Những “điểm sáng” ngành in và dự báo
Truyền thông - Ngày đăng : 20:30, 18/02/2023
Những “điểm sáng” ngành in và dự báo
Năm 2022 ngành In Việt Nam vẫn duy trì nhịp độ phát triển dù có nhiều khó khăn.
Khó khăn của ngành In trong năm 2022
Thông tin từ Hội nghị triển khai công tác ngành in năm 2023 ngày 17/2 cho biết, thị trường năm 2022 có nhiều biến động trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, khó lường và chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị - kinh tế khác nhau. Tình trạng xáo trộn, đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa công nghiệp toàn cầu làm cho các khâu của quá trình in ấn - phân phối - trao đổi - tiêu dùng vốn được liên kết chặt chẽ, thông suốt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đặc biệt, những tháng đầu năm 2022, ảnh hưởng xung đột quân sự Nga - Ukraine, các cơ sở in gặp phải rất nhiều khó khăn, không đủ nguyên liệu cho sản xuất, nguồn cung vật tư chính như giấy, kẽm, mực đều tăng, giá các loại sản phẩm giấy in tăng cao từ 14,6 - 30,8% , đặc biệt vật tư keo tăng rất cao từ 50 - 70%.
Nhìn chung giá vật tư ngành In tăng trở lại tương ứng với giá đỉnh điểm trong giai đoạn giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch COVID-19. Chi phí logistics và vận tải đường biển tăng cao do bất ổn nguồn cung nhiên liệu. Cùng với đó, các doanh nghiệp (DN) trong Ngành còn chịu thiệt hại lớn do thiếu hụt nhân công và tình trạng gián đoạn chuỗi tiêu thụ sản phẩm làm tăng giá thành sản xuất cho DN.
Xuất hiện những “điểm sáng”
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Các chỉ số phát triển cơ bản của ngành In Việt Nam trong năm 2022, như sau:
Đến ngày 14/2/2023, cả nước có 2.402 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động , số lượng cơ sở in năm 2022 tăng 3,2% so với năm 2021, tăng 15,87% so với trước COVID - 19.
Năm 2022, doanh thu toàn ngành đạt 93.151 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2021, giảm 4% so với năm 2019); Lợi nhuận (sau thuế) đạt 4.069 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2021, giảm 10% so với trước Covid - 2019); Nộp ngân sách đạt 3.240 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2021, giảm 7% so với trước COVID-19).
Năm 2022, tổng số máy in nhập khẩu là 50.340 chiếc với giá trị là 5.126 tỷ đồng. Sản lượng giấy các loại đạt 5,758 triệu tấn, tăng trưởng 5,6%, tương ứng với lượng tăng 0,308 triệu tấn so với năm 2021 (đạt sản lượng 5,45 triệu tấn).
Số lượng lao động năm 2022 là 61.228 lao động (tăng 4,1% so với năm 2021, tăng 2,3% so với trước COVID-19).
Một số kết quả nổi bật
Dù gặp phải nhiều khó khăn trong năm 2023 xong theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2022, ngành In Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, có bước tăng trưởng cả về quy mô và số lượng.
Trong năm 2022, hệ thống mạng lưới cơ sở in được giữ vững, doanh thu toàn ngành tăng trưởng 9% so với năm 2021, số lượng cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và các DN liên kết Việt Nam - nước ngoài tăng 3,2%.
Ngành In cũng đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ, bắt kịp trình độ phát triển khu vực và thế giới. Đầu tư trung bình của ngành In trong 2022 ở mức khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Quá trình in được chú trọng đầu tư chủ yếu với các thiết bị in hiện đại, mới 100% với mức độ tự động hóa cao.
Năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm cũng không ngừng được nâng cao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng khách hàng. Nhờ đổi mới công nghệ, kịp thời áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nên số lượng và chất lượng các sản phẩm in không ngừng được nâng lên rõ rệt đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng và đòi hỏi ngày càng cao của đông đảo bạn đọc và người sử dụng. Sản lượng in tăng bình quân đạt hơn 10%/năm.
Những hạn chế của ngành in
Ngành công nghiệp in là một ngành có tốc độ tăng trưởng khá, đi đầu trong ứng dụng công nghệ, có ảnh hưởng đến các ngành khác. Tuy nhiên, ngành công nghiệp in cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định làm cho ngành In đứng trước những khó khăn như:
Quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. So sánh trong khu vực cho thấy, quy mô ngành công nghiệp in Việt Nam tuy có bước phát triển nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chỉ có khoảng 2.400 doanh nghiệp (DN) với tổng doanh thu vào khoảng 4 tỷ USD, đứng thứ 4, sau Indonesia, Malaysia, Thái Lan. So sánh với Thái Lan, con số DN in khoảng 5.000 và tổng giá trị sản phẩm in là 10 tỉ USD.
Năng lực công nghệ và năng lực quản trị còn hạn chế. Hầu hết các DN chưa đầu tư, quan tâm đến xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế để tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa cung ứng toàn cầu, thiếu công nghệ quản lý, công nghiệp 4.0 chưa tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm thông qua ứng dụng số hóa.
Thiết bị in cũ nhập khẩu chiếm tỷ lệ nhiều hơn, cho thấy DN chưa đủ tiềm lực để cập nhật công nghệ mới. Việc chuyển đổi công nghệ trước, trong và sau in tuy đã có những thay đổi nhất định nhưng chưa đồng đều. Phần lớn DN in Việt Nam chậm đổi mới dây chuyền công nghệ dẫn đến sản phẩm in còn đơn điệu, giá trị mang lại thấp.
Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển. Trong 2 năm trở lại đây, vấn đề lao động trực tiếp đứng máy của các DN in đặc biệt báo động. Sự biến đổi nhân lực xảy ra ở hầu hết các cơ sở in. Sự diễn biến lao động này theo một chiều ra nhiều hơn vào làm cho các DN thiếu hụt nguồn lao động rất nhiều, nhất là trong những thời điểm mang tính mùa vụ của các DN in.
Xu hướng và dự báo
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, xu hướng chung trong 5 năm tới của ngành in sẽ chuyển dịch theo hướng hiệu quả và số hóa.
Việc in ấn tài liệu trên giấy của các tổ chức, cá nhân sẽ giảm nhiều do các công cụ mới giúp xử lý tài liệu mà không cần in (hiện nay việc in ấn tài liệu của các công ty là 78%, dự kiến năm 2025 chỉ còn 64%). Theo dự báo, chỉ còn 36% (so với 61% hiện tại) các công ty dự kiến còn duy trì in hóa đơn của họ. Số hóa tác động trực tiếp đến ngành in với mục tiêu để phát triển nhanh hơn nữa. Năm 2023, ngành in trong nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển, về tiêu dùng trong nước dự báo tăng trưởng trở lại khoảng 8 - 10%.
Các yếu tố tích cực cũng như tiêu cực tác động đến sự tăng trưởng của ngành in tại Việt Nam như, xu hướng lớn năm 2023 và các năm tới là phát triển các nhà máy thông minh “Smart Factory”. Trước tình hình căng thẳng trên thị trường nguyên liệu thô và chi phí năng lượng tăng cao đang buộc các công ty in phải có cái nhìn nghiêm túc về bức tranh kinh tế tổng thể trong hoạt động kinh doanh của chính họ. Việc tối ưu hóa là cần thiết trong tất cả các quy trình sản xuất kinh doanh.
Tự động hóa quy trình làm việc cùng với việc sử dụng các giải pháp đám mây là những đòn bẩy quan trọng để giảm chi phí. Mức độ tự động hóa cao trong sản xuất và trong các quy trình hỗ trợ tại văn phòng sẽ giúp các công ty in đạt được vị thế kinh tế vào năm 2023. Môi trường “kết nối mạng thông minh”, sử dụng các dịch vụ và các giải pháp công nghệ thông tin được quản lý bởi các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, sẽ giúp các công ty giảm bớt chi phí và tăng cường tính linh hoạt trong quy trình sản xuất kinh doanh của họ.
Ngày nay, các thiết bị in bền hơn, năng suất cao hơn cùng với loại bỏ hao phí vật liệu là lợi thế cạnh tranh lớn. Công nghệ in kỹ thuật số sẽ tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực flexo và offset truyền thống.
Các giải pháp kỹ thuật số mang lại lợi nhuận hiệu quả hơn và bền vững hơn trong tương lai. Một số công ty đang tạo phần mềm tích hợp các giải pháp về tự động in dữ liệu biến đổi bằng phương pháp in kỹ thuật số. Ai tiếp cận trước và có giải pháp phù hợp sẽ có nhiều cơ hội hơn. Mảng công nghệ này giúp tiết kiệm tài nguyên hơn, hao phí ít hơn và cũng tiết kiệm năng lượng hơn.
Ngành công nghiệp in ngày càng quan tâm đến tính tự động hóa, các công ty in phải đối mặt với những thách thức to lớn, đó là cắt giảm chi phí, tăng khả năng xử lý khối lượng lệnh in kỹ thuật số vốn đã nhiều lại ngày càng tăng, số lượng in ngày càng ngắn và gánh nặng biên lợi nhuận liên tục tăng cao. Với việc áp dụng tự động hóa, nhân viên dành ít thời gian hơn cho các nhiệm vụ mà trước đây cần hàng giờ để hoàn thành. Điều này quan trọng không chỉ bởi vì tự động hóa có thể thực hiện những nhiệm vụ đôi khi mang tính chất con người này trong một khoảng thời gian ngắn, giảm chi phí lao động, chi phí thời gian mà còn giảm khả năng xảy ra lỗi của con người.
Việc áp dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, giảm tác động của ngành in lên môi trường sẽ giúp thúc đẩy thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty áp dụng nó. Thị trường đang có những thay đổi lớn trong hoạt động và quy trình, như dần bị thay thế bởi các hệ thống bền vững, ít tác động môi trường lớn.
Mực gốc thực vật đang được ứng dụng, đây loại mực thân thiện với môi trường được làm từ dầu thực vật. Mặc dù mực gốc thực vật mất nhiều thời gian hơn để khô, nhưng loại mực như vậy được xem là tốt hơn về mặt hiệu suất vì giảm đáng kể lượng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs). Những loại mực này chỉ giải phóng khoảng 2 - 4% hợp chất VOC, ít hơn nhiều so với mực gốc dung môi.
Ngoài ra, nhiều nhà in thương mại đang triển khai dùng giấy tái chế trong quy trình và đáp ứng được tiêu chuẩn FSC bền vững và thân thiện với môi trường.
Việc hạn chế rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon và gia tăng khuyến khích sử dụng bao bì giấy thay thế đang có dấu hiệu phát triển sâu rộng và mạnh tại Việt Nam vào năm 2023 - 2025. Ngoài ra, tiêu dùng giấy bao bì trên thế giới và khu vực châu Á dự báo có thể tăng trưởng trở lại trên 3%, việc hạn chế rác thải nhựa và nhiều quốc gia, khu vực sẽ ban hành lệnh hạn chế thậm chí cấm sử dụng túi nilon trên thế giới đang lan rộng và tăng cao, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn được thực hiện mạnh trong giai đoạn 2023 - 2025.
Bên cạnh các cơ hội trên, cũng có những thách thức dành cho các cơ sở in, như: tốc độ tiêu dùng trên thế giới dự báo tăng khoảng 1,5% nhưng không lấy lại được mốc trước đó của năm 2019, còn đối với Việt Nam tốc độ tăng trưởng bị giảm sút do Chính phủ thúc đẩy chương trình công nghệ số hoá, Chính phủ điện tử, thương mại điện tử và bán hàng online, mô hình hội họp và học online đang gia tăng nhanh hơn.
Đồng thời, thách thức về sản xuất và tiêu thụ nội địa sẽ gia tăng bởi một số cơ sở in mới, kết hợp với nguyên vật liệu giấy và cước chi phí vận chuyển vẫn ở mức tăng cao tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt./.