Việt Nam ban hành nhiều chính sách thúc đẩy các hoạt động KHCN và ĐMST
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:30, 07/03/2023
Việt Nam ban hành nhiều chính sách thúc đẩy các hoạt động KHCN và ĐMST
Thủ tướng nhấn mạnh, về khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý và các ưu đãi đầu tư để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động KHCN và ĐMST.
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, với chủ đề "Khả năng mới của mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản hướng tới tương lai".
Phát biểu tại Hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kế thừa và phát huy các quan hệ lâu đời trước đây, cách đây 50 năm, ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó tới nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực… Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được chú trọng, đẩy mạnh toàn diện.
Là một trong những cường quốc trong ngành công nghiệp, dịch vụ của thế giới, Nhật Bản đã đạt được những thành tựu to lớn với nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng KHCN và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu và là một quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong chiến lược CĐS của Việt Nam, hợp tác công - tư cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi. Chính phủ dẫn dắt và doanh nghiệp (DN) đồng hành trong nỗ lực chung thúc đẩy CĐS, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; trong đó lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển.
Về KHCN và ĐMST, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý và các ưu đãi đầu tư để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động KHCN và ĐMST.
Theo Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đã đạt được những tiến bộ, xếp vị trí 48/132 quốc gia, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, đã có nhiều tập đoàn DN lớn trên thế giới có hoạt động đầu tư trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và thành lập những trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, dựa trên truyền thông lâu đời, 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển. Là hai nước Đông Á, hai quốc gia biển, hai nền kinh tế Việt - Nhật có tính bổ sung cao, còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, CĐS, đa dạng chuỗi cung ứng và phát triển xanh.
Thủ tướng kỳ vọng các DN FDI nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ĐMST và đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời, kêu gọi các DN, nhà đầu tư và nhân dân Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa, hỗ trợ nhiều hơn nữa, tích cực hơn nữa với Việt Nam vì lợi ích chung của hai nước, của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Tại buổi tiếp đoàn đại biểu Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam khuyến khích các DN Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, ĐMST…