Hải Phòng coi chuyển đổi số là động lực để phát triển lâu dài

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:55, 02/03/2023

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường đã nhấn mạnh Hải Phòng coi chuyển đổi số (CĐS) là một động lực để Thành phố phát triển lâu dài trong các năm tiếp theo.
Chuyển đổi số

Hải Phòng coi chuyển đổi số là động lực để phát triển lâu dài

Hoàng Linh 02/03/2023 05:55

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường đã nhấn mạnh Hải Phòng coi chuyển đổi số (CĐS) là một động lực để Thành phố phát triển lâu dài trong các năm tiếp theo.

Một số dấu ấn trong CĐS Hải Phòng

Ngày 26/10/2021, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về CĐS TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, CĐS là “động lực” trong phát triển thành phố; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp (DN) nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu; hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự tham gia của tổ chức, DN và người dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của CĐS; người dân và DN là trung tâm của CĐS.

Dữ liệu số là nguồn tài nguyên, phải được mở, chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị và phục vụ người dân, DN theo quy định của pháp luật. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để CĐS thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của CĐS.

Chương trình CĐS TP. Hải Phòng có mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố dựa trên áp dụng công nghệ số, dữ liệu số; tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, với ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.

Cùng với đó, Chương trình hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân; tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

pct-hoang-minh-cuong-28022023.jpg
Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường: Hải Phòng rất quan tâm đến lĩnh vực chính phủ số và cung cấp DVCTT cho người dân

Tại Hội thảo khoa học thúc đẩy phát triển kinh tế số tại TP. Hải Phòng ngày 28/2/2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho biết điểm đặc biệt trong Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về CĐS TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là đặt một số mục tiêu cao hơn so với chương trình CĐS quốc gia đối với cả kinh tế số. Điều đó cho thấy thúc đẩy, phát triển kinh tế số đang được TP. Hải Phòng coi là nhiệm vụ trọng và xuyên suốt.

Trong thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cho biết TP. Hải Phòng cũng đã tập trung cho chương trình CĐS và TP. Hải Phòng đã xác định những nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn đầu 2022 - 2023 là phát triển hạ tầng số, xây dựng các nền tảng, dữ liệu số để cho giai đoạn sau đó CĐS toàn diện Thành phố.

Năm 2022, Hải Phòng tập trung xây dựng hạ tầng số và về cơ bản đã xoá được các vùng lõm, triển khai, phát triển mạng 4G, thí điểm mạng 5G và đã thí điểm mạng 5G ở 2 cảng biển. Từ đó, Hải Phòng muốn dùng 5G thúc đẩy nền công nghiệp. Hải Phòng cũng đã có lộ trình xây dựng các trung tâm dữ liệu, các tuyến cáp quang biển để bổ sung cho hạ tầng số của Việt Nam. Hải Phòng cũng thực hiện phổ cập thiết bị thông minh cho người dân ở Hải Phòng. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã giúp cho người dân nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực số và để có thể tiếp cận được với các dịch vụ số.

Đối với nhiệm vụ xây dựng chính phủ số, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cho biết Hải Phòng năm 2022 đã đạt được những kết quả quan trọng khi đưa các công cụ, nền tảng điện tử vào ứng dụng trong cơ quan chính quyền. Đặc biệt về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), năm 2022, với sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ TT&TT, Hải Phòng đã đạt được những bước tiến quan trọng. Tỷ lệ DVCTT của Hải Phòng đã tăng lên một cách ngoạn mục, từ khoảng 20% hồ sơ được xử lý trực tuyến vào đầu năm 2022 đã tăng lên hơn 90% .

Các nền tảng về CĐS cũng đã đưa được vào ứng dụng mà nổi bật là hai nền tảng: quản lý đất đai và cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) trực tuyến. Về nền tảng quản lý đất đai, Hải Phòng mới đưa vào triển khai 6 tháng nhưng đã có khoảng 66.000 hồ sơ được xử lý hoàn toàn trên mạng. Hiện có 500.000 dữ liệu đất đai được liên tục cập nhật lên nền tảng. Đây được xem là bước tiến khích lệ.

Về đổi GPLX trực tuyến, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cho biết Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo quyết liệt. Hải Phòng là địa phương tiên phong thực hiện đổi GPLX trực tuyến toàn trình. Trong năm 2022, Hải Phòng đã xử lý được khoảng 30.000 các hồ sơ cấp đổi GPLX trực tuyến hoàn toàn trên mạng.

“Tất cả những việc này cho thấy Hải Phòng rất quan tâm đến lĩnh vực chính phủ số và cung cấp DVCTT cho người dân”.

Năm 2023, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cho biết chính phủ xác định là năm dữ liệu số và Hải Phòng rất quan tâm đến xây dựng dữ liệu để hướng đến một mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy kinh tế số và xây dựng xã hội số. “Hải Phòng coi đây là cái đích và kinh tế số là một lĩnh vực rất quan trọng mà Hải Phòng đang rất là quan tâm. Với các kết quả vừa qua, Hải Phòng mong trở thành một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu trong công cuộc CĐS, phát triển kinh tế số.

CĐS quan trọng là nhận thức của người đứng đầu

PGS. TS. Đan Đức Hiệp, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng cho biết CĐS quan trọng là nhận thức người đứng đầu. Lãnh đạo TP. Hải Phòng cần tiếp tục chỉ đạo để nhận thức về CĐS có chuyển biến và trở nên phổ biến sâu rộng. “Cán bộ cơ quan nhà nước phải nâng cao nhận thức về CĐS, phải có và trả lời được các câu hỏi, các số liệu của người dân quan tâm chính xác hơn cả chatGPT”.

Cũng theo PGS. TS. Đan Đức Hiệp, mỗi cán bộ cơ quan nhà nước giờ đây đều được trang bị máy tính và năng suất lao động phải tăng lên. Số hoá là phải nâng cao năng suất nếu không sẽ không hiệu quả.

Cũng với đó, PGS. TS. Đan Đức Hiệp đề nghị TP. Hải Phòng phải có chính sách số hoá cho xã hội, như trang bị điện thoại thông minh (smartphone) cho những người khó khăn để thúc đẩy người dân lên môi trường số. “CĐS cũng phải làm cho chi phí của xã hội tiết kiệm được rất nhiều”./.

Hoàng Linh