Bằng cấp cản trở các nước Đông Nam Á tuyển dụng lao động kỹ năng số trình độ cao
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:06, 27/02/2023
Bằng cấp cản trở các nước Đông Nam Á tuyển dụng lao động kỹ năng số trình độ cao
Những người lao động kỹ thuật số có tay nghề cao ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có thu nhập cao hơn hơn tới 65% so với các đồng nghiệp.
Theo báo cáo Kỹ năng số châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific 2023 Digital Skills) 2023 của công ty tư vấn nơi làm việc Gallup và Amazon Web Services, những người lao động ở APAC có kỹ năng số trình độ cao có thu nhập cao hơn tới 65% so với những người không sử dụng kỹ năng số tại nơi làm việc.
Báo cáo so sánh những người lao động có cùng trình độ học vấn và số năm kinh nghiệm làm việc. Các kỹ năng số trình độ cao đề cập đến các kỹ năng trong các lĩnh vực phức tạp như phát triển phần mềm hoặc ứng dụng, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học. Kiến trúc sư đám mây và nhà phát triển phần mềm được coi là những nhân lực kỹ thuật số có trình độ.
Theo báo cáo, những người lao động có tay nghề kỹ thuật số - những người có kỹ năng nâng cao cũng như những người có kỹ năng cơ bản hoặc trung bình như biết xử lý email và văn bản - đóng góp khoảng 4,7 nghìn tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội hàng năm (GDP) của khu vực.
“Các tổ chức ở khu vực APAC sử dụng nhân viên kỹ thuật số có trình độ - như phát triển phần mềm hoặc kiến trúc sư đám mây - báo cáo doanh thu hàng năm năm 2021 cao hơn 150% so với các tổ chức chỉ sử dụng nhân viên kỹ thuật số cơ bản và cao hơn 286% so với những tổ chức sử dụng nhân viên kỹ thuật số cấp trung bình”, báo cáo cho biết.
Hơn 30.000 nhân viên và 9.000 nhà tuyển dụng trên 19 quốc gia đã tham gia cuộc khảo sát. Những người được hỏi đến từ các quốc gia bao gồm Úc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
Lương cao hơn
Các phát hiện từ báo cáo cho thấy trung bình những người lao động kỹ thuật số có tay nghề cao hơn sẽ nhận được mức lương cao hơn 58% so với những đồng nghiệp của họ, những người hoàn toàn không hề sử dụng kỹ năng số.
Ngay cả những người lao động sử dụng các kỹ năng số cơ bản như gửi email hoặc xử lý văn bản cũng kiếm được nhiều hơn 39% so với những người không sử dụng bất kỳ kỹ năng số nào tại nơi làm việc.
Điều này rõ ràng hơn ở Singapore và Indonesia, những nơi có những nhân viên sử dụng bất kỳ cấp độ kỹ năng số nào đang có được mức lương cao hơn, lần lượt là 97% và 93% so với những đồng nghiệp không sử dụng kỹ năng số.
Gallup ước tính 72% người lao động ở APAC không sử dụng máy tính tại nơi làm việc và có tới 83% lực lượng lao động của Ấn Độ không sử dụng kỹ thuật số. Đối với 28% người thực sự sử dụng máy tính, chỉ 8% sử dụng các kỹ năng kỹ thuật số nâng cao trong khi 14% sử dụng các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản.
Gần một nửa số nhân viên kỹ thuật số được khảo sát cho biết mức lương cao hơn thúc đẩy họ tìm kiếm các khóa đào tạo kỹ năng kỹ thuật số bổ sung. Những người lao động kỹ thuật số tiên tiến ở Indonesia có khả năng hài lòng với công việc của họ cao gấp đôi so với những người lao động kỹ thuật số cơ bản.
Mặt khác, sự hài lòng trong công việc của những người lao động kỹ thuật số cơ bản và kỹ thuật số tiên tiến gần như ngang nhau ở các quốc gia có thu nhập cao như Australia và Nhật Bản.
Thách thức trong tuyển dụng lao động có bằng cấp
Báo cáo cũng tiết lộ thêm rằng 72% người sử dụng lao động ở APAC cảm thấy khó khăn khi tuyển dụng lao động có tay nghề kỹ thuật số. Điều này một phần là do các yêu cầu nghiêm ngặt về bằng cử nhân đối với những cơ hội việc làm đó. Trong khi gần 2/3, hay 63%, những người lao động kỹ thuật số tiên tiến nhất có chứng chỉ kỹ thuật số, họ không có bằng cử nhân. Điều này khiến họ không đủ điều kiện để nộp đơn xin việc, mặc dù có các kỹ năng cần thiết.
AWS và Gallup cho biết, nhân viên kỹ thuật số ở APAC có khả năng nắm giữ chứng chỉ kỹ thuật số cao gấp đôi so với bằng cấp.
Nhiều công ty trong khu vực nhận thức được rằng họ đang thu hẹp nhóm tuyển dụng do các yêu cầu nghiêm ngặt về bằng cấp và đang cố gắng điều chỉnh các hoạt động tuyển dụng của họ.
Báo cáo cho biết: “Đây là một bước phát triển quan trọng, vì những người làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật số ở khu vực APAC có khả năng có chứng chỉ kỹ thuật số (50%) cao gấp đôi so với những người có bằng cử nhân (27%)".
“Bằng cách nới lỏng các yêu cầu về bằng cấp đối với cơ hội việc làm của họ, các tổ chức cho phép chứng chỉ hoặc đào tạo kỹ thuật số thay thế hoặc bổ sung cho bằng cấp có thể tăng gấp đôi số lượng nhân viên kỹ thuật số đủ điều kiện ứng tuyển cho các vị trí này.”
Khoảng 38% công ty trong khu vực muốn thuê những người có bằng cấp cho các vị trí công nghệ ở mức mới bắt đầu, nhưng chỉ 27% nhân viên kỹ thuật số của châu Á có bằng cử nhân.
Các quốc gia gặp khó khăn nhất trong việc tuyển dụng nhân viên có kỹ năng kỹ thuật số - cụ thể là Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia - có nhiều khả năng yêu cầu bằng cấp cho các công việc công nghệ ở đầu vào.
Trong khi đó, các nền kinh tế tiên tiến hơn như Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản có yêu cầu bằng cấp thấp hơn đối với nhân viên công nghệ mặc dù có tỷ lệ lớn sinh viên tốt nghiệp đại học trong lực lượng lao động của họ.
Kết luận
Báo cáo cho thấy những người lao động kỹ thuật số tiên tiến ở APAC thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mức độ hài lòng trong công việc cao hơn và cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Đối với hầu hết các tổ chức, việc đầu tư vào nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động không còn là lựa chọn nữa mà thực sự cần thiết. Bản chất thay đổi nhanh chóng của công nghệ khiến các tổ chức bắt buộc phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ trong việc tuyển dụng, giữ chân và trao quyền cho những tài năng am hiểu công nghệ của họ. Bằng cách luôn cập nhật các kỹ năng của nhân viên, các tổ chức có thể đi đầu, duy trì lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng cũng như đổi mới trong thời đại số./.