Startup Việt năm 2023: Đường dài mới biết ngựa hay
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 08:33, 20/01/2023
Startup Việt năm 2023: Đường dài mới biết ngựa hay
Theo bà Lê Huỳnh Kim Ngân, Giám đốc quỹ ThinkZone Ventures, năm 2023-2024 sẽ là thời điểm tạo ra những nhân tố mới khi mà “đường dài mới biết ngựa hay”. Đây cũng là giai đoạn sàng lọc các startup, để có thể thấy được những mô hình kinh doanh thực sự bền vững.
Năm 2022 là chu kỳ mới của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
Khi được hỏi về thị trường đầu tư khởi nghiệp năm 2022 so với năm 2021, bà Lê Huỳnh Kim Ngân cho biết, thông thường khi so sánh theo từng năm, nhiều người sẽ thấy có những sự chênh lệch nhất định. Bởi vì, trên thực tế, nền kinh tế nói riêng và vòng đời của quỹ đầu tư/thị trường đầu tư cũng có những chu kỳ nhất định (thường kéo dài từ 6-10 năm). Trong giai đoạn đầu của nguồn quỹ mới, các hoạt động đầu tư sẽ rất sôi động nhưng sau đó sẽ chậm hơn và bắt đầu chiến lược thoái vốn, chia sẻ lợi nhuận/khoản lỗ cho các nhà đầu tư.
Do đó, nếu nhìn vào chu kỳ đầu tư thay cho việc so sánh theo từng năm thì những thương vụ của năm 2022 ít hơn hẳn so với năm 2021 là một điều rất bình thường. Dù nhiều ý kiến cho rằng, năm 2022 là một năm ảm đạm của thị trường, nhưng theo bà Ngân, đây lại là một điểm bắt đầu của một chu kỳ mới dành cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Trong thời gian 5 - 6 năm qua, ngoài các startup công nghệ tiêu biểu như Tiki, Momo, VNG, VNPay… được nhắc đến rất nhiều trên truyền thông, thì hầu như không có nhiều “nhân tố” mới mẻ nổi bật đáng để theo dõi.
“Tôi tin rằng, trong quãng thời gian từ nay đến năm 2024, chúng ta sẽ chứng kiến một làn gió mới với các công ty khởi nghiệp mới mẻ và có cách làm khác. Thời điểm này là giai đoạn ươm mầm và bắt đầu. Điều này được minh chứng qua việc trong thời gian qua đã có sự gia tăng về số lượng những thương vụ đầu tư có giá trị nhỏ, so với thời gian trước”, bà Ngân bày tỏ.
Bên cạnh đó, một lý do khác đến từ những yếu tố như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dịch bệnh… đã tạo hiệu ứng dây chuyền, khiến cho các công ty lớn/những nhà đầu tư chiến lược bắt đầu phải thận trọng và tối ưu hoá các khoản đầu tư trước, cũng như cân nhắc hơn ở các thương vụ mới. Thậm chí, theo quan sát của bà Ngân, một số quỹ đầu tư Series C cho đến E ở Mỹ đã “im hơi lặng tiếng” từ quý 3/2021 cho đến nay. Vì vậy, khi kinh tế toàn cầu chưa bình ổn thì những công ty khởi nghiệp ở Việt Nam cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Về những lĩnh vực đang thu hút nhiều nhà đầu tư nhất, theo bà Ngân, đó là các ngành liên quan đến dịch vụ tài chính (fintech) và giáo dục. Hai lĩnh vực này đã chứng minh tính bền vững của nó cho dù thị trường chung có nhiều biến động. Theo thống kê sơ bộ trong 3 năm trở lại đây (2020 – 2022), ước tính tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ là 416 triệu USD, lĩnh vực fintech khoảng 462 triệu USD, và giáo dục/edtech là 103 triệu USD.
Có 2 lĩnh vực dù thú vị nhưng vẫn chưa thấy nhiều nhà đầu tư chú ý là Internet vạn vật (Internet of Thing - IoT) và an ninh mạng (Cyber Security). Nguyên nhân có thể là do năng lực cạnh tranh khi mà các startup Việt hoạt động trong lĩnh vực này chưa tạo được sự khác biệt nổi bật so với các đối thủ khác trên thế giới. Chưa kể, 2 ngành này cũng cần đòi hỏi kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên môn sâu sắc hơn. Vì thế, rào cản gia nhập cuộc chơi chung này có phần khó khăn hơn so với các lĩnh vực gần gũi với người tiêu dùng như thương mại điện tử, giáo dục, dịch vụ tài chính…
Đối với ThinkZone Ventures, với lợi thế là một quỹ đầu tư mạo hiểm được hậu thuẫn với các tập đoàn lớn và có sự thấu hiểu thị trường Việt Nam sâu sắc, việc tìm kiếm cũng như tiếp cận các công ty khởi nghiệp Việt Nam không quá khó khăn. Nếu như ThinkZone Fund I theo mô hình đầu tư tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) giúp ươm mầm các công ty khởi nghiệp từ giai đoạn rất sớm thì đến Fund II, ThinkZone chuyển hướng đầu tư với tổng vốn đầu tư vào mỗi thương vụ lớn hơn, ThinkZone cũng đã có sẵn các thương vụ tiềm năng bên cạnh việc tích cực tìm kiếm các công ty mới nổi khác.
Tác giả trích dẫn
2 năm tới sẽ là thời điểm tạo ra những nhân tố startup mới
Giám đốc của ThinkZone Ventures dự đoán rằng năm 2023-2024 sẽ là thời điểm tạo ra những nhân tố mới. Trong đó, những thương vụ lớn sẽ không có nhiều thay đổi. Thay vào đó, mọi người có thể biết đến những thương vụ nhỏ (đầu tư dưới 1 triệu USD) hoặc các thương vụ mua bán sáp nhập. Thời điểm năm 2023 sẽ là lúc thị trường được điều chỉnh, giá trị của các công ty khởi nghiệp được thay đổi về giá trị thực tế nhất, không còn những thổi phồng hay giá trị ảo.
“Vì thế mà các thương vụ mua bán sáp nhập giai đoạn này sẽ sôi động hơn, còn các thương vụ đầu tư rất lớn thì sẽ còn cần một thời gian dài nữa”, bà Ngân cho biết thêm.
Là một người theo dõi lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung và khởi nghiệp nói riêng, cả trong và ngoài nước từ năm 2008, bà Ngân cho rằng, từ thời điểm đó cho đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có 4 làn sóng khác nhau ở 2 chu kỳ khác nhau. Điểm chung của các làn sóng này là: thời gian đầu các công ty sẽ tăng tốc đốt tiền để tăng trưởng; giai đoạn giữa các đơn vị bắt đầu chững lại, không phát triển nóng được nhiều như trước; giai đoạn cuối sẽ là thời kỳ chuyển đổi mô hình kinh doanh, nếu startup tồn tại được thì sẽ bền vững, còn không thì phá sản và biến mất khỏi thị trường.
Còn các nhà đầu tư, dù là quỹ đầu tư mạo hiểm hay nhà đầu tư cá nhân, sẽ đều là mua vào lúc giá rẻ và bán ra vào thời điểm được giá. Vì vậy, nếu quan sát kỹ, mọi người sẽ thấy các nhà đầu tư rót rất nhiều tiền vào thời điểm bắt đầu cơn sóng, để startup/công ty mà họ đầu tư, có thể chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng, giá trị của công ty khởi nghiệp tăng trưởng gấp vài chục, vài trăm lần, để nhà đầu tư có thể đạt được lợi nhuận tốt nhất khi họ cần thoái vốn.
“Các startup cũng vì áp lực tăng trưởng đã cam kết với nhà đầu tư, đã không ngơi tay “đốt tiền” để đạt được kết quả trong thời gian ngắn. Dù điều này không có tính bền vững và hoàn toàn không tốt cho một doanh nghiệp mới nổi”, bà Ngân nhận định.
Để rồi, thời gian sau đó chứng kiến sự “chững” lại của nhà đầu tư, hay nhiều quỹ đầu tư bắt đầu tập trung vào sự phát triển bền vững hơn tăng trưởng nóng. Vì vậy, có thể nói, đây là kết quả tất yếu sau nhiều “phép thử” ở những làn sóng trước. Khi bắt đầu nhận ra được bản chất vận hành của nền kinh tế và tin tưởng vào tiềm năng của kinh tế Việt Nam ở góc độ vĩ mô, nhà đầu tư có phần điềm tĩnh hơn và bắt đầu chọn lọc nuôi dưỡng nhân tố tương lai hơn, thay vì câu chuyện “đánh nhanh rồi rút gọn” như thời gian trước.
Để minh chứng rõ hơn, theo bà Ngân, các tập đoàn lớn trên thế giới, hay thậm chí ở Việt Nam, thường phải đến hơn 15 năm sau kể từ lúc thành lập, các doanh nghiệp này mới có thể cất cánh và trở thành trụ cột của nền kinh tế ở mỗi quốc gia. Sắp tới, Việt Nam sẽ dịch chuyển từ “thị trường mới nổi” sang “thị trường tiềm năng” nên yếu tố bền vững ở kinh tế vĩ mô dài hạn là điều quan trọng và mọi thứ đang chuyển dịch sang hướng này.
“Vì vậy, có thể nói rằng "đường dài mới biết ngựa hay" - đối với các startup Việt cũng như thị trường đầu tư khởi nghiệp trong giai đoạn này”, bà Ngân nhận định.
Startup cần sự sáng tạo và tính linh hoạt trong giai đoạn khó khăn này
Khi được hỏi về ảnh hưởng của “mùa đông công nghệ” (Crypto Winter) với thị trường đầu tư khởi nghiệp và startup Việt, bà Ngân cho rằng, cụm từ này thường dùng để chỉ sự suy giảm kéo dài của giá trị tiền mã hóa trong thời gian qua và được truyền cảm hứng từ show truyền hình Game of Thrones (Trò chơi vương quyền). Từ trước đến nay, giới công nghệ nói chung đã đi qua nhiều lần biến động, có thể kể đến “Bong bóng Dotcom” hoặc các lần suy thoái kinh tế toàn cầu từ thập niên 90 cho đến nay. Việc mọi người sử dụng “mua đông công nghệ” vì trùng khớp với thời điểm mà các dự án huy động tiền mã hóa sụp đổ, từ đó đã tạo nên những lo ngại toàn cầu về tính bền vững của nền tảng công nghệ mới như blockchain.
Vì thế, bà Ngân cho rằng, không nên sử dụng cụm từ này cho thị trường đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam vì nó có những sự khác biệt nhất định. Do việc suy giảm đầu tư vào lĩnh vực này chủ yếu mang tính chu kỳ. Chính vì vậy, khi đã rơi vào chu kỳ của thị trường đầu tư công nghệ thì dù có “mùa đông công nghệ” hay không, thị trường vẫn sẽ diễn ra như hiện nay. Tức là thời kỳ bão hoà của các công ty đã có chút chỗ đứng nhất định, cũng là thời điểm bắt đầu của thế hệ các công ty đổi mới sáng tạo mới trong những năm sắp tới đây.
Thời điểm này là giai đoạn thử thách và sàng lọc các startup, để có thể thấy được đâu là những công ty có mô hình kinh doanh bền vững thực sự, hay chỉ là những công ty “ăn may”. Các dự án về tiền mã hóa sụp đổ, không phải là do công nghệ, mà vấn đề rất lớn nằm ở năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý và vận hành công ty, cũng như sự chính trực trong đạo đức kinh doanh.
Qua những biến cố vừa rồi, bà Ngân hi vọng thị trường có thể điều chỉnh kỳ vọng cũng như có cái nhìn khắt khe hơn với các dự án mà mình đầu tư cũng như lựa chọn sự phát triển bền vững hơn hào nhoáng tài chính trong ngắn hạn. Sự lựa chọn đầu tư sáng suốt hơn, sẽ giúp các công ty có năng lực tốt vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này và dần đào thải các dự án yếu kém ở mọi góc độ. Thị trường được làm sạch trước khi phát triển vững mạnh cũng là một phần tất yếu của một chu kỳ phát triển kinh tế.
Cũng theo bà Ngân, từ khóa cho năm sau có lẽ sẽ nằm vào hai cụm từ “tinh gọn” và “hiệu quả”, nhất là trong bối cảnh startup ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang được thử thách vận hành doanh nghiệp với nguồn tài nguyên (tài chính, nhân sự) hạn chế. Đây cũng là lúc sự sáng tạo và tính linh hoạt lên ngôi.
Có thể nói, thời điểm khởi nghiệp kể từ năm 2022 trở về sau sẽ khác rất nhiều so với 2012. Những nhà sáng lập không nên dùng những kinh nghiệm của quá khứ để tạo thành rào cản cho chính mình. Lý giải cho sự khác biệt này, bà Ngân cho biết, ở thời điểm năm 2012, khi thị trường còn mới mẻ, người dùng vẫn chưa quen thuộc với các sản phẩm Internet, hình ảnh về các công ty công nghệ trong nước vẫn còn mới lạ nên việc đầu tư vào các văn phòng hoành tráng, số lượng nhân viên đông đảo, các hoạt động marketing rầm rộ,... là những điều hết sức bình thường và là điều nên làm. Nhưng hiện nay, sau 10 năm, người dùng đã quen thuộc với sản phẩm công nghệ, dẫn đến hành vi đã được thay đổi nên những hoạt động này có lẽ không cần thiết nữa.
Đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, đại diện ThinkZone Ventures khẳng định, đứng từ góc độ quản lý doanh nghiệp, đại diện ThinkZone Ventures gửi lời cám ơn với những nỗ lực hay chính sách thúc đẩy được Bộ TT&TT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và đầu tư… cùng các đơn vị liên quan. Bởi vì, sự ủng hộ những điều mới mẻ từ góc độ ban, ngành, đoàn thể nói riêng hay chính phủ nói chung, đều là những bước tiến đáng chú ý đối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Về những đề xuất, bà Ngân mong rằng cơ quan quản lý có thể hiểu và trao đổi với doanh nghiệp nói chung và startup nói riêng một cách thiết thực nhiều hơn nữa. Để qua đó, các bên có thể hiểu hơn về nhau, từ đó cơ quan quản lý có thể tháo gỡ những khó khăn mà startup gặp phải. Chỉ khi startup hiểu thì mới có thể tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đi vào đời sống. Hay người dân, cộng đồng, xã hội hiểu thì mới có thể ủng hộ các sản phẩm, dịch vụ của startup. “Tôi hoàn toàn ủng hộ “Make in Viet Nam” dành cho cộng đồng công nghệ vì tin rằng chúng ta không chỉ là quốc gia sản xuất, mà còn rất nhiều những phát minh, sáng chế tầm cỡ quốc tế, hoàn toàn có thể bắt đầu từ Việt Nam”, bà Ngân kết luận./.