Nhờ “Make in Viet Nam”, công nghệ số sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 08:20, 05/04/2023
Nhờ “Make in Viet Nam”, công nghệ số sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam
Thông qua “Make in Viet Nam”, nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ số đã được tạo cảm hứng để cạnh tranh với những sản phẩm của nước ngoài trên sân nhà và tự tin vươn ra biển lớn, nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu, để thực hiện tham vọng đưa Việt Nam “hóa rồng” vào năm 2045.
Tóm tắt:
Sau 4 năm khẩu hiệu“Make in Viet Nam”ra đời, nhờ sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, cố gắng của bản thân DN, ngành công nghiệp công nghệ số đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, tăng gần 36 tỷ USD so với năm 2019.
- Những ứng dụng “Make in Viet Nam” ngày càng khẳng định được chỗ đứng, tự tin cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ nước ngoài, tiêu biểu như Zalo, MoMo, Tiki, Sendo, Be... Các DN lớn ở Việt Nam cũng đã ghi dấu ấn ở thị trường nước ngoài như FPT, Viettel, CMC, VinGroup...
- Trong giai đoạn tiếp theo, các công ty Việt với những sản phẩm Make in Viet Nam sẽ “đi cùng nhau” để chinh phục thị trường nước ngoài và giải những bài toán mang tầm quốc tế.
Khẩu hiệu “Make in Viet Nam” được đưa ra năm 2019 đã khiến nhiều người tò mò xen lẫn hoài nghi của rất nhiều người. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cụm từ này đã trở thành định hướng và tạo động lực, cổ vũ các công ty công nghệ số trong nước. Khi mà với “Make in Viet Nam”, Bộ TT&TT muốn có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động, để từ đó cho ra đời các sản phẩm công nghệ số Việt Nam.
Khát vọng Việt Nam hùng cường nhờ các sản phẩm “Make in Viet Nam”
Chiến lược quốc gia “Make in Viet Nam” ra đời không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp (DN) nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ số mà còn đặt nền móng quan trọng cho mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số. Chưa kể, các DN công nghệ số đã được đặt một sứ mệnh lịch sử khi sẽ là hạt nhân để đưa Việt Nam bứt phá với nền kinh tế số giữ vai trò chủ đạo, phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm các nước phát triển vào năm 2045.
Lần đầu tiên, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển DN công nghệ số Việt Nam đã được tổ chức năm 2019 với chủ đề: “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”. Tại đây, chiến lược về phát triển DN công nghệ Việt Nam được công bố. Các DN số Việt Nam chính thức bước sang một giai đoạn mới, đóng vai trò thúc đẩy, để lĩnh vực công nghệ số trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua các sản phẩm “Make in Viet Nam”.
Bởi vì, đây là con đường duy nhất của các doanh nghiệp số Việt Nam cũng như lĩnh vực công nghiệp công nghệ số như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã từng chia sẻ. Nếu công nghiệp công nghệ số vẫn là lắp ráp, gia công, làm thuê thì lĩnh vực này vẫn như cũ. Tuy nhiên, nếu công nghiệp công nghệ số là “Make in Viet Nam”, là phát triển các DN công nghệ số Việt Nam, làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam sẽ giúp đất nước phát triển, từ đây đi ra chinh phục thế giới.
Đồng thời, điều này sẽ biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ và theo tính toán, ngành công nghiệp công nghệ số sẽ có mức tăng trưởng gấp 2-4 lần mức tăng GDP cả nước. "Make in Viet Nam" cũng sẽ đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng, thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Để rồi, sau 4 năm kể từ khi thông điệp “Make in Viet Nam” được chính thức đưa ra, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021 và tăng gần 36 tỷ USD so với năm 2019. Trong đó, tỷ lệ giá trị Việt Nam/Doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 27%, tăng 2,35% so với năm 2021. Cùng với đó, xuất khẩu của ngành công nghệ số Việt Nam năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD.
Số DN công nghệ số đăng ký hoạt động năm 2022 ước đạt 70.000 DN, tăng 9,6% so với năm trước và tăng gần 10.000 DN so với năm 2019.
Những con số trên đã cho thấy các DN công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo (ĐMST), làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy CĐS quốc gia và ĐMST.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý cũng đã liên tục có những chính sách để thúc đẩy các sản phẩm “Make in Viet Nam” cũng như các DN công nghệ số.
“Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã thành danh thì hãy thượng tôn pháp luật, hãy nhận lấy sứ mệnh giúp Việt Nam hóa rồng, hóa hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia, hãy gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia. Gìn giữ non sông, làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của DN Việt Nam, trong đó đặc biệt là các DN công nghệ số Việt Nam. DN Việt Nam thì không chỉ làm ra sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn phải làm ra vũ khí bảo vệ Việt Nam.”
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Tiêu biểu như Thông tư số 19/2021/TT-BTTT ngày 3/12/2021 về việc Ban hành danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm để được hưởng chính sách ưu đãi, ưu tiên đầu tư nghiên cứu – phát triển, sản xuất; Thông tư số 20/2021/TT-BTTT ngày 3/12/2021 về việc Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 8/4/2013 của Bộ trưởng Bộ TT&TT Ban hành danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử; Thông tư số 40/2020/TT-BTTT ngày 30/10/2020 quy định tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm; Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT ngày 3/7/2020 Quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình; Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/7/2021 về việc Phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Các sản phẩm “Make in Viet Nam” ngày càng trưởng thành và có chỗ đứng trên thị trường
Nhìn lại 4 năm kể từ khi “Make in Viet Nam” ra đời, số lượng DN số Việt Nam đã tăng trưởng cả về lượng và chất, nhiều sản phẩm ngày càng có chỗ đứng trong nước, vươn tầm mạnh mẽ ra thế giới. Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện đã có hơn 50 nền tảng công nghệ số được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Báo cáo đo lường về hoạt động của người dân trên các nền tảng số “Make in Viet Nam” vào tháng 9/2022 cũng cho thấy, Việt Nam có tổng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động là 265 triệu lượt, đứng thứ 10 toàn cầu. Còn trong top 50 ứng dụng có số lượng người dùng nhiều nhất, những ứng dụng “Make in Viet Nam” có thứ hạng cao bao gồm Zalo (vị trí số 2), Zing Mp3 (số 17), Zalo (số 21), Báo Mới (đứng thứ 26)....
Thời lượng người dùng các nền tảng số Việt Nam ghi nhận ở mức 14,13% với trung bình ước tính mỗi thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone dành khoảng gần 10 tiếng/thuê bao/ tháng để sử dụng các ứng dụng do trong nước phát triển (tăng hơn 40 phút so với quý trước). Số lượng người dùng thường xuyên các ứng dụng Việt Nam so với ứng dụng nước ngoài có sự gia tăng nhẹ từ mức 19,22% tháng 8/2022 lên 22,66%. Trong đó, một số lĩnh vực, các doanh nghiệp số Việt Nam đang cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài.
Mới đây, theo Báo cáo “The Connected Consumer Q4 2022” do Hiệp hội Mobile Marketing (MMA) Việt Nam và Decision Lab công bố, nền tảng “Make in Viet Nam” Zalo tiếp tục là ứng dụng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất Việt Nam 2022. Theo số liệu báo cáo, tại danh mục những nền tảng nhắn tin hàng đầu Việt Nam, hết Quý 4/2022, Zalo dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng là 87%, theo sau là Facebook với 72%, Messenger là 58% và Instagram chiếm 15%.
Báo cáo đánh giá Zalo phá vỡ rào cản vô hình, tăng trưởng với hiệu suất 6% mức độ yêu thích so với quý trước. Đây là mức tăng nhanh hơn cả ứng dụng YouTube và Facebook trong năm qua.
Con số ấn tượng này giúp Zalo tiếp tục củng cố vị thế là ứng dụng nhắn tin phổ biến và được ưa chuộng nhất Việt Nam từ năm 2020 đến nay. Cụ thể, thống kê năm 2020, Facebook Messenger đạt 75,8% và Zalo là 76,5%. Đây cũng là năm đánh dấu sự “soán ngôi” của Zalo để trở thành ứng dụng nhắn tin có tỷ lệ người dùng cao nhất Việt Nam.
Có thể làm một phép so sánh tương đối, kết thúc năm 2022, dân số của Việt Nam là 99,46 triệu người, trong khi đó, Zalo công bố có 74 triệu người dùng thường xuyên, như vậy, ước tính, người dùng nền tảng nhắn tin “Make in Viet Nam” này chiếm tới hơn 74% dân số nước ta.
Với lợi thế là nền tảng công nghệ do người Việt sáng tạo dựa trên thói quen sinh hoạt của người Việt, Zalo cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, bài bản của mình khi liên tiếp nâng cấp những tính năng an toàn, bảo mật, mà cụ thể là việc ra mắt tính năng mã hóa đầu cuối E2EE vào tháng 5/2022.
Trước đó, Zalo cũng 2 năm liên tiếp (2021 và 2022) lọt Top 20 ứng dụng được yêu thích nhất trên Apple Store tại Việt Nam. Bảng xếp hạng này do nhóm biên tập của App Store toàn cầu lựa chọn dựa trên tiêu chí lượt tải, chất lượng, công nghệ, thiết kế, tác động tích cực đến văn hóa, cộng đồng.
Hay trong lĩnh vực tài chính số, với khoảng hơn 31 triệu người dùng trên toàn quốc, MoMo đang chiếm 50% thị phần ví điện tử ở Việt Nam. Trong đó, những công đoạn, sản phẩm công nghệ quan trọng của MoMo đều hoàn toàn do người Việt thực hiện. Trong hơn 2.000 nhân viên MoMo hiện nay có đến hơn một nửa là kỹ sư công nghệ.
Tháng 11/2022, năm thứ 2 liên tiếp, MoMo được YouGov – hãng phân tích dữ liệu và nghiên cứu toàn cầu, có trụ sở tại Anh xếp hạng là 1 trong 10 thương hiệu tốt nhất Việt Nam 2022 (Vietnam Best Brand in 2022). Đây được coi là một điều rất đáng khích lệ với một sản phẩm “Make in Viet Nam” bởi vì bảng xếp hạng này vốn dành cho những thương hiệu mì ăn liền, bánh kẹo hay hãng hàng không quốc gia thì nay đã có một đại diện cho thương hiệu fintech của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo, mặc dù nói đến ứng dụng này, hầu hết mọi người chỉ nghĩ đến thanh toán. Tuy nhiên nếu một ứng dụng chỉ để thanh toán thì sẽ khó phát triển ở thị trường Việt Nam. Mà đó phải là một siêu ứng dụng (super app) đa nền tảng, đa dịch vụ cung cấp gần như tất cả sản phẩm cần thiết cho cuộc sống của người Việt. Tiêu biểu như trong nỗ lực thúc đẩy Chính phủ số, MoMo đã góp phần giải quyết 2 bài toán lớn. Đầu tiên là thúc đẩy thanh toán dịch vụ công trực tuyến, khi tính đến hiện tại, hơn 90% dịch vụ công cấp độ 3, 4 đã có thể thanh toán bằng MoMo như bảo hiểm xã hội, thuế, thu phí phạt, phí và lệ phí của tất cả thủ tục hành chính,...
Ngoài ra, MoMo cũng đang đồng hành cùng nhiều địa phương thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Với hơn 50.000 đối tác, 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, hệ sinh thái Siêu ứng dụng MoMo hiện đã đáp ứng gần như mọi nhu cầu thanh toán của người dân từ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đi chợ, đổ xăng, ăn uống, mua sắm, xem phim, Du lịch - Đi lại, Tài chính - Bảo hiểm, quyên góp,...
Một số lĩnh vực khác, dù các DN nước ngoài đang chiếm phần lớn thị phần, nhưng các DN Việt vẫn có những chỗ đứng nhất định và được người dùng yêu thích. Theo Báo cáo tổng quan thương mại điện tử năm 2022 do Metric.vn thực hiện, 2 nền tảng “Make in Viet Nam” là Tiki và Sendo đang chiếm thị phần lần lượt là 5% (doanh thu 5,1 nghìn tỷ đồng) và 1% (doanh thu 1 nghìn tỷ đồng). Hay với Cốc Cốc, sản phầm này đang đứng thứ 2 tại Việt Nam về thị phần trình duyệt và công cụ tìm kiếm, với trên 28 triệu người dùng trên nền tảng máy tính và di động, và đang hướng tới mục tiêu 50 triệu người dùng vào năm 2025.
“CĐS là yêu cầu khách quan, không thực hiện thì không phát triển. Nếu đất nước làm được điều này thì phục vụ cho sự phát triển chung. Chuyển đổi số là xu thế của toàn cầu, không phải mình Việt Nam thực hiện. Vì vậy, đất nước cần có cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình. Chúng ta phải có sự đoàn kết, hợp tác, học hỏi. Bên cạnh việc tiếp cận toàn cầu, CĐS ảnh hưởng đến toàn dân, giải quyết tất cả những bức xúc của người dân. Tiếp cận toàn dân là lấy người dân làm trọng tâm, DN phục vụ nhân dân. Tham gia vào quá trình này, người dân - DN là trung tâm. Đồng thời, mọi chính sách phải hướng đến người dân, DN”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Ngoài ra, các sản phẩm từng đạt giải thưởng Make in Viet Nam của Bộ TT&TT cũng đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Nhiều sản phẩm số đã tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, dần vươn ra thị trường quốc tế. Cụ thể, Mesh wifi của VNPT - giải Vàng sản phẩm số xuất sắc 2021 đã tăng trưởng 400% từ 44.000 sản phẩm lên 220.000 sản phẩm. Nền tảng quản trị DN hợp nhất MISA AMIS - giải Bạc nền tảng số xuất sắc đã và đang đồng hành cùng hơn 42.000 DN trong tiến trình chuyển đổi số.
Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh của Rynan - giải Bạc sản phẩm số xuất sắc đã tăng trưởng 96%, hiện mạng lưới đã lắp đặt trên 13 tỉnh ĐBSCL, và đặc biệt trong năm 2022 sản phẩm đã được cấp phép thương mại tại thị trường Nhật Bản. Dự kiến đến hết năm 2023, sẽ lắp đặt 100 hệ thống tại thị trường Nhật Bản.
Không chỉ các DN công nghệ số, các công ty công nghệ lớn ở Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel, CMC... cũng đã liên tục cho ra mắt các sản phẩm “Make in Viet Nam” để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, giúp chuyển đổi số các ngành kinh tế trọng điểm như y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng,...
Như Viettel, tập đoàn đã có chiến lược đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ “Make in Viet Nam”, trong đó có hạ tầng mạng 4G và 5G, nhằm tăng sự chủ động, giảm thiểu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, cũng như có thể tinh chỉnh sản phẩm nhanh hơn theo yêu cầu của khách hàng.
Hay với FPT các sản phẩm, giải pháp thuộc hệ sinh thái Made by FPT phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ lõi gồm AI, blockchain, cloud... mang lại 1.150 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 54,3% so với cùng kỳ, trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của công ty trong dài hạn.
“Đi cùng nhau” là chìa khóa để các sản phẩm “Make in Viet Nam” ra thị trường nước ngoài
Theo Bộ TT&TT, sau 4 năm, các DN công nghệ số đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mang các sản phẩm dịch vụ số “Make in Viet Nam” đi ra thế giới, để giải các bài toán về CĐS, phát triển kinh tế số của các nước, trở thành các tập đoàn, DN số toàn cầu.
Hiện thị trường thế giới 1.803 tỷ USD, các DN lớn của thế giới chiếm khoảng 30% thị trường này với 531 tỷ USD, còn lại 70% thị trường là phần mềm và dịch vụ CNTT chiếm 70% thị trường với giá trị khoảng 1.272 tỷ USD. Do đó, có thể nói, thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ CNTT hiện nay cũng như trong tương lai. DN công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường CNTT toàn cầu. Đây là lý do để DN công nghệ số Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”.
Mới đây, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã thực hiện khảo sát với 63 DN CNTT về thực trạng và các mối quan tâm khi tham gia thị trường quốc tế, trong đó có 5 có quy mô trên 1.000 nhân sự, còn lại là DN có từ 50 cho đến dưới 1.000 người.
Kết quả cho thấy, thị trường là nhóm vấn đề các DN công nghệ chú trọng hơn cả khi có tới 74,6% quan tâm; 72,6% tập trung về chiến lược tiếp cận thị trường, các kênh và cách thức tiếp cận; 68,3% là tỷ lệ DN chia sẻ mối quan tâm về cơ hội tiếp cận với thị trường nước ngoài. Hai nhóm vấn đề tiếp theo là kinh phí và kinh nghiệm của các đơn vị đi trước.
Để giải quyết những bài toán này, Bộ TT&TT sẽ cùng các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ đồng hành, sát cánh cùng DN trong tiến trình này. Trong đó, “đi cùng nhau” - DN lớn dẫn dắt đơn vị nhỏ hơn, công ty đi trước dẫn dắt DN đi sau, sẽ là một trong những cách đi mà Bộ TT&TT định hướng.
Đồng thời, Bộ TT&TT chính thức thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ DN công nghệ số đi ra nước ngoài” nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ DN công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài với các sản phẩm “Make in Viet Nam”.
Tại Hội nghị DN công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài tổ chức cuối tháng 2/2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Và cũng vì có năng lực cạnh tranh quốc tế mà chúng ta tồn tại được lâu dài ở trong nước. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được”.
Năm 2022 là năm mà các DN công nghệ số Việt Nam đã tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, đi làm chuyển đổi số (CĐS) cho các nước phát triển. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đã đạt 3 tỷ USD, của FPT về công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS đã đạt 1 tỷ USD.
Thế giới đã ghi nhận đóng góp của Viettel trong việc phát triển viễn thông nông thôn, xóa bỏ khoảng cách số ở nhiều nước, từ châu Á, châu Phi đến Mỹ La tinh. Tập đoàn Viettel đã làm được thiết bị mạng 5G, vũ khí công nghệ cao. VinGroup làm được ô tô xuất sang Mỹ. FPT, CMC đi làm CNTT và CĐS cho các nước đã phát triển như Nhật, Mỹ.
Nhiều công ty ngay từ ngày đầu thành lập đã hướng tới thị trường nước ngoài như NTQ Solution, SmartOCS, RikkeiSoft, OMI, VMO... Có những công ty ngay từ ngày đầu thành lập đã đặt mục tiêu phát triển công nghệ mới ngang hàng với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như KardiaChain...
“Những DN này, những doanh nhân này truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho chúng ta là “có thể làm được”. Hàng trăm ngàn DN công nghệ số Việt NCam làm được thì chắc chắn Việt Nam sẽ hóa rồng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định./.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2023)