Để ra thị trường nước ngoài, DN Việt cần làm ngược lại với những đơn vị đi trước
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 16:41, 23/02/2023
Để ra thị trường nước ngoài, DN Việt cần làm ngược lại với những đơn vị đi trước
Để khai phá thị trường nước ngoài, doanh nghiệp (DN) Việt cần đi con đường riêng của mình và làm ngược lại với những đơn vị đã làm trước. Như cách FPT học tiếng Nhật để thành công ở Nhật Bản hay học tiếng Đan Mạch khi mở văn phòng tại quốc gia này.
Đi ra nước ngoài để ghi tên Việt Nam vào bản đồ số thế giới
Chia sẻ tại Hội nghị “DN công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” được Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/2, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, khoảng 23 năm trước, công ty có một ước mơ đi ra biển lớn, để ghi tên Việt Nam vào bản đồ số thế giới. Tháng 1/2000, FPT mở tại Bangalore (Ấn Độ) và Silicon Valley (Mỹ). Nhưng 2 năm sau đó, FPT không thể ký hợp đồng với bất kì đối tác nào, trong khi tiền dành cho việc đi ra nước ngoài đã hết. Khi đó, nhiều người ở FPT đã hoảng sợ và định buông bỏ.
“Chúng tôi đã động viên nhau với niềm tin người Ấn Độ làm được thì người Việt Nam cũng làm được”, ông Bình bày tỏ.
FPT đã từng hỏi huyền thoại của ngành công nghệ phần mềm Ấn Độ là liệu Việt Nam có làm được việc này hay không. Đáp lại, ông ý đã dẫn FPT đi thăm trung tâm phần mềm lớn nhất ở Ấn Độ và tin rằng Việt Nam chắc chắn sẽ làm được phần mềm. Từ những động viên nhỏ đó, ông Trương Gia Bình và các đồng nghiệp tại FPT đã giữ vững ý chí của mình, tiếp tục con đường toàn cầu hoá.
Tại thời điểm đó, sau khi đội ngũ bán hàng không thể ký hợp đồng được với khách, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, sẽ phải làm khác đi, đầu tiên, ông dành một nửa thời gian mỗi tháng ở nước ngoài để trực tiếp đến gặp vài chục công ty. Sau đó, ông Bình đã đến gặp IBM để thuyêt phục họ và cuối cùng đã thành công. Dù hợp đồng rất nhỏ nhưng đã tạo niềm tin rằng “IBM đã mua được thì tại sao các công ty khác không mua được”.
Ngoài ra, khi FPT đến Nhật - thị trường mà nhiều năm trời các công ty Ấn Độ chưa thể khai phá. “Buổi đầu tiên gặp, họ nói ngay: “Nếu các bạn không nói tiếng Nhật, các bạn đi về. Đợi chúng tôi học xong tiếng Anh thì các bạn hãy quay lại nói chuyện”. Đây là một cách từ chối khéo léo của người Nhật Bản.”, ông Bình chia sẻ.
Nhưng qua đó, FPT hiểu rằng, nếu học tiếng Nhật thì sẽ có cơ hội làm việc được với họ. Để rồi, nhờ học tiếng Nhật, FPT đã “mở” thành công thị trường này. Cũng từ cơ hội này, FPT đã xin phép Chính phủ được mở Đại học FPT, để có thể đào tạo các kỹ sư CNTT có thể nói tiếng Nhật, trở thành trung tâm đào tạo tiếng Nhật lớn nhất thế giới ở bên ngoài Nhật Bản.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó, khi mà năng suất của các kỹ sư CNTT Việt Nam rất thấp, làm những việc mà người ta không muốn làm. Vậy nên, dù tăng trưởng những năm đầu rất nhanh, từ 200% rồi 70%. Nhưng khi doanh số càng lớn thì tốc độ tăng trưởng lại càng chậm lại do năng suất lao động không thay đổi. Do đó, FPT quyết định phải làm những việc mới mẻ, để 10 năm trước, công ty đã hướng đến những công nghệ mới nhất như đám mây (cloud), hay dữ liệu lớn (big data)… hay chip/ bảng điện tử dành cho ô tô. Gần đây nhất, FPT thấy rằng ô tô là một thế giới công nghệ mới, với những hệ thống giải quyết bài toán xe tự lái, mở ra cơ hội không giới hạn.
FPT nhận thấy Việt Nam có những kỹ sư rất giỏi, rất nối tiếng, đứng đầu trong nhiều lĩnh vực. FPT đã tập hợp những tiến sĩ danh giá đó để tạo ra những bộ phận then chốt trong ô tô như sạc điện, để có thể sạc với dung lượng lớn trong thời gian rất nhanh. Trong ngành ô tô, FPT đã thu được 100 triệu USD và sẽ còn tăng nhanh. Thậm chí, người FPT cũng đang sản xuất chip.
Một xu hướng nữa trong ngành ô tô là các hãng sản xuất xe hơi đang mua thiết bị phần cứng của những hàng trong top đầu (Tier 1) như Bosch… Tuy nhiên, các hãng này lại đang rất chậm trong việc ứng dụng phần mềm, do đó họ sẽ phải bắt tay với những công ty CNTT top đầu.
“FPT đang hướng đến vai trò này, và đang làm việc với những hãng phần cứng hàng đầu cho ô tô để có sự tăng trưởng nhanh chóng” , ông Bình chia sẻ thêm.
Ngoài ra, FPT đã thực hiện mua bán và sát nhập với một công ty tư vấn của Mỹ (Intellinet). Nhờ đó, FPT đã thắng một cuộc đấu thầu với 193 công ty, trong đó có IBM… và đem về 100 triệu USD hàng năm. Thương vụ này cũng giúp FPT vươn tới những thị trường mới như Costa Rica, Mexico… FPT tại thị trường Mỹ cũng đã vươn lên bằng thị trường Nhật.
Trong năm qua, FPT đã thương mại hoá chip đầu tiên tại Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ với những công ty Việt khác. Ngoài ra, FPT đã có những sản phẩm cho nhà máy thông minh, logistic, healthecare, điện lực… Qua đó, năng suất lao động của FPT ngày càng tăng, từ 15.000 USD/năm/người lên 45.000 USD/năm/người hiện nay.
Hiện nay FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia, doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần. Do đó, ông Bình khẳng định, thị trường nước ngoài là không giới hạn, dù “con chim nhỏ khi bay ra ngoài sẽ rất sợ hãi nhưng sẽ có ngày nó bay rất cao”.
Lãnh đạo cao nhất phải là người tiên phong khi DN đi ra nước ngoài
Trong bài chia sẻ của mình, Chủ tịch FPT đã đưa ra 3 bài học khi đi ra thị trường nước ngoài của FPT. Bài học đầu tiên, nếu ngày trước, ông Bình không dành 1/3 thời gian của mình để “chu du thiên hạ” thì FPT sẽ không thể có được thành công như ngày hôm nay. Ông Bình cho biết cũng đã khuyên lãnh đạo các DN nhỏ khác phải tiên phong trực tiếp ra thị trường nước ngoài. Chưa kể, chủ tịch, tổng giám đốc ngoài việc phải “ra trận trực tiếp” mà phải ở ngay sát khách hàng. Với FPT, khách hàng lớn ở đâu thì văn phòng của công ty ở đó để trao đổi hàng ngày.
Bài học thứ 2 là nói ngôn ngữ bản địa. Bởi vì, với những thị trường nói tiếng Anh tốt thì sự cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt. Mới đây, FPT đã mở văn phòng tại Đan Mạch và thu về những thành công nhất định vì khách hàng cần mình.
Bài học thứ 3, thay vì nói về IT thì hãy nói về chuyển đổi số, ô tô, blockchain thì sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Còn về những đề xuất, ông Bình cho rằng, nhà nước cần có chính sách đầu tư vào chipset. Bởi vì, trong những năm tới, tương lai lớn nhất của Việt Nam sẽ là việc thiết kế chip.
Kiến nghị thứ 2 là ngành công nghệ phần mềm sẽ tăng trường rất mạnh nếu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp “dẫn quân” ra nước ngoài.
Về những bài học FPT đưa ra, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để đi ra thị trường nước ngoài, người lãnh đạo cao nhất của DN phải là người đi trước. Như tại Viettel có quy định, sẽ chỉ đầu tư tại nước đó nếu người lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn đến quốc gia đó đầu tiên. Vì vậy, có thể nói, chỗ nào khó khăn, đi mở thị trường thì người lãnh đạo cao nhất sẽ phải tiên phong. Trong khi những tập đoàn, DN đã thành danh sẽ cử nhân viên đi trước.
“Nếu chúng ta làm giống như vậy thì chắc chắn sẽ thất bại, vì không có tên tuổi như họ nên cần làm ngược lại”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã có một phát hiện rất hay. Đó là nếu những DN toàn cầu nói tiếng Anh thì công ty Việt Nam cần làm ngược lại, nói tiếng bản địa như Nhật Bản hay thậm chí ra thương hiệu địa phương. Hay có thể nói, các DN Việt Nam cần đi con đường của mình và thường đi ngược lại với những đơn vị đã làm trước đó.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, về thiết kế chip, Chính phủ đang soạn thảo một chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó đặc biệt chú trọng đến chip và hi vọng năm 2023 sẽ ra được ban hành.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, để DN công nghệ số ra nước ngoài thì Bộ TT&TT phải lãnh sứ mệnh tiên phong. Một trong những kế hoạch đầu tiên là việc Bộ TT&TT quyết định năm nay mỗi một tháng phải tổ chức một sự kiện trong nước/quốc tế để hỗ trợ DN đã ở nước ngoài hoặc đang trên con đường đi ra nước ngoài.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang thúc đẩy ký hiệp định đối tác số với các quốc gia, để mở đường cho các DN số đi ra nước ngoài./.