Khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới mẻ, thúc đẩy căn bản CĐS

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:32, 13/01/2023

Trước thềm xuân mới Quý Mão 2023, trong không khí ấm áp, ngày 13/1/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức gặp mặt cán bộ hưu trí của ngành qua các thời kỳ. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm đã tham dự buổi gặp mặt.
Chuyển đổi số

Khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới mẻ, thúc đẩy căn bản CĐS

Hoàng Linh 13/01/2023 16:32

Trước thềm xuân mới Quý Mão 2023, trong không khí ấm áp, ngày 13/1/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức gặp mặt cán bộ hưu trí của ngành qua các thời kỳ. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm đã tham dự buổi gặp mặt.

Tham dự buổi gặp mặt còn có các nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Nguyễn Quế Hương, Nguyễn Huy Luận; nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) Đỗ Trung Tá; nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp; nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực; nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Phan Khắc Hải và các nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, Nguyễn Minh Hồng, Phạm Hồng Hải, Nguyễn Thành Hưng.

toan-the-can-bo-huu-tri-tt-tt-2023.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ hưu trí 

Ấn tượng với những kết quả

Phát biểu tại buổi gặp mặt, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực bày tỏ vui mừng về những kết quả Ngành đã đạt được trong năm 2022. Ông bày tỏ ấn tượng về Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và nhận Huân chương lao động hạng Nhất. Nhiều bộ, ngành đã đánh giá cao về Bộ TT&TT.

Nguyên Thứ trưởng Mai Liêm Trực nhất trí với việc Bộ TT&TT lấy năm 2023 là năm dữ liệu. “Không có dữ liệu không có chuyển đổi số (CĐS), cách mạng công nghiệp 4.0 và công việc gian nan này cần sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, người dân”.

Ông Nguyễn Tăng Liêm, nguyên Chủ tịch Công đoàn Bưu điện năm nay 90 tuổi cho biết ông vẫn viết sách, tập hợp thông tin giá trị, góp ý cho các quy định của nhà nước. Ông bày tỏ mong muốn “Bộ TT&TT bứt lên khỏi đội hình, tiến lên hàng đầu”.

Trong khi đó, bà Đoàn Thị Đấu, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Bưu điện bày tỏ vui mừng đất nước đã vượt qua khó khăn, trong đó có sự đóng góp lớn của của Ngành. Ngành TT&TT là bệ phóng, nền cơ sở cho sự phát triển của nền kinh tế. Phong trào khởi nghiệp đã trở nên phổ biến, là cơ hội cho lao động trẻ khai thác, cống hiến và làm giàu. Theo đó, vai trò của CNTT rất lớn cho phát triển kinh tế cao. Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ trọng kinh tế số cao. CĐS đã phổ biến ở nhiều nơi nơi.

Nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá bày tỏ vui mừng Bộ ngày càng phát triển nhanh khi đã nhận được phần thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thường xứng đáng cho việc kích hoạt cả nước đi vào CĐS. CNTT đã góp phần cho quản lý nhà nước về báo chí, đóng góp để các ngành kinh tế phát triển.

Những bước phát triển vượt bậc

Trước các trao đổi của các thế hệ cán bộ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phấn khởi khi được gặp mặt các cán bộ hưu trí của Ngành, nhiều cán bộ hơn 90 tuổi. Đây là buổi gặp mặt gia đình của Ngành.

bo-truong-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Ngành TT&TT sẽ tiên phong đi đầu bước vào công cuộc đổi mới lần 2.

Bộ trưởng cho biết Ngành TT&TT gần đây đã có những bước phát triển mới khi là ngành đi từ bưu chính, viễn thông, CNTT và gần đây là công nghệ số và CĐS. Bên cạnh lĩnh vực báo chí, xuất bản thì hiện nay bổ sung thêm truyền thông. báo chí, xuất bản, truyền thông giờ đây cũng CĐS, được gọi là báo chí, xuất bản và truyền thông số.

Năm 2022 là năm mà Bộ TT&TT được Chính phủ chính thức bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ mới là CĐS, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công nghiệp công nghệ số, giao dịch điện tử. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT có các đơn vị mới là Cục CĐS Quốc gia, Cục Công nghiệp CNTT - truyền thông, Vụ Kinh tế số - Xã hội số.

Nghị quyết Trung ương 6 khoá XIII tháng 10/2022 chính thức coi CĐS là một phương thức phát triển mới, có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp - hiện đại hoá đất nước, chính thức công nhận ngành công nghiệp công nghệ số là một ngành và đưa ngành này trở thành một ngành công nghiệp nền tảng.

Nhiệm kỳ này, Bộ TT&TT cũng sửa nhiều luật để tạo điều kiện cho công nghệ số phát triển như Luật Tần số Vô tuyến điện đã được sửa đổi và được Quốc hội thông qua, Luật giao dịch điện tử đang được Quốc hội xem xét, Luật Viễn thông đang được sửa đổi, Luật công nghiệp số được xây dựng mới và sắp tới Luật Báo chí sẽ được sửa đổi.

Năm 2022, Bộ TT&TT cũng tập trung xây dựng chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực như bưu chính, hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số - xã hội, an ninh mạng, công nghiệp công nghệ số, CĐS báo chí. Lần đầu tiên, Ngành có có chiến lược phát triển cho từng lĩnh vực mới được Thủ tướng phê duyệt và dẫn dắt lĩnh vực phát triển bước vào giai đoạn mới.

Năm 2022, Bộ trưởng cho biết là năm tổng tiến công về CĐS. “CĐS đã trở thành toàn dân và toàn diện với việc tất cả các bộ ngành, địa phương có nghị quyết, chương trình hành động về CĐS. Năm 2022 là năm đầu tiên có một số ứng dụng công nghệ số (app) được đạt tới 500 triệu lượt cài đặt. Đây là tự hào về Make in Viet Nam. Đặc biệt, trong năm 2022, gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng ở nông thôn được thành lập để đến từng hộ gia đình hỗ trợ người dân CĐS, lên nền tảng số”.

Năm 2022 là năm phấn khởi khi nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiến ra nước ngoài, có thể gọi là đi mở cõi, đầu tư kinh doanh, làm CĐS cho các nước rất phát triển. Bộ TT&TT đã vinh danh 2 tập đoàn công nghệ số lớn của Việt Nam là Viettel đạt doanh thu nước ngoài 3 tỷ USD và FPT có doanh thu về CNTT, CĐS đạt 1 tỷ USD. Đặc biệt, FPT đạt 1 tỷ USD trong 5 năm. FPT 30 năm chật vật mới được 1 tỷ USD và còn nhiều DN khác nữa. Năm 2023 sẽ vinh danh DN có doanh thu 1000 tỷ đồng Việt Nam.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Hội nghị truyền thông chính sách đã được tổ chức, nhằm nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách. Nhiệm vụ truyền thông chính sách là chức năng của chính quyền, của các Bộ, ngành, địa phương. Năm 2022 cũng là năm cơ bản hoàn thành thể chế quản lý các nền tảng xuyên biên giới với tinh thần dù bất kỳ ai đến Việt Nam kinh doanh phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, các DN trong và ngoài nước kinh doanh tại Việt Nam được quản lý như nhau.

Năm 2022, Bộ TT&TT cũng tăng cường công tác thanh kiểm tra, tập trung vào các vấn đề nổi cộm, kéo dài, cũng là năm đổi mới về công tác cán bộ khi các cán bộ được bổ nhiệm, nhận nhiệm vụ sau 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ có thể xin thôi đảm nhiệm vị trí.

tt-va-doan-tn.jpg
Bộ TT&TT đón các cán bộ hưu trí về dự buổi gặp mặt

Khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới mẻ, thúc đẩy căn bản CĐS

Thông tin về công tác của năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết là năm dữ liệu số quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì nhằm tạo ra, khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới mẻ, thúc đẩy căn bản CĐS và là năm Bộ TT&TT sẽ ban hành các hướng dẫn thực thi chiến lược. Bộ TT&TT sẽ đo lường, công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược, tránh chiến lược “ngăn kéo”.

toan-canh-gap-mat-huu-tri-tet-2023.jpg

Năm 2023, Bộ TT&TT cũng sẽ mở chiến dịch đi ra nước ngoài, hỗ trợ các DN công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài, đi ra nước ngoài, mang tri thức Việt Nam đi mở cõi, đưa sản phẩm Việt Nam đi nước ngoài. Ngành Viễn thông - CNTT, công nghệ số có rất nhiều câu chuyện để kể với thế giới và cạnh tranh với các DN xuất sắc của thế giới để từ đó trở nên xuất sắc.

Cũng theo Bộ trưởng, 10 năm tới Ngành TT&TT sẽ có những chuyển biến quan trọng như là ngành từ ứng dụng CNTT sang CĐS, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang Make in Viet Nam, từ thị trường trong nước sang thị trường quốc tế là chính và công nghệ trở thành nguồn lực sản xuất cơ bản, nhân tài trở thành nguồn lực cơ bản, đổi mới sáng tạo trở thành nguồn lực cơ bản.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Bộ TT&TT sẽ là đôi cánh để Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Theo đó, báo chí, xuất bản truyền thông là một chiếc cánh và nhân tài số, công nghệ số, CĐS tạo nên chiếc cánh thứ hai. Ngành TT&TT sẽ tiên phong đi đầu bước vào công cuộc đổi mới lần 2”.

Cuối cùng, Bộ trưởng cho biết mỗi năm vào dịp Tết đến, xuân về, Bộ TT&TT được đón các cán bộ hưu trí về lại ngôi nhà 18 Nguyễn Du và vui mừng được được gặp các cán bộ các thế hệ, là những người đã dành trọn “tâm”, “trí” cho sự phát triển Ngành, truyền năng lượng và tinh thần cho thế hệ đi sau.

“Những người đi sau vẫn đang kế thừa quá khứ, truyền thống của những người đi trước, vẫn giữ tinh thần trung thành, dũng cảm, tận tuỵ, sáng tạo, nghĩa tình và cũng có trách nhiệm mở ra tương lai mới cho Ngành. Đó là xây dựng hạ tầng số, dẫn dắt CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, lấy công nghệ số làm công nghệ chính để phát triển đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng khẳng định sẽ phát huy tinh thần bứt phá, đi đầu, đổi mới lần hai về xây dựng hạ tầng số. Báo chí - xuất bản - truyền thông nhận sứ mệnh mới tạo nên khát vọng Việt Nam hùng cường. “Đó là khởi tạo mới mà thế hệ hôm nay cố gắng đang làm, là trách nhiệm với thế hệ trước đã xây dựng Ngành để Ngành lớn mạnh, giá trị hơn nữa”./.

Hoàng Linh