Việt Nam - Israel đẩy mạnh hợp tác ICT, hướng tới đối tác số

Diễn đàn - Ngày đăng : 20:04, 07/03/2023

Việt Nam - Israel sẽ tăng cường hợp tác ICT, chuyển đổi số (CĐS), hướng tới đối tác số.
Diễn đàn

Việt Nam - Israel đẩy mạnh hợp tác ICT, hướng tới đối tác số

Hoàng Linh 07/03/2023 20:04

Việt Nam - Israel sẽ tăng cường hợp tác ICT, chuyển đổi số (CĐS), hướng tới đối tác số.

Ngày 7/3/2023, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Israel (1993 - 2023), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Đại sứ quán Israel phối hợp tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm “Thúc đẩy hợp tác đối tác số” nhằm chia sẻ thông tin và thảo luận về định hướng xây dựng, phát triển mối quan hệ đối tác số tin cậy, bền vững giữa Việt Nam và Israel.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam Yaron Mayer đã chủ trì toạ đàm. Tham dự tọa đàm còn có đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp (DN) Israel; các bộ, cơ quan Trung ương, sở ngành địa phương và các DN ICT Việt Nam.

toan-canh-toa-dam-07032023.jpg
Các đại biểu tham gia tọa đàm

Việt Nam trở thành một quốc gia số, tiên phong thử nghiệm công nghệ và mô hình mới

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết Việt Nam hiện nay đang nổi lên là một trong những trung tâm công nghệ số và ICT trong khu vực ASEAN. Bức tranh về CĐS của Việt Nam đang hình thành ngày càng rõ nét với 3 chiến lược quan trọng được ban hành trong 3 năm vừa qua.

thu-truong-phat-bieu_02.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: Việt Nam hướng tới quốc gia số, tiên phong thử nghiệm công nghệ và mô hình mới

Đầu tiên là Chương trình CĐS quốc gia đến 2025, định hướng 2030 được ban hành tháng 6/2020 với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số (digital nation), tiên phong thử nghiệm công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của Chính phủ, hoạt động kinh doanh của DN và phương thức sống làm việc của người dân.

Tiếp theo là Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số đến 2025, định hướng 2030 ban hành tháng 6/2021 với quan điểm chính phủ số là chính phủ có toàn bộ hoạt động trên môi trường số, mô hình hoạt động được thiết kế lại dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để từ đó cung cấp dịch vụ tốt hơn, tối ưu hơn, chất lượng hơn cho người dân và DN.

Thứ ba là Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến 2025, định hướng đến 2030 được ban hành tháng 3/2022 với tầm nhìn đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045; trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Để triển khai các chiến lược này, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết Uỷ ban quốc gia về CĐS của Việt Nam đã được thành lập vào tháng 11/2021 do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Uỷ ban, thành viên là các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương.

“Quyết tâm chính trị về CĐS đã được thống nhất và cụ thể hoá ở các cấp. Đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo về CĐS và ban hành các chương trình, kế hoạch CĐS cho ngành và địa phương mình”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

thu-truong-phat-bieu_01.jpg

Những năm gần đây, trong bối cảnh mới của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thương mại với việc Việt Nam tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn trong việc kiểm soát, giảm thiểu, phòng ngừa những rủi ro về an ninh, thương mại, trong đó có an ninh, thương mại tại các cửa khẩu.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ Israel là một trong những quốc gia tiên phong trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ 4.0 có tính đột phá, tiên tiến trên nhiều lĩnh vực của đời sống, bao gồm đảm bảo an ninh, an toàn, phát hiện kịp thời những gian lận thương mại tại các cửa khẩu. Do vậy, đây là nguồn kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam tham khảo trong quá trình tăng cường năng lực CĐS quốc gia.

Theo ông Trần Xuân Thuỷ, Cục CĐS Quốc gia - Bộ TT&TT, việc phát triển nền tảng số được xem là giải pháp để đột phá 3 trụ cột CĐS của Việt Nam gồm chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Bộ TT&TT đã công bố 35 nền tảng số quốc gia phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, xã hội. Hiện có hơn 50 nền tảng được ra mắt phục vụ công cuộc CĐS. Để kết nối liên thông dữ liệu, nền tảng này phát được sử dụng xuyên suốt. Năm 2023 là năm dữ liệu số Việt Nam, để tập trung khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới. Bộ TT&TT phối hợp với các bộ, DN để tạo lập dữ liệu, tạo ra giá trị mới để thúc đẩy CĐS tại Việt Nam.

ong-nguyen-thanh-tuyen-07032023.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tuyên: Việt Nam và Israel có thể hợp tác chia sẻ các chính sách nhà nước về thúc đẩy sáng tạo và hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ và ICT

Thông tin về ngành công nghiệp ICT, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT - Bộ TT&TT cho biết ngành công nghiệp ICT của Việt Nam năm 2022 đạt doanh thu 148.000 tỷ USD, tăng trưởng hơn 90%. Doanh thu phần cứng và điện tử năm 2022 đạt 130 tỷ USD. Việt Nam nằm trong top 6 thế giới về gia công phần mềm, top 10 về các công ty phần mềm và dịch vụ CNTT năm 2022. Nhiều DN Việt Nam nổi bật về các công nghệ mới như AI, đám mây, dữ liệu lớn, blockchain, AI gồm FPT, Viettel, TMA Innovation, VNG, Olumi, VinAI, TMA Solutions…

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Việt Nam và Israel có thể hợp tác chia sẻ các chính sách nhà nước về thúc đẩy sáng tạo và hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ và ICT; chia sẻ kinh ngiệm về khung “sandbox” về các mô hình kin doanh mới 4.0; tổ chức các hội thảo, hội nghị kết nối các công ty ICT, công nghệ giữa hai nước.

Hợp tác TT&TT Việt Nam - Israel được thúc đẩy mạnh mẽ

Cũng tại tọa đàm, ông Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam nhấn mạnh hai nước đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó, hợp tác trong lĩnh vực TT&TT được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.

dai-su-israel-07032023(1).jpg
Đại sứ Yaron Mayer: Việt Nam và Israel còn nhiều cơ hội hợp tác lĩnh vực TT&TT còn nhiều cơ hội hợp tác

Việt Nam - Isarel sẽ tổ chức kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và dịp này mở ra chương mới khi hợp tác giữa hai nước ngày càng gần gũi và thân thiện. Toạ đàm là cơ hội để hai nước hiểu nhau nhiều hơn và cùng tìm kiếm giải pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ICT.

Ông Shay Belleli, điều phối viên cấp cao, Bộ TT&TT Israel cho biết Israel cũng đã ban hành Chương trình CĐS quốc gia và các văn bản chính sách để thúc đẩy CĐS, dịch vụ công trực tuyến… 

Thông tin về CĐS của Israel, ông Gal Saf, Tham tán thương mại đại sứ quán Israel tại Việt Nam cho biết Israel cũng có những điểm tương đồng với CĐS Việt Nam. Israel xác định cách mạng số (digital revolution) đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực ngân hàng - tài chính, y tế chăm sóc, chương trình phát triển vắc-xin chống COVID, kết nối với bệnh viện trong thời gian qua. Lĩnh vực hải quan của Israel đã hoàn toàn trực tuyến từ năm 2018. Theo đó, các đối tác, DN không phải đến các cơ quan hải quan, đây được xem là sự tương tác hiệu quả giữa cơ quan nhà nước và người dân.

Israel có trung tâm sáng tạo mới, chương trình số hoá của chính phủ thúc đẩy cung cấp các dịch vụ công cho người dân rất hiệu quả. Chương trình CĐS quốc gia Israel chủ yếu dành cho các cơ quan chính phủ nhưng cũng có sự tham gia của khu vực tư nhân. Cơ quan số của Israel chịu trách nhiệm về CĐS quốc gia. Năm 2023, CĐS của Israel tập trung cải thiện dịch vụ được cung cấp cho người dân, DN tạo nên sự minh bạch, cải thiện mối liên hệ của người dân với chính quyền.

Chính phủ Israel cũng chi ngân sách cho R&D, có phòng nghiên cứu, phòng lab, hơn 27 vườn ươm, có cộng đồng sáng tạo để thúc đẩy sáng tạo của startup, và thu hút đầu tư nước ngoài cho startup. Israel và Việt Nam có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển giao công nghệ tích cực trong 2 năm qua. Israel đã xuất khẩu nhiều phần mềm, hỗ trợ cho DN Việt Nam.

Tại Hội thảo, các DN của Israel như công ty Oosto đã giới thiệu giải pháp hàng không tăng cường kiểm soát an ninh tại các cảng hàng không, sân bay. Công ty Ultra Global giới thiệu giải pháp trợ giúp ngành hải quan nâng cao hiệu quả phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại với hàng hoá nhập khẩu. Công ty Windward giới thiệu giải pháp hỗ trợ ngành hàng hải cải thiện năng lực theo dõi, kiểm soát các chuyến tàu vận tải.

toan-canh-toa-dam-07032023_2.jpg
Toàn cảnh toạ đàm

Trước các thông tin về ICT của Israel, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết Việt Nam và Bộ TT&TT quyết tâm và cam kết đẩy mạnh CĐS toàn diện, trong đó, hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các quốc gia để thúc đẩy CĐS vì sự thịnh vượng chung là một trong những hoạt động hết sức quan trọng mà Việt Nam xác định là nhiệm vụ chiến lược.

Theo đó, Bộ TT&TT tiếp tục chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm này tới toàn thể cộng đồng các DN, cơ quan tổ chức ở Việt Nam thông qua các hội, hiệp hội nghề nghiệp. Một trong những định hướng quan trọng của Việt Nam là thúc đẩy các DN Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh, hợp tác với các đối tác nước ngoài. Vì vậy, giữa Việt Nam và Israel nên hình thành cơ chế để có thể trao đổi,thảo luận song phương, đa phương, kịp thời và thường xuyên hơn. Trong đó, bao gồm cả câu chuyện giải bài toán nâng cao năng lực quản lý nhà nước của chính phủ, thu hẹp khoảng cách số để làm sao cho không ai bị bỏ lại phía sau, mọi người đều tham gia vào tiến trình chuyển đổi này.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với Israel trên một số lĩnh vực, đặc biệt là liên quan đến khởi nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, an toàn an ninh mạng và mang công nghệ số vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, cho những người không am tường về công nghệ như người nông dân, ngư dân, các hộ gia đình kinh doanh,...

Hoàng Linh