Bình đẳng giới trong thời công nghệ số

Diễn đàn - Ngày đăng : 11:50, 09/04/2023

Mặc dù tại Việt Nam, bình đẳng giới đã được sự quan tâm và tìm kiếm đáng kể trong suốt 3 năm qua trên mạng Internet và có đến hơn 91% phụ nữ và trẻ em gái sử dụng điện thoại di động.
Diễn đàn

Bình đẳng giới trong thời công nghệ số

Nguyễn Khiêm 09/04/2023 11:50

Mặc dù tại Việt Nam, bình đẳng giới đã được sự quan tâm và tìm kiếm đáng kể trong suốt 3 năm qua trên mạng Internet và có đến hơn 91% phụ nữ và trẻ em gái sử dụng điện thoại di động.

Tóm tắt:

Các báo cáo cho thấy trong giai đoạn từ 2020 – 2022 đã ghi dấu sự nở rộ của các cuộc thảo luận về giới (bình đẳng giới, nữ quyền) trên mạng Internet. Nhưng tình trạng bất bình đẳng giới vẫn diễn ra liên tục trên mạng Internet như bạo lực trực tuyến, sự chênh lệch về giới tính trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật do những rào cản về định kiến.

Công nghệ càng phát triển thì càng đem lại những mặt tích cực như giúp phụ nữ xây dựng tương lai tốt đẹp hơn nhờ chuyển đổi số, nhưng cũng làm lan truyền các clip định kiến giới, sâu sắc thêm định kiến giới. Một số đơn vị đã triển khai các biện pháp để tăng cường bình đẳng giới như ra mắt công cụ bình đẳng giới nhờ AI, phá bỏ rào cản để phụ nữ và trẻ em gái trở thành những người tiên phong đổi mới sáng tạo nhờ công nghệ thông qua các hình mẫu nữ khởi nghiệp điển hình...

Tuy nhiên, sự bùng nổ về công nghệ và chuyển đổi số vừa giúp phụ nữ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn nhưng cũng góp phần làm sâu sắc thêm định kiến giới và tình trạng bất bình đẳng, khi vẫn còn đó tình trạng bạo lực trực tuyến trên cơ sở về giới, sự chênh lệch về nam và nữ trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật...

Vẫn còn sự chênh lệch giới trong ngành CNTT, kỹ thuật

Theo Báo cáo “Dữ liệu lớn kể chuyện gì về bình đẳng giới” nhằm phân tích sắc thái dư luận và xu hướng truyền thông của các chiến dịch xã hội trên mạng Internet, do TUVA Communication và Reputa thực hiện vào tháng 10/2022 cho thấy trong giai đoạn từ 2020 – 2022 đã ghi dấu sự nở rộ của các cuộc thảo luận về giới (bình đẳng giới, nữ quyền), huy động được sự tham gia của nhiều bên: tổ chức xã hội, doanh nghiệp, giới học thuật, khu vực công, tạo thành một điểm nhấn trong các chủ đề truyền thông phát triển.

Còn với thống kê dữ liệu được quét trong vòng 1 năm, từ tháng 6/2021 đến 5/2022, trên các diễn đàn, mạng xã hội và các trang báo cho thấy, đã có hơn 620.000 thông tin được chia sẻ liên quan, bao gồm 3 thông điệp chính liên quan đến bình đẳng giới như “định kiến giới”, “bạo lực giới” và “việc nhà”. Các thảo luận đạt đỉnh cao nhất vào tháng 3 và đỉnh thấp hơn một chút vào tháng 10, liên quan đến hai sự kiện 8/3 và 20/10.

xu-huong-thao-luan.png
Xu hướng thảo luận các chủ đề về bình đẳng giới đạt đỉnh vào 2 ngày liên quan đến phụ nữ là 8/3 và 20/10.

Thông qua những chủ đề này, báo cáo đã cho thấy, từ năm 2020 - 2022 ghi nhận sự xuất hiện của ngày càng nhiều trang mạng xã hội chất lượng có chủ đề về bình đẳng giới/nữ quyền. Các trang này, thường được vận hành bởi các nhóm trẻ và cấp tiến, đã và đang góp phần định hình các cuộc thảo luận về giới và ảnh hưởng tích cực đến nhận thức của cộng đồng. “Điều này đã cho thấy một thế hệ bình đẳng giới mới, với nhiều gương mặt mới mà trước các trào lưu này họ không thường xuyên lên tiếng về giới. Qua đó cũng thể hiện tác động lan tỏa của các dự án mới về bình đẳng giới”, báo cáo của TUVA Communication và Reputa nhận định.

Ấn phẩm Khuyến nghị chính sách “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới ở Việt Nam” do Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho thấy, mặc dù cuộc cách mạng kỹ thuật số có tiềm năng to lớn trong cải thiện kết quả kinh tế và xã hội cho tất cả mọi người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái nhưng nó cũng có nguy cơ củng cố các hình thức phân biệt đối xử và bất bình đẳng đang tồn tại dai dẳng. 37% phụ nữ trên toàn cầu không được tiếp cận đến hoạt động trực tuyến.

Việc phụ nữ bị loại trừ khỏi thế giới kỹ thuật số đã tước đi 1 nghìn tỷ USD từ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình trong thập kỷ qua - khoản thiệt hại này sẽ tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025 nếu các nước không có hành động kịp thời.

“Vì vậy, các diễn đàn nên là nơi hoạt động của các phong trào tạo thay đổi về giới tính trong thời gian tới”, báo cáo đưa ra gợi ý.

Dù đã có sự thay đổi và quan tâm hơn, nhưng bất bình đẳng giới vẫn diễn ra liên tục trên mạng Internet. Theo ấn phẩm Khuyến nghị chính sách “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới ở Việt Nam” do Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát hành, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, bạo lực trên mạng đã gia tăng trên toàn thế giới. Nguy cơ bạo lực trên mạng cao hơn đối với phụ nữ và trẻ em gái so với nam giới và trẻ em trai, trong đó 38% phụ nữ hoạt động trực tuyến đã từng bị bạo lực trên mạng.

ba-pauline.png
Bà Pauline Tamesis đánh giá Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ một cách bình đẳng, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Tại Việt Nam dù đã có các chiến lược và chương trình liên quan đã đề cập đến tầm quan trọng của môi trường số lành mạnh nhưng vấn đề bạo lực trực tuyến trên cơ sở về giới vẫn chưa được giải quyết và còn là một chủ đề rất mới.

Ấn phẩm cũng ghi nhận việc Việt Nam đã đi một chặng đường dài trong cung cấp tiếp cận công nghệ một cách bình đẳng, khi có đến 91,1% phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam sử dụng điện thoại di động.

“CNTT và truyền thông đã giúp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và các dịch vụ chính phủ điện tử, điều này đặc biệt có tác động lớn đối với phụ nữ và trẻ em gái sống ở các cộng đồng nông thôn, vùng sâu vùng xa”, ấn phẩm của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh

Tuy nhiên, việc sở hữu một thiết bị di động không đủ để phụ nữ có thể khai thác tiềm năng của công nghệ số hóa. Bởi vì, có sự khác biệt về kỹ năng số và khả năng tiếp cận công nghệ số tiên tiến giữa nam giới và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái. Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù các giải pháp số ngày càng được triển khai nhiều hơn, nhưng các chuẩn mực giới phổ biến vẫn cản trở phụ nữ tiếp cận các dịch vụ tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ ở nông thôn.

Hay có sự chênh lệch giữa trẻ em gái và trẻ em trai trong theo đuổi sự nghiệp ở các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) vì một loạt rào cản về hệ thống, xã hội và văn hóa.

Đó là lý do tại sao ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ ở Việt Nam có tỷ lệ mất cân bằng giới lớn nhất trong tất cả các ngành, dù theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%). Tuy nhiên, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.

binh-dang-gioi.png

Công nghệ số và tác động 2 mặt của nó lên bình đẳng giới

Ông Đinh Trần Tuấn Linh, người sáng lập TUVA Communication, phụ trách công nghệ cho dự án Goodvertisings in Vietnam - chiến dịch nhằm thúc đẩy sự nhạy cảm về giới trong các nội dung quảng cáo ở Việt Nam cho biết, bức tranh chung về câu chuyện bình đẳng giới trên môi trường Internet hiện nay đã có những thay đổi rất lớn, nhất là trong 3 năm trở lại đây.

Báo cáo Search in Vietnam năm 2022 của Google đã cho thấy, từ khóa liên quan đến bình đẳng giới tăng 150% so với năm trước. Đó là chưa kể sự gia tăng của những năm trước đó. Số cuộc thảo luận cũng đã có sự tăng trưởng cả về loại hình. Thậm chí, các diễn đàn, các hội nhóm chuyên về bình đẳng giới, sách, quảng cáo... cũng đã sử dụng bình đẳng giới để tạo thiện cảm với công chúng. Hay nhiều tờ báo cũng đã đặt vấn đề có nên mở về chuyên mục về giới... “Qua đó đã cho thấy bình đẳng giới đang ngày càng trở thành một tiêu chuẩn sống mới của thời đại hiện nay”, ông Linh đánh giá.

Một tín hiệu đáng mừng là một số đơn vị cũng đã đưa các bài học trong các chương trình đào tạo như giới thiệu về Sương Nguyệt Anh - một nhà thơ và là chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam, để trẻ em hiểu rằng, không phải phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ. Hay Google cũng đã từng đưa hình ảnh Sương Nguyệt Anh của Google Doodle vào tháng 2/2022. Điều đó đã cho thấy hiện có rất nhiều hoạt động, kể cả những đơn vị trong và ngoài nước nhằm thổi luồng gió mới để thay thế cho những định kiến cũ.

suong-nguyet-anh.jpeg

Chưa kể, với thời đại công nghệ như hiện nay, cả mặt tích cực và tiêu cực của bình đẳng giới có thể nhân lên hàng nghìn, hàng triệu lần so với thời gian trước, khi mọi nội dung chứa quan điểm bình đẳng giới của tác giả được chia sẻ lên các mạng xã hội, các diễn đàn... sẽ có rất nhiều người xem được. Do đó, có thể nói, sự bùng nổ của công nghệ như hiện nay sẽ là con dao 2 lưỡi đối với bình đẳng giới, khi vừa có thể khuếch tán hình ảnh bạo lực, cùng cố định
kiến về giới tính nhưng cũng có thể nâng cao, cải thiện về bình đẳng giới.

Để dẫn chứng, theo đại diện TUVA Communication, mặc dù báo chí, sách vở và truyền hình đã có những sự tiến bộ trong cách thể hiện về bình đẳng giới nhưng với những nội dung tự sản xuất đang chia sẻ trên YouTube, TikTok, Facebook thì lại đang có rất nhiều clip với những quan điểm, suy nghĩ chưa thực sự đúng, làm củng cố định kiến của người xem về bất bình đẳng giới. Ví dụ như các clip “làm sao  để chiều người yêu tốt hơn”, khi làm các cô gái/chàng trai bị ám ảnh về việc phải chiều chuộng người yêu trong khi quên đi cá tính, giá trị riêng của mình. Hay Instagram, thông qua những bức ảnh đã xây dựng quan điểm rằng muốn xinh đẹp thì phải gầy làm những em bé nhịn ăn, dẫn đến những ảnh hưởng xấu về sức khỏe.

“Vì vậy, trên mạng xã hội hiện nay, do sự chưa chuyên nghiệp của những người làm nội dung nên đang trở thành môi trường độc hại nhiều mặt, trong đó có bình đẳng giới”, ông Linh cho biết thêm.

Bù lại, hiện cũng đang chứng kiến xu hướng nhiều tổ chức, người tiêu thụ nội dung trên những mạng xã hội này phản biện lại những nội dung tiêu cực đó, dù chưa đủ lớn. Tiêu biểu như tại Fanpage các cuộc thi hoa hậu trong khoảng vài năm trở lại đây, khi TUVA Communication quét các bình luận trên đó thì thấy rằng, nếu như trước đây xuất hiện nhiều nội dung công kích, ám chỉ những điều tiêu cực, công kích cơ thể của họ thì hiện nay những bình luận như vậy sẽ ngay lập tức bị phản bác lại, như không bình đẳng giới, hay phân biệt giới tính...

Mới đây, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam có bài viết với tiêu đề “Khai thác công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy hòa nhập xã hội và bình đẳng giới”. Theo bà Pauline Tamesis, đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới phải dịch chuyển lên không gian số - một điều chưa từng có tiền lệ trước đây. Để rồi, với phụ nữ và trẻ em gái, chuyển đổi số mang đến cơ hội xóa bỏ định kiến giới và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Mặc dù vậy, đổi mới sáng tạo và công nghệ cũng có thể góp phần làm sâu sắc thêm định kiến giới và tình trạng bất bình đẳng.

Cũng theo đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, chủ đề trọng tâm của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là khoảng cách số giữa nam và nữ, đồng thời kêu gọi thúc đẩy chuyển đổi số và công nghệ cho tất cả mọi người, dù ở bất cứ nơi đâu, bà Pauline Tamesis nêu rõ, chủ đề này càng thích hợp và đúng lúc tại Việt Nam, vì Chính phủ đã bắt tay thực hiện hành trình số hóa với nhiều mục tiêu tham vọng.

Bà Pauline Tamesis đánh giá Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ một cách bình đẳng, đặc biệt là công nghệ thông tin. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đều không ghi nhận sự khác biệt đáng kể giữa nữ giới và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, tiếp cận phương tiện truyền thông, sử dụng điện thoại di động và kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản.

Chia sẻ trên truyền thông, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe cho biết, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ và Internet trong những năm gần đây, điều này có thể được tận dụng để mang lại nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ. Nó cũng là một công cụ thiết yếu để thúc đẩy trao quyền kinh tế, quyền tự quyết và tinh thần kinh doanh của phụ nữ, đặc biệt là ở các khu vực nghèo và nông thôn.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giới đáng kể về khả năng tiếp cận công nghệ và kỹ năng số. Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức về bạo lực và phân biệt đối xử trên cơ sở giới, cả trực tuyến và ngoại tuyến.

Sự tham gia bình đẳng của nữ giới là nền tảng để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam trong tương lai

Cũng theo người sáng lập TUVA Communication, những quan điểm truyền thống về bình đẳng giới không thể thay thế ngay lập tức trong “một sớm một chiều”. Do đó, sẽ phải dần dần đưa những nội dung mới với những quan điểm mạnh mẽ hơn về bình đẳng giới, khi ấy cả bức tranh của xã hội mới có thể thay đổi.

Để có những tác động tích cực về bình đẳng giới, quan điểm của TUVA Communication là phải thay đổi từ “đầu nguồn”, mục tiêu là dùng công cụ để giúp người sáng tạo quảng cáo tạo ra sự bình đẳng giới. Từ đó, TUVA Communication đã kết hợp với UNIKON để cho ra mắt bộ công cụ nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) vào tháng 6/2022 để phân tích và đề xuất ra những giải pháp cho quảng cáo hiện tại trên mạng Internet. Từ đó có thể kêu gọi cộng đồng làm marketing cũng như các nhãn hàng phản ứng thực tế cuộc sống đa dạng hơn, có góc nhìn mới về giới trẻ và bình đẳng giới.

Sau khi được ra đời, bộ công cụ AI và lăng kính về giới này đã được sử dụng để cho cuộc thi “Vietnam Young Lions - In Action 2022” về hành trình nâng quyền cho phụ nữ vào tháng 11/2022, để hình thành và tác động, thay đổi quan điểm liên quan đến bình đẳng giới cho các bạn sinh viên ở khoảng 20 trường Đại học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Về kế hoạch trong thời gian tới, TUVA Communication sẽ đưa ChatGPT vào bộ công cụ này và chủ yếu phục vụ những người làm quảng cáo, các đơn vị sáng tạo, trường đại học để giáo dục, thay đổi quan điểm của người xem về bình đẳng giới.

2-4-1536x862.jpeg

Bà Pauline Tamesis lưu ý việc sở hữu một thiết bị công nghệ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để phụ nữ và trẻ em gái khai thác tiềm năng của số hóa. Phụ nữ phải có cơ hội bình đẳng để định hình sự phát triển công nghệ và dẫn dắt đổi mới sáng tạo.

Để làm được điều này, cần phải bắt đầu từ môi trường học đường. Hiện nay số lượng học sinh, sinh viên nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) vẫn lớn hơn nhiều so với nữ. Như tại Đại học Bách Khoa, 78% sinh viên theo là nam giới. Chưa kể, khoảng cách giới trong ngành STEM khiến đổi mới sáng tạo và công nghệ trở thành lĩnh vực có tỷ lệ mất cân bằng giới cao nhất.

Trong khi, các nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp có mức độ bình đẳng giới cao hơn sẽ hoạt động hiệu quả hơn về mặt tài chính. Tăng cường sự tham gia của nữ giới vào lĩnh vực công nghệ giúp tạo ra nhiều giải pháp đột phá hơn và tăng cường đổi mới sáng tạo, từ đó đáp ứng nhu cầu của nữ giới và thúc đẩy bình đẳng giới.

Do đó, bà Pauline Tamesis khẳng định, sự tham gia bình đẳng của nữ giới trong các lĩnh vực STEM ngày hôm nay là nền tảng để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam trong tương lai. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, hành trình chuyển đổi số của Việt Nam phải tạo điều kiện để mọi người dân có thể tham gia và đóng góp tích cực.

Từ đó, theo bà Pauline Tamesis, 3 giải pháp cần thực hiện bao gồm: (i) Đảm bảo các chính sách đáp ứng giới về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; (ii) Phá bỏ rào cản để phụ nữ và trẻ em gái trở thành những người tiên phong đổi mới sáng tạo và những lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực STEM; (iii) Dự báo xu hướng việc làm trong tương lai cũng như đảm bảo khả năng tiếp cận các chương trình nâng cao và đào tạo lại kỹ năng.

Bà Ann Måwe tin rằng, đầu tư, khuyến khích trẻ em gái tham gia STEM để thích ứng và thành công trong kỷ nguyên số sẽ là chìa khóa căn bản. Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều hơn nữa những hình mẫu trong khởi nghiệp thành công là nữ, cùng với đó là các nguồn lực tài chính dồi dào, dễ dàng tiếp cận cho các doanh nhân nữ.

Chia sẻ tại buổi Đối thoại chính sách với chủ đề: “Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định, việc nhận thức rõ các vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này.

Do đó, chìa khoá để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số là phải nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xóa bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là trong đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và STEM được xem là chìa khóa để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số.

“Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để đảm bảo rằngCphụ nữ không bị bỏ lại phía sau”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2023)

Nguyễn Khiêm