Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank ảnh hưởng như thế nào đến startup Việt?

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 15:28, 15/03/2023

Theo các chuyên gia, sự cố của Silicon Valley Bank (SVB) chủ yếu ảnh hưởng đến các quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam, khiến các quỹ giải ngân chậm, thậm chí thận trọng hơn trong việc đầu tư với các dự án mới.
Khởi nghiệp

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank ảnh hưởng như thế nào đến startup Việt?

NK 15/03/2023 15:28

Theo các chuyên gia, sự cố của Silicon Valley Bank (SVB) chủ yếu ảnh hưởng đến các quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam, khiến các quỹ giải ngân chậm, thậm chí thận trọng hơn trong việc đầu tư với các dự án mới.

anh-man-hinh-2023-03-13-luc-10-57-37.png
Sự cố của SVB có thể sẽ khiến các quỹ đầu tư giải ngân chậm, thậm chí thận trọng hơn trong việc đầu tư với các dự án mới tại Việt Nam.

Việc đầu tư vào thị trường Việt của các quỹ sẽ khó khăn hơn

SVB - ngân hàng chuyên cho vay các startup đã bị giới chức California đóng cửa hôm 10/3. Sự sụp đổ của SVB khiến hàng nghìn startup lo ngại việc cạn kiệt tiền mặt, có nguy cơ không đủ trả lương nhân viên tuần tới.

Theo số liệu Reputa - hệ thống lắng nghe và hỗ trợ giám sát danh tiếng, trong 4 ngày (10 - 14/3), đã có 16.351 thảo luận liên quan đến chủ đề này, trong đó phần lớn (10.605 thảo luận) trên các trang mạng xã hội. Các chủ đề được người dùng quan tâm nhất trên mạng xã hội chủ yếu liên quan đến việc như hậu quả sau khi sự việc xảy ra và bài học rút ra cho Việt Nam (32%), đưa tin thuần về sự cố của SVB (26%), các hành động của Chính phủ Mỹ (22%), nguyên nhân và các dấu hiệu dẫn đến sự sụp đổ (19%)…

Ông Nguyễn Bình Nam, CEO công ty tư vấn chuyển đổi số (CĐS) Opla Consulting, cố vấn (mentor) Shark Tank Việt Nam cho rằng, mặc dù có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ này nhưng đứng dưới góc độ ở vai trò startup, có những lý do chính như sau.

Thứ nhất, do các công ty startup có mối quan hệ thân thiết với SVB do ngân hàng này có nhiều chính sách hỗ trợ cho các startup như điều kiện vay dễ hơn các ngân hàng khác. Khi các startup phát triển tốt, các đơn vị này mở tài khoản và gửi nhiều tiền vào SVB dẫn đến việc ngân hàng mua nhiều trái phiếu dài hạn.

Nguyên nhân thứ 2 là do trong khoảng 1 năm trở lại đây, khi bước vào giai đoạn “mùa đông công nghệ”, nhiều startup không gọi được vốn nên có nhu cầu rút tiền mặt ra để hoạt động, dẫn đến việc SVB thiếu tiền mặt và phải bán trái phiếu trước thời hạn. Nhưng do chính sách tiền tệ hướng đến việc giảm lạm phát bằng tăng lãi suất nên trái phiếu tăng giá đáng kể nên SVB đã chịu một khoản lỗ lớn. Chưa kể, việc bán cổ phần SVB cũng không thành công như mong đợi.

Về mức độ ảnh hưởng từ sự sụp đổ của SVB, đối với một số startup lớn (Etsy, Roku, Roblox, Vimeo, Vox Media…), do đã chia tiền nằm ở nhiều ngân hàng khác nhau nên chưa có những sự khủng hoảng liên quan đến dòng tiền. Tác động lớn nhất liên quan đến các startup nhỏ, dù số tiền gửi ở SVB không lớn nhưng đó là tất cả những gì họ có.

“Dù vậy, tôi không cho rằng từ việc này sẽ phải sa thải hay đóng cửa công ty. Đây chỉ là một thử thách, là kỉ niệm đáng nhớ giúp công ty gắn bó hơn trong giai đoạn này”, ông Nam chia sẻ.

Còn đối với hệ sinh thái startup ở Việt Nam cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Đầu tiên là dòng tiền từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ vào Việt Nam, khi mà có khoảng 44% quỹ tại Mỹ có gửi tiền tại SVB. Do đó, nếu tiền đầu tư của các quỹ không rút ra được/rút ra chậm hoặc bị tổn thất sau vụ sụp đổ của SVB thì dòng tiền giải ngân cho startup có thể bị ảnh hưởng.

Một khả năng nữa là đối tác của startup Việt Nam là khách hàng của SVB (khả năng này là có vì hệ sinh thái của startup có sự liên quan đến nhau), khi họ kẹt dòng tiền hoặc mất tiền thì sẽ ảnh hưởng tới việc chi trả cho startup Việt Nam.

“Mặc dù vậy, xác suất xảy ra các trường hợp trên khá nhỏ, cộng với động thái can thiệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ hôm 13/3, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực có vẻ không còn nghiêm trọng và lâu dài”, ông Nam nói.

Cùng quan điểm, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư cũng cho rằng, những ảnh hưởng có thể có cho startup Việt chủ yếu liên quan đến dòng tiền của các quỹ đầu tư Mỹ đang có hoạt động tại Việt Nam, khi số vốn của họ đang được gửi ở SVB. Từ đó sẽ dẫn đến việc các quỹ sẽ khó khăn hơn trong việc ra quyết định đầu tư những thương vụ mới hay chậm giải ngân những dự án đầu tư cũ.

“Các quỹ đầu tư tại Mỹ hoặc có liên quan chiếm khoảng 20% số lượng quỹ/số tiền đầu tư tại Việt Nam”, vị chuyên gia này nói.

screen-shot-2021-09-16-at-11.55.52-2-.png
Ông Nguyễn Bình Nam: Từ sự cố SVB, nhà sáng lập có thể tranh thủ quan sát để rút được ít nhiều kinh nghiệm, bài học cho cá nhân cũng như startup của mình

Startup cần tối ưu lại mô hình kinh doanh để quản trị dòng tiền

Về những bài học mà startup Việc cần rút ra sau sự kiện này, cả vị chuyên gia đầu tư và ông Nam đều cho rằng, đây được xem như là một sự kiện ngoài khả năng kiểm soát của startup, đặc biệt là startup nhỏ nên bài học chủ yếu liên quan đến việc gửi tiền tại nhiều ngân hàng chứ đừng dồn vào ngân hàng, đặc biệt là trong giai đoạn nhiều biến động như hiện nay.

“Startup Việt cần quay lại những giá trị cơ bản, hoạt động dựa trên hiệu quả dòng tiền thu và chi, có lộ trình lãi rõ ràng. Những mô hình cần hoạt động đầu tư trong thời gian dài mới có lãi hay đốt nhiều tiền thì sẽ không phù hợp trong giai đoạn này. Quãng thời gian khó khăn này của startup còn kéo dài từ 1-2 năm nữa”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Nam, sự việc lần này cũng có thể sẽ khiến startup gặp các khó khăn liên quan đến dòng tiền như khách hàng quốc tế bị ảnh hưởng nên chưa thanh toán, quỹ đầu tư giải ngân chậm hoặc không còn tiếp tục đầu tư. Vì vậy, startup cần áp dụng cả các biện pháp phòng và chống. Cụ thể, startup cần ưu tiên dòng tiền, thậm chí kể cả đánh đổi các lợi ích khác. Ví dụ như chấp nhận giảm giá nhiều hơn để có tiền ngay, tiền sớm hơn là bán giá cao hơn nhưng công nợ dài.

Cùng với đó, cần đánh giá lại mô hình kinh doanh, tối ưu quy trình, sản phẩm… để quản trị dòng tiền tốt hơn, đặc biệt là tiền mặt hay xin ý kiến từ các chuyên gia tài chính doanh nghiệp, nếu không có vị trị này trong công ty thì có thể nhờ bạn bè, hoặc người thân.

Đồng thời, startup cần có phương án dự phòng như trích quỹ dự phòng công ty, để lúc có biến sẽ có thể xử lý ngay; Tìm hiểu các chính sách hỗ trợ từ chính phủ hoặc các tổ chức có liên quan để giúp giải quyết vấn đề dòng tiền; Liên tục nghe ngóng thông tin, tham gia nhiều công đồng, hội nhóm để nắm bắt với thông tin, xu hướng của thị trường.

Trong trường hợp thực sự đối mặt với việc gặp khủng hoảng về dòng tiền, các nhà sáng lập nên nghĩ ngay với các việc sau: Tham vấn từ luật sư, giám đốc tài chính/kế toán và truyền thông để có lời khuyên sát thực; Sử dụng ngay các phương án đã chuẩn bị

Cũng theo ông Nam, đã từ rất lâu rồi, thế giới mới chứng kiến một sự kiện như lần này, nên các nhà sáng lập có thể tranh thủ quan sát để rút được ít nhiều kinh nghiệm và bài học cho cá nhân cũng như startup của mình: Nguyên nhân SVB phá sản hay quyết định nắm bắt cơ hội nhanh như chớp của HSBC, Sự can thiệp của FED và Cơ quan bảo hiểm tiền gởi Liên bang (FDIC), bao gồm cả cách thức và sự tầm ảnh hưởng; Cách mà startup, quỹ đầu tư, những nạn nhân của SVB ứng phó, bao gồm cả việc cầu cứu FED, làm truyền thông, hay tác động đến chính phủ Mỹ để có sự hỗ trợ; Phương án mà các startup, những người gởi tiền tại SVB dùng để giải quyết hậu quả và cách phòng tránh.

“Đặc biệt, các startup đang kinh doanh hoặc có kế hoạch kinh doanh tại thị trường Mỹ sẽ hiểu hơn về luật pháp cũng như văn hóa Mỹ trong việc xử lý khủng hoảng”, ông Nam kết luận./.

NK