Cách quan trọng để giảm nghèo là tăng việc làm có năng suất cao
Quản trị - Ngày đăng : 09:09, 05/12/2022
Chuẩn nghèo đa chiều, một cách tiếp cận mới
Tỉ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2010-2020 trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh, giáo dục đạt nhiều thành quả và có sự dịch chuyển nguồn nhân lực khỏi nông nghiệp. Để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, việc tăng năng suất lao động là chìa khóa quan trọng.
Đây là nhận định được đưa ra tại báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về đói nghèo và bình đẳng với tựa đề "Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp" công bố vào tháng 4/2022. Báo cáo đưa ra đánh giá về tiến độ giảm nghèo của Việt Nam trong một thập kỷ tính từ năm 2010 đến năm 2020 và xem xét những yếu tố cần có để duy trì sự dịch chuyển kinh tế theo hướng đi lên và đảm bảo kinh tế cho những người đã thoát nghèo.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, quá trình giảm nghèo và bình đẳng của Việt Nam không chỉ là vấn đề nâng cao mức sống tối thiểu và giải quyết tình trạng nghèo kinh niên - tức chặng đường cuối, mà còn là chặng kế tiếp - hướng tới tạo ra những đường hướng kinh tế mới và bền vững cho người dân. Đây là một con đường đầy thử thách và chưa có tiền lệ trong bối cảnh kinh tế và khí hậu toàn cầu đang thay đổi.
Theo báo cáo của WB, từ năm 2010 đến năm 2020, tỉ lệ nghèo theo chuẩn của tổ chức này đối với các nước có thu nhập trung bình thấp là 3,2 USD mỗi ngày đã giảm từ 16,8% xuống 5%, nghĩa là 10 triệu người đã thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, trong nửa sau của thập kỷ, tăng trưởng tiêu dùng của các hộ giàu đạt tốc độ nhanh hơn so với tăng trưởng tiêu dùng của các hộ nghèo, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Tốc độ giảm nghèo ở Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam cũng chậm hơn.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 7/2022 - Báo cáo Nghèo đa chiều 2021 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), có đưa ra nhận định: Với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Khu vực châu Á -Thái Bình Dương trong việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách. Tuy nhiên, tình trạng nghèo tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số và dân cư các vùng ven biển, hải đảo là một thách thức đối với Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đại dịch Covid-19 khiến cho nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo Nghèo đa chiều 2021 cũng cho biết: Với chuẩn nghèo đa chiều mới (được phê duyệt năm 2021) tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng từ 5,2% năm 2020 lên 9,35% năm 2022, đồng nghĩa với thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình mục tiêu của Chính phủ về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025.
Có việc làm vẫn nghèo, vì đa phần là việc làm năng suất thấp
Theo báo cáo Nghèo đa chiều 2021, Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo đa chiều nhờ tăng việc làm năng suất cao; cải thiện các dịch vụ xã hội và mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương và chênh lệch vẫn là những thách thức lớn. Tình trạng nghèo về thu nhập tạm thời tăng trong thời kỳ Covid-19. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc đã giảm, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Báo cáo chỉ ra rằng mặc dù chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đang gia tăng, bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ và thiết bị vẫn là một thách thức. Sự phân chia chuyển đổi số càng sâu hơn trong thời kỳ Covid-19. Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đã được cải thiện, nhưng vẫn còn chênh lệch, đặc biệt là giữa y tế tuyến trên và y tế cơ sở. Về bảo trợ xã hội, các chương trình hỗ trợ tiền mặt có phạm vi bao phủ hạn chế và lợi ích thấp. Người di cư không được nhận trợ cấp.
Báo cáo Nghèo đa chiều 2021 đưa ra một nhận định quan trọng: Tuy không có việc làm hay thiếu việc làm là những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng nghèo, song thực tế ở trên thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển cho thấy có không ít người tuy có việc làm song vẫn nghèo. Thực tế này dẫn đến khái niệm về người nghèo đang làm việc, hay người lao động nghèo (working poor). Ngược lại với người lao động nghèo, việc làm có năng suất được định nghĩa là công việc mang lại "việc làm mang lại đủ thu nhập từ công sức lao động đã bỏ ra để người lao động và những người phụ thuộc của họ có mức tiêu dùng cao hơn mức chuẩn nghèo".
Việc làm có năng suất và công việc tử tế được hiểu là việc cung cấp "việc làm đầy đủ và có năng suất cũng như công việc tử tế cho tất cả mọi người". Đây có lẽ là kênh quan trọng nhất - Báo cáo khẳng định, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, thông qua đó các công cụ thể chế và chính sách cần tác động nhằm đạt được giảm nghèo đa chiều.
Tăng năng suất, chìa khoá để giảm nghèo
Báo cáo Nghèo đa chiều 2021 cho rằng, cách quan trọng nhất để giảm nghèo là tăng việc làm có năng suất. Do đó, điều quan trọng là phải học hỏi kinh nghiệm quốc tế về chiến lược và chính sách thúc đẩy cơ hội việc làm có năng suất hơn và đặc biệt là tăng cường khả năng cho hộ nghèo tiếp cận được những cơ hội này. Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò quan trọng đối với sự mở rộng của việc làm có năng suất và giảm nghèo.
Nghèo đói đã giảm ở các nước đang phát triển, phần lớn thông qua việc làm. Việc tạo ra hàng triệu việc làm mới với năng suất cao hơn diễn ra ở châu Á cũng như ở nhiều nước đang phát triển khác là động lực chính để giảm nghèo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đóng vai trò quan trọng đối với việc làm có năng suất và giảm nghèo. Ở các nước đang phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các hoạt động nông nghiệp sang các hoạt động phi nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy việc làm có năng suất.
Tuy nhiên, có việc làm có năng suất vẫn là một thách thức lớn đối với người lao động từ một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.
Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNDP Kanni Wignaraja đã đưa ra năm khuyến nghị chính cho nỗ lực tăng tốc giảm nghèo ở mọi khía cạnh bao gồm: Đầu tư và chính sách cần thiết để khuyến khích và cải thiện việc làm năng suất cao; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng và nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu vùng xa; mở rộng bảo trợ xã hội, không phải là tạm thời để ứng phó với các cuộc khủng hoảng mà như một hệ thống thường trực linh hoạt và mở rộng hơn; mở rộng việc sử dụng số hóa trong việc thực hiện, trong kinh tế tri thức, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch; thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và mở rộng quy mô đối với các thí điểm thành công vì và do các cộng đồng dân tộc thực hiện.
Quan điểm này cũng được thể hiện trong Báo cáo của WB. Báo cáo này chỉ ra: Để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, việc tăng năng suất lao động là chìa khóa quan trọng. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,7% hằng năm, điều kiện cần để Việt Nam đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất trên mỗi lao động sẽ cần phải tăng từ 5,3% mức ghi nhận trong giai đoạn 2012-2018, mức cao nhất trong ba thập kỷ qua, lên 6,6%.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc chuyển đổi sang việc làm với kỹ năng cao hơn nếu không tiếp tục cải cách giáo dục, phát triển kỹ năng và chuyển đổi thị trường lao động. Đặc điểm chính của thị trường lao động là các ngành nghề có kỹ năng cao lại có tốc độ tăng trưởng chậm, tỉ lệ phi chính thức cao và lực lượng lao động già hóa. Việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học sẽ là một bước quan trọng.
Báo cáo của WB nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam đã giúp nhiều người thoát khỏi đói nghèo, nhưng một bộ phận dân số đáng kể vẫn trong tình trạng dễ bị tổn thương về kinh tế. Cứ khoảng 5 người Việt Nam thì có một người sống dưới ngưỡng an ninh kinh tế là 5,5 USD một ngày.
Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Việt Nam tiến tới vị thế thu nhập cao một cách toàn diện. Mở rộng nguồn thu ngân sách, nghiên cứu các sắc thuế mới, đồng thời loại bỏ các khoản trợ cấp kém hiệu quả có thể giúp tài trợ cho các khoản đầu tư công cần thiết để xóa bỏ đói nghèo và phát triển tầng lớp trung lưu./.