ByteDance gia nhập thị trường gọi xe trên nền tảng mạng xã hội Douyin

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 10:08, 28/12/2022

ByteDance được cho là đang tích cực mở rộng dịch vụ gọi xe trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội và video ngắn phiên bản nội địa của TikTok, Douyin.
bytedance.jpg
ByteDance đang âm thầm mở rộng các dịch vụ cung cấp trên nền tảng mạng xã hội Douyin.

Theo đó, “gã khổng lồ” công nghệ ByteDance đang âm thầm mở rộng các dịch vụ cung cấp trên nền tảng mạng xã hội Douyin, trong nỗ lực biến sự phổ biến của ứng dụng thành lợi nhuận.

Được biết, nền tảng Douyin quyết định phát triển lĩnh vực gọi xe sau khi hợp tác với một số nền tảng giao hàng, cho phép người dùng đặt hàng giao đồ ăn từ những nhà cung cấp có đăng ký trên ứng dụng. Điều này có nghĩa là Douyin có thể trở thành nền tảng tổng hợp dịch vụ gọi xe của bên thứ ba, tương tự như AutoNavi và Wechat.

Douyin đã bắt đầu cung cấp các dịch vụ gọi xe nhằm tận dụng lượng người dùng khổng lồ, bao gồm cả T3 Go, thông qua nền tảng ứng dụng nhỏ của mình. Động thái này có thể khuấy động sự cạnh tranh mới trong một thị trường gọi xe của Trung Quốc.

T3 Go, một nền tảng gọi xe trực tuyến có thâm niên 3 năm của Trung Quốc, đã cho ra mắt một chương trình nhỏ trên Douyin trong tháng 12. Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ vẫn còn ở giai đoạn đầu, người dùng khó khám phá và chỉ có thể gọi xe vào một thời điểm nhất định. Một số nền tảng gọi xe nhỏ cũng đã xuất hiện trên Douyin.

Douyin, với 600 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, theo tờ Paper, trích dẫn nguồn tin thân cận với công ty cho biết, Douyin đang tìm cách hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ từ nhiều lĩnh vực, nhưng không có kế hoạch ra mắt nền tảng gọi xe của riêng mình.

Người phát ngôn của nền tảng mở Douyin cũng cho biết trong một tuyên bố, công ty hoan nghênh “các nhà cung cấp dịch vụ và nhà phát triển từ các ngành khác nhau” và mục tiêu của Douyin là kết nối người dùng của mình một cách an toàn với các nhà cung cấp dịch vụ.

Sáng kiến gọi xe của Douyin cho thấy tham vọng của ứng dụng này là trở thành một nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ địa phương.

Theo Jiang Shanmei, nhà phân tích lĩnh vực gọi xe Trung Quốc tại công ty nghiên cứu thị trường Analysys, việc mở rộng sang lĩnh vực gọi xe là một phần trong chiến lược kiếm tiền của Douyin. Trong khi đó, lĩnh vực này từ trước vẫn được thống trị bởi những “ông lớn” như Meituan, Didi Chuxing.

“Điểm mạnh của Douyin trong lĩnh vực gọi xe là ứng dụng này có lượng người dùng và lưu lượng truy cập trực tuyến khổng lồ. Nhưng nó kém hơn về tính dễ sử dụng và thiết kế trực quan khi so sánh với các chức năng gọi xe trong các dịch vụ bản đồ trực tuyến”, Jiang chia sẻ.

Thị trường gọi xe của Trung Quốc đã trải qua một sự thay đổi lớn kể từ khi công ty dẫn đầu ngành Didi phải đối mặt với cuộc điều tra an ninh mạng kéo dài một năm chưa từng thấy của Bắc Kinh, dẫn đến khoản tiền phạt 1,2 tỷ USD. Từ đó, công ty này vẫn vắng mặt trong các cửa hàng ứng dụng trong nước.

didi.jpg
Thị trường gọi xe của Trung Quốc đã trải qua một sự thay đổi lớn kể từ khi công ty dẫn đầu ngành Didi phải đối mặt với cuộc điều tra an ninh mạng.

Kể từ khi ứng dụng của Didi bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng vào năm ngoái, thị trường gọi xe trực tuyến đã phải đối mặt với một vòng cạnh tranh mới.

Thị trường này đã chứng kiến sự nổi lên của một số công ty như AutoNavi với việc cho ra mắt ứng dụng “Rocket Travel” vào tháng 12/2021. Huawei cho ra mắt ứng dụng “Petal Travel” để phục vụ Bắc Kinh, Thâm Quyến, Nam Kinh. Còn Tencent hợp tác với ONTIME ở một số khu vực của Quảng Đông để tiếp cận nhiều nhà cung cấp dịch vụ taxi hơn trong WeChat.

Trong khi đó, một loạt các công ty nhỏ hơn như Yangguang Chuxing, T3Go có trụ sở tại Nam Kinh và Cao Cao Mobility do Geely hậu thuẫn, đã tranh giành một phần thị trường đang phát triển dự kiến đạt 434,1 tỷ nhân dân tệ (62 tỷ USD) vào năm 2025.

Ngay cả “Meituan”, ra mắt lần đầu tiên vào năm 2017, trước khi ứng dụng gọi xe này bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng của Trung Quốc vào năm 2019, cũng đã âm thầm khởi chạy lại trên các cửa hàng ứng dụng vào tháng 7 năm ngoái.

Nhìn chung, thị trường gọi xe ở Trung Quốc đang phát triển phục hồi trở lại, nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty có thể là tin tốt cho những người tiêu dùng khi được hưởng giá vé ưu đãi hơn. Trên thực tế, làn sóng mở rộng dịch vụ gọi xe đang phát triển có nghĩa là người tiêu dùng Trung Quốc cũng sẽ được hưởng lợi từ việc các hãng cung cấp dịch vụ tung ra các chương trình ưu đãi nhằm tìm kiếm thị phần./.

AD