Startup cần tìm cách tối ưu hoá chi phí trong “mùa đông công nghệ”
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 22:26, 18/01/2023
Startup cần tìm cách tối ưu hoá chi phí trong “mùa đông công nghệ”
Để vượt qua giai đoạn "mùa đông công nghệ" trong năm tới, đại diện quỹ Do Ventures cho rằng, các công ty khởi nghiệp nên tìm cách để tối ưu hoá chi phí và tìm thêm các kênh tạo doanh thu mới để có thể duy trì hoạt động mà không cần huy động thêm vốn.
Thị trường khởi nghiệp Việt đã có sự trưởng thành nhất định
Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở Việt Nam 2022, trong 9 tháng đầu năm 2022, đầu tư công nghệ tại Việt Nam chứng kiến sự giảm nhẹ so với năm 2021, tuy nhiên, vẫn duy trì như mức độ trước đại dịch COVID-19. Theo đó, tổng số vốn đầu tư được rót ra đã giảm 17,9%, trong đó số lượng thương vụ giảm 13%. Đặc biệt, trong quý 3/2021, đầu tư vào công nghệ Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm mạnh.
Lý giải cho điều này, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành quỹ Do Ventures cho rằng, việc kinh tế toàn cầu trong năm qua có rất nhiều biến động và đang đối mặt với nguy cơ suy thoái đã khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Điều này làm cho thị trường đầu tư công nghệ tại Việt Nam có sự sụt giảm nhẹ trong 9 tháng đầu năm 2022. Vì vậy, các nhà đầu tư khắt khe hơn khi đánh giá một công ty, họ sẽ không chỉ nhìn vào con số doanh thu mà sẽ xem xét kỹ lưỡng các chỉ số liên quan đến khả năng tăng trưởng bền vững của startup.
Mặc dù vậy, đầu tư công nghệ tại Việt Nam cũng có những điểm sáng nhất định. Thông tin từ quỹ Do Ventures cho biết, 9 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến kỷ lục về số lượng giao dịch với quy mô gọi vốn đạt 10 - 50 triệu USD, gần bằng với cả năm 2021. Cùng với đó, số lượng các thương vụ series B khi đạt mức cao kỉ lục. Theo đó, giá trị giao dịch trong phạm vi 10 - 50 triệu USD tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao lịch sử trong khoảng thời gian 9 tháng đầu năm của những năm gần đây.
“Con số này đã cho thấy sự trưởng thành hơn của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Các công ty đã gọi được vốn Series A trong năm trước tiếp tục tăng trưởng, mô hình kinh doanh của họ đã vững vàng và có được lòng tin của các nhà đầu tư giai đoạn sau”, bà Vy bày tỏ.
Trong bức tranh đầu tư tại Việt Nam, ngành bán lẻ tiếp tục vị thế nhóm dẫn đầu về số lượng vốn đổ vào, dịch vụ tài chính (fintech) bám sát ngay phia sau. Theo bà Vy, trong những năm gần đây, bán lẻ vẫn luôn là ngành thu hút đầu tư nhiều nhất do sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình thương mại điện tử tại Việt Nam. Việc mua sắm online đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hằng ngày của người tiêu dùng. Đi kèm với sự phát triển của thương mại điện tử sẽ là các mô hình thanh toán, sau đó là dịch vụ tài chính khi khi niềm tin của người tiêu dùng với các công cụ kỹ thuật số (digital) tăng lên.
“Giáo dục và SaaS (các công cụ giúp chuyển đổi số) là những ngành sẽ tiếp tục nhận được sự chú ý và có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới”, bà Vy nhận định.
Thay vì đốt tiền, startup nên tăng trưởng dựa trên sản phẩm
Nhận định về thị trường, Giám đốc Điều hành Do Ventures cho rằng, đầu tư công nghệ tại Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 trước những diễn biến trên toàn cầu hiện nay. Sau khủng hoảng, thị trường sẽ nhìn thấy các công ty có thực lực tiếp tục trụ lại trên thị trường và thế hệ các công ty mới ra đời với nền tảng vững chắc.
Trong đó, các mô hình ứng dụng công nghệ có khả năng tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững dựa vào yếu tố hàm lượng công nghệ cao, các đội nhóm có tiềm lực và khả năng thực thi cao để tìm kiếm lơi nhuận sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Cũng theo bà Vy, thời gian tới, các startup Việt Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng bởi “mùa đông công nghệ", đặc biệt là những công ty có vòng gọi vốn gần nhất từ đầu năm 2021 và chỉ còn khả năng duy trì thanh toán mà không cần huy động thêm vốn (runway) ngắn. Trong giai đoạn gọi vốn khó khăn này, các công ty nên tìm mọi cách để tối ưu hóa chi phí, đồng thời tìm các kênh tạo doanh thu mới nhằm nới rộng runway. Ví dụ như Palexy, một trong các công ty Do Ventures đã đầu tư. Mặc dù runway còn khá dài nhưng họ đã thực hiện kiểm soát chi phí rất chặt chẽ, chuyển sự tập trung sang kế hoạch hòa vốn và có lợi nhuận vào đầu năm 2023.
Nhiều ý kiến cho rằng, các công ty startup cần đi chậm lại và bền vững hơn như tập trung vào xây dựng sản phẩm thật tốt, các giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo… thay vì tiêu tốn nguồn lực để tăng trưởng thần tốc như trước. Tuy nhiên, lại có quan điểm cho rằng, nếu không chi thật nhiều tiền để “educate” (đào tạo) thị trường, đốt tiền để hút người dùng như trước, thì sẽ rất khó khăn cho những startup trong lĩnh vực mới mà người dùng chưa quen thuộc, giống như cách mà thương mại điện tử và fintech đã thực hiện. Về vấn đề này, bà Vy cho rằng, trong khoảng 5 năm gần đây, tỷ lệ người dùng trực tuyến ở Việt Nam đã tăng tương đối cao và trở nên quen thuộc với các sản phẩm dịch vụ số. Qua đó đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Thành quả này có sự góp phần không nhỏ của các công ty đi trước đã giúp educate thị trường.
“Trong giai đoạn hiện nay khi khủng hoảng đang rình rập, tôi nghĩ rằng các công ty vẫn nên ưu tiên tăng trưởng một cách bền vững, tập trung vào hướng tăng trưởng dựa trên sản phẩm (product-led growth). Khi sản phẩm đủ tốt thì thị trường sẽ đón nhận và công ty vẫn có thể tăng trưởng hiệu quả”, bà Vy bày tỏ.
Tuy nhiên, sau mỗi cuộc khủng hoàng sẽ là những cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Vì vậy, bà Vy cho rằng, đây sẽ là cơ hội để startup tập trung phát triển về chiều sâu. Khi áp lực cạnh tranh để gọi vốn giảm đi do áp lực từ thị trường, các công ty có thể tập trung vào xây dựng sản phẩm thật tốt thay vì tìm mọi cách để tăng trưởng vượt bậc. Các công ty vượt qua được giai đoạn thử thách phía trước sẽ chứng minh được vị thế của mình trên thị trường và thuyết phục được nhà đầu tư./.