ATTT chính là một “dịch vụ” cần thiết thúc đẩy sự phát triển
An toàn thông tin - Ngày đăng : 19:19, 11/03/2023
ATTT chính là một “dịch vụ” cần thiết thúc đẩy sự phát triển
Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tại Lễ gặp mặt thường niên 2023 do Hiệp hội An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam (VNISA) tổ chức ngày 11/3.
Sự kiện có sự tham dự lãnh đạo Bộ TT&TT, ban, ngành và đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp (DN) công nghệ, hội viên tham dự.
Vì mục tiêu bảo vệ an toàn cho người dân trên không gian mạng
Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh, chủ trương của Chính phủ trong đấy mạnh chuyển đối số (CĐS) quốc gia đã làm gia tăng yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo cơ hội mở rộng thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT tại Việt Nam.
Cũng nhờ có Chiến lược "Make in Viet Nam" của Nhà nước đã tạo đòn bẩy về chính sách thúc đẩy các DN ATTT hội viên tăng cường đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ nội địa và mở rộng thị trường nước ngoài; đồng thời mở rộng môi trường kết nối DN ATTT và các đơn vị có nhu cầu bảo đảm ATTT khu vực nhà nước và các DN.
Nói về ý nghĩa của sự kiện, theo Chủ tịch VNISA, đây là dịp để chúng ta đánh giá những kết quả làm được và chưa làm được trong năm 2022, đồng thời, thảo luận, đề ra những giải pháp để phát huy năng lực về chuyên môn của các tổ chức thuộc Hiệp hội.
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thành Hưng, mục tiêu cao cả VNISA hướng đến chính là góp phần bảo vệ an toàn cho người dân trên không gian mạng và thúc đẩy tạo lập, khai thác dữ liệu số an toàn phục vụ chính phủ số, công dân số….
“Nhân dịp này, VNISA gửi lời cám ơn sâu sắc tới các tổ chức, DN, hội viên, các cơ quan nhà nước, và đối tác, các chuyên gia ATTT đã ủng hộ, hợp tác, tạo điều kiện cho hoạt động của VNISA trong năm qua và mong muốn tiếp tục được sự đồng hành, ủng hộ trong thời gian tới”, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh.
Cũng nhân dịp này, VNISA đã kết nạp thêm 06 tập thể, cá nhân đã được trao giấy chứng nhận trở thành hội viên mới; 20 đơn vị xuất sắc được trao bằng khen ATTT của VNISA; 15 đơn vị tặng giấy khen ATTT của VNISA.
Cầu nối giữa các hội viên, DN với cơ quan quản lý nhà nước (QLNN)
Báo cáo về kết quả hoạt động của VNISA trong năm 2022 nêu rõ, Hiệp hội luôn tích cực tham gia xây dựng chính sách của nhà nước trong lĩnh vực ATTT (tổng kết và dự thảo nội dung các đề án của Chính phủ trong lĩnh vực ATTT, dự thảo Luật giao dịch điện tử - do Bộ TT&TT chủ trì và các văn bản QLNN khác…).
Hiệp hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, đào tạo về ATTT; làm tốt vai trò là cầu nối giữa các hội viên, DN với cơ quan QLNN; phát triển tổ chức hội và hội viên (tháng 02/2022, tổng số hội viên của Hiệp hội là 156 hội viên tập thể và 08 hội viên cá nhân); tổ chức thành công chuỗi hoạt động ngày ATTT Việt Nam 2022.
Đặc biệt, VNISA tổ chức đã khảo sát về ATTT đối với một số cơ quan, tổ chức, DN tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, thuộc khối tài chính - ngân hàng, cơ quan nhà nước (CQNN) và DN với 150 đầu mối.
“Kết quả khảo sát giúp VNISA đưa ra những đánh giá sát về thực trạng triển khai và định hướng phát triển, bảo đảm ATTT của các đơn vị, trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị với CQNN và Lãnh đạo các đơn vị nhằm tăng cường bảo đảm ATTT cho hệ thống CNTT của các đơn vị”, VNISA nhấn mạnh.
Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, năm 2023, VNISA tập trung thực hiện các giải pháp như: Tăng cường tiếp thu các ý kiến để xây dựng hoàn thiện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về ATTT; góp ý vào các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) trong lĩnh vực ATTT theo yêu cầu của các Bộ, ngành; Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với các hiệp hội trong lĩnh vực ICT…
Cùng với đó, tổ chức quy mô, mở rộng đối tượng cuộc thi online “Học sinh với ATTT 2023”; Cuộc thi Sinh viên với ATTT ASEAN 2023; Hội thảo - Triển lãm quốc tế ATTT Việt Nam 2023…
“Ngoài ra, VNISA cũng sẽ tăng cường tổ chức các Khóa đào tạo về ATTT: 02 khóa đào tạo và cấp Giấy Chứng nhận ATTT cho các tổ chức, DN; đào tạo chuyên gia kiểm tra, đánh giá ATTT (chuyên gia Pentest)”, VNISA nêu rõ.
Cần thêm những sản phẩm, dịch vụ tốt để chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước
Cũng phát biểu, chỉ đạo tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao những kết quả tích cực của VNISA đạt được trong thời gian qua, trong đó có cả sự gia tăng về đông đảo số lượng các hội viên mới.
Khi khẳng định thêm về vai trò, tầm quan trọng của việc đảm bảo ATTT hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, chúng ta luôn cần thêm những sản phẩm, dịch vụ tốt để chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Hơn nữa, chúng ta cần xác định việc cung cấp các sản phẩm đảm bảo ATTT chính là một “dịch vụ” cần thiết, phù hợp với xu thế bùng nổ CNTT hiện nay và cần phải biến các dịch đảm bảo ATTT như “tấm lá chắn” bảo vệ mọi tổ chức, đơn vị, DN, từ đó mới bảo vệ thành quả của sự tiến bộ, phát triển.
Hiện nay, Việt Nam có hơn: 01 triệu DN, 10 triệu hộ kinh doanh cá thể, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 cơ sở đào tạo, 77.000 DN kinh doanh vận tải, dịch vụ…. “Đây là thị trường lớn đầy tiềm năng và lĩnh vực ATTT cần tận dụng khai thác, phát triển để cung cấp thành dịch vụ thiết yếu, có thể tính phí theo số lượng, nhu cầu khách hàng yêu cầu".
Chúng ta coi ATTT giống như năng lượng điện, nước…, người dùng bao nhiêu tính phí bấy nhiêu và lâu dài sẽ tự hình thành thói quen cho người dùng - đây đang là cơ hội tiềm năng giúp lĩnh vực ATTT mở rộng thị trường theo hướng bền vững, tích cực.
Cũng trong thời gian qua, Bộ TT&TT luôn đồng hành, hỗ trợ tích cực các DN công nghệ phát triển, đầu tư, mở rộng thị trường ra quốc tế. Đồng thời, năm 2023, Bộ TT&TT hướng đến các chuyến làm việc song phương với các nước, thị trường tiềm năng mới ở khu vực Trung đông và tập trung, tích cực khai thác cơ hội ở các thị trường truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản…)
“Bộ TT&TT cam kết bất kỳ DN công nghệ hay các thành viên trong VNISA nếu cần sự hỗ trợ, giúp đỡ để tạo lập uy tín thông qua cơ quan QLNN, Bộ TT&TT luôn luôn sẵn sàng tạo điều kiện, vì điều này sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh, phát triển mới cho các DN, đơn vị, tổ chức”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Và để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển các sản phẩm về ATTT, các DN công nghệ cần có: Tầm nhìn, sự mạnh dạn đầu tư, phát triển theo hướng “xuyên biên giới”, vì đây cũng là cách chúng ta học hỏi thêm những kinh nghiệm thực tế quý báu; cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được những nhu cầu mới và dần bán những sản phẩm dịch vụ ATTT cho các đối tác, khách hàng nước ngoài.
Cũng trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng mong muốn, các DN, trường, cơ sở đào tạo cần có sự tương tác, phối hợp mạnh mẽ, tất cả hướng đến mục tiêu thúc đẩy, phát triển, tạo ra nguồn nhân lực có trình độ ATTT chất lượng tốt nhất./.