Chuyển đổi số quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Định

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:28, 08/03/2023

Chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Chuyển đổi số

Chuyển đổi số quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Định

Huy Phúc 08/03/2023 07:28

Chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Theo đó, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cần hiểu rõ về CĐS, người dân, doanh nghiệp (DN) cần chung tay vào cuộc thì mới thành công.

Dấu ấn CĐS Bình Định

Với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Bình Định huy động tối đa nguồn lực cho CĐS tổng thể và toàn diện. Trong đó, đặc biệt ưu tiên xây dựng hệ thống chính quyền số để nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.

h1-khai-truong-trung-tam-ioc-binh-dinh.png
Khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh Bình Định

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Định đã vào cuộc quyết liệt và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh CĐS trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã xây dựng, ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản thể chế phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; Xây dựng và triển khai thực hiện dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng của mô hình chính quyền điện tử tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025; Tăng cường xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn tỉnh; Xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu, nền tảng ứng dụng dùng chung của tỉnh.

Tỉnh cũng đã hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý đảm bảo kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin chỉ đạo, điều hành từ UBND tỉnh, đến các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã; Nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn phần; đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ TTHC.

Đến cuối năm 2022, đã có 2.107 dịch vụ công (DVC) (cấp tỉnh: 1.554, cấp huyện: 383, cấp xã: 170) trên Cổng DVC tỉnh. Số lượng DVC trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh là 1.333 DVC, đạt tỷ lệ 63,3%, trong đó, có 1.295 DVCTT mức độ 4 và 38 DVCTT mức độ 3. Cổng DVC của tỉnh đã tích hợp với Cổng DVC quốc gia từ tháng 12/2019 và cung cấp 1.211 DVCTT mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng DVC quốc gia, đạt tỷ lệ 91%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt tỷ lệ trên 17,3%.

Tỉnh hoàn thành việc chuyển đổi IPv6 cho 100% Cổng/trang thông tin điện tử (TTĐT) các sở, ban, ngành và Cổng TTĐT của tỉnh. Hệ thống xác thực người dùng tập trung của tỉnh đã được đưa vào vận hành tại địa chỉ: https://egov.binhdinh.gov.vn. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã thông suốt 4 cấp chính quyền; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử qua hệ thống văn phòng điện tử, sử dụng chữ ký số (CKS) chuyên dùng.

Trong năm 2022, 442 CKS chuyên dùng cá nhân và 07 CKS chuyên dùng tổ chức, 71 SIM PKI cho các cá nhân đã được cấp. Đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan đảng, nhà nước cơ bản được kiện toàn. Hiện nay, 100 % các sở, ngành và UBND cấp huyện đều có cán bộ quản trị mạng; 159/159 xã, phường, thị trấn đã thực hiện thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 1.176 thôn/xóm với 4.353 người tham gia.

Hạ tầng số từng bước được đảm bảo, tổng số trạm thu phát sóng thông tin di động (TTDĐ) trên địa bàn tỉnh là 1.723 trạm; tỷ lệ phủ sóng TTDĐ 3G, 4G đã đạt 100% tại trung tâm các xã, thị trấn trên toàn tỉnh. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 73% hộ gia đình, 100% xã. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại di động thông minh đạt 81,15%.

Tháng 04/2022, tuyến cáp quang biển quốc tế ADC (Asia Direct Cable) cập bờ tại Quy Nhơn, Bình Định với dung lượng đạt trên 140 Tbps được Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố. Như vậy cùng với tuyến cáp quang biển SJC2 (South East Asia - Japan 2 Cable System) do Tập đoàn VNPT đang triển khai đầu tư xây dựng thì Quy Nhơn - Bình Định sẽ có 2 tuyến cáp quang biển quốc tế cập bờ để thúc đẩy phát triển CNTT, viễn thông.

Hoạt động kinh tế số, xã hội số từng bước được thúc đẩy, hiện số doanh nghiệp (DN) CNTT trên địa bàn tỉnh là 96 đơn vị (trong đó có 12 DN sản xuất sản phẩm phần mềm), tổng doanh thu ước đạt 400 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ CNTT chiếm trên 80%; hoá đơn điện tử và thuế điện tử trên phạm vi toàn tỉnh hiện đạt trên 80% các DN đã triển khai, và đạt trên 90% các DN thực hiện triển khai.

Tỉnh đã rà soát hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) phát sinh để cập nhật. Toàn tỉnh hiện có 586 hộ SXNN; trong đó 424 hộ SXNN được tập huấn và 517 sản phẩm được hỗ trợ đưa lên lên sàn TMĐT, đạt tỷ lệ 72,4% hộ SXNN lên sàn TMĐT.

Tỉnh đã triển khai thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, hiện thu hút được hơn 830 nhân sự của Công ty TMA Bình Định và Fsoft Quy Nhơn làm việc; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tham gia chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định.

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh được triển khai với 08 dịch vụ: giám sát an toàn thông tin; an ninh trật tự của đô thị; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát, điều hành giao thông; phản ánh hiện trường; hệ thống giám sát DVC; Dashboard tổng hợp giám sát điều hành. Hiện tại các dịch vụ hoạt động ổn định, phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành.

h2-ong-tran-kim-kha-gd-so-gio-thieu-ioc.jpg
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT Bình Định giới thiệu các dịch vụ Trung tâm IOC của tỉnh Bình Định

Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện CĐS

Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XX) ngày 20/09/2021 về CĐS tỉnh Bình Định đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đưa Bình Định trở thành địa phương thuộc nhóm khá trong cả nước về CĐS.

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát là đến năm 2025, cơ bản hoàn thành CĐS trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; Thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Long Vân; Có ít nhất ba đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Nghị quyết định hướng đến năm 2030, Bình Định trở thành địa phương thuộc nhóm khá trong cả nước về CĐS; xây dựng thành công chính quyền số; công nghệ số được ứng dụng toàn diện trong mọi lĩnh vực, thay đổi tích cực đến phương thức sống, cách làm việc của người dân.

CĐS là nhiệm vụ cần sự vào cuộc, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. CĐS là thay đổi mô hình mới, phương thức mới; là chấp nhận cái mới, là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, quan trọng là vai trò của người đứng đầu phải có khát vọng thay đổi, tiên phong, có quyết tâm chính trị cao.

Hiện nay, CĐS được xem là xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số có vai trò quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, tổ chức và người dân.

h4-ct-ubnd-pham-anh-tuan.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Bình Định phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Bình Định, chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo đánh giá công tác điều hành CĐS trong năm 2022 và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hiện kế hoạch CĐS trong năm 2023, giai đoạn 2024 - 2025.

Chủ tịch Phạm Anh Tuấn chỉ đạo: “Phát huy tối đa vai trò của hệ thống chính trị trong đó nêu cao trách nhiệm của “người đứng đầu” trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác CĐS; xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và xuyên suốt của cơ quan, đơn vị, địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ CĐS theo chương trình, kế hoạch và định hướng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Bình Định”.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, năm nay là năm dữ liệu số, mỗi thành viên của Ban chỉ đạo CĐS tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn nữa, việc CĐS cần đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm, trong đó ưu tiên theo hướng thuê hạ tầng dùng chung; trên cơ sở xây dựng hệ thống dữ liệu, các sở, ngành sẽ khai thác cơ sở dữ liệu chung đó để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện các chỉ tiêu mà tỉnh đã giao.

Chủ tịch Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành khi thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số phải có kế hoạch triển khai cụ thể dưới sự tư vấn, tham gia của Sở TT&TT và đơn vị tư vấn liên quan.

Khi xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện CĐS, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải quan tâm vấn đề cập nhật dữ liệu. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của CBCCVC, người dân và DN tại cơ quan, đơn vị, địa phương về vai trò và hiệu quả mang lại của CĐS để nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu CĐS của tỉnh đã đặt ra./.

Huy Phúc