Cơ hội cho Việt Nam trở thành trung tâm hạ tầng, dịch vụ số của khu vực châu Á - TBD

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:34, 30/01/2023

Tại các hội nghị gần đây do Bộ TT&TT tổ chức, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC đã có những trao đổi về thuận lợi, cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm hạ tầng, dịch vụ số của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Diễn đàn

Cơ hội cho Việt Nam trở thành trung tâm hạ tầng, dịch vụ số của khu vực châu Á - TBD

Hoàng Linh {Ngày xuất bản}

Tại các hội nghị gần đây do Bộ TT&TT tổ chức, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC đã có những trao đổi về thuận lợi, cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm hạ tầng, dịch vụ số của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

trung-tam-so-2.jpeg

Cơ hội cho Việt Nam

Theo Chủ tịch CMC, điểm thuận lợi đầu tiên là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4. Đây là nghị quyết vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, trong đó xác định kinh tế số là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn cần phải tập trung xây dựng. Tiếp nữa, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế số.

“Dự báo đến năm 2030, kinh tế số có quy mô là 3000 tỷ USD, là thị trường rất tiềm năng mà Việt Nam có thể khai thác tốt được cơ hội này. Chúng ta mới chỉ khai thác được 30% tiềm năng này và ở Việt Nam kinh tế số đã đóng góp khoảng 10% GDP”, ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ.

Trong kinh tế số, ông Nguyễn Trung Chính cho rằng điện toán đám mây (ĐTĐM) là một trong những hạ tầng cơ sở quan trọng. Trong khi đó, chuyển đổi số (CĐS) quốc gia cũng như quá trình CĐS có vai trò tương tự. Tất cả các chính phủ, doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới đã xác định CĐS là chiến lược và điều này càng được tô đậm hơn khi COVID-19 xảy ra, trong đó các quốc gia, DN có khả năng CĐS tốt đã thích ứng rất tốt với dịch bệnh.

Việt Nam là quốc gia cửa ngõ của Đông Nam Á với rất nhiều tuyến giao thông cao tốc chạy qua. Theo đó, ông Chính cho rằng Việt Nam có lợi thế trở thành trung tâm số cho các đơn vị, khách hàng qua “nhà mình” nhưng tiềm năng lại chưa được khai thác tốt. Việt Nam hiện mới có 8 tuyến cáp quang biển quốc tế cập bờ, trong khi những quốc gia như là Singapore, Malaysia có tới 20 - 30 tuyến. Việt Nam muốn trở thành trung tâm số thì phải có nhiều tuyến cáp biển cập bờ hơn.

Mặc dù còn có những giới hạn trong kết nối quốc tế, tuy nhiên, ông Chính nhận định hạ tầng số trong nước cũng đã dần hình thành, sẵn sàng và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là lợi thế nữa của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam đã hình thành một hệ sinh thái công nghệ tương đối tốt. Việt Nam có rất nhiều DN công nghệ số và một trong những điểm quan trọng và cốt lõi là Việt Nam là quốc gia trẻ có năng lực, nguồn lực về kinh tế số tương đối tốt. Sinh viên, học sinh Việt Nam học những môn về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) dẫn đầu nhiều nước trên thế giới. Đó chính là cơ hội, thế mạnh mà Việt Nam nên tận dụng.

stem-5898.jpeg
Việt Nam đang thúc đẩy triển khai giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông để học sinh hướng đến các hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống (Ảnh: nhandan.vn)

DN chủ động

Là tập đoàn công nghệ chủ lực của Việt Nam, ông Nguyễn Trung Chính cho biết CMC tích cực cùng với Chính phủ để đưa Việt Nam trở thành trung tâm hạ tầng số, cung cấp dịch vụ số cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển lớn mạnh không ngừng của FPT, một trong những công ty của Việt Nam đi đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ số ra thế giới và quy mô hàng tỷ USD. Trong khi đó, CMC có đơn vị thành viên là CMC Global với gần 4.000 nhân viên và trong 5 năm tới sẽ lên khoảng 10.000 người. Hàng tháng, CMC có một nguồn nhân lực tăng thêm phục vụ cho nhiệm vụ nước ngoài từ 150 - 200 cán bộ”.

Cụ thể về sự chủ động tham gia xây dựng hạ tầng số của CMC, ông Nguyễn Trung Chính cho biết CMC luôn luôn theo đuổi chính sách xây dựng hạ tầng số đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm không thua kém so với bất kỳ quốc gia nào.

Lĩnh vực công nghệ ĐTĐM hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn khó khăn nhất, cao nhất của thế giới và minh chứng là đã có rất nhiều khách hàng quốc tế sử dụng hạ tầng số cũng như dịch vụ ĐTĐM của CMC. Điển hình nhất là tháng 8/2022 CMC đã khai trương trung tâm dữ liệu (TTDL) có thể nói hiện đại nhất của Việt Nam cũng như của khu vực và thế giới. TTDL của Microsoft ở Singapore còn sau thế hệ của TTDL của CMC.

cmc-dc-tan-thuan-1-1140x641.jpeg

Bên cạnh đó, CMC và các DN luôn chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng những chính sách. Tuy nhiên, cũng theo ông Chính, các chính sách hiện có vẫn còn có những khoảng cách (gap) giữa chính sách và thực tiễn, vì vậy DN cần sự thay đổi chính sách nhanh, bám sát với thực tiễn hơn nữa.

Theo các đánh giá của các tổ chức quốc tế, chỉ số kinh tế sẵn sàng của Việt Nam mới đang ở dạng tiềm năng, hạ tầng số tương đối tốt, còn chính sách và năng lực cạnh tranh chúng ta mới đang ở dạng tiềm năng và cần phải có nỗ lực để thay đổi rất là nhiều.

Một số khuyến nghị

Với những chủ động từ phía DN, ông Nguyễn Trung Chính nêu thêm một số khuyến nghị, trong đó đầu tiên cần coi hạ tầng số như là một hạ tầng thiết yếu của quốc gia như hạ tầng giao thông, điện, nước và phải có chính sách ưu đãi cao nhất cho DN đầu tư trong lĩnh vực này về thuế, đất đai, nguồn lực. Ở đây cần quan tâm thời gian đưa ra thị trường (time to market) cực kỳ quan trọng, rất nhiều chính sách chúng ta có nhưng việc triển khai rất là chậm.

Tiếp theo, cần phải có chính sách để khuyến khích sử dụng các dịch vụ trong nước và nhà nước, theo đó, cần phải đặt hàng các DN.

Cùng với đó, Việt Nam cần câng cao năng lực, kỹ năng số và thúc đẩy việc ứng dụng dịch vụ số, CĐS là điều cực kỳ quan trọng để Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp dịch vụ số cho khu vực. “Cần phải đầu tư nguồn nhân lực số trong phát triển kinh tế số. Nguồn lực có thể nói là yếu tố quyết định, bên cạnh hạ tầng số”.

Một vấn đề khác được ông Nguyễn Trung Chính nêu ra là làm thế nào để thu hút nhiều DN đầu tư vào công nghệ số nhằm tạo ra những DN công nghệ số mới có thể xây dựng Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.

Cũng theo người đứng đầu CMC, Bộ TT&TT cần thúc đẩy hơn nữa chương trình xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số, bởi vì Việt Nam có nhiều năng lực cạnh tranh quốc gia. Công nghệ - dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ số, rất phù hợp với năng lực, trình độ của con người Việt Nam./.

Hoàng Linh