Đào tạo sinh viên báo chí: Đã làm được và còn thiếu những gì?
Truyền thông - Ngày đăng : 07:45, 17/03/2023
Đào tạo sinh viên báo chí: Đã làm được và còn thiếu những gì?
Nói đến đào tạo báo chí - truyền thông tại Việt Nam, không thể không nhắc đến một số trường đại học (ĐH), cơ sở đào tạo uy tín hàng đầu như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. HCM…
Tóm tắt nội dung:
Bài viết điểm lại những ưu điểm, nhược điểm cũng như đưa ra các giải pháp trong công tác đào tạo báo chí:
* Ưu điểm:
- Sinh viên đã tiếp cận nhanh với công việc. Do các trường đổi mới công tác đào tạo; Tăng cường trang thiết bị; Sinh viên tự thân nỗ lực.
* Hạn chế:
- Thiếu trải nghiệm thực tiễn
- Kiến thức về hệ thống chính trị còn yếu
- Thiếu một số kỹ năng cần thiết
* Giải pháp:
- Tăng cường hoạt động thực tế cho sinh viên
- Tăng cường đào tạo kỹ năng mềm
- Tăng cường đào tạo ngoại ngữ
Bên cạnh đó, cũng có một số địa chỉ khác có ngành đào tạo liên quan đến báo chí - truyền thông là: Học viện Ngoại giao, ĐH Văn hóa, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), ĐH Huế, ĐH Cần Thơ, ĐH Hòa Bình, ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Thái Nguyên…
Ngoài ra, còn một số cơ sở đào tạo trực thuộc các cơ quan báo chí cấp Trung ương như: Trường Cao đẳng Truyền hình (của Đài Truyền hình Việt Nam - VTV), Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình (của Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV)…
Thông qua khảo sát ý kiến gần đây của một số nhà báo, phóng viên, nhà lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí, có thể khái quát một số ưu điểm và hạn chế của sinh viên báo chí hiện nay, qua đó đề xuất một số thay đổi trong công tác đào tạo ngành báo chí tại các trường.
Ưu điểm
Không hiếm thấy trường hợp những sinh viên báo chí mới học năm thứ 2, thứ 3 ĐH đã cộng tác thường xuyên với các cơ quan báo chí, và khi ra trường thì được các cơ quan lập tức ký hợp đồng tuyển dụng. “Các bạn sinh viên đã có thời gian thực tập, cộng tác hoặc làm thêm các công việc liên quan đến báo chí trước khi ra trường thường có kỹ năng, kinh nghiệm tốt hơn các bạn chỉ học tập tại trường”, phóng viên điều tra Nguyễn Trường Sơn (VTV) chia sẻ.
Tại tỉnh Phú Thọ, một trong những địa phương tiếp nhận số lượng lớn sinh viên báo chí từ các trường về thực tế, thực tập và tuyển dụng mỗi năm, năng lực của sinh viên báo chí cũng được ghi nhận: “Sinh viên báo chí sau khi tốt nghiệp và ra trường làm việc tại cơ quan Báo Phú Thọ cơ bản đáp ứng các yêu cầu công việc. Các em có tinh thần cầu thị, ham học hỏi, sẵn sàng đi công tác ở vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu thực tế, thu thập thông tin viết bài. Năng động, sáng tạo trong công việc, biết áp dụng các phương pháp mới trong trình bày, thực hiện các tác phẩm báo chí. Có thể tham gia hoặc thực hiện độc lập các tác phẩm báo chí đa phương tiện, nhanh nhạy trong công việc”, bà Đỗ Ngọc Việt Hà, Trưởng phòng Điện tử, Báo Phú Thọ cho biết.
Những thành công này có được một phần là do các trường đã tích cực đổi mới các chương trình đào tạo gắn liền với thực hành, thực tế. Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các học phần cơ sở ngành và chuyên ngành có dung lượng thực hành trên 50%. Các học phần có số tín chỉ lớn như Tác phẩm báo chí gồm 5 tín chỉ thì có 2 tín chỉ lý thuyết (30 tiết học), 3 tín chỉ thực hành (90 tiết học).
Theo đó, sinh viên được thực hành sáng tạo các tác phẩm báo chí thuộc các thể loại, đồng thời được đi sâu vào từng loại hình báo chí với 4 học phần đều có 5 tín chỉ là: Tác phẩm báo in, Tác phẩm Báo Phát thanh, Tác phẩm Báo Truyền hình, Tác phẩm Báo mạng điện tử. “Chương trình đào tạo bây giờ của sinh viên được đổi mới hơn rất nhiều so với chúng tôi thời xưa, gắn nhiều với thực tế, thực hành. Nên khả năng tiếp cận vấn đề, triển khai đề tài của các em khá tốt”, bà Phan Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Thời sự, Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ nhận xét.
Những cơ sở đào tạo hàng đầu về báo chí hiện nay đều đầu tư mạnh tay cho cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ việc thực hành nghiệp vụ của sinh viên. Hầu hết các trường top đầu đều có trường quay với đầy đủ thiết bị hiện đại để sinh viên thực hành nghiệp vụ phát thanh - truyền hình, hoặc phòng máy tính, phòng thực hành cho các loại hình báo mạng điện tử, báo ảnh, báo viết… Một số trường còn tổ chức cho sinh viên báo chí hoạt động trong các câu lạc bộ nghiệp vụ thuộc mọi loại hình, nhằm phục vụ việc thực hành các môn học và có sản phẩm thực tế để đăng, phát hằng ngày hoặc mỗi tuần lên bản tin nội bộ hoặc theo kênh của đối tác theo định kì.
Bên cạnh điều kiện thực hành do nhà trường bố trí, việc sinh viên báo chí đáp ứng cơ bản yêu cầu của các cơ quan báo chí còn một phần nhờ nỗ lực của chính bản thân mỗi sinh viên. Nhà báo Trần Lê Sơn, Phó Tổng Thư ký Tạp chí Thời đại cho biết: “Một số sinh viên mới ra trường tuy còn thiếu kinh nghiệm nhưng đã biết học hỏi những nhà báo đi trước, nhờ đó nhanh nhạy, cảm nhận về báo chí tốt hơn những người khác, thậm chí có thể làm những đề tài mang những thách thức, rủi ro. Họ có tố chất của người làm báo”.
Tuy nhiên, đại diện một số cơ quan báo chí đồng tình rằng những sinh viên báo chí nổi trội và sớm thành công thường chỉ là thiểu số, thậm chí rất hiếm. Phóng viên Nguyễn Trường Sơn cho biết “hiếm có bạn sinh viên báo chí nào sau khi ra trường có năng lực nổi trội, có những tin bài đạt chất lượng cao”. “Nhưng ngay cả những sinh viên khá hơn nếu không tiếp tục trui rèn, sẽ khó làm nghề thành công”, nhà báo Trần Lê Sơn nhấn mạnh.
Một số hạn chế
Đa số sinh viên khi ra trường, bắt tay vào làm việc cho các cơ quan báo chí đều bộc lộ một số hạn chế chung, trong đó nổi bật là việc thiếu trải nghiệm thực tiễn. Mặc dù hạn chế này là điều có thể thông cảm được, và có thể được cải thiện qua một thời gian công tác, nhưng nhiều cơ quan báo chí vẫn kỳ vọng vào tốc độ thích nghi nhanh hơn với công việc của sinh viên trong bối cảnh báo chí vấp phải sự cạnh tranh ngày một tăng của các loại hình truyền thông mới.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Dương cho biết: “Về cơ bản, sinh viên ra trường đi làm năm đầu tiên thì kinh nghiệm còn thiếu, đặc biệt là trong việc tìm đề tài và triển khai đề tài. Trong khi hiện nay báo chí hiện đại có những yêu cầu rất cao, nên việc đào tạo sinh viên báo chí cần tìm cách khắc phục điều này”.
Ông Nguyễn Thế Lãm cũng nhận định: “Sinh viên khi về công tác tại cơ quan báo chí vẫn cần phải có thêm những khoảng thời gian để thực hành thêm ngay cả từ những công việc đơn giản...”.
Tuy nhiên, tại nhiều cơ quan báo chí có “guồng quay” công việc liên tục với áp lực cao, thời gian để thích nghi sẽ càng bị thu hẹp và tỷ lệ cạnh tranh càng cao, nên không tránh khỏi việc nhiều sinh viên đã bị “văng” khỏi guồng quay. “Một số bạn sinh viên bị nặng về lý thuyết, ít kỹ năng, kinh nghiệm thực tế và không có nhiều kiến thức về phương pháp làm báo hiện đại, nên thường không trụ lại được lâu”, phóng viên Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Bên cạnh kinh nghiệm thực tiễn thiếu hụt, một hạn chế khác của sinh viên báo chí là kiến thức về hệ thống chính trị còn yếu. “Sinh viên cần được trang bị kỹ lưỡng hơn các kiến thức về chính trị, về cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Đây là điểm mà sinh viên còn yếu”, bà Phan Thị Thu Hiền nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thế Lãm chia sẻ: “Nhiều sinh viên lúc bắt nhịp vào công việc còn chưa nắm chắc nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng, phương thức lãnh đạo của Đảng...”.
Ngoài ra, ở góc độ nghiệp vụ, kỹ năng làm báo, sinh viên báo chí cũng gặp phải không ít khó khăn như: “Không định hình được việc làm nghề báo là gì. Đi vào viết bài cụ thể thì những tác nghiệp cơ bản như xác định vấn đề còn thiếu, năng lực thể hiện ra nội dung bài còn yếu…”, theo nhận định của nhà báo Trần Lê Sơn.
Cụ thể hơn, bà Đỗ Ngọc Việt Hà cho rằng nhiều sinh viên “còn nóng vội trong việc tìm kiếm thông tin, còn chạy theo số lượng nên tác phẩm chưa sâu, thiếu những thông tin đa chiều. Các bài viết được phân công thực hiện nhiều lúc còn chậm tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ”.
Phóng viên Nguyễn Trần Anh Thu cũng cho biết: “Một số sinh viên chỉ mong mau chóng có sản phẩm chứ không tôi rèn để có nền tảng và từ đó tạo phong cách riêng”.
Điểm yếu thường thấy của sinh viên báo chí là thiếu kỹ năng trong việc tìm kiếm, lựa chọn, khai thác đề tài. Phóng viên Nguyễn Trường Sơn cho biết, với những đơn vị sản xuất số lượng tin bài lớn (khoảng 70 tin bài 1 ngày) như VTV24 thì việc tìm kiếm đề tài mới, không bị trùng lặp, có góc nhìn riêng… là một trở ngại lớn đối với những bạn sinh viên trẻ mới ra trường. Ngay cả khi tìm kiếm được đề tài phù hợp, được lãnh đạo cơ quan phê duyệt sản xuất thì các bạn trẻ cũng gặp nhiều lúng túng trong việc khai thác chi tiết hay, chưa có cách kể chuyện hấp dẫn, nội dung phỏng vấn đôi khi còn đơn điệu, chưa thể hiện được yếu tố đặc trưng của nhân vật… Bởi vậy tác phẩm sau khi hoàn thiện phải sửa chữa nhiều, và phần lớn mới dừng lại ở mức độ tạm chấp nhận xuất bản được chứ chưa thực sự xuất sắc.
Việc làm báo đa phương tiện trong kỷ nguyên số cũng là những khó khăn mà nhiều sinh viên báo chí gặp phải. Họ chưa có kỹ năng trong việc tác nghiệp cùng một lúc trên nhiều nền tảng kỹ thuật số khác nhau, khiến cho tiến độ tin bài chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp thông tin nhanh chóng, tin cậy, chính xác cho công chúng.
Bên cạnh đó, kỹ năng mềm cũng là điều mà nhiều sinh viên báo chí phải cải thiện. Không ít sinh viên thiếu kỹ năng giao tiếp khi tiếp xúc với cấp trên, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là các nhân vật trong quá trình phỏng vấn, tác nghiệp. Kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình làm việc còn hạn chế. Kỹ năng làm việc nhóm và tác nghiệp độc lập cũng cần được trau dồi và rèn luyện thêm.
Cần thay đổi gì trong đào tạo sinh viên báo chí?
Muốn trò giỏi thì thầy phải hay, đó là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên báo chí. “Người đào tạo phải thực tế, dạy những điều mà sinh viên cần trong thực tế. Trong quá trình dạy cần tăng cường cho sinh viên đi tác nghiệp, và đánh giá chất lượng sản phẩm chuẩn xác”, ông Trần Lê Sơn đề xuất.
Trên thực tế, tại các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay, số lượng giảng viên cơ hữu có thời gian, kinh nghiệm làm báo thực tiễn còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Giảng viên thỉnh giảng là các nhà báo, phóng viên… đôi khi vì những lý do khách quan như thời gian, công việc nên không phải lúc nào cũng có thể sắp xếp giảng dạy, trao đổi với sinh viên. Chi trả thù lao đối với giảng viên thỉnh giảng theo định mức quy định cũng là một vấn đề khiến việc mời người làm thực tiễn vào giảng dạy cho sinh viên khó duy trì được lâu dài. Đây là những nút thắt cần được gỡ bỏ nếu mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng giảng viên báo chí.
Đồng thời, để sinh viên sau khi ra trường có thể đáp ứng tốt hơn công việc, công tác đào tạo cần dành nhiều thời gian hơn cho việc trải nghiệm thực tế. Phóng viên Nguyễn Trường Sơn cho rằng: “Có thể bớt những học phần mang nặng tính lý thuyết, không còn phù hợp với phương pháp làm báo hiện đại. Tăng cường các bài tập thực hành sát với yêu cầu tác nghiệp của các cơ quan báo chí để các sinh viên sau khi ra trường đỡ bỡ ngỡ. Đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc đào tạo chuyên ngành”.
Thực tế cho thấy trong chương trình đào tạo ở một số trường còn cơ cấu các học phần đại cương chiếm ưu thế so với các học phần ngành, cơ sở ngành và chuyên ngành trong thời gian 4 năm ĐH. Vẫn biết tầm quan trọng trong xây dựng nền tảng cơ sở lý luận của các học phần đại cương, nhưng nghề báo là một nghề đề cao tính thực hành thực tiễn, nên đây vẫn là một vấn đề cần được điều chỉnh nếu muốn công tác đào tạo sinh viên báo chí có sự thay đổi tích cực.
Cùng chung quan điểm, Thiếu tá Nguyễn Hữu Dương cho rằng: “Các nhà trường cần tăng cường hoạt động thực tế cho sinh viên như gửi tới cơ quan báo chí, cho sinh viên đi theo học các anh chị phóng viên của báo đài Trung ương, địa phương. Về phía cơ quan báo chí, thì nên tiếp nhận, tạo điều kiện để sinh viên có điều kiện nhiều hơn nữa được thực tế trong quá trình sản xuất và có sự va chạm trong quá trình làm báo”.
Thực tế cho thấy trong các chương trình đào tạo của các trường, hoạt động kiến tập, thực tập đã được xếp một vị trí quan trọng. Tại các cơ quan báo chí lớn như VTV, VOV, Báo Nhân Dân, VnExpress, Vietnamnet... sự hiện diện của sinh viên báo chí đến từ các trường đào tạo báo chí lớn gần như là thường trực. Sinh viên đến thực tập tốt nghiệp, kiến tập nghiệp vụ, sinh viên làm cộng tác viên thường xuyên… cho thấy nhu cầu nhân lực nghề báo luôn luôn cao và cũng khẳng định việc tạo điều kiện thực tập của không ít cơ quan báo chí dành cho sinh viên.
Tăng cường thực tập sẽ giúp sinh viên cải thiện kỹ năng làm báo, đặc biệt là cách tư duy về đề tài. Như đã đề cập, một trong những vấn đề lớn nhất khiến các sinh viên không trụ nổi tại những tòa soạn báo là không thể tìm kiếm được đề tài, không có kỹ năng thuyết trình, bảo vệ đề tài của mình trước Ban biên tập, không có sự tư duy, sáng tạo trong cách thể hiện để làm cho đề tài của mình trở nên hấp dẫn…
Phóng viên Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Dù là các bạn trẻ nhưng thường đưa ra những đề tài mà báo chí đã làm cả chục năm trước, thậm chí cách thể hiện cũng giống như những bài báo cách đây vài chục năm. Trong khi khán giả, độc giả trình độ ngày càng cao và không chấp nhận những món ăn nhạt nhẽo”.
Thêm vào đó, nhiều cơ quan báo chí cũng đề xuất tăng thời gian học và trải nghiệm thực tiễn về hệ thống chính trị và sự vận hành của hệ thống chính trị nước ta cho sinh viên báo chí. Không ít sinh viên khi đi làm còn nói sai tên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hoặc sai chức danh, thứ bậc mặc dù đều đã được đào tạo đầy đủ các học phần đại cương về chính trị học, chính quyền Nhà nước…
Nhà trường cũng cần tăng cường đào tạo đa kỹ năng để sinh viên có thể tác nghiệp đa loại hình, thành thạo các kỹ năng làm báo trong môi trường số; hướng dẫn sinh viên về xu hướng báo chí hiện đại, báo chí đa phương tiện để đáp ứng các yêu cầu của tòa soạn…
Ngoài ra, không thể thiếu trong công tác đào tạo là các học phần liên quan đến đạo đức báo chí, pháp luật… với việc phân tích những trường hợp cụ thể về vi phạm đạo đức báo chí, vi phạm pháp luật, để sinh viên rèn luyện phẩm chất cần có của nghề báo, tránh sa vào rất nhiều cám dỗ của báo chí thị trường. “Nghề báo là một nghề rất nhạy cảm, đòi hỏi những người làm báo cần có lập trường tư tưởng vững vàng, bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng để tránh xa những cám dỗ để trở thành những người làm báo chân chính”, bà Đỗ Ngọc Việt Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần tăng cường bồi dưỡng cho sinh viên các kỹ năng mềm. Phóng viên Nguyễn Trần Anh Thu cho rằng: “Khi ra trường, sự thiếu của sinh viên không phải là chuyên môn mà là kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử với đồng nghiệp, tiền bối, cấp trên, cả trong và ngoài cơ quan. Nó thực sự là yếu tố quyết định cho việc liệu tiền bối có chia sẻ kinh nghiệm, chỉ bảo thêm cho mình hay không”.
Cũng vì lẽ đó, không ít cơ quan báo chí đề xuất các nhà trường cần có những buổi đào tạo kỹ năng thực tập, đi làm cho phóng viên tương lai ở các phương diện: trang phục, cách ăn nói, kỹ năng quan sát, ứng xử, cách gọi điện thoại, viết email phỏng vấn nhân vật…
Và một yêu cầu cấp thiết đối với nhiều sinh viên báo chí là năng lực ngoại ngữ. Bởi thực tế hiện nay chủ yếu các phóng viên thường trú nước ngoài hoặc các phóng viên mảng quốc tế tại nhiều cơ quan báo chí đều xuất thân từ sinh viên ngoại ngữ hoặc sinh viên ngành khác báo chí. Nếu có năng lực ngoại ngữ, cơ hội việc làm của sinh viên báo chí sẽ cao hơn rất nhiều.
Có thể nói, việc đào tạo sinh viên báo chí hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nữa thực tiễn báo chí, còn rất nhiều việc mà các cơ sở đào tạo báo chí cần phải làm, trong đó đặc biệt quan trọng là nâng cao chất lượng giảng viên, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường các môn chuyên ngành, đề cao thực hành, thực tế, chú trọng rèn luyện các nghiệp vụ báo chí quan trọng và kỹ năng mềm cho sinh viên. Đây là những nhiệm vụ, nếu nhìn ở tầm chiến lược dài hạn, thì không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của mỗi giảng viên báo chí hay sự cố gắng của mỗi cơ sở đào tạo./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 2 tháng 2/2023)