Cần xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật về lĩnh vực TTCS
Truyền thông - Ngày đăng : 08:28, 24/02/2023
Cần xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật về lĩnh vực TTCS
Bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) lĩnh vực thông tin cơ sở (TTCS) đặt ra vấn đề phải bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật để khẳng định và phát huy vai trò, thế mạnh của toàn hệ thống.
Một số bất cập của các văn bản QPPL lĩnh vực thông tin cơ sở
Theo thống kê, hiện nay cả nước có 9.807 đài truyền thanh cấp xã/ 10.599 xã, phường, thị trấn với 13.853 nhân sự; 666 cơ sở truyền thanh – truyền hình cấp huyện/705 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, với 7.321 nhân sự; 4.942 tài liệu không kinh doanh/năm; 5.030 trang thông tin điện tử của UBND cấp xã; 67.447 bảng tin công cộng các loại; 179.000 tuyên truyền viên cơ sở.
Với lực lượng đông đảo như vậy liên quan đến hoạt động TTCS, thế nhưng, theo Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), tính đến cuối năm 2022, Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hiện là văn bản pháp luật duy nhất điều chỉnh hoạt động TTCS. Do hạn chế về hiệu quả pháp lý của quyết định này, nên có rất nhiều quy định về mô hình tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, điều kiện, tiêu chuẩn đối với nhân sự quản lý, vận hành đài truyền thanh cấp xã, bản tin, bảng tin, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở không thể quy định cụ thể. Vì vậy, chưa đảm bảo tính thống nhất để nâng cao chất lượng, hiệu quả của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, cũng chưa có quy định thống nhất về chức danh, lương, phụ cấp, chế độ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ,… cho các cán bộ thực hiện nhiệm vụ của các loại hình hoạt động TTCS.
Thực tế, việc sáp nhập đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện với các đơn vị sự nghiệp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) gây khó khăn trong hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện, do chưa xác định rõ mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các mảng công việc sau khi sáp nhập; chưa có quy định về cơ chế quản lý, trong khi đó Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27/7/2010 của Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh – Truyền hình thuộc UBND cấp huyện không còn hiệu lực pháp lý. Chưa có những quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện chế độ nhuận bút đối với hoạt động sản xuất, biên tập chương trình phát thanh của cơ sở truyền thanh cấp huyện; chế độ phụ cấp cho cán bộ truyền thanh cấp huyện…
Chưa kể, một số vấn đề thực tiễn đặt ra trong hoạt động truyền thanh cấp huyện như: Quảng cáo, vấn đề hội tụ, sản xuất nội dung đa phương tiện... chưa có căn cứ pháp luật làm định hướng phát triển.
Theo ý kiến một cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực TTCS từng nhận định: “Về thực chất hoạt động truyền thanh – truyền hình cấp huyện hiện nay không được điều chỉnh bằng bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào.”
Hơn nữa, chưa có sự phân định rõ về hoạt động, trách nhiệm quản lý nhà nước, xây dựng chính sách phát triển cho một số hoạt động do lịch sử để lại từ trước (sáp nhập, chia tách các lĩnh vực) hoặc chưa làm rõ được khái niệm, nội hàm hoạt động như: Lĩnh vực văn hóa cơ sở (bảng tin quảng cáo có chức năng cung cấp thông tin thiết yếu; tuyên truyền lưu động, cổ động; tờ rơi, tờ gấp, poster, infographic…); lĩnh vực báo chí (bản tin TTCS); lĩnh vực xuất bản (tài liệu không kinh doanh); báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; báo cáo viên, tuyên truyền viên của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc…
Trong khi đó, sự xuất hiện của các phương thức hoạt động TTCS mới như: Ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông (tin nhắn, nhạc chuông chờ); mạng xã hội: Vidieo clip, file âm thanh,… rất cần được quy định bổ sung trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Cần bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về lĩnh vực TTCS
Những bất cập như trên đặt ra vấn đề phải bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về lĩnh vực TTCS để khẳng định và phát huy vai trò, thế mạnh của toàn hệ thống. Đồng thời, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với hoạt động TTCS, để TTCS thực sự là kênh thông tin, tuyên truyền thiết yếu, phát huy sức mạnh ở cơ sở.
Theo đề nghị của Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở Lê Hương Giang, cần mở rộng nội hàm của Luật Báo chí. Bổ sung lĩnh vực TTCS trong phạm vi điều chính của Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung, quy định quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và thực hiện hoạt động TTCS trong đó có trách nhiệm quản lý nhà nước về TTCS và đổi tên thành Luật Báo chí, truyền thông hoặc Luật Truyền thông.
Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động TTCS thay thế Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg để có căn cứ giải quyết các vấn đề đặt ra với toàn bộ hệ thống TTCS và hệ thống cơ sở truyền thanh cấp huyện. Trong đó, ngoài quy định cụ thể hoạt động của các loại hình TTCS và hoạt động cơ sở truyền thanh cấp huyện, bổ sung các quy định về mô hình tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh đối với nhân sự quản lý, vận hành đài truyền thanh cấp xã, bản tin, bảng tin, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở và cơ sở truyền thành cấp huyện; bổ sung phương thức hoạt động TTCS mới phù hợp với thực tiễn như các ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, mạng xã hội…
“Cần xác định rõ hơn phạm vi, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương để đảm bảo các loại hình TTCS hoạt động hiệu quả. Theo đó, cần làm rõ các khái niệm, nội hàm của một số hoạt động có sự giao thoa giữa lĩnh vực văn hóa cơ sở và TTCS; phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trách nhiệm giữa các đơn vị thuộc Bộ TT&TT trong việc quản lý nội dung TTCS và sử dụng các phương tiện, hạ tầng hoạt động TTCS” - Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở đề nghị.