Tăng trưởng kinh tế: Những tín hiệu lạc quan

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 15:37, 30/09/2022

Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà hồi phục mạnh mẽ với số doanh nghiệp thành lập mới, sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu... tăng trưởng ấn tượng.
Make in Vietnam

Tăng trưởng kinh tế: Những tín hiệu lạc quan

Thanh Nga 30/09/2022 15:37

Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà hồi phục mạnh mẽ với số doanh nghiệp thành lập mới, sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu... tăng trưởng ấn tượng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp nối đà phát triển của quý 1, kinh tế tháng Tư tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm và có dư; Nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 7,5%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3% (Cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, những năm chưa có dịch COVID-19).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. Chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục. Sản lượng khai thác, chế biến thủy sản tăng mạnh. Đặc biệt, hoạt động khởi sự doanh nghiệp nở rộ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay; Doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%; Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số được đẩy mạnh; Phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, thương mại điện tử…

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước (Mức tăng thấp nhất của tháng Tư trong giai đoạn 2017-2022); Các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%. Kết quả trên đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng; Đồng hành, ủng hộ của Quốc hội; Sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, linh hoạt và chủ động của các bộ, cơ quan trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô. Đó là nhờ đẩy mạnh phân công, phân quyền trong tổ chức thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu; Tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, nỗ lực vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, người dân và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng được tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là các bộ, cơ quan, địa phương cần nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023). Các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh; Bám sát tình hình, chủ động dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, báo cáo Chính phủ để chủ động với kịch bản điều hành tăng trưởng trong tình hình mới; Tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, phí, lệ phí, góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.

Cùng với đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thị trường, giả cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời; Đồng thời, triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, trong thời gian gần đây, vấn đề năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng có sự xáo trộn lớn do tình hình địa chính trị, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, việc cung ứng xăng dầu cho quý 3 và quý 4/2022, Bộ Công thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trên cơ sở cam kết của PVN về lượng xăng dầu cung ứng, nếu thiếu, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phân giao cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt của PVN cung cấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương cần triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Thành lập các Tổ công tác về các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022 để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng./.

Thanh Nga