Thay vì cấm đoán, hãy trang bị kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ em

An toàn thông tin - Ngày đăng : 14:18, 17/03/2023

Theo các chuyên gia thay vì cấm đoán con em lên môi trường mạng hãy trang bị kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ em.
An toàn thông tin

Thay vì cấm đoán, hãy trang bị kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ em

Hoàng Linh 17/03/2023 14:18

Theo các chuyên gia thay vì cấm đoán con em lên môi trường mạng hãy trang bị kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ em.

bao-dam-attt-tre-em.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Nhiều nguy cơ trên không gian mạng đối với học sinh THCS và giải pháp

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết các em học sinh THCS hiện nay tiếp xúc nhiều với Internet. Theo thống kê năm 2022, trung bình độ tuổi trẻ em được trang bị thiết bị smartphone để kết nối với Internet ở Việt Nam là khoảng 9 tuổi, trong đó độ tuổi trung bình mà các em tiếp nhận, được hướng dẫn các nội dung về ATTT để tự bảo đảm ATTT cho mình trên môi trường mạng lại là 13 tuổi. Trong khoảng thời gian 4 năm này rất nhiều nguy cơ trên không gian mạng sẽ đến với các em.

ong-khoa-17032023.jpg
Ông Trần Đăng Khoa: Trong khoảng thời gian 4 năm từ tuổi thứ 9 - 13, các em rất nhiều nguy cơ trên không gian mạng.

Theo đó, cuộc thi trực tuyến "Học sinh với ATTT" năm 2023 diễn ra từ 15/3 – 5/4/2023 (3 tuần) được phát động nhằm tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hiệu quả cho học sinh, phụ huynh học sinh trên cả nước; tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.

Chia sẻ ý kiến đại diện học sinh, em Thiều Bảo Châu, học sinh lớp 8A1, Trường liên cấp Edison hiện trên không gian mạng tiềm ẩn các mối nguy hại xâm phạm đời tư cá nhân, các thông tin độc hại hay cả bắt nạt. Học sinh ở độ tuổi THCS là đối tượng bị nhắm tới nhiều nhất, đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nguyên nhân là các bạn học sinh chưa đủ nhận thức về môi trường mạng và thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân.

Thiều Bảo Trâm chia sẻ cuộc thi “Học sinh với ATTT” là cuộc thi bổ ích, giúp học sinh được trang bị kiến thức, từ đó biết quan tâm hơn tới việc trang bị các kỹ năng bảo vệ như chọn lọc thông tin, cách phòng tránh với những người xấu, các quy tắc, quy ước sử dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, các học sinh có thể hỗ trợ nhau cũng như mọi người xung quanh trên không gian mạng, tạo nên một môi trường lành mạnh cho chính mình, bạn bè và người thân.

Nói thêm về giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết các bên liên quan như Cục Trẻ em, World Vision Việt Nam, Childfund tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững, Plan International Việt Nam... năm 2023 tiếp tục thực hiện chương trình vắc-xin số.

“Các tổ chức xác định khi thay vì việc nghiêm cấm cũng như quản lý quá chặt đối với các con lên môi trường mạng thì trang bị những kiến thức, kỹ năng cho các em được tham gia môi trường mạng được an toàn nhất”, bà Nga nhấn mạnh.

Có nhiều phương thức trang bị kiến thức, kỹ năng như: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông cộng đồng nhất là ở các tỉnh miền núi và thông qua các cuộc thi bảo đảm ATTT như cuộc thi học sinh với ATTT.

Không chỉ giải pháp tuyên truyền, ông Trần Đăng Khoa cho hay để bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng, Cục ATTT đang phối hợp cùng Công ty An ninh mạng thông minh SCS, Sở TT&TT Yên Bái và UBND thị xã Nghĩa Lộ sẽ triển khai Internet an toàn tới 100% trường học trên địa bàn. Theo đó, bộ giải pháp an toàn Internet trong trường học SafeGate School - một phần quan trọng trong chương trình, đã được đại diện Công ty SCS trao tặng cho các trường tại thị xã Nghĩa Lộ.

Nhờ áp dụng mô hình điện toán đám mây, bộ giải pháp cho phép các trường dễ dàng triển khai. Do đó, đơn vị cung cấp dịch vụ có thể hoàn thành triển khai tới toàn bộ 36 trường học tại Nghĩa Lộ trong tuần tới. Với bộ giải pháp này, gần 700 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và khoảng 14.000 học sinh sẽ được bảo vệ an toàn khi tham gia không gian mạng.

Ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS - đơn vị tài trợ cuộc thi “Học sinh với ATTT” cho biết: “Cùng với việc trang bị và tìm kiếm các giải pháp công nghệ để quản lý, bảo vệ trẻ em trên Internet thì việc nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các em khi tham gia môi trường mạng có ý nghĩa quan trọng. Do đó, Công ty SCS luôn nỗ lực phát triển các giải pháp Internet an toàn để bảo vệ, tạo ra không gian mạng an toàn; và trên hết có thể đồng hành cùng các em trên môi trường mạng”.

Kịp thời cảnh báo tin giả gọi lừa đảo cấp cứu học sinh

Liên quan đến bảo vệ trẻ em trong môi trường học đường khi gần đây có các tin giả mạo gọi lừa đảo cấp cứu học sinh, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Giáo dục và Đào Tạo (GD&ĐT) cho biết Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo nhanh để cảnh báo, đề nghị các địa phương có tuyên truyền, nhắc nhở và phối hợp với các bên liên quan như Cục ATTT - Bộ TT&TT, Cục Trẻ em - Bộ LĐTB&XH cùng chung tay để kịp thời cảnh báo, kiểm tra lại thông tin và có giải pháp ứng xử thực tiễn.

ong-to-hong-nam-17032023.jpg
Ông Tô Hồng Nam: không có kỹ năng ATTT, việc lộ lọt thông tin sẽ rất nhiều khi các em học sinh đăng các thông tin lên mạng xã hội và các lớp học online...

“Tin giả cũng là vi phạm pháp luật và chế tài xử phạt cần phải được triển khai nghiêm minh. Cục ATTT sẽ có chế tài nhất định để không có hành vi đưa thông tin sai lệch này”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng cảnh báo nếu không có kỹ năng ATTT, việc lộ lọt thông tin sẽ rất nhiều khi các em học sinh đăng các thông tin lên mạng xã hội và các lớp học online…

Cũng theo ông Nam, vừa rồi có thông lộ lọt dữ liệu 30 triệu học sinh, giáo viên bị rao bán, Bộ GD&ĐT đã kiểm tra và thông tin hoàn toàn không phải thông tin trong cơ sở dữ liệu của ngành GD&ĐT./.

Hoàng Linh