Gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 14:51, 08/11/2022

Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021, “Về đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025”, đưa ra mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao.
Make in Vietnam

Gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế

{Tên tác giả} 08/11/2022 14:51

Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021, “Về đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025”, đưa ra mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao.

Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP); Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; Tăng số lượng cơ sở chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình từ 20%/năm đến 25%/năm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt từ 50%/năm đến 80%/năm và giá trị giao dịch đạt từ 80%/năm đến 100%/năm; Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua Internet đạt từ 35%/năm đến 40%/năm; Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công có từ 90% đến 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; Từ 90% đến 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Như vậy, các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được đề ra rất cụ thể, dựa trên nền tảng công nghệ số và đối tượng, nhóm đối tượng cần được ưu tiên hướng đến chủ yếu là các tổ chức có đông người thực hiện thanh toán, chi trả.

Trước hết, đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động thanh toán, tham mưu cho Chính phủ về lĩnh vực này. Trong những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời, phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, đổi mới tiện ích, ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, quyết định cho triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money; Sửa đổi, bổ sung các thông tư, hướng dẫn nghị định, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành quy định mở tài khoản thanh toán trực tuyến dựa trên định danh khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, ban hành áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, QR Code, thẻ chip, các quy định và biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán và giao dịch thanh toán điện tử của các doanh nghiệp, người dân...

Trong nhiều năm qua, hệ thống thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số của các ngân hàng thương mại Việt Nam và tổ chức trung gian thanh toán ở Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, thuận tiện trong giao dịch đối với các doanh nghiệp và người dân. Hệ thống này bảo đảm kết nối liên thông giữa các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán, các ví điện tử, các đơn vị cung ứng dịch vụ công và các doanh nghiệp, các tổ chức bán hàng, cung ứng dịch vụ khác, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế số và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của đại dịch COVID-19.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán cũng tích cực nghiên cứu, đầu tư kết cấu nguồn lực tài chính vào phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tối ưu, tích hợp kết nối các dịch vụ khác, như: Viễn thông, y tế, bệnh viện, trường học, điện lực, nước sạch, thuế, hải quan, bảo hiểm, các dịch vụ công khác... trong nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại và tổ chức trung gian thanh toán cũng thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao sự trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng. Nhiều phương thức giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí đã ra đời với nhiều tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích to lớn và giá trị thiết thực cho khách hàng, cho các trung tâm thương mại, dịch vụ.

Kết quả triển khai các biện pháp trên được phản ánh qua số liệu tăng trưởng hằng năm khá cao về các dịch vụ thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số tại Việt Nam trong những năm gần đây. Về thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam, như: Điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay đạt tốc độ tăng trưởng mạnh hằng năm, bình quân lên tới 90% về số lượng giao dịch và 150% về giá trị thanh toán. Nhiều ngân hàng thương mại đạt tốc độ tăng trưởng trên 90% giá trị giao dịch thanh toán điện tử được khách hàng thực hiện trên kênh số.

Người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ và sau đó thanh toán hoàn toàn trên kênh số. Nhờ đó, hoạt động thanh toán không bị gián đoạn trong bối cảnh người tiêu dùng bị cách ly, giãn cách do đại dịch COVID-19. Dịch vụ này tiết kiệm thời gian và chi phí cho nền kinh tế, cho người dân và cho chính các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Điện lực, nước sạch, truyền hình cáp, thuê bao điện thoại, dịch vụ internet, thu phí giao thông đường cao tốc, hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, siêu thị và trung tâm thương mại, thuế, hải quan, xử phạt vi phạm giao thông... thấy rõ lợi ích kinh tế, tiết kiệm nhân lực và tài chính cho thanh toán điện tử dựa trên công nghệ số. Các trường đại học ứng dụng trong thu học phí của sinh viên, bệnh viện thu phí các dịch vụ khám, chữa bệnh, thuế và hải quan, dịch vụ công, xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ... cũng thấy rất rõ những khoản tiết kiệm chi phí bộ máy, trụ sở và phương tiện làm việc, chi phí tài chính khác... khi áp dụng thanh toán điện tử. Việc chi trả lương của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội qua hệ thống tài khoản, sử dụng thanh toán điện tử... cho thấy rõ lợi ích của nền kinh tế, của xã hội và của người thụ hưởng./.