Hệ sinh thái ĐMST mở giúp giải quyết “nỗi đau” của tập đoàn, DN lớn
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 05:46, 22/02/2023
Hệ sinh thái ĐMST mở giúp giải quyết “nỗi đau” của tập đoàn, DN lớn
Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở, các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn là các chủ thể hoạt động kém năng động nhất. Do đó, nhiều bài toán họ gặp phải chưa thể giải quyết được và cần đến những nguồn lực khác của ĐMST mở.
Việc hình thành ĐMST mở ở Việt Nam đang trở nên cấp thiết
Là người tiên phong cho hoạt động ĐMST tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung từ năm 2014, ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) cho biết, đa phần các địa phương kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái ĐMST đều từ con số không, nhận thức về ĐMST giai đoạn đầu rất quan trọng.
Vì vậy, bản thân ông Quân cũng là người thúc đẩy hình thành hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp ngay từ ban đầu, thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức cho các địa phương để hình thành nên các thành tố chính của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Qua đó, thiết lập nên các nguồn lực, nền tảng cơ bản để việc vận hành, hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ngày càng trở nên năng động, có hiệu quả hơn.
Hiện tại, hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Vì vậy, việc hình thành hệ sinh thái ĐMST mở trở nên rất cấp thiết để liên kết hợp tác các nguồn lực. Để từ đó giải quyết những vấn đề lớn hơn cho nền kinh tế. Các giải pháp ĐMST mở đòi hỏi những nhu cầu thực tiễn cụ thể để giải quyết hiệu quả.
Các hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã có một thời gian hoạt động nên các nguồn lực, nền tảng tri thức đã đạt đến mức độ có thể thúc đẩy giai đoạn tăng tốc và chuyển sang ĐMST mở, tạo ra hiệu quả thiết thực. Chưa kể đến, các chuỗi liên kết trong hệ sinh thái khởi nghiệp giúp ươm tạo, tăng tốc hay đầu tư cũng đã bắt đầu được hình thành giữa nhà trường với DN, DN với nhà nước, DN với startup.
“Khi các mối liên kết này bắt đầu được hình thành, sẽ giúp thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST mở”, ông Quân nói.
Về hệ sinh thái ĐMST mở, ông Quân cho rằng, nó cho phép các tổ chức có nhu cầu liên kết lại với nhau để thúc đẩy, giải quyết những vấn đề và nhu cầu của mỗi tổ chức, nhất là của các DN, chính phủ hoặc tập đoàn lớn - những đơn vị có những bài toán mà nguồn lực nội bộ không đủ để thực hiện, cần nguồn lực sáng tạo của xã hội. Do đó, họ sẽ cần đến những giải pháp từ bên ngoài, nhất là từ mạng lưới ĐMST của Việt Nam, với những nguồn lực từ công nghệ, tri thức để cùng với chính phủ, tập đoàn lớn giải quyết những thách thức lớn, gia tăng hiệu quả với xã hội và DN.
Tuy nhiên, để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mở, cần có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cơ bản từ trước đó, trong đó startup là trung tâm và các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ khởi nghiệp phát triển.
Ông Quân cho rằng, mặc dù có chung các thành tố nhưng sự khác biệt giữa hệ sinh thái ĐMST mở và ĐMST đến từ các nguồn lực mà nó tiếp cận và bài toán mà nó giải quyết. Bởi vì, muốn xây dựng hệ sinh thái ĐMST mở thì phải hình thành nguồn lực, văn hoá, cơ chế chính sách rồi tạo ra các mạng lưới. Để rồi, khi có được đủ nguồn lực, sự gắn kết thì nó sẽ giải quyết những thách thức phức tạp, khó khăn mà hệ sinh thái ĐMST bình thường khó thực hiện, hoặc không hiệu quả.
Tập đoàn, DN lớn đang kém năng động nhất trong hệ sinh thái
Cũng theo ông Quân, có 3 chủ thể rất quan trọng trong hệ sinh thái ĐMST mở bao gồm: Tập đoàn, DN lớn, cơ quan nhà nước có nhu cầu giải quyết những thách thức lớn; Viện nghiên cứu, trường; Startup. 3 chủ thể này có thể liên kết với nhau bằng những cách khác nhau để có thể giải quyết những vấn đề theo đơn đặt hàng chính phủ, DN trở nên toàn diện hơn.
Trong đó, chủ thể đang hoạt động kém năng động nhất là các tập đoàn và DN lớn. Họ chưa chủ động trong việc cởi mở tư duy và hoạt động của mình, để hợp tác với mạng lưới cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Vì vậy, số lượng DN, tập đoàn kết nối vào hệ sinh thái còn hạn chế.
Chưa kể, tầm nhìn nhận thức của những đơn vị này vẫn còn là rào cản lớn để tiếp cận với ĐMST mở. Nguyên nhân có thể do hiện chưa nhiều giải pháp hay hành động mạnh mẽ hơn để giúp cho DN và tập đoàn thấu hiểu hơn về ĐMST mở, thấy được vai trò và tác động quan trọng của hệ sinh thái đến năng lực cạnh tranh của DN.
Tuy nhiên, hiện cũng đã có những tổ chức tiên phong với sự năng động mạnh mẽ đối với hệ sinh thái ĐMST có thể kể đến Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngày hội khởi nghiệp ĐMST (Techfest) và các Làng công nghệ và một số thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, các startup về công nghệ.
Còn đối với các DN vừa và nhỏ, ông Quân cho rằng, các đơn vị này đã gặp rất nhiều khó khăn trong dịch COVID-19. Đại dịch đã buộc phải DN này phải thay đổi mô hình kinh doanh hoặc tái cấu trúc công ty, cũng như tìm ra những hướng đi đột phá hơn. ĐMST chính là chìa khóa giúp các DN vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mặc dù vậy, cái khó của các đơn vị này là năng lực tư duy, văn hóa hợp tác, kết nối và quy mô còn hạn chế nên làm cho khả năng kết nối với hệ sinh thái ĐMST mở gặp rất nhiều rào cản. “Điều này làm cho DN vừa và nhỏ kết nối với startup, hệ sinh thái ĐMST mở chưa được như mong muốn. Để giải quyết cần nhiều giải pháp hơn nữa trong thời gian tới”, ông Quân đánh giá.
Khi được hỏi về việc kết nối của hệ sinh thái ĐMST mở, ông Quân khẳng định, quan trọng nhất vẫn là các chủ thể có vấn đề lớn như tập đoàn, DN lớn, chính phủ, địa phương…có những nỗi đau nhưng chưa biết giải quyết thông qua việc kết nối, hợp tác với các thành phần khác.
Ngoài ra, mối liên kết giữa startup và các tập đoàn, DN lớn vẫn còn lỏng lẻo và chưa tạo ra liên kết giá trị, có lẽ văn hóa kết nối này vẫn chưa được định hình rõ nét, cũng là thách thức để thúc đẩy ĐMST mở. Đối với startup, do thiếu mối quan hệ, thiếu sức nặng nên gặp khó khăn trong việc gặp gỡ, tạo được sự tin tưởng của các tập đoàn, DN lớn.
Việc startup giải quyết một bài toán cho tập đoàn, DN lớn luôn có một rủi ro nhất định và cần nhiều thời gian, tài chính, nguồn lực cũng như thấu hiểu nhau. Do đó, startup cần có các bên trung gian như các đơn vị của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tài trợ phi chính phủ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… để thúc đẩy các hợp tác này.
“Họ sẽ cần đánh giá khảo sát, phân tích để tìm kiếm giải pháp của startup phù hợp với bài toán mà tập đoàn, DN đang gặp phải để có thể kết nối, đàm phán”, ông Quân nói.
Vì vậy, việc hợp tác với startup sẽ giúp tập đoàn, DN có sức sống và khả năng sáng tạo trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Để từ đó giải quyết những bài toán, vấn đề gặp phải. Đổi lại, các tập đoàn, DN lớn cũng có nhiều giá trị, giúp startup trưởng thành hơn.
Cần hình thành văn hoá kết nối giữa tập đoàn, DN lớn với startup
Khi được hỏi về giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái này ở các địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung, Tổng Giám đốc Songhan Incubator cho rằng, đầu tiên phải nâng cao nhận thức về ĐMST cũng như hệ sinh thái mở cho các tập đoàn, DN lớn. Qua đó, những đơn vị này sẽ có tầm nhìn dài hạn và trách nhiệm tiên phong mạng lưới liên kết, dẫn dắt các xu hướng ĐMST. Để từ đó hiểu được việc ĐMST là cách giúp cho chính mình chứ không phải chỉ có lợi cho startup, gia tăng năng lực cạnh tranh, phát triển theo hướng bền vững thông qua việc tạo ra chuỗi liên kết, chuỗi giá trị cho nền kinh tế.
Việc nâng cao nhận thức cho đối tượng này sẽ giúp kết nối với hệ sinh thái ĐMST quốc gia và các địa phương với tốc độ nhanh hơn, qua đó tạo ra các cơ chế, tổ chức để hình thành văn hoá, thúc đẩy sự hợp tác giữa tập đoàn, DN lớn với startup và các chủ thể khách của hệ sinh thái khởi nghiệp. .
Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu, trường học… cùng tham gia để đưa khoa học công nghệ để hỗ trợ cho các giải pháp của startup hoàn thiện hơn về sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng và đạt hiệu quả cao hơn.
Đối với các địa phương, việc thúc đẩy hệ tinh thái ĐMST rất khó khăn do yếu tố văn hoá và nhận thức. Vì vậy, nên tập trung vào các giải pháp đưa các đối tượng trong hệ sinh thái vào trong cơ chế thu hút đầu tư, các cơ chế khuyến khích cũng như tạo động lực, tạo môi trường kết nối giữa 3 nhóm chủ thể một cách thường xuyên, tạo ra các liên kết có giá trị.
“Cuối cùng là tạo ra các bài học tiêu biểu để qua đó tạo nên một văn hoá mới cho việc liên kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái ĐMST mở”, ông Quân kết luận.
Đối với các chủ thể trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, cần nâng cao chất lượng và có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tổ chức này phát triển, cần thiết lập các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp có quy mô hơn, nguồn lực cũng như xây dựng các chương trình đủ hấp dẫn để có thể thu hút các tập đoàn, DN lớn, startup tin tưởng./.