Lãnh đạo càng quan tâm thì việc thúc đẩy ĐMST mở sẽ càng thuận lợi

Khởi nghiệp - Ngày đăng : 16:05, 28/02/2023

Theo đại diện BK Holdings, đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở là "chìa khoá" để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn, kỹ thuật, logistic… cho các địa phương. Đồng thời, lãnh đạo càng quan tâm thì ĐMST ở địa phương sẽ càng có nhiều thuận lợi phát triển.
Khởi nghiệp

Lãnh đạo càng quan tâm thì việc thúc đẩy ĐMST mở sẽ càng thuận lợi

NK {Ngày xuất bản}

Theo đại diện BK Holdings, đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở là "chìa khoá" để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn, kỹ thuật, logistic… cho các địa phương. Đồng thời, lãnh đạo càng quan tâm thì ĐMST ở địa phương sẽ càng có nhiều thuận lợi phát triển.

sang-tao-01.49093.14540(1).jpg
Ông Phạm Tuấn Hiệp: Việt Nam cần thay đổi toàn diện thông qua quá trình ĐMST mở trong chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn, kỹ thuật, logistic…

Vai trò ĐMST mở trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương

Theo ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc vườn ươm BK Holdings, giám đốc quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo - BK Fund của Trường đại học Bách Khoa, để giải bài toán phát triển kinh tế địa phương, việc đầu tiên là phải thay đổi về cấu trúc kinh tế để làm sao thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đối với nông nghiệp, bài toán hiện nay là mất giá nông sản, khi mà năng lực mới chỉ dừng lại ở việc đáp ứng thị trường nội địa và một số nước “dễ tính” chứ chưa đi ra được thị trường chung của thế giới cũng như các thị trường cao cấp. Để làm được điều này, Việt Nam cần thay đổi toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua quá trình ĐMST mở trong chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn, kỹ thuật, logistic…

Về công nghiệp, các doanh nghiệp (DN) FDI sang Việt Nam và các khu công nghiệp mở rất nhiều ở các tỉnh, thành. Tuy nhiên, số lượng DN có thể trở thành nhà cung cấp cho những đơn vị này còn rất ít. Nguyên nhân là do nhu cầu của họ rất cao nhưng năng lực của các DN vừa và nhỏ (SME) của Việt Nam rất hạn chế và chỉ có năng lực trung bình. Điều này khiến các SME “nội” không thể gia công được các sản phẩm của thế giới. Vì vậy, phải ĐMST toàn diện thì các SME của Việt Nam mới có thể nhảy lên ở những chuỗi giá trị có thặng dư cao hơn, đó là nhóm cộng đồng DN công nghệ. “ Đó là mong muốn của chúng ta về mô hình ĐMST để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình của SME”, ông Hiệp nói.

Còn nếu ứng dụng ngay ĐMST mở thì sẽ không thể đem lại hiệu quả vì việc phục hồi kinh doanh không phải là thế mạnh của mô hình ĐMST mở - phương pháp để tăng trưởng, phát triển. Bởi vì, để phục hồi thì cần làm theo những phương pháp ít rủi ro, mạo hiểm và tối ưu được nguồn lực hiện có, từ đó tạo ra hiệu quả, doanh thu lợi nhuận sớm, không đòi hỏi về tăng trưởng mạnh.

ĐMST mở được áp dụng để tạo ra những yếu tố mới, đột biến, tăng trưởng mạnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, khách hàng theo những cách mới hiệu quả hơn. Đó là lý do tại sao nhiều startup trở thành những công ty lớn vì họ phát triển nhanh, mạnh nhờ đáp ứng được yêu cầu hiện tại của khách hàng một cách tốt nhất và tạo ra những nhu cầu mới.

Cũng theo Giám đốc vườn ươm BK Holdings, tháp ĐMST có 3 tầng: Tầng hoạt động sáng tạo, tạo ra những cái mới tốt hơn; Tầng ĐMST, đưa những kết quả vào ứng dụng để giải quyết những bài toán thực tế của cuộc sống; Tầng 3 là đưa ĐMST vào các tổ chức, hoạt động để nó được bền vững. Trong đó, ĐMST mở được tập trung cho tầng thứ 2, chữ “mở” nghĩa là quá trình thực hiện việc ứng dụng đó có sự tham gia của nhiều bên để có thêm nhiều nguồn lực. Trước đây, mọi người nhắc nhiều về mô hình startup nhưng nó chỉ là một phần của hệ sinh thái ĐMST mở, bên cạnh các thành phần khác như SME - đối tượng ứng dụng những yếu tố ĐMST, tập đoàn, công ty lớn, chính sách, viện trường…

Một ví dụ cho thấy khi ĐMST thì sẽ liên quan đến cả chuỗi giá trị, đó là ngành sữa bò Việt Nam với 2 DN tiêu biểu là Vinamilk và TH True Milk. Khi đặt chiến lược sản xuất sữa rẻ và nhiều, một loạt các DN liên quan cũng phải đi theo, thông qua việc công nghiệp hoá với quy mô lớn. Nhưng với chiến lược 5 năm tới là tập trung vào sữa sạch thì các DN khác tham gia vào quá trình này cũng sẽ phải thay đổi, cải tiến theo vì để có được sữa sạch thì cỏ, phân bón cho đến quá trình chăm sóc, bảo quản… cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn. Đó là bài học kinh nghiệm (case study) về ĐMST mở trong một chuỗi giá trị.

Một đặc điểm đáng chú ý tiếp theo của hệ sinh thái ĐMST mở là phải có tính tuần hoàn và tăng trưởng. Ví dụ như việc quỹ đầu tư hình thành, đầu tư cho một vài công ty startup. Sau đó, khi công ty đó phát triển, quỹ thoái vốn và kiếm lời, từ đó mở rộng quy mô, tiếp tục đầu tư cho những startup khác. Hay việc một số SME/startup, khi được đầu tư để phát triển, tăng trưởng, rồi mở rộng quy mô dần dần thành một công ty đại chúng/công ty IPO và quay lại rót vốn cho những đơn vị khởi nghiệp mới. “Đó là vòng tuần hoàn của các nhân tố trong hệ sinh thái ĐMST mở, từ tế bào đầu tiên nhân bản và tạo thành các thực thể lớn mạnh”, ông Hiệp cho biết thêm.

Rào cản đến từ việc hợp tác giữa các yếu tố trong hệ sinh thái ĐMST mở

Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay của hệ sinh thái ĐMST mở là việc hợp tác, liên kết giữa các startup – SME, startup - tập đoàn đều rất mỏng manh. Hiện nay có rất ít các startup trở thành đối tác của những tập đoàn, DN lớn, ngoài trừ một số công ty khởi nghiệp theo mô hình nền tảng (platform). Mặc dù đối với startup, khi đã chứng minh được sản phẩm mới, mô hình kinh doanh hiệu quả thì các SME sẽ phải là đơn vị tiếp cận đầu tiên. Nhưng thực tế, khả năng học hỏi, đi theo xu hướng startup thành công của các  SME còn rất chậm. Dẫn đến, “sợi dây” liên kết giữa SME và startup chưa được như mong muốn.

Còn giữa DN lớn và startup, cả 2 bên rất ít sẵn sàng kết nối với nhau. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cơ chế, vì phần lớn các tập đoàn, DN lớn của Việt Nam đều có vốn của Nhà nước, nên gặp rất nhiều rào cản về nguồn lực tài chính để có thể ươm tạo, góp vốn vào startup, dù nhìn thấy cơ hội. “Đó là điểm còn đang bế tắc của hệ thống hiện nay. Nhiều DN, tập đoàn muốn tăng trưởng bởi ĐMST bằng cách thu hút, mua bán, sáp nhập hay ươm tạo startup thì cách quản lý hiện nay đang gặp nhiều khó khăn”, ông Hiệp nói.

Chưa kể đến, mỗi công ty startup lại có đặc điểm khác nhau, có công ty bảo thủ, chỉ muốn làm một mình, nhưng có đơn vị lại coi việc bắt tay với tập đoàn lớn là cơ hội để đứng trên vai người khổng lồ.

Về giải pháp thúc đẩy ĐMST mở ở Việt Nam, ông Hiệp khẳng định, hệ sinh thái hiện nay đang rất năng động, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp sẵn sàng học hỏi, sao chép những mô hình thành công ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu để triển khai.

Với một thế giới phẳng, sự phát triển của mạng xã hội, CNTT ở Việt Nam thì mọi người có thể nhanh chóng học hỏi những cái mới trên thế giới. Vấn đề chủ yếu là sự quan tâm của lãnh đạo, những người quản lý. Thực tế cho thấy, ở đâu có sự đồng hành của những người đứng đầu thì nơi đó hệ sinh thái ĐMST mở có sự tăng trưởng, phát triển nhanh chóng. Ngược lại, khi không có sự sâu sát của cấp quản lý, hệ sinh thái tự phát triển thì sẽ rất lâu và mất nhiều thời gian.

Tương tự tại các địa phương, dù 63 bí thư và chủ tịch các địa phương đều sẵn sàng nói về ĐMST, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số nhưng không có nhiều người có thể nói được về chiến lược ĐMST một cách khoa học, nhất là khi cùng đồng hành, thực hiện chiến lược đó.

“Trong một số hội thảo ĐMST gần đây, một số địa phương đã chia sẻ về việc cảm thấy rất cô đơn khi không được lãnh đạo quan tâm, dễ bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng ngược lại, có những người ở các tỉnh, thành nơi lãnh đạo quan tâm, thúc đẩy thì ĐMST mở rất thuận lợi phát triển”, ông Hiệp kết luận./.

Những thông tin về xu hướng thị trường & đổi mới sáng tạo mới nhất giúp DN bứt phá trong năm 2023 hiện đã có trong Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam năm 2022. Đọc ngay tại đây: http://ldp.to/OI22-News

Báo cáo được thực hiện bởi Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường & DN Khoa học và Công nghệ (NATEC) - Bộ Khoa học và Công nghệ.

NK