Các giải pháp đẩy mạnh kinh tế tư nhân
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 14:56, 15/11/2022
Các giải pháp đẩy mạnh kinh tế tư nhân
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030 đã đề ra 6 nhóm giải pháp.
Trong bối cảnh thực hiện phục hồi nền kinh tế và doanh nghiệp sau đại dịch, bên cạnh việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cần chú trọng thực hiện một số giải pháp có tính chất đột phá.
1. Thúc đẩy, đề cao tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp trong toàn xã hội, trước hết trong lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên. Mục tiêu hướng tới xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp với nhiều địa phương, thành phố khởi nghiệp, đại học khởi nghiệp...
2. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới. Ngoài nỗ lực chính của các doanh nghiệp, doanh nhân, Chính phủ cần xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện đổi mới sáng tạo; Ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ mới.
3. Để phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, liên kết các doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về Hội, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp. Trước mắt, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
4. Tập trung tháo gỡ các “nút thắt” hiện nay về thị trường vốn, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ… để doanh nghiệp tư nhân vượt qua khó khăn, chủ động nắm bắt thời cơ, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn hậu đại dịch.
5. Rà soát và chỉnh sửa bổ sung hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh sản xuất sao cho theo kịp và phù hợp với tình hình chuyển động của kinh tế thế giới và điều kiện Việt Nam.
6. Tạo môi trường, cộng đồng sinh thái khởi nghiệp, thu hút nguồn sinh lực mới từ những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trẻ có nhiều ý tưởng, nhiều năng lượng, sáng tạo và cách làm táo bạo trong sản xuất kinh doanh ở giai đoạn nhạy cảm và dễ tổn thương như vừa qua và trong tương lai.
Về phía doanh nghiệp, thách thức và nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thị trường hàng hóa ngưng trệ, không bán được hàng, không có doanh thu, không trả nợ được ngân hàng, buộc phải cho lao động nghỉ việc, thậm chí phá sản. Để có thể trụ vững, vượt qua thách thức và phát triển, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ chính các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước và toàn xã hội.
Theo đó, cần tập trung vào một số giải pháp dài hạn và ngắn hạn:
Một là, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Đây là biện pháp dài hạn và thực hiện thường xuyên, tuy nhiên khi xảy ra dịch bệnh thì yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp trở nên cấp bách, đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc nhanh hơn, quyết liệt hơn, trong đó, tập trung vào tái cấu trúc chiến lược kinh doanh và tái cấu trúc vốn và nguồn vốn. Tuy nhiên, thực hiện tái cấu trúc như thế nào tùy thuộc vào quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
Hai là, thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Thực hiện chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam còn khá chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp Việt Nam đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh theo phương thức truyền thống, hạn chế nguồn lực và kênh phân phối, nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp chưa cao.
Ba là, sử dụng các công cụ quản lý doanh nghiệp hiện đại. Có rất nhiều công cụ đã được doanh nghiệp trên thế giới sử dụng hiệu quả để các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng trong việc quản lý doanh nghiệp, quản lý kinh doanh như Strategic Planning, Customer Relationship Management, Benchmarking, Balanced Scorecard,… Chẳng hạn, để quản trị mục tiêu chiến lược và hiệu quả công việc doanh nghiệp có thể sử dụng bộ đôi công cụ BSC và KPI.
Thẻ điểm cân bằng (Balance Scoredcard - BSC) là một hệ thống quản lý chiến lược qua 4 khía cạnh tài chính, khách hàng, hoạt động nội bộ và hoạt động nghiên cứu phát triển. BSC cho biết để có thể đạt được các mục tiêu chiến lược, doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển những nguồn lực nào để tạo ra sự khác biệt, doanh nghiệp cần có năng lực cốt lõi gì, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Chỉ số đánh giá thực hiện công việc (Key Performance Indicator - KPI) là công cụ đo lường hiệu suất làm việc, giúp doanh nghiệp có thể tính toán trước được kết quả và từ đó theo dõi quá trình tăng trưởng so với mục tiêu đã đề ra.
Bốn là, tìm hướng đi mới, thay đổi cách thức marketing và bán hàng. Khi xảy ra dịch bệnh, khách hàng sẽ không đi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, lúc này doanh nghiệp cần thay đổi phương thức kinh doanh chuyển từ phục vụ tại cửa hàng sang phục vụ tại nhà, chuyển từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng online. Đối với các startup đang hoạt động mà thị trường bão hòa thì đây cũng là thời điểm để tập trung vào các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), hoạt động cốt lõi để tìm ra những hướng đi mới hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hiệu quả tổ chức.
Năm là, chú trọng khai thác thị trường nội địa. Tác động của việc “đứt gãy” nguồn cung ứng nguyên phụ liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm là rất lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần chủ động khai thác thị trường nội địa, kể cả ở khía cạnh tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu thay thế và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Khai thác thị trường nội địa Việt Nam với quy mô trên 90 triệu dân và là thị trường nhập khẩu hàng tiêu dùng lớn trong bối cảnh các nước ngừng hoặc giãn tiến độ nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thể coi là biện pháp hữu hiệu của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với các nước, nhất là các Hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung ứng thay thế.
Sáu là, thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí. Đây là biện pháp rất cổ điển nhưng rất hữu ích và bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện khi đối mặt với khó khăn về nguồn cung và thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Doanh nghiệp cần rà soát lại toàn bộ các chi phí và thực hiện giảm, cắt giảm các chi phí đến mức tối đa như chi phí thuê văn phòng, chí phí hành chính, chi phí quảng cáo…
Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động, nhất là lao động chất lượng cao sau khi hết dịch là vấn đề cần quan tâm. Đặc biệt, trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày rất khó tuyển dụng lao động thì việc lựa chọn cách thức cắt giảm chi phí lao động cần được tính toán kỹ lưỡng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các chính sách về lao động việc làm của Chính phủ như trợ cấp thất nghiệp hoặc trực tiếp trợ cấp cho người lao động trong điều kiện ngân sách cho phép để giữ chân người lao động.
Bảy là, đào tạo và đào tạo lại nhân viên. Ngoài việc thực hiện các chính sách về lao động như trên, các doanh nghiệp thực hiện việc đào tạo và đào tạo lại lao động để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai./.