Tài nguyên Internet cho phát triển an toàn, bền vững Internet Việt Nam

Diễn đàn - Ngày đăng : 15:01, 28/11/2022

Trong 25 năm phát triển của Internet Việt Nam, tài nguyên Internet (tên miền “.vn”, địa chỉ IP, số hiệu mạng), tài nguyên Internet quốc gia, tham số định danh phục vụ cho hoạt động Internet đã tăng trưởng mạnh mẽ, được quản lý hiệu quả, luôn song hành và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Internet Việt Nam.

Tóm tắt nội dung

* Sự phát triển mạnh mẽ của tài nguyên Internet Việt Nam

- Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”: đã cấp trên 560 nghìn tên miền, là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng cao thứ hai khu vực ASEAN.

- Địa chỉ IP, số hiệu mạng (ASN): IPv4: 16 triệu địa chỉ (thứ 2 ASEAN, 29 toàn cầu); đến tháng 10/2022, tỉ lệ sử dụng IPv6 đạt 53%.

- ASN, IP độc lập: 527 mạng độc lập, 791 tổ chức sử dụng IP độc lập.

* Quản lý tài nguyên Internet Việt Nam vì sự phát triển an toàn, bền vững

- Rà soát, làm sạch không gian tên miền: thiết lập 1.166 từ khóa (các lĩnh vực chính trị, thuần phong mỹ tục, báo chí/tin tức, ngân hàng...) để tiền kiểm rà soát các yêu cầu đăng ký sử dụng tên miền; bảo vệ 2.658 tên miền đang hoạt động của cơ quan đảng, nhà nước.

- Quản lý bình đẳng, đồng bộ giữa tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, tên miền quốc tế.

- Điện tử, số hóa, ứng dụng công nghệ số, tạo thuận lợi tối đa cho đăng ký sử dụng tài nguyên Internet: mặc định phương thức trực tuyến trong đăng ký tên miền “.vn”, địa chỉ IP, số hiệu mạng ASN; Ứng dụng hoàn toàn hồ sơ điện tử.

- Ứng dụng công nghệ xác thực định tuyến (RPKI), đảm bảo an toàn hoạt động định tuyến Internet Việt Nam: đến tháng 10/2022, có khoảng 200 tổ chức, doanh nghiệp triển khai ký số tài nguyên IP/ASN; tỷ lệ ký số ROA/RPKI đạt 60%; tỷ lệ xác thực định tuyến Internet ROV/RPKI đạt 11,65%.

* Phát triển tài nguyên số phục vụ CĐS

- Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” trở thành yếu tố gắn kết người dân với hạ tầng số, phục vụ kinh tế số, xã hội số.

- IPv6 đã được thiết kế mặc định và bắt buộc trong các dịch vụ 5G, IoT.

- Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021-2025 (IPv6 for Gov).

- Xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng Internet quan trọng quốc gia: DNS quốc gia; Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX - kết nối số cho hạ tầng số.

Hiện nay, Internet là nền tảng cho sự phát triển của hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số với xu hướng phát triển Internet vạn vật (IoT), 5G, Cloud. Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đảm nhiệm vai trò NIC (Network Information Center) quốc gia, đã xác định các nền tảng, dịch vụ tài nguyên số là yếu tố quan trọng tạo đà phát triển cho hạ tầng Internet Việt Nam, phục vụ công cuộc chuyển đổi số (CĐS). 

Trong xu thế mới, công tác quản lý, phát triển tài nguyên Internet quốc gia cũng gánh vác một sứ mệnh mới, cùng với sự chuyển mình của VNNIC để tiếp tục đảm đương sứ mệnh dẫn dắt, thúc đẩy Internet thế hệ mới với tinh thần “Internet for all”.

Sự phát triển mạnh mẽ của tài nguyên Internet Việt Nam

Tài nguyên Internet (tên miền “.vn”, địa chỉ IP, số hiệu mạng) là các tham số định danh tối quan trọng cho phát triển, đảm bảo hoạt động Internet. Các quốc gia có mô hình quản lý, phát triển tài nguyên Internet khác nhau. Tại Việt Nam, sự tham gia của Chính phủ và yếu tố tập trung quản lý là quan điểm được duy trì xuyên suốt từ thời kỳ đầu đón nhận Internet vào Việt Nam cho đến ngày nay với mục tiêu bảo đảm nguồn tài nguyên tối ưu để cung cấp cho các hoạt động phát triển mạng, dịch vụ Internet Việt Nam trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.

Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên Internet thông qua việc hoạch định và áp dụng các chính sách tạo hành lang pháp lý cởi mở, đồng bộ thông lệ và chính sách quốc tế đã phát huy tối đa hiệu quả trong quản lý, phát triển tài nguyên Internet Việt Nam. Đồng thời qua đó đã giúp công tác phân bổ, cấp phát tài nguyên đáp ứng dung lượng cho sự phát triển của hoạt động mạng, dịch vụ Internet; quản lý chính xác thông tin chủ thể đăng ký sử dụng; giám sát chặt chẽ việc đăng ký sử dụng tài nguyên Internet góp phần đắc lực thúc đẩy Internet phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Mô hình quản lý tài nguyên Internet Việt Nam là mô hình quản lý hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế và đảm bảo mục tiêu quản lý, phát triển. Đối với nguồn tài nguyên tên (tên miền quốc gia “.vn”), áp dụng mô hình Cơ quan quản lý - Nhà đăng ký. Đối với nguồn tài nguyên số (địa chỉ IP, số hiệu mạng ASN), áp dụng mô hình Cơ quan quản lý IP/ASN cấp quốc gia. Đây là kết quả của quá trình phát triển hoàn thiện để hội nhập quốc tế, đồng thời đảm bảo mục tiêu quản lý và phát triển tài nguyên quốc gia, minh chứng qua các kết quả thực tiễn đạt được trong giai đoạn vừa qua, cụ thể như sau:

1 - Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”: trong giai đoạn 2000 - 2022, tên miền “.vn” đã tăng trưởng từ vài trăm tên miền vào thời điểm năm 2000 lên hơn 564.000 tên miền (tính đến tháng 10/2022). Tên miền “.vn” là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng cao thứ hai khu vực ASEAN và thuộc Top 10 tên miền mã quốc gia có lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Tài nguyên Internet cho phát triển an toàn, bền vững Internet Việt Nam - Ảnh 2.

Tăng trưởng tên miền .vn

2 - Địa chỉ IP, số hiệu mạng (ASN) gắn với phát triển mạng độc lập và hạ tầng Internet Việt Nam hiện đại

Từ ba mạng độc lập của các ISP đầu tiên (VNPT, Viettel, FPT) thời điểm năm 2002, đến tháng 10/2022, Internet Việt Nam có 527 mạng độc lập (các mạng riêng biệt trên bảng định tuyến toàn cầu, sử dụng các số hiệu mạng ASN và vùng IP riêng), là các mạng hạt nhân kết nối với nhau hình thành Internet Việt Nam. Tổng số tổ chức, doanh nghiệp (DN) sử dụng các vùng IP độc lập (vùng IP cấp, phân bổ riêng, trực tiếp từ cơ quan quản lý về tài nguyên Internet, không phải vùng IP từ ISP) là 791. Lượng địa chỉ IPv4 Việt Nam đã tăng trưởng lên tới hơn 16 triệu địa chỉ IPv4, đứng thứ 8 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thứ 29 toàn cầu về IPv4. 

Tài nguyên IP/ASN Việt Nam tăng trưởng, phát triển đảm bảo hoạt động mạng, dịch vụ Internet ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất (2011-2012) khi toàn cầu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương chuyển đổi sang giai đoạn cạn kiệt IPv4, ngừng chính sách phân bổ địa chỉ IPv4 theo nhu cầu thực tế, chuyển sang giai đoạn cấp phát hạn chế, phục vụ quá trình chuyển đổi IPv6. 

Tài nguyên Internet cho phát triển an toàn, bền vững Internet Việt Nam - Ảnh 3.

3 - Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ mới hoạt động với IPv6

Do nguồn tài nguyên địa chỉ Internet IPv4 đã hoàn toàn cạn kiệt và trước yêu cầu công nghệ của các dịch vụ mới, chất lượng cao như Internet vạn vật (IoT), 4G LTE/5G, mạng Internet toàn cầu chuyển sang thế hệ mới, sử dụng giao thức và địa chỉ IPv6.

Để đảm bảo sự phát triển Internet Việt Nam, sẵn sàng cho Internet vạn vật (IoT) và các dịch vụ công nghệ mới, nội dung nhiệm vụ “Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)” được xác định tại “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/20220 của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến tháng 10/2022, Việt Nam sử dụng 18.540 tỷ tỷ tỷ địa chỉ IPv6. Tại Việt Nam, với các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi IPv6 sớm và đúng hướng của Bộ TT&TT, tính đến tháng 10/2022, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 53%, đứng thứ 10 toàn thế giới, thứ 2 ASEAN (theo số liệu của Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương, APNIC), gấp 2,3 lần bình quân khu vực ASEAN, gấp 1,7 lần bình quân toàn cầu. Các doanh nghiệp đã triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 rộng rãi để người dùng có thể truy cập Internet IPv6 qua Mobile, FTTH.

Việc chuyển đổi sử dụng thế hệ địa chỉ và giao thức Internet mới IPv6 trên Internet Việt Nam là một bước đi mạnh dạn và đúng đắn, giúp Việt Nam dẫn dắt công nghệ IPv6 trong khu vực ASEAN; đi cùng nhịp với các nước phát triển trên thế giới; khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế.

Quản lý tài nguyên Internet Việt Nam vì sự phát triển an toàn, bền vững

Internet đã trở thành nền tảng thiết yếu cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội, đồng thời có nhiều biến đổi, làm nảy sinh các thách thức đặt các quốc gia trước yêu cầu chiến lược giai đoạn mới để hưởng lợi từ việc phát triển, khai thác Internet và đồng thời phải giải quyết tốt vấn đề đảm bảo lợi ích quốc gia, độc lập chủ quyền. Công tác quản lý tài nguyên Internet cũng đứng trước các yêu cầu mới, cần thay đổi về chất để gánh vác sứ mệnh, tiếp tục đồng hành phát triển cùng Internet Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phát triển số lượng đăng ký sử dụng tài nguyên Internet Việt Nam (tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; địa chỉ IP/ASN độc lập) luôn là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về số lượng, công tác quản lý sử dụng cần đi sâu về chất, để đảm bảo tài nguyên Internet Việt Nam là nền tảng vững chắc cho sự phát triển Internet an toàn, bền vững.

Trong công tác quản lý tài nguyên Internet quốc gia, VNNIC đã triển khai các dự án, chiến lược với mục tiêu kép: phát triển rộng rãi tài nguyên Internet Việt Nam, đặc biệt là việc đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, giải pháp căn cơ cho việc đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) hoạt động Internet Việt Nam; đồng thời tăng cường sự giám sát, quản lý sử dụng; xác thực sự tin cậy về thông tin chủ thể, ứng dụng công nghệ để sẵn sàng cho giai đoạn phát triển bứt phá của Internet Việt Nam.

1 - Rà soát, làm sạch không gian tên miền

Để đảm bảo ATTT trên không gian mạng, ngăn chặn, hạn chế tình trang vi phạm liên quan đến đăng ký sử dụng tên miền tại Việt Nam, VNNIC áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, bảo vệ, cũng như triển khai các hoạt động rà soát định kỳ toàn bộ hơn 1 triệu tên miền do các tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký sử dụng (tên miền “.vn”, tên miền quốc tế do tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký sử dụng); phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về cung cấp thông tin trên mạng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm. 

Trong các năm vừa qua đã triển khai các chuyên đề rà soát xử lý tên miền có dấu hiệu vi phạm về hoạt động báo chí, tin tức; có dấu hiệu hoạt động cờ bạc, game bài trực tuyến; rà soát cung cấp danh sách các tên miền có dấu hiệu hoạt động không hợp pháp về ngân hàng, trang thương mại điện tử, tín dụng, cho vay trực tuyến để các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm.

Hệ thống quản lý tên miền quốc gia hiện thiết lập 1.166 từ khóa (các lĩnh vực chính trị, thuần phong mỹ tục, báo chí/tin tức, ngân hàng...) tiền kiểm rà soát các yêu cầu đăng ký sử dụng tên miền; giữ chỗ 40.106 tên miền không mở đăng ký tự do (các tên miền là tên cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc có thể ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục...); bảo vệ 2.658 tên miền đang hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, giám sát trạng thái, không tự động sửa đổi thông tin, tạm ngừng, thu hồi tự động... để phục vụ hoạt động CNTT của cơ quan Đảng, Nhà nước.

Trung tâm cũng triển khai các đợt rà soát việc đăng ký sử dụng tên miền và lưu trữ thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội để hướng dẫn thực hiện đúng các quy định pháp luật về sử dụng tên miền “.vn” và lưu trữ thông tin trong nước (Khoản 2 Điều 23b Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP: “Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội sử dụng ít nhất 01 tên miền “.VN” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.”. Khoản 9 Điều 12 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP: “Báo điện tử, trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước phải sử dụng ít nhất 01 tên miền “.VN” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam”).

2 - Quản lý bình đẳng, đồng bộ giữa tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, tên miền quốc tế 

Hiện nay, tỉ lệ sử dụng tên miền quốc tế của tổ chức, cá nhân Việt Nam chiếm khoảng 49% tổng số tên miền. Tỉ lệ vi phạm trong cung cấp thông tin trên mạng đối với tên miền quốc tế rất cao. Một lượng lớn tên miền quốc tế đăng ký sử dụng thông qua các tổ chức, DN nước ngoài, ẩn giấu thông tin chủ thể, lưu trữ thông tin ở máy chủ nước ngoài, không thể chủ động xử lý, ngăn chặn nguồn tạm ngừng hoạt động hay thu hồi tên miền. Thực tiễn phối hợp xử lý vi phạm cho thấy 83% vi phạm trên không gian mạng diễn ra đối với nhóm các tên miền quốc tế này.

Phụ lục 4 Luật Đầu tư quy định dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền là dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, Nghị định số 72/2013/NĐ- CP, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đã có các quy định điều kiện kinh doanh đối với các Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam, tuy nhiên chưa có quy định đối với nhóm các Nhà đăng ký tên miền quốc tế là DN nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Để đảm bảo an toàn thông tin, quy định, chính sách quản lý được điều chỉnh, bổ sung trên tinh thần quy định bình đẳng, đồng bộ giữa tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, tên miền quốc tế. Các quy định quản lý dịch vụ xuyên biên giới được bổ sung tại dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; Nghị định số 27/2018/ NĐ-CP. Thông tư số 21/2021/TT-BTTTT ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định nguyên tắc chung đăng ký, sử dụng tên miền; quy trình áp dụng biện pháp kỹ thuật (tạm ngưng, thu hồi...) tên miền vi phạm đồng bộ đối với tên miền “.vn”, tên miền quốc tế. Các Nghị định số 15/2020/ NĐ; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP; Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định về biện pháp, hình thức xử lý vi phạm trong cung cấp dịch vụ và đăng ký sử dụng tên miền áp dụng đồng bộ đối với tên miền “.vn”, tên miền quốc tế.

3 - Điện tử, số hóa, ứng dụng công nghệ số; đơn giản hóa quy trình; tạo thuận lợi tối đa cho đăng ký sử dụng tài nguyên Internet 

Quy trình, thủ tục đăng ký, quản lý tài nguyên Internet Việt Nam được điều chỉnh tạo thuận lợi tối đa trong việc đăng ký, sử dụng tài nguyên và đảm bảo các yêu cầu về quản lý, xác thực thông tin, dữ liệu: Sử dụng mặc định phương thức trực tuyến trong đăng ký tên miền “.vn”, địa chỉ IP, số hiệu mạng ASN; Ứng dụng hoàn toàn hồ sơ điện tử. Ứng dụng công nghệ mới, liên thông cơ sở dữ liệu để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng; kiểm soát hồ sơ, dữ liệu và tránh giả mạo. Đơn giản hóa về hồ sơ và thủ tục hành chính; Bổ sung tối đa các trường hợp cho phép đổi tên chủ thể đăng ký sử dụng tên miền “.vn”, IP/ASN tạo sự linh động và phù hợp trong các hoạt động có sự thay đổi hợp lệ về quyền sử dụng tài nguyên.

4 - Triển khai ứng dụng công nghệ xác thực định tuyến (RPKI), đảm bảo an toàn hoạt động định tuyến Internet Việt Nam

Hiện nay, hoạt động mạng Internet rất phức tạp và có nhiều nguy cơ bị tấn công, mất an toàn gây ra mức độ ảnh hưởng lớn. Hoạt động định tuyến là cái gốc tạo nên mạng Internet, do đó an toàn trong định tuyến trở thành vấn đề cốt lõi trong việc đảm bảo hoạt động ổn định cho hạ tầng Internet, để “giải quyết vấn đề an toàn Internet từ gốc”.

Công nghệ xác thực định tuyến (RPKI) thông qua ký số tài nguyên Internet (IP, ASN), chống lại việc tấn công cướp quyền hoặc thay đổi định tuyến (hijack, leak) được triển khai rộng rãi trong hoạt động Internet toàn cầu để đảm bảo an toàn định tuyến Internet. Tính đến tháng 10/2022, tỷ lệ triển khai RPKI trung bình toàn cầu đạt 37% (nguồn công bố: Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á  - Thái Bình Dương, APNIC). Nhiều quốc gia có tỷ lệ ứng dụng RPKI đạt trên 50% như: Hoa Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển, Úc, Nhật Bản ...

Tại Việt Nam, Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 18/01/2022 về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2022 và giai đoạn 2022-2024 xác định nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai ứng dụng công nghệ xác thực định tuyến (RPKI) trên mạng Internet Việt Nam, đảm bảo an toàn hoạt động định tuyến mạng Internet.

Tính đến hết tháng 10/2022, đã có khoảng 200 tổ chức, DN Việt Nam triển khai ký số tài nguyên IP/ASN, tỷ lệ ký số ROA1/RPKI Việt Nam đạt 60%; tỷ lệ xác thực định tuyến Internet ROV2/RPKI đạt 11,65%.

Để đảm bảo an toàn hoạt động Internet Việt Nam, Bộ TT&TT đang thúc đẩy triển khai việc ứng dụng công nghệ RPKI trong hoạt động định tuyến Internet Việt Nam, thúc đẩy các doanh nghiệp ISP triển khai ký số tài nguyên ROA/RPKI cho 100% các vùng IPv4, IPv6 đã được phân bổ. Các ISP có kết nối quốc tế chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai xác thực định tuyến ROV/RPKI, để đảm bảo an toàn cho Internet Việt Nam, tránh các tấn công, giả mạo từ Internet quốc tế.

Phát triển tài nguyên số phục vụ CĐS

CĐS là xu thế tất yếu, là cơ hội và cũng là thách thức cho Việt Nam và các quốc gia nhằm đi tắt đón đầu vượt lên phía trước. Việt Nam coi CĐS là một động lực ưu tiên chủ đạo trong công cuộc cải cách và phát triển để trở thành một quốc gia số phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng.

Tài nguyên Internet (tên miền “.vn” và địa chỉ IPv4/IPv6) là một trong những điều kiện cơ bản của giải pháp phát triển hạ tầng số. VNNIC đã chuẩn bị sẵn sàng tài nguyên Internet cho phát triển 5G, IoT, phát triển thành phố thông minh, các thiết bị thông minh kết nối Internet, và để phục vụ mục tiêu chuyển đổi 100% mạng Internet Việt Nam sang IPv6.

1 - Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” - yếu tố gắn kết người dân với hạ tầng số, phục vụ kinh tế số, xã hội số. Chiến lược phát triển tên miền “.vn” toàn dân

Với các giá trị kết tinh từ ba thuộc tính quan trọng: nhận diện - tin cậy - an toàn, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đã trở thành công cụ hữu ích, giúp kết nối, đưa thông tin, dịch vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam lên không gian mạng Internet, khẳng định thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam. Đối với DN, tên miền “.vn” đang âm thầm thực hiện sứ mệnh “Nâng tầm thương hiệu Việt” trên không gian mạng Internet cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ của các DN Việt Nam. 

Với những giá trị mang lại, tên miền “.vn” chính là cầu nối giúp thể hiện hình ảnh chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh của các DN Việt trên thương trường góp phần đạt mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu trong công cuộc CĐS quốc gia.

Thông tư số 21/2021/TT-BTTTT ngày 07/12/2021 của Bộ trưởng Bộ TT&TT đã mở rộng không gian tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, quy định thêm 03 đuôi tên miền cấp 2 dùng chung: .id.vn (dành cho công dân Việt Nam); .io.vn (dành cho các ứng dụng công nghệ số, nền tảng, dịch vụ số); ai.vn (trí tuệ nhân tạo) nhằm tạo ra các không gian tên miền mới phù hợp hơn với xu thế phát triển công nghệ, thuận tiện hơn cho người dùng, hướng tới mục tiêu phổ cập tên miền tới toàn dân, đưa người dân lên không gian mạng với tên miền riêng; bổ sung quy định ưu tiên trong đăng ký sử dụng tên miền dưới “.id.vn” đối với chủ thể cá nhân là công dân Việt Nam có tuổi đời từ 18 - 23 tuổi; ưu tiên trong đăng ký sử dụng tên miền dưới “.biz.vn” đối với doanh nghiệp mới thành lập, hộ kinh doanh để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, phát triển kinh tế số.

2 - Địa chỉ IPv6 - Tài nguyên số phát triển hạ tầng, dịch vụ số

IPv6 giúp giải quyết sự thiếu hụt địa chỉ IPv4. IPv6 đã được thiết kế mặc định và bắt buộc trong các dịch vụ 5G, IoT và được xác định cùng với trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo nên thế hệ mạng thông tin mới (IPv6+) cho kỷ nguyên của 5G và cloud.

Để định hướng, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT thông ban hành Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021-2025 (IPv6 for Gov) và triển khai các hoạt động tập huấn, tư vấn, đào tạo, đôn đốc công tác chuyển đổi IPv6.

Tính đến tháng 10/2022, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 53%, đứng thứ 10 toàn thế giới, thứ 2 ASEAN3, gấp 2,3 lần bình quân khu vực ASEAN, gấp 1,7 lần bình quân toàn cầu. Các DN đã triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 rộng rãi để người dùng có thể truy cập Internet IPv6 qua Mobile, FTTH. Việt Nam đang dẫn dắt công nghệ IPv6 trong khu vực ASEAN; đi cùng nhịp với các nước phát triển trên thế giới; khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế.

3 - Xây dựng và phát triển các hệ thống hạ tầng Internet quan trọng quốc gia; đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên số

Tại Việt Nam, hệ thống DNS quốc gia cùng với trạm Trung chuyển Internet quốc gia VNIX, hệ thống quản lý tài nguyên Internet quốc gia được phát triển theo chuẩn mực quốc tế, bảo đảm hoạt động ổn định thông suốt, chất lượng cao và an toàn, là nền tảng đưa ra dịch vụ/ứng dụng mới, thúc đẩy phát triển Internet Việt Nam, góp phần thúc đẩy nền tảng CĐS, phát triển các dịch vụ trực tuyến, Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.

Tài nguyên Internet cho phát triển an toàn, bền vững Internet Việt Nam - Ảnh 4.

Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX - kết nối số cho hạ tầng số

Hệ thống DNS quốc gia - trái tim cho hoạt động Internet Việt Nam

Trong hoạt động truy cập và sử dụng mạng Internet, hệ thống máy chủ tên miền (DNS) là hệ thống đầu tiên mà người dùng tương tác đến để phân giải địa chỉ Internet cho các tên miền mà dịch vụ được triển khai và cung cấp trên đó. Tại Việt Nam, hệ thống DNS quốc gia ".vn" là hệ thống chịu trách nhiệm phân giải địa chỉ cho toàn bộ các tên miền ".vn", được xem là "trái tim" của mạng Internet Việt Nam. 

Bên cạnh chức năng phân giải tên miền, hệ thống DNS còn cung cấp các cơ chế xác thực, bảo mật thư điện tử như SPF, DKIM, DMARC, giúp chặn lọc thư rác (spam mail) và thư giả mạo (phishing mail).

Kể từ năm 2020, VNNIC đã triển khai thành công các cụm DNS Root tại Việt Nam, tại các điểm VNIX. Việc triển khai thành công DNS Root làm giảm sự phụ thuộc vào kết nối quốc tế khi truy vấn tên miền từ Việt Nam được chuyển đến thẳng các cụm máy chủ Root đặt tại Việt Nam thay vì kết nối đến các cụm máy chủ Root khác đặt tại nước ngoài như trước đây, nhờ vậy tăng tốc độ truy cập các dịch vụ sử dụng tên miền Internet tại Việt Nam.

Trạm trung chuyển quốc gia Internet Việt Nam phục vụ kết nối cho mạng lưới Internet Việt Nam, hoạt động và phát triển theo nguyên tắc trung lập, phi lợi nhuận, là công cụ quản lý điều tiết nhà nước trong việc thúc đẩy thị trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần hoàn thiện hạ tầng kết nối Internet tại Việt Nam, đảm bảo an toàn dự phòng ứng cứu và tối ưu lưu lượng trong nước.

Trước xu hướng phát triển Internet trong giai đoạn mới, Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) mở rộng mô hình hoạt động theo chuẩn mực quốc tế. Về đối tượng kết nối, VNIX mở rộng cho các mạng có vùng địa chỉ IP và số hiệu mạng ASN độc lập của Việt Nam, tập trung vào các ICP, CSP, CATV, CDN, IDC thương mại, hệ thống chính phủ điện tử, IDC của cơ quan nhà nước, thương mại điện tử. Bên cạnh đó, VNNIC tập trung phát triển các dịch vụ, công cụ hỗ trợ cho các thành viên kết nối như nâng cấp hệ thống phân tích thông tin định tuyến Internet (Looking Glass)... 

Kể từ năm 2020, hệ thống đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam (VNNIC Internet Speed) được VNNIC và Cục Viễn thông xây dựng, phát triển dùng để đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam. Đây là hệ thống đo trung lập, người dùng có thể chủ động lựa chọn điểm đo, thực hiện đo, và tự đánh giá tốc độ truy cập Internet theo các tiêu chuẩn và gói cước cung cấp bởi các nhà mạng. VNNIC Internet Speed gồm Ứng dụng i-Speed by VNNIC và công cụ đo trực tiếp trên trang web https://i-speed.vn hoặc https://speedtest.vn là công cụ đắc lực cho người sử dụng, DN, cơ quan quản lý nhà nước để tham khảo, đo đạc, cải thiện chất lượng kết nối, cung cấp dịch vụ, nâng cao năng lực hạ tầng Internet Việt Nam.

Kết luận

Trong giai đoạn 25 năm vừa qua, sự tăng trưởng ngoạn mục của tài nguyên Internet Việt Nam, hoạt động an toàn, ổn định của hệ thống kỹ thuật hạ tầng Internet quan trọng quốc gia đã góp phần tạo động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Internet Việt Nam. Với các kết quả đó, Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng và có những đóng góp tích cực trong sự phát triển chung của Internet toàn cầu.

Trong giai đoạn phát triển mới của Internet với xu thế CĐS, tài nguyên Internet Việt Nam, các hệ thống kỹ thuật hạ tầng Internet quan trọng quốc gia sẽ tiếp tục đồng hành, phát huy vai trò tích cực của mình trong sự phát triển chung của hoạt động mạng, dịch vụ Internet Việt Nam và góp phần đắc lực vào công cuộc CĐS quốc gia.

1. ROA (Route Origin Authorisation) là bản ghi ký số tài nguyên Internet để xác thực định tuyến các vùng IP qua ASN tương ứng.

2. ROV (Route Origin Validation) là hệ thống dữ liệu kết hợp thiết bị định tuyến (Router) để thực hiện lọc định tuyến tự động trên cơ sử dữ liệu ROA/RPKI.

3. Nguồn dữ liệu: Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC).

Tài liệu tham khảo:

1. Các Website: www.isoc.org; www.vnnic.vn; www.ipv6.vn; www.apnic.net; www.6lab.cisco.com; https://www.britannica. com/technology/Internet; https://newgtlds.icann.org/en/

2. Các Báo cáo Tài nguyên Internet Việt Nam: https://www. vnnic.vn/bao-cao-tai-nguyen-internet

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2022)

Nguyễn Thị Thu Thuỷ