Kết quả ĐMST chưa xứng tầm với vai trò của các viện, trường đại học

Khởi nghiệp - Ngày đăng : 16:23, 10/03/2023

Kết quả thương mại hoá, đổi mới sáng tạo (ĐMST) hiện nay vẫn chưa xứng tầm với vai trò của các viện nghiên cứu và trường đại học (ĐH) trong hệ sinh thái bởi những rào cản liên quan đến tư duy, chính sách.
Khởi nghiệp

Kết quả ĐMST chưa xứng tầm với vai trò của các viện, trường đại học

NK {Ngày xuất bản}

Kết quả thương mại hoá, đổi mới sáng tạo (ĐMST) hiện nay vẫn chưa xứng tầm với vai trò của các viện nghiên cứu và trường đại học (ĐH) trong hệ sinh thái bởi những rào cản liên quan đến tư duy, chính sách. 

bieutuongdoimoisangtao.jpg
Những rào cản liên quan đến tư duy, chính sách khiến kết quả thương mại hoá, ĐMST hiện nay vẫn chưa xứng tầm với vai trò của các Viện nghiên cứu và trường đại học trong hệ sinh thái.

Nhiều rào cản khiến kết quả thương mại hoá, ĐMST còn hạn chế

Theo ông Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam, dù việc thương mại hoá kết quả nghiên cứu của các viện và trường ĐH mới đang bắt đầu nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Ngay cả Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cũng đang cố gắng chủ động thúc đẩy những hoạt động thương mại hoá để có được một số kết quả. “Mặc dù vậy, những thành tích đạt được vẫn chưa xứng tầm với vai trò của các viện nghiên cứu và trường ĐH”, ông Dũng bày tỏ.

Ông Dũng cho rằng, vướng mắc đầu tiên liên quan đến chính sách. Bởi vì, đa phần các viện, trường ĐH hiện giờ đều là các đơn vị công lập, kinh phí hoạt động, các đề tài nghiên cứu KHCN đều sử dụng ngân sách và phụ thuộc vào các quy định của Nhà nước. Trong khi các quy định hiện nay có nhiều điểm chưa phù hợp nên trở thành rào cản.

Khó khăn tiếp theo là tư duy cũ, tức là KHCN mang tính nghiên cứu, chỉ mới đề cập đến ĐMST và thương mại hoá gần đây. Điều này phụ thuộc vào từng đơn vị trong việc nâng cao, thay đổi nhận thức cho các nhà khoa học. “Trước những hạn chế này, nếu chính sách có sự thay đổi phù hợp thì sẽ tạo ra động lực cho các nhà khoa học dấn thân vào thúc đẩy thương mại hoá các kết quả nghiên cứu khoa học”, ông Dũng nói.

Về nguồn thu từ các hoạt động thương mại hoá, theo ông Dũng, với Viện Hàn lâm KHCN, các dịch vụ KHCN như thương mại hoá để chuyển giao công nghệ hoặc tạo ra startup sẽ rất khó thành công. Hầu hết đều triển khai theo đơn đặt hàng của khách hàng hoặc do họ nhìn thấy kết quả nghiên cứu, bằng sáng chế, các giải pháp hữu ích mà Viện đăng ký rồi tìm đến hợp tác.

Trong 2 hình thức này, nếu các doanh nghiệp tham gia đặt hàng, đặt đề bài thì tỷ lệ thành công của dự án sẽ cao hơn. Nhưng số lượng này rất ít và đây cũng là một rào cản về nhận thức mà doanh nghiệp cần thay đổi. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ để các công ty tham gia đặt hàng cho viện, trường ĐH.

Về lý do doanh nghiệp ít đặt hàng cho các viện, trường ĐH, ông Dũng cho rằng do đa phần các đơn vị đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, khả năng tài chính và năng lực về KHCN còn hạn chế, chưa kể việc thiếu thông tin về các kết quả KHCN nghiên cứu. Ngoài ra, một số các doanh nghiệp thường mua các công nghệ cũ về vận hành để giảm chi phí hoặc không phát hiện ra vấn đề của mình để đặt đầu bài cho các viện, trường ĐH.

Bên cạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Viện cũng nhận được những đề nghị hợp tác của các đơn vị khác nhưng nhiều nhất vẫn là khối doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cả trung ương và địa phương, thậm chí có cả những tập đoàn lớn nhưng chưa có kết quả nào thực sự nổi bật. “Viện Hàn lâm KHCN còn ký hơp tác với hơn 30 bộ ngành, tỉnh thành để cùng thúc đẩy cách giải quyết vấn đề của mỗi địa phương”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Để tiếp cận các khách hàng mục tiêu, Viện đã tham gia rất nhiều sự kiện của quốc gia và thường đóng vai trò nổi bật trong các hoạt động đó. Kênh tiếp theo là đăng tải những kết quả có khả năng thương mại hoá lên trang web của Viện Hàn lâm KHCN. Đồng thời, Viện còn tổ chức các sự kiện xúc tiến mang tính chuyên ngành đến các khu vực có nhu cầu, thông qua các nhà khoa học trong lĩnh vực chuyên môn và kết nối với các doanh nghiệp địa phương để triển khai việc đó.

b0957e97-01b9-4c0e-b380-8f010df812d7.jpg
Ông Phan Tiến Dũng: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đặt hàng công nghệ đối với các viện, trường đại học.

Có thể tìm ra những vấn đề chung và đặt đầu bài cho các viện, trường ĐH

Cũng theo ông Dũng, việc doanh nghiệp đặt hàng ngay từ đầu có tỷ lệ thành công cao hơn so với việc ứng dụng những sáng chế sẵn có là do đa phần các kết quả khoa học/sáng chế thường không khớp ngay so với yêu cầu của các đơn vị. Chưa kể, khi các doanh nghiệp đọc, nghiên cứu các sáng chế cũng không thể hiểu được nó sẽ giúp ích và vận dụng vào công ty mình như thế nào.

Do đó, để hai bên có thể ngồi trao đổi được với nhau thì cũng cần một người/đơn vị nào đó am hiểu cả vấn đề khoa học, doanh nghiệp để đưa ra những điều chỉnh phù hợp.

Bởi vậy, Sở KHCN thường làm việc với các bên liên quan và kết nối với nhau, từ đó sẽ đặt bài toán cho Sở KHCN và Viện sẽ đưa ra các câu trả lời phù hợp thông qua các giải pháp/sáng chế sẵn có. “Nếu để một doanh nghiệp chưa có quan hệ trước đó trực tiếp làm việc với các viện để tìm giải pháp sẵn có thì sẽ rất khó khăn cho cả hai bên để hợp tác”, ông Dũng chia sẻ.

Chưa kể đến, việc kết nối giữa doanh nghiệp và Viện cũng mất rất nhiều thời gian. Đồng thời, do hai luồng suy nghĩ khác nhau nên cần thời gian để hiểu, xây dựng lòng tin. Nếu thông qua các lần hợp tác mà thành công thì các lần sau sẽ triển khai rất nhanh chóng.

Bên cạnh vấn đề chi phí, Viện cũng không làm theo từng nhu cầu của từng doanh nghiệp bởi nguồn lực cũng có hạn. Do đó, ở các nước có hiệp hội ngành nghề, họ sẽ đưa ra vấn đề chung nhất mà mọi doanh nghiệp trong lĩnh vực gặp phải và có kinh phí để hỗ trợ giải quyết bài toán đó. Chỉ khi đó, các bên mới có thể dùng nguồn lực của mình để cùng giải quyết bài toán.

Ví dụ như Hiệp hồi nuôi trồng hải sản hay ngành nghề rau hoa quả, họ sẽ phải xác định xem thị trường đang cần gì và đang vướng mắc những vấn đề nào, tác động lớn đến các doanh nghiệp thành viên của mình. Từ đó, đặt hàng những bài toán, để khi áp dụng thì sẽ cùng tác động đến các doanh nghiệp.

"Bởi vì, không một đơn vị nào có thể phục vụ được từng vấn đề nhỏ lẻ của doanh nghiệp cũng như không một công ty nào có đủ chi phí để giải quyết vấn đề lớn đó được. Chưa kể, với những bài toán lớn, Nhà nước có thể hỗ trợ thêm một phần kinh phí để tạo ra sự tin tưởng của doanh nghiệp cùng tham gia, và kết nối với các nhà khoa học”, ông Dũng cho biết.

Nhà nước cần thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia “đặt hàng”

Tuy nhiên, có một vấn đề hiện nay là các chủ thể trong hệ sinh thái ĐMST mở đều có mặt đầy đủ từ Chính phủ, quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu… nhưng lại thiếu sự ràng buộc, cam kết với nhau như một tổ chức, dẫn đến việc hoạt động thiếu hiệu quả. Do đó, cần phải xây dựng một nền tảng nhằm thu hút các bên cùng tham gia, với những quy định rõ ràng để các bên đều phải có trách nhiệm hoạt động, xây dựng hệ sinh thái, thay vì tình trạng như hiện nay.

Để làm được điều này, theo ông Dũng, phải cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước để thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào hệ sinh thái cũng như có các chính sách định hướng ban đầu.

Về giải pháp trọng tâm dành cho các viện nghiên cứu nhằm thúc đẩy được thương mại hóa trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng, đầu tiên, cơ quan quản lý cần hoàn thiện và xây dựng chính sách phù hợp. Tiếp theo, cần nâng cao nhận thức cho tất cả lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu về ĐMST.

“Cuối cùng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đặt hàng công nghệ, thay vì chỉ bỏ một số tiền nhỏ với tư tưởng, nếu được thì tốt, còn thất bại thì cũng không ảnh hưởng như hiện nay”, ông Dũng khẳng định.

Còn đối với việc thương mại hoá cho các công trình nghiên cứu, cần có chính sách ưu tiên về chia sẻ lợi nhuận cho các nhà khoa học, thì mới có thể tạo ra động lực để họ nghiên cứu các sản phẩm ứng dụng phục vụ sát nhất nhu cầu thị trường./.

Những thông tin về xu hướng thị trường & đổi mới sáng tạo mới nhất giúp DN bứt phá trong năm 2023 hiện đã có trong Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam năm 2022. Đọc ngay tại đây: http://ldp.to/OI22-News

Báo cáo được thực hiện bởi Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường & DN Khoa học và Công nghệ (NATEC) - Bộ Khoa học và Công nghệ.

NK