Cảnh giác với những chiêu thức lừa đảo qua mạng
An toàn thông tin - Ngày đăng : 15:37, 30/12/2022
Cảnh giác với những chiêu thức lừa đảo qua mạng
Cùng với tốc độ số hoá về mọi mặt, bảo mật và an toàn thông tin được xem như là yếu tố cốt lõi để thực hiện hoá quá trình chuyển mình này. Đi kèm với đó, những chiêu thức lừa đảo mạng cũng trở nên tinh vi và phức tạp hơn.
Người tiêu dùng tại Việt Nam cũng như trên thế giới có xu hướng mua sắm gia tăng khi thị trường hàng hóa có dấu hiệu bình ổn và gần đến các lễ lớn cuối năm như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch.
Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2022 ước đạt 515,8 ngàn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 4/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.514,6 ngàn tỷ đồng, tăng 4,8% so với quý trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại điện tử hay các ứng dụng mua sắm được chọn là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy hoạt động tiêu dùng cuối năm, đặc biệt khi người tiêu dùng có xu hướng yêu thích hình thức mua sắm trực tuyến hơn sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây không chỉ là thời điểm mua sắm vàng và cũng là giai đoạn đỉnh điểm của các hoạt động lừa đảo trên mạng. Sau đây là một số hình thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng mà người tiêu dùng đặc biệt cần lưu ý.
Giả danh nhân viên các hãng/công ty tặng quà
Kẻ lừa đảo có được thông tin liên hệ của người mua sắm, giả mạo nhân viên bưu chính hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng của một số hãng nhờ thông tin nâng cấp gói bảo hành, thông báo chương trình khuyến mãi hoặc quà tặng.
Ngoài ra, nhiều đối tượng còn giả mạo nhân viên ngân hàng, các công ty cho vay tiền để lừa lấy thông tin cá nhân của người dùng như số an sinh xã hội, sổ đỏ,…
Đánh cắp thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội
Việc đánh cắp thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội, ứng dụng trò chuyện để vay tiền là hình thức lừa đảo khá phổ biến. Do đó, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin trao đổi, liên hệ với người quen qua các kênh thông tin khác để đảm bảo thông tin nhắn tin là đáng tin cậy.
Giả mạo các tài khoản mạng xã hội
Do nền tảng của các ứng dụng trò chuyện ứng dụng, mạng xã hội có thể dễ dàng tạo tài khoản, nhiều kẻ lừa đảo tận dụng điều này để tạo nên các tài khoản xã hội giả mạo.
Sau đó, chúng sử dụng các tài khoản mạo danh để kết bạn, nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới... và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến; hoặc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội sau đó tạo ra kịch bản nhắn tin lừa đảo đến bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định.
Giả mạo nhân viên ngân hàng/cơ quan công an/viện kiểm tra...
Đối tượng lừa đảo thậm chí còn giả danh là nhân viên ngân hàng hoặc cơ quan công an,... để thông báo về việc tài khoản ngân hàng của bạn đang bị sự cố, lỗi, liên quan đến các vụ án,… Nhiều người tiêu dùng cả tin đã cung cấp mã pin, thẻ thông tin, cung cấp số điện thoại và truy cập vào đường dẫn yêu cầu đăng nhập và kiểm tra thông tin tài khoản.
Kết quả là các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để thực hiện hành vi lừa đảo cũng như truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại./.