Sách minh họa kỹ thuật số dành cho thiếu nhi, một phương tiện truyền thông về bình đẳng giới trong thời đại công nghệ số
Truyền thông - Ngày đăng : 07:15, 27/11/2022
Tóm tắt nội dung:
Tác giả nêu các quan điểm về minh họa kỹ thuật số và sách minh họa kỹ thuật số. - Sách minh họa kỹ thuật số tuyên truyền về bình đẳng giới cho trẻ em từ sớm.
- Sách minh họa kỹ thuật số tuyên truyền về bình đẳng giới cho trẻ em một cách trực quan.
- Hiệu ứng của sách minh họa kỹ thuật số trong tuyên truyền về bình đẳng giới cho trẻ em. - Phát triển thư viện kỹ thuật số miễn phí trên nền tảng đám mây phù hợp với lứa tuổi.
- Một số đề xuất phát triển sách minh họa kỹ thuật số cho trẻ em.Các loại hình minh họa kỹ thuật số trở thành một trong những xu hướng văn hóa nghệ thuật. Trong đó, mảng thiết kế minh họa sách truyện và các nội dung truyền thông dành cho lứa tuổi thiếu nhi có sử dụng phương tiện và công nghệ kỹ thuật số là một cơ hội phát triển và thỏa sức sáng tạo dành cho các nhà thiết kế, họa sĩ minh họa trẻ. Minh họa kỹ thuật số không chỉ thể hiện sự độc đáo, phù hợp với xu thế thời đại mà còn khởi đầu cho kỷ nguyên mới của nhữmg ý tưởng nghệ thuật và ứng dụng trong đời sống văn hóa xã hội hết sức phong phú.
Minh họa kỹ thuật số và sách minh họa kỹ thuật số
Trong những thập kỷ qua, việc phát minh ra các thiết bị điện toán di dộng máy tính bảng, điện thoại thông minh, màn hình cảm ứng... cùng nhiều công nghệ hiện đại khác, dẫn đến sự phát triển của các trải nghiệm đọc, xem trên các màn hình điện tử ngày càng phổ biến và phát triển. Các ứng dụng kỹ thuật số ra đời mang theo nhiều tính năng đa dạng hữu ích trực quan, sinh động.
Theo Hoàng Thị Huyền Trang và Kiến Thị Huệ (2022): “Minh họa thuật số là một loại hình nghệ thuật tạo hình, là một hình thức sử dụng hình vẽ hay tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi phần mềm trên máy tính hoặc máy tính bảng và công cụ phương tiện kỹ thuật số như là bảng vẽ điện tử, bút vẽ điện tử, phần mềm công nghệ dùng trong thiết kế, minh hoạ. Các sản phẩm minh họa kỹ thuật số thường sử dụng các hình vẽ, tranh vẽ (có thể kết hợp thêm các văn bản, nội dung, âm thanh, lời nói, thậm chí là chuyển động của hình ảnh) để truyền tải một cách sinh động những thông tin, thông điệp hoặc diễn giải rõ nghĩa hơn cho văn bản, nội dung, giúp hấp dẫn người xem”.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Hamsae H., Amidah, Citra Rosalyn A. (2020), sách kỹ thuật số có nghĩa là sách in đã được chuyển sang định dạng kỹ thuật số thông qua các bước số hóa, giúp hiển thị trên màn hình máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác. Sách kỹ thuật số có ưu điểm là có thể được truy cập bất kỳ lúc nào mà không cần mang theo nhiều quyển sách in khác nhau, chỉ với một thiết bị di dộng thông minh có được kết nối Internet. Điểm thu hút chính của sách kỹ thuật số là phối hợp tính năng đa phương tiện giúp cho người xem dễ hiểu nội dung hơn,
Tóm lại, có thể hiểu sách minh hoạ kỹ thuật số là ấn phẩm sách được xuất bản dạng số kỹ thuật số, nhưng hơn thế, nó có sự tổng hợp của nhiều cách thức truyền tải thông điệp gồm tranh vẽ minh họa bằng phương tiện kỹ thuật số, ngôn ngữ, âm thanh, giọng đọc, hiệu ứng và chuyển động. Sách minh họa kỹ thuật số có hai cấp độ: cấp độ cơ bản là gồm tranh vẽ minh họa và ngôn ngữ, nó được xuất bản ở dạng in ấn; cấp độ cao hơn là xuất bản dạng kỹ thuật số gồm nhiều tính năng đa phương tiện hơn, ở cấp độ này thì sản phẩm chỉ có thể xem và đọc bằng các màn hình điện tử thông minh như điện thoại, ti vi, máy tính bảng, máy tính.
Sách minh họa kỹ thuật số thường thể hiện sự sáng tạo của người họa sĩ minh họa trong việc cách điệu, tạo hình, minh hoạ nhân vật và bối cảnh, sử dụng hiệu ứng, đặc biệt nó ích dụng khi minh họa cho những nội dung không thể dùng app chụp. Hơn nữa, trong lĩnh vực văn học thiếu nhi, nhờ những tranh minh họa kỹ thuật số và nghệ thuật tạo hình mà trẻ em có thể phát huy trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo của mình.
Như vậy, sách kỹ thuật số/sách điện tử vô cùng hữu ích và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại công nghệ số hiện nay và tương lai.
Sách minh họa kỹ thuật số dành cho thiếu nhi với truyền thông về bình đẳng giới
Như chúng ta đã biết, sách có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, mang lại cho chúng ta nhiều tri thức mới, khai sáng tâm hồn, hỗ trợ trong giáo dục và phát triển nhân cách. Sách giúp phát triển kỹ năng đọc, viết, khả năng sử dụng ngôn từ, thúc đẩy tư duy và phân tích, lý luận các vấn đề trong đời sống. Sách có thể đọc viết về rất nhiều nội dung, thông điệp khác nhau, trong đó có bình đẳng giới. Theo Dương Kim Anh (2022) đã khẳng định “Đọc sách để hiểu về giá trị của bình đẳng giới và phát triển bền vững” và “Hoàn toàn có thể thúc đẩy bình đẳng giới thông qua đọc sách”.
Trong văn học thiếu nhi, sách truyện mang lại những lợi ích to lớn và vai trò quan trọng giúp thúc đẩy bình đẳng giới với trẻ nhỏ. Từ khi mới sinh ra những đứa trẻ chưa hề có khái niệm phân định giới nam và nữ. Những tư duy phân biệt giới tính đa phần là do người lớn áp đặt, điều hướng trẻ, từ đó hình thành các quan niệm của xã hội. Việc thúc đẩy truyền thông về bình đẳng giới để thay đổi nhận thức cho phụ huynh và cho những đứa trẻ là điều rất tốt.
Bình đẳng giới là nền tảng giúp cho thế giới trở nên bình đẳng và văn minh. Thông qua việc đọc sách sẽ giúp trẻ em sớm nhận thức được về những nội dung thực chất của bình đẳng giới, cải thiện sức khỏe tâm hồn, trí tuệ cảm xúc của trẻ và chúng sẽ được phát triển đam mê của chính mình mà không bị bó buộc bởi các định kiến. Nhờ đó, trẻ sẽ nhận ra các giá trị của bình đẳng, quyền con người, khuyến khích các thế hệ trẻ sống nhân ái, tôn trọng những sự khác biệt của mỗi cá nhân, giảm thiểu các hành vi tiêu cực về giới trong tương lai.
Trong các phương tiện truyền thông đối với lứa tuối thiếu nhi, sách thiếu nhi có đặc trưng tiêu biểu là xây dựng thế giới trẻ thơ bằng những hình tượng nhân vật, mọi sự vật thường được cách điệu tạo hình có ngôn ngữ biểu cảm, bố cục bối cảnh phong phú, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Chính vì ưu điểm đó nó trở thành một phương tiện hết sức quan trọng, tác động tích cực đối với sự phát triển nhân cách đạo đức và năng lực của thiếu nhi, ảnh hưởng lớn tới việc nuôi dưỡng tâm hồn và tiếp thu các giá trị văn hóa của trẻ.
Thế giới sách truyện của trẻ luôn bao gồm các cấp độ giao tiếp là hình ảnh tranh minh họa và ngôn ngữ (chữ viết), hình thức truyền thống là sách truyện dạng in ấn. Nhưng hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của kỷ nguyên số hóa toàn cầu, sách truyện đã trở nên đa dạng hơn về thể loại, hình thức để phù hợp với xu thế.
Hiện nay, trẻ đã được tiếp cận rất sớm với công nghệ hiện đại và đặc biệt máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, nên việc đọc sách minh họa kỹ thuật số càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhờ đặc tính đa phương tiện và ưu điểm của sách kỹ thuật số mà sách minh họa kỹ thuật số sẽ mở ra thế giới rộng lớn bằng các tranh minh họa tạo hình nghệ thuật, bằng âm thanh, lời nói, hiệu ứng và chuyển động giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn, ghi nhớ lâu hơn các nội dung, thông điệp trong đó.
Cụ thể, trong nghiên cứu của mình, Thales Estefani, João Queiroz (2018) đã phân tích và tổng hợp rằng sách điện tử có nhiều điểm tương đồng với sách in nhưng lại rất khác biệt, nhờ công nghệ đa phương tiện tiên tiến giúp trẻ nhỏ thành công trong việc hiểu nội dung câu chuyện hơn là so với sách in. Những thông tin phi ngôn ngữ như tranh minh họa, hình ảnh động, âm thanh nhạc nền, hiệu ứng được tạo bởi các phần mềm công nghệ... miễn là phù hợp với lời kể giúp trẻ hiểu tốt hơn. Giới và bình đẳng giới là một phần quan trọng như chúng ta đã biết, do vậy không thể bỏ qua lợi ích và vai trò quan trọng của sách minh họa kỹ thuật số cho lứa tuổi thiếu nhi trong việc thúc đẩy sự tiến bộ này.
Bên cạnh đó sách thiếu nhi kỹ thuật số và các sách minh họa kỹ thuật số đã được nghiên cứu và phát triển trên thế giới, có một số thư viện kỹ thuật số miễn phí trên nền tảng đám mây phù hợp cho các bạn nhỏ. Ở những trang thư viện kỹ thuật số này, trẻ có thể khám phá nội dung các câu truyện, trải nghiệm đọc sách mà không cần phải di chuyển nhiều đến các thư viện truyền thống hoặc hiệu sách. Đặc biệt các thư viện kỹ thuật số này đã càng phát huy tác dụng trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh COVID-19 vừa qua.
Đến với những thư viện kỹ thuật số này, trẻ được tự do lựa chọn những cuốn sách đọc trực tuyến hoặc tải về để đọc ngoại tuyến khi không có mạng Internet. Từ thực trạng trên cho thấy, sách minh họa kỹ thuật số dành cho thiếu nhi với nội dung về bình đẳng giới ở Việt Nam hiện chưa có sản phẩm, vẫn là một cơ hội rất rộng mở, thiết thực, hữu ích và hoàn toàn thích ứng trong bối cảnh công nghệ số hiện nay.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng sách minh họa kỹ thuật số dành cho thiếu nhi là một phương tiện truyền thông về bình đẳng giới hữu hiệu trong thời đại công nghệ số hóa toàn cầu, hoàn toàn có thể phát triển được. Nhiều quốc gia đã đưa sách kỹ thuật số vào ứng dụng trong đào tạo và đời sống, đưa sách minh họa kỹ thuật số trở thành món ăn tinh thần của trẻ nhỏ, giúp thay đổi thế giới, hướng tới thời đại công nghệ thông minh.
Lợi ích và vai trò của sách in là không thể phủ nhận, vẫn chiếm một phần vô cùng quan trọng trong văn hóa xã hội. Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ cũng cần phải đuợc tiếp nhận và phát triển song song với những giá trị văn hóa truyền thông. Sách minh họa kỹ thuật số vừa có tính văn hóa (ở nội dung), tính công nghệ (kỹ xảo, kỹ thuật số) vừa có giá trị thẩm mỹ (nghệ thuật minh họa), phù hợp với trẻ nhỏ sẽ mở ra một xu hướng mới về sách thiếu nhi hiện đại.
Để đáp ứng chiến lược truyền thông bình đẳng giới của quốc gia, có thể tiến tới áp dụng và phát triển sách minh họa kỹ thuật số cho vấn đề truyền thông về bình đẳng giới với thiếu nhi, các tổ chức/nhà xuất bản sách có thể nghiên cứu và xuất bản nhiều hơn các ấn phẩm sách truyện minh họa kỹ thuật số có nội dung được biên tập riêng biệt hoặc lồng ghép bình đẳng giới theo tiêu chí truyền thông quốc tế của tổ chức UNESCO, từ đó hình thành tủ sách truyện thiếu nhi về bình đẳng giới không chỉ loại hình in ấn mà còn cả dạng số hóa và thư viện kỹ thuật số.
Ngoài ra, cần lồng ghép kiến thức về bình đẳng giới ở các trường đại học/học viện/cao đẳng đào tạo mĩ thuật và thiết kế, để nâng cao nhận thức ngay từ đầu vào, từ khởi nguồn của lĩnh vực sáng tạo... Tổ chức các hội thảo/chuyên đề, chương trình bồi dưỡng nhằm bổ sung kiến thức, chính sách về giới cho đội ngũ làm chuyên môn, qua đó lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào thực tiễn thiết kế và truyền thông.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2022)