Kinh tế tư nhân đối mặt thách thức mới

Make in Vietnam - Ngày đăng : 10:59, 01/11/2022

Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục đối mặt với loạt thách thức mới từ cơn bão suy thoái toàn cầu. Cần có những giải pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vượt qua khó khăn.
Make in Vietnam

Kinh tế tư nhân đối mặt thách thức mới

PV 01/11/2022 10:59

Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục đối mặt với loạt thách thức mới từ cơn bão suy thoái toàn cầu. Cần có những giải pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vượt qua khó khăn.

Khu vực kinh tế tư nhân chưa gượng dậy sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, lại đang phải chịu tác động của cơn bão suy thoái toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng. Cùng với các doanh nghiệp nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức, quản trị nhằm duy trì sản xuất kinh doanh để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, thực hiện hiệu quả việc phòng và chống dịch và chăm lo cuộc sống của người lao động.

Doanh nghiệp nói chung, khu vực kinh tế tư nhân nói riêng chưa gượng dậy sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, lại đang phải chịu tác động của cơn bão suy thoái toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng, do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, biến đổi khí hậu… Những thách thức đặt ra là:

  1. Chi phí đầu vào tăng vọt. Giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine dẫn đến chi phí đi vay cao hơn, hoạt động thương mại bị gián đoạn, lạm phát lên cao, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Lạm phát gia tăng đã thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp cao hơn. Sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đã gây ra tình trạng thiếu hụt đầu vào và tăng giá hàng hóa.

Chi phí logistics tăng bởi giá xăng dầu tăng mạnh, dự kiến chi phí vận chuyển đường biển tăng khoảng 10-30% tùy từng tuyến đường. Ngoài ra, chi phí vận chuyển trong nước cũng được dự báo tăng khoảng 10%, cộng thêm hiện tượng ùn nghẽn tại các cảng biển gia tăng do thiếu năng lực khai thác và nhu cầu vận chuyển tăng cao sau giai đoạn dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến tài chính của doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy, hơn 2/3 doanh nghiệp đang chịu áp lực do lạm phát có xu hướng gia tăng và bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới. Đây là những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt; tiếp theo là gián đoạn do tác động của đại dịch Covid-19 gây ra (61,5%); Đứt gãy chuỗi cung ứng (53,9%); Sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường. Áp lực tăng giá của đầu vào sản xuất đang đặt ra các nguy cơ, thách thức mới cho doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế Việt Nam trong việc thúc đẩy sự gia tăng sản lượng ở cấp độ vi mô, cũng như việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dưới góc độ vĩ mô.

Thiếu vốn và giá vay vốn tăng. Trong tổng số trên 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nguồn vốn duy nhất đến từ hệ thống ngân hàng và từ việc phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán. Tín dụng chủ yếu được tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên hậu Covid-19, dòng vốn từ ngân hàng vẫn là điểm tựa tiếp sức thêm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng sản xuất, tận dụng cơ hội cao điểm để phát triển thành các doanh nghiệp quy mô trong tương lai. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thông thoáng, hệ thống pháp luật còn bất cập. Sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật khiến các cơ quan thực thi chính sách trở nên lúng túng, bị động khi giải quyết công việc cho doanh nghiệp; Đồng thời, tạo tâm lý sợ rủi ro, sợ sai rất phổ biến trong bộ máy nhà nước.

Nhiều địa phương và thậm chí ở các bộ, ngành hiện nay không dám giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình trệ, chậm tiến độ, dẫn đến tình trạng là nhiều việc phải đẩy lên đến cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua là một ví dụ điển hình.

Trong các năm 2020, 2021 và 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết, nghị định và quyết định để thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14, ngày 19/6/2020 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, ngày 30/10/2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Năm 2022, đại dịch COVID-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, thì xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động thương mại, đầu tư, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Lạm phát gia tăng đã thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (FED) và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp cao hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách ứng phó với những tác động của đại dịch, trong đó, chính sách tài khóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn. Ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15. Trong đó, về chính sách tài khóa để hỗ trợ Chương trình, gồm bốn nhóm chính sách.

Nhóm thứ nhất, các chính sách miễn, giảm thuế: (i) giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (xuống còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; (ii) cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm.

Nhóm thứ hai, để triển khai Nghị quyết, ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và ngày 28/5/2022, ban hành Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.

Nhóm thứ ba, chính sách đầu tư phát triển: Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong hai năm 2022 và 2023, bao gồm các lĩnh vực: Y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; và việc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình phải bảo đảm giải ngân vốn trong 2 năm 2022 và 2023.

Nhóm thứ tư, chính sách tài khóa khác: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho ngân hàng chính sách xã hội./.

PV