.
- Minh bạch về tài chính và sự đãi ngộ: + Tình hình thu - chi của tổ chức: Chúng ta có đang làm ra tiền hay không?
+ Lương thưởng: Mọi người cần được biết mức lương thưởng của bản thân và đồng nghiệp.
Tất cả những điều trên sẽ dẫn đến sự thay đổi về mặt văn hoá. Một tổ chức có sự tin tưởng cao giữa những con người trong đó, có sự nhất quán, chủ động, mọi người chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như kết quả công việc. Hơn thế nữa, chúng ta xây dựng được một tổ chức chuyên nghiệp, có tính kỷ luật cao mà trong đó các thành viên đoàn kết, gắn bó và cộng tác tốt với nhau.
Chúng ta xây dựng một tổ chức học tập. Ở đó mọi thành viên đều hiểu và có ý thức nâng cao năng lực của bản thân, họ chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm cùng nhau.
Để cải tiến một tổ chức, chúng ta không thể chỉ thay đổi một bánh răng trong một cỗ máy. Tất cả những điều trên đều quan trọng như nhau, đều cần thiết và liên quan đến nhau. Bạn khó có thể thành công trong một thị trường thay đổi liên tục trừ khi bạn phát triển sự linh hoạt trong từng lĩnh vực này và trên tất cả các lĩnh vực trong tổ chức của bạn.
Lãnh đạo của các doanh nghiệp nên làm gì?
Nếu các tổ chức khác hoạt động tốt hơn chúng ta và mang lại cho CEO hay Chủ tịch của họ một cuộc sống tốt hơn, thì chúng ta hãy nhìn vào những gì họ đang làm khác biệt và học hỏi từ đó.
Hầu hết mọi người đang làm việc với mục đích tốt nhất, họ muốn thành công. Nếu bạn đã thuê những người giỏi tới làm việc mà hiệu
quả vẫn không cao, vậy thì điều ngăn cản họ là hệ thống làm việc với các mục tiêu sai, những chính sách, quy tắc và số liệu đo lường con người không tốt.
Những hệ thống hiện tại có thể đã phát huy hiệu quả trong quá khứ không còn là những hệ thống sẽ phát huy tác dụng trong tương lai vì thế giới hiện tại là một nơi khác so với thế giới trong quá khứ.
Những điều kiện của hệ thống đó do quản lý đặt ra. Các nhà quản lý ở bên trong hệ thống cũng giống như bất kỳ nhân viên nào khác, họ cũng bị điều khiển bởi hệ thống. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi các điều kiện đã đặt ra cho họ để họ có thể quản lý theo cách khác, để mọi người có thể làm việc theo cách khác.
Không bắt đầu từ con người mà bắt đầu từ hệ thống. Đó là lý do tại sao khi tư vấn và huấn luyện cho các tổ chức chúng tôi lại tạo ra được kết quả tốt với vẫn những con người họ có trong tổ chức. Điều mà lãnh đạo các tổ chức cần hiểu là:
- Hiểu tại sao mọi người lại hành động theo cách họ hành động.
- Tìm xem những điều kiện thúc đẩy con người là gì.
- Sau đó, hãy thay đổi những điều kiện đó để có được hành vi tốt hơn mà mình muốn. Ví dụ, nếu mọi người nghĩ rằng họ sẽ bị tấn công và bị la hét thì họ chuyển sang chế độ chiến đấu hay chạy trốn. Nếu muốn họ làm tốt hãy đối xử tử tế với họ.
- Nếu hệ thống phức tạp đến mức khó làm được những điều đúng đắn thì mọi người sẽ từ bỏ việc cố gắng.
- Nếu hệ thống cố gắng ngăn chặn tuyệt đối bất kỳ rủi ro nào thì sẽ không có gì được thực hiện.
- Nếu thay đổi được coi là rủi ro thì sẽ không có gì thay đổi.
- Nếu mọi người cảm thấy được tôn trọng và cảm thấy họ là một phần của điều gì đó quan trọng họ sẽ trở nên có động lực.
Vì vậy, việc khắc phục vấn đề sẽ đến từ ban điều hành, những người đặt ra các nguyên tắc, giá trị, mục tiêu, các chính sách và hơn hết là các thước đo định hình cách mọi người hành xử.
Ở các tổ chức chúng tôi tư vấn, chúng tôi đã giúp họ thay đổi những điều này. Nghĩa là, mọi người trong tổ chức được mời tham gia cùng xây dựng các mục tiêu, hệ thống chính sách, giá trị, các phương thức đo lường… chứ không đến từ ban điều hành.
Chúng tôi đã chứng minh điều này tại những tổ chức lớn như ngân hàng, các Bộ và nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong đó các nhóm làm việc (team) được đối xử khác nhau, được giao các mục tiêu và chính sách khác nhau, được đo lường khác nhau đã mang lại những kết quả vượt trội và văn hoá tốt hơn cách truyền thống rất nhiều.
Một trong những tổ chức được chúng tôi cố vấn đã thay đổi từng bước nhỏ, đơn giản hóa toàn bộ quá trình quản lý, tập trung toàn lực vào những công việc thực sự tạo ra giá trị. Điều đó giúp họ giảm hơn 60% chi phí hoạt động hàng tháng, số nhân lực cũng giảm hơn 60% nhưng tạo ra nhiều giá trị hơn và thu nhập của nhân viên
cao hơn nhiều.
Thực tế trên thế giới đang chứng minh những tổ chức có hiệu quả hoạt động cao nhất là những tổ chức nhân văn nhất. Chúng ta đang
sống trong một thế giới liên tục thay đổi, để có thể tồn tại và phát triển, chúng ta thực sự cần phải linh hoạt - nghĩa là có khả năng thay đổi thật nhanh theo sự thay đổi của thị trường, của xã hội. Điều này đòi hỏi cả một hệ thống phải linh hoạt với những con người linh hoạt, có khả năng ứng biến.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2022)