Phát triển kinh tế số để người dân Hải Phòng giàu có hơn
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:51, 28/02/2023
Phát triển kinh tế số để người dân Hải Phòng giàu có hơn
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh phát triển kinh tế số (KTS) cần chú trọng làm cho người dân, hộ dân của thành phố Hải Phòng giàu có hơn.
Ngày 28/2/2023, UBND TP. Hải Phòng đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo khoa học thúc đẩy phát triển KTS tại TP. Hải Phòng.
4 đặc điểm để thúc đẩy KTS để người dân giàu có hơn
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã chia sẻ và nhấn mạnh một nội dung trọng tâm về chuyển đổi số (CĐS) nói chung, phát triển KTS quốc gia nói riêng và phát triển KTS trên địa bàn Hải Phòng.
Thứ trưởng cho biết Chương trình CĐS quốc gia đã xác định 3 trụ cột chính của CĐS quốc gia gồm phát triển chính phủ số để cho người dân tin theo Đảng, tin theo chính quyền nhiều hơn; phát triển KTS để người dân giàu có hơn và phát triển xã hội số để người dân hạnh phúc hơn.
Thứ trưởng nhấn mạnh 3 trụ cột đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. “Chính phủ số thì lấy cơ quan nhà nước (CQNN) làm chủ thể, KTS thì lấy DN làm chủ thể và xã hội số lấy người dân làm chủ thể”.
Để phát triển KTS, nếu lấy DN làm chủ thể, Thứ trưởng nhấn mạnh có hai yếu tố đầu vào cơ bản là dữ liệu số và công nghệ. Dữ liệu tức là các DN sử dụng dữ liệu để phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) giống như sử dụng điện, nước, nhân công, đầu tư vốn. Dữ liệu thì mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho các sản phẩm kinh tế số.
Yếu tố đầu vào thứ hai của KTS là công nghệ. Công nghệ được sử dụng như là một dịch vụ, ví dụ như AI như là một dịch vụ mà gần đây công chúng đã được nghe nhiều về chatGPT. “Đây chỉ là một minh chứng của việc sử dụng công nghệ đầu vào như là một dịch vụ để gia tăng giá trị trong các khâu sản xuất”.
Vì vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh một sự khác biệt căn bản của DN trong nền KTS so với các DN truyền thống là bên cạnh các yếu tố đầu vào truyền thống thì nay dữ liệu, công nghệ số, công nghệ như là một dịch vụ trở thành một yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất giống như điện, nước.
Điểm thứ ba, Thứ trưởng nhấn mạnh để phát triển KTS của một địa phương thì thúc đẩy mỗi người dân trở thành một doanh nhân, mỗi hộ gia đình là một DN số và biến mọi DN trên địa bàn thành một DN số. Ví dụ như bệnh bệnh viện trở thành bệnh viện số, trường học trở thành trường học số. Chúng ta triển khai các hoạt động nghiệp vụ SXKD trên môi trường số.
Theo Thứ trưởng, đặc điểm của KTS là tính cá thể hoá và tính linh hoạt. Khác với kinh tế truyền thống, trong môi trường số cơ bản là không có rào cản cho việc các DN, các hộ kinh doanh tiếp cận thị trường. Một hộ kinh doanh nhỏ lẻ trước đây sẽ không thể nào có doanh thu lớn như một tổ hợp ăn uống nhưng trong môi trường công nghệ số ngày nay một tổ hợp gia đình kinh doanh không có diện tích, không có mặt phố vẫn có thể đạt hiệu suất như một tổ hợp ăn uống lớn, thông qua việc tiếp cận và giao hàng cho khách hàng trên môi trường số.
Điểm thứ tư, Thứ trưởng nhấn mạnh phát triển KTS thì chú trọng làm cho người dân, hộ dân của thành phố giàu có hơn. Cùng với đó phải có biện pháp đo lường để đánh giá tác động của chính sách, nỗ lực của chính quyền đối với sự phát triển. Tiếp cận đo lường truyền thống là đo theo cách GRDP hàng năm và thường trễ 1 quý của năm sau mới có chỉ số phát triển của năm trước. Như vậy thì không đáp ứng được yêu cầu về tính kịp thời khi mà chúng ta muốn đo lường những chính sách tác động đến KTS. Vì vậy, bắt buộc phải có có những cách tiếp cận mới, khác nhưng lại phải trên cơ sở khoa học.
Thứ trưởng cũng nhận định KTS là phạm trù mới. Nếu nói chính phủ số thì có nhiều mô hình điển hình như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế nhưng nói về mô hình điển hình về KTS thì 63 tỉnh, thành phố chưa có mô hình điển hình để các tỉnh, thành phố khác tham chiếu.
Theo đó, Thứ trưởng kỳ vọng năm 2023 là một năm thực hiện đầy đủ chiến lược KTS quốc gia và mỗi địa phương có chính sách tiên phong để năm 2023 có mô hình KTS tham khảo cho các địa phương khác. Một số địa phương năm nay muốn tiên phong thúc đẩy KTS như Hải Phòng, Nam Định.
Đề xuất Hải Phòng thí điểm xác định giá trị KTS/GRDP
PGS. TS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ TT&TT cho biết Hải Phòng có nhiều lợi thế để phát triển KTS như có hàng trăm nghìn hộ gia đình có kết nối cáp quang, thuê bao điện thoại di động, có sự phổ cập của chữ ký số, tài khoản thanh toán… Hải Phòng xếp hạng 02/63 tỉnh thành về doanh thu phần cứng, 10/63 tỉnh/thành về doanh thu phần mềm, 3/63 tỉnh thành về doanh thu dịch vụ CNTT; xếp hạng 6/63 về doanh thu bán buôn, bán lẻ CNTT; 5/63 tỉnh, thành về doanh thu dịch vụ thông tin; xếp hạng 7/63 về doanh thu sản xuất phim, video, audio, phát thanh truyền hình trực tuyến… Tạm ước tỷ trọng phần kinh tế số lõi ICT trong GRDP năm 2022 là 7,2%.
Ông Trần Minh Tuấn đề xuất Hải Phòng là địa phương thử nghiệm xác định giá trị KTS/GRDP. Theo đó, Hải Phòng cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số cho người dân, cung cấp chữ ký số công cộng, thúc đẩy dịch vụ số (sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ công toàn trình...), hub dữ liệu, trung tâm tài chính quốc tế.
Hải Phòng cũng cần từng bước phát trên 3 trụ cột: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển, logistics; thương mại và du lịch. Hải Phòng nên lựa chọn, thí điểm triển khai mô hình CĐS.
Hải Phòng tiên phong trong mô hình phát triển KTS địa phương
Thông tin thêm về một số hoạt động KTS của Hải Phòng, ông Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng cho biết Thành phố có 901 DN công nghệ số. 99,65% DN tham gia hải quan điện tử, thời gian tiếp nhận, thông quan đối với tờ khai luồng xanh từ 1 - 3 giây; 19.950 tổ chức, DN và 1015 hộ, cá nhân kinh doanh triển khai hoá đơn điện tử trực tuyến.
Về triển khai thuế điện tử, số hồ sơ khai thuế đã nộp 185.214 lượt (đạt 97,76%), trong đó đúng hạn đạt 97,72%; tỷ lệ hồ sơ khai thuế điện tử đạt 99,68. Hiện đã có 59.400 số tài khoản mobile money; số tiền giao dịch trực tuyến là 650 tỷ đồng. Hải Phòng đã phát triển được 8454 tên miền .vn, 126 sản phẩm lên sàn TMĐT.
Các giải pháp phát triển KTS gồm có đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển Khu CNTT tập trung; đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, trong khu kinh tế, khu công nghiệp; xây dựng các khu công nghiệp thông minh, tích hợp giải pháp chế biến chế tạo thông minh gồm cả giải pháp phần mềm thông minh và thiết bị IoT.
Bên cạnh đó, Hải Phòng còn khuyến khích, thúc đẩy DN kiến tạo và sử dụng giải pháp số; thúc đẩy thương mại điện tử; các chính sách hỗ trợ DN CĐS, chuyển giao công nghệ; đặt hàng nhiệm vụ KHCN; gỗ trợ DN, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất ứng dụng các giải pháp công nghệ (Tem điện tử; hóa đơn điện tử; công nghệ mã vạch, QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...).
Các lĩnh vực ưu tiên của Hải Phòng có năng lượng, cảng - logistics, giao thông - vận tải, du lịch, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng. Mặt khác, Hải Phòng có thế mạnh phát triển cảng biển thông minh.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường cũng đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục có những chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ Hải Phòng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp CĐS; tổ chức thực hiện thí điểm áp dụng bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường KTS được ban hành theo Quyết định số 1354/QĐ-BTTTT ngày 07/2/2022 của Bộ TT&TT để có thể đánh giá chính xác đóng góp của KTS trong GRDP của Thành phố ngay trong năm 2023. Hải Phòng cũng mong muốn thúc đẩy phát triển KTS trong năm 2023.
Hải Phòng cũng mong muốn áp dụng các phương pháp đánh giá khác nhau, cả phương pháp đánh giá chính thống, thống kê theo các bộ chỉ tiêu của Tổng cục Thống kê và đánh giá theo bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường của Bộ TT&TT đang đề xuất thí điểm để đánh giá nhanh hơn, có giá trị hệ thống hơn.
Triển khai các chương trình phối hợp giữa Bộ TT&TT và TP. Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường đề nghị Bộ TT&TT lựa chọn Hải Phòng là địa phương thí điểm tiên phong trong xây dựng mô hình KTS địa phương./.