Chuyển đổi số để thực hiện nhanh các nhiệm vụ của bộ ngành, địa phương
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:53, 06/03/2023
Chuyển đổi số để thực hiện nhanh các nhiệm vụ của bộ ngành, địa phương
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chuyển đổi số (CĐS) là dùng nền tảng số, theo đó đẩy nhanh tiến trình CNTT hoá.
Ngày 6/3/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý I năm 2023 với các cơ quan chuyên trách chuyển đổi số (CĐS), CNTT, Sở TT&TT trên cả nước.
Điểm khác biệt CĐS so với CNTT
Tại Hội nghị, các Sở TT&TT tỉnh Bạc Liêu, Điện Biên và các cơ quan chuyên trách CNTT bộ ngành đã nêu một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình thúc đẩy CĐS, triển khai đô thị thông minh (ĐTTM), phủ sóng vùng lõm, triển khai y tế từ xa...
Tại Hội nghị, ông Bùi Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bạc Liêu cho biết ngày 01/01/2019, Sở VHTT&DL được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa 02 Sở: TT&TT và VHTT&DL. Sau 04 năm sát nhập, đơn vị này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, một số lĩnh vực hoạt kém hiệu quả, cụ thể là lĩnh vực CNTT, CĐS. Do đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thống nhất tách Sở VHTT&DL thành 2 sở như trước đây (Sở TT&TT và Sở VHTT&DL). Với mong muốn là lĩnh vực TT&TT nói chung hoạt động hiệu quả hơn, nhất là lĩnh vực CĐS trong thời gian tới, theo dự kiến của Đề án được HĐND tỉnh thông qua, Sở TT&TT sau khi tái lập sẽ đi vào hoạt động chính thức trong quý I năm 2023.
Về những khó khăn trong nhận thức triển khai CĐS, đầu tư ĐTTM tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Sở TT&TT Bạc Liêu cần chung tay với một sở, ngành cụ thể trên địa bàn thực hiện đến tận cùng một dự án, hay một cấu thành của một dự án CĐS cụ thể, để từ đó các đơn vị khác có tham vấn, học hỏi kinh nghiệm. “Hãy chọn một việc mới để làm. Một việc mới nhiều người ngại làm nhưng làm được sẽ rất tốt. Một việc mới cần cố gắng làm trong một vài tháng để chính quyền, các sở ngành có thể tham khảo”.
Về triển khai ĐTTM, Bộ trưởng cho biết trong 10 năm qua từ năm 2010 – 2020, thế giới mới rút ra một bài học về triển khai ĐTTM, đó là chú trọng vào chữ “smart” (thông minh), có nghĩa là tập trung vào công nghệ, thay vì phải tập trung vào chữ “city”. Nhiều quốc gia tập trung vào các dự án ĐTTM chục tỷ USD nhưng giá trị mang lại không nhiều và nay chuyển hướng tập trung sang vào “city”, nghĩa là người dân được hưởng lợi gì từ triển khai ĐTTM. Bộ TT&TT sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng ĐTTM tập trung vào chữ “city”, thay vì “smart”.
Bộ trưởng cho biết việc triển khai ĐTTM là dự án lớn, là việc mới giống như như dò đá qua sông thì phải khởi động bằng những kinh nghiệm từ các nơi khác. “Quản lý nhà nước về ĐTTM là thu thập thông tin các dự án ĐTTM mà các tỉnh đã, đang làm để đánh giá tốt, chưa tốt ở điểm nào để chia sẻ học hỏi. Đây cũng là kinh nghiệm cho quản lý nhà nước các lĩnh vực”.
Về khó khăn của tỉnh Điện Biên trong giải quyết 90 điểm lõm sóng viễn thông hiện chưa có điện lưới nên không thể triển khai trạm phát sóng (BTS), Bộ trưởng cho biết một mặt Sở TT&TT bám sát việc tỉnh Điện Biên làm việc với ngành điện lực. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Quỹ Viễn thông công ích nghiên cứu các giải pháp thông tin liên lạc thay thế khác như giải pháp phủ sóng liên lạc vệ tinh, có thể tiết kiệm chi phí hơn là chờ điện lưới và xây trạm BTS tốn kém về chi phí xây dựng, duy trì, bảo dưỡng.
Về khó khăn CĐS, đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng của các bộ ngành, trong đó có Bộ Y tế về triển khai y tế từ xa (telehealth), Bộ trưởng yêu cầu Cục CĐS quốc gia làm việc với Bộ Y tế xem nền tảng số nào cấp thiết có thể tư vấn Bộ Y tế làm ngay.
Bộ trưởng cho biết nên triển khai nền tảng ở Bộ để các sở, bệnh viện ở cơ sở dùng chung. “Làm nền tảng có cái hay là dữ liệu đặt tập trung và quản lý được. Ví dụ các bệnh viện muốn triển khai y tế từ xa, bệnh án điện tử cần triển khai kiểu nền tảng để các sở y tế, bệnh viện huyện, y tế xã có thể dùng chung nền tảng để khám chữa, bệnh xem phim được chiếu chụp”.
Theo Bộ trưởng, một sự khác biệt của CĐS và CNTT là CNTT thì mỗi xã phải có 1 hệ thống; CNTT thì mỗi xã phải có người làm CNTT; CNTT là mỗi xã phải có chi phí thường xuyên cho CNTT và vì thế CNTT không thể làm được đến tất cả các xã.
Bộ trưởng nhấn mạnh: CĐS là 1 phần mềm dùng chung, 1 nơi vận hành, mọi người khai thác, theo đó, 11.000 xã có thể dùng chung, không phải đầu tư, mua, sửa chữa, đổi mới gì… Đây gọi là nền tảng và đẩy nhanh tiến trình CNTT hoá”.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chuyên trách CNTT có khó khăn gì về CĐS, đầu tư đảm bảo ATTT mạng, có thể tư vấn Bộ TT&TT để nhận được sự hỗ trợ trong thời gian ngắn nhất.
Một số công tác trọng tâm của các Sở TT&TT
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ năm 2022, Bộ TT&TT đã xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số. Hiện nay, đã có 51 địa phương ban hành kế hoạch, 12 địa phương chưa ban hành kế hoạch. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương chưa ban hành kế hoạch phát triển DN công nghệ số trên địa bàn khẩn trương tham mưu cho UBND ban hành. Các địa phương đã ban hành kế hoạch phát triển DN công nghệ số thì xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phát triển DN công nghệ số.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh: “Muốn CĐS thì phải có DN công nghệ số địa phương thì mới làm được CĐS cho địa phương”.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho biết triển khai IPv6 là chủ trương lớn của Bộ TT&TT và hiện nay còn có 11 bộ, trong đó có 5 bộ chưa ban hành kế hoạch triển khai IPv6, 6 bộ đã ban hành kế hoạch triển khai nhưng chưa thực hiện chuyển đổi IPv6. Trong khi đó, 8 địa phương chưa triển khai chuyển đổi IPv6.
Về triển khai quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, Thứ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông làm rõ hướng dẫn quy hoạch triển khai trên cơ sở hiện đã có đầy đủ sở cứ để triển khai quy hoạch. “Triển khai quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động giúp DN chia sẻ dùng chung hạ tầng giúp tiết kiệm nguồn lực rất lớn cho DN”.
Về lĩnh vực CĐS, ATTT mạng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết sau 3 năm triển khai CĐS, chính phủ số (CPS), xã hội số, ATTT phát sinh một số vấn đề cụ thể ở tầm thực thi. Lãnh đạo Bộ TT&TT trực tiếp là Thứ trưởng sẽ làm việc chuyên đề với từng sở về CĐS, CPS, XHS, ATTT mạng để nắm bắt các vấn đề thực tiễn của các sở TT&TT để có những kiến nghị về chính sách, tổ chức tháo gỡ các vấn đề kịp thời.
Về mảng báo chí - truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, cho biết Ban Bí thư vừa ban hành quyết định mới quan trọng thay thế Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư về “Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí” (Quyết định 75) từ năm 2008. Quyết định mới sẽ thay đổi một cách căn bản theo hướng siết chặt kỷ cương và quy trách nhiệm rõ thêm về cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí người đứng đầu các cơ quan báo chí với các sai phạm trong lĩnh vực hoạt động báo chí và nghiêm túc trong xử lý kỷ luật một kịp thời, đồng bộ khi để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực báo chí thì sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí kể cả tổ chức Đảng của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản. Ban Tuyên giáo trung ương sẽ tổ chức hội nghị tại 3 miền của đất nước để phổ biến quyết định. Các Sở TT&TT nghiên cứu quyết định mới này để triển khai thực hiện.
Về liên thông các cơ quan báo chí lên trục liên thông văn bản điện tử, Thứ trưởng cho biết hiện nay, theo báo cáo của Trung tâm Thông tin - Bộ TT&TT mới chỉ có 30 báo Đảng địa phương và 12 đài phát thanh truyền hình (PTTH) địa phương đã được cấp mã định danh điện tử và nhìn thấy trên trục. Có một số báo chỉ kết nối trên trục của liên thông của tỉnh, chưa lên trục liên thông văn bản của cả nước.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề nghị các Sở TT&TT đốc thúc tất cả các báo Đảng, đài PTTH lên trên trục liên thông văn bản điện tử quốc gia để gửi, nhận các văn bản trên trục liên thông và có vướng mắc nếu có như về hỗ trợ lên trục liên thông văn bản và liên hệ với Ban Cơ yếu chính phủ để được cấp chữ ký số, trong đó Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) của Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ.
Một số kiến nghị của các Sở TT&TT như phóng viên thường trực, văn phòng đại diện chưa đủ tiêu chuẩn,… Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm hoan nghênh các ý kiến gửi về Bộ và cũng kiến nghị các Sở TT&TT giải quyết trong thẩm quyền của các Sở.
Trong khi đó Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đang tổ chức triển khai các quy hoạch vùng, trong đó có hợp phần TT&TT nên Viện chiến lược TT&TT, các Sở TT&TT chuẩn bị sẵn sàng để khi có văn bản hướng dẫn, các Sở TT&TT thu thập số liệu để có các đề xuất hợp phần TT&TT trong quy hoạch vùng sắp tới.
Kết thúc Hội nghị sau nhiều ý kiến chỉ đạo trực tiếp vào các vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Năm 2023 là năm tập trung làm nhiều việc hơn, tạo ra giá trị nhiều hơn"./.