Đảm bảo chất lượng thông tin trong hoạt động giảng dạy và tác nghiệp báo chí truyền thông
Báo chí - Ngày đăng : 10:00, 11/04/2023
Đảm bảo chất lượng thông tin trong hoạt động giảng dạy và tác nghiệp báo chí truyền thông
Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, truyền thông đang phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế tri thức – một nền kinh tế mà trong đó thông tin, tri thức đã trở thành sức mạnh, thành giá trị kinh tế.
Tóm tắt:
- Sự phát triển bùng nổ của truyền thông trên Internet và truyền thông mạng xã hội đang đặt ra vấn đề về đảm bảo chất lượng thông tin.
- Thông tin báo chí truyền thông đảm bảo chất lượng đặt ra 4 yêu cầu: tính xác thực (nghĩa là không phải tin giả, không phải tin đồn, không phải bịa đặt), tính phù hợp (phù hợp với bối cảnh, luật pháp, đạo đức), tính ý nghĩa (tức là giá trị, lợi ích của thông tin đối với công chúng), tính cập nhật (không lỗi thời).
- Đảm bảo chất lượng thông tin là yêu cầu đạo đức, cũng là yêu cầu nghiệp vụ cần được các cơ sở đào tạo nhân lực ngành báo chí truyền thông và các đơn vị hoạt động báo chí truyền thông chú trọng trong quá trình giảng dạy và hoạt động chuyên môn, nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động báo chí truyền thông.
Bên cạnh hoạt động sôi nổi của các cơ quan báo chí và các tổ chức truyền thông có uy tín lâu năm, sự ra đời và thịnh hành của các mạng xã hội đã và đang tạo ra những cơ hội việc làm mới: ví dụ như các YouTube, Tiktoker, những người làm công việc sáng tạo nội dung như content writer, những người quản trị các trang fanpage, quản trị website... Hoạt động của lực lượng này đóng góp một lượng thông tin không nhỏ cho xã hội, và cũng tạo ra cho bản thân họ và tổ chức hoặc cá nhân mà họ phục vụ một nguồn thu nhập.
Những thách thức báo chí truyền thông phải đối diện
Đứng trước sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội, báo chí đối diện với áp lực cạnh tranh và do đó cũng đã và đang có những bước chuyển mình để tồn tại và phát triển. Báo chí cũng tham gia đóng góp nội dung cho một số mạng xã hội hoặc sử dụng mạng xã hội nói riêng và mạng Internet nói chung để truyền tải các thông điệp, trình bày các sản phẩm báo chí của mình, tức là có thêm kênh để đưa sản phẩm báo chí đến với công chúng. Internet, mạng xã hội giúp cho báo chí tiếp cận đông đảo công chúng một cách nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn.
Ví dụ, khán giả có thể theo dõi một trận đấu bóng đá trên màn hình tivi, và cả trên điện thoại thông minh. Hoặc khán giả bận rộn chưa theo dõi được chương trình thời sự có thể xem lại trên website. Mạng Internet cũng tạo điều kiện cho khán giả có sự phản hồi nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng, hoặc thậm chí đóng góp nội dung cho báo chí, khiến cho sản phẩm báo chí trở nên phong phú hơn, đa chiều hơn về phương diện thông tin. Như vậy, sự phát triển của Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đang tạo điều kiện cho báo chí thay đổi, tăng tốc độ và khả năng tiếp cận công chúng và làm phong phú thông tin.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của công nghệ truyền thông số và mạng xã hội cũng đang đặt ra một số vấn đề về mặt đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo chí truyền thông hiện nay mà các nhà đào tạo nhân lực cũng như những người hoạt động trong ngành này cần lưu ý.
Yêu cầu đảm bảo chất lượng thông tin trong hoạt động báo chí truyền thông
Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin dành để bàn đến một trong những vấn đề cơ bản nhất của đạo đức nghề nghiệp báo chí truyền thông: yêu cầu về đảm bảo chất lượng thông tin trong hoạt động báo chí truyền thông hiện nay.
Thực vậy, sự phát triển bùng nổ của truyền thông trên Internet và truyền thông mạng xã hội đang đặt ra vấn đề về đảm bảo chất lượng thông tin. Sản phẩm chính của hoạt động báo chí truyền thông đầu tiên phải nói đến là thông tin. Có thể nói, thông tin báo chí truyền thông cần đảm bảo chất lượng để phục vụ công chúng, phục vụ xã hội.
Yêu cầu chính đặt ra về mặt chất lượng đối với thông tin báo chí truyền thông là: tính xác thực, tính đúng đắn và tính phù hợp. Bên cạnh đó, thông tin cần được cập nhật để đáp ứng nhu cầu của công chúng. Thông tin cung cấp bởi báo chí hay là bởi các trang mạng xã hội cần phải là thông tin đúng sự thật, đáng tin cậy. Lý thuyết truyền thông đã cho chúng ta thấy thông tin có khả năng gây tác động đến nhận thức, thái độ, hành động của người tiếp nhận thông tin. Một khi thông tin đã được đưa lên mạng thì sẽ tiếp cận công chúng và có khả năng gây tác động đến nhận thức, thái độ, hành động của ít nhất một bộ phận công chúng hoặc thậm chí là đông đảo hơn. Do đó, nếu thông tin sai sự thật sẽ dễ dẫn đến nhận thức sai, thái độ sai và hành động sai có thể gây tổn hại đến lợi ích của công chúng.
Ví dụ, tin đồn không đúng sự thật về một dự án liên quan đến đất đai có thể khiến giá đất bị thổi phồng, nhiều người dân địa phương quyết định bán đất, nhiều người mua đất mà không thu được lợi ích tài chính như kỳ vọng. Những câu chuyện được dựng lên, những sự việc bịa đặt, những lời thêu dệt, những tin đồn không có cơ sở, quảng cáo không đúng sự thật… đều có thể dẫn đến hiểu sai vấn đề và kéo theo đó là hành động sai lầm.
Trong khi thông tin báo chí được chọn lọc, kiểm chứng do quá trình gate keeping (gác cổng) của Ban biên tập nên hạn chế mức độ sai lệch, thì thông tin trên mạng xã hội vẫn chưa được kiểm chứng toàn diện nên khó phân biệt đúng – sai. Trong khi đó, thông tin trên mạng xã hội được cung cấp liên tục, nhiều và nhờ sức lan tỏa, sức hấp dẫn của mạng xã hội nên có nhiều người tiếp cận.
Việc số lượng lớn người tiếp cận với thông tin không đúng sự thật có thể gây ra những nguy cơ thực sự do nó gây ra sự hiểu sai cùng một lúc ở nhiều người. Do đó, độ tin cậy của thông tin trên mạng xã hội hiện vẫn là vấn đề cần quan tâm. Đặc biệt, những thông tin đúng sự thật bị trộn lẫn với một số thông tin thiếu cơ sở càng khiến cho vấn đề trở nên khó khăn hơn, khiến người đọc rơi vào tình trạng bối rối, khó phân biệt đúng sai và không biết lựa chọn nên đặt niềm tin ở nguồn nào, tin ở cái gì và không tin ở cái gì. Đây là thách thức đặt ra với công chúng sử dụng mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo chí truyền thông là tính phù hợp, dù thông tin đúng sự thật nhưng không phù hợp với lợi ích chính đáng của cá nhân hoặc tổ chức, với chuẩn mực xã hội, thuần phong mỹ tục... thì cũng cần được cân nhắc thận trọng trong quyết định “đăng hay không đăng”. Việc đưa thông tin gây tổn hại đến an ninh quốc gia, hoặc đưa thông tin đời tư của cá nhân mà không xin phép… có khả năng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Thông tin có thể phù hợp với cộng đồng này nhưng bị phản đối, đụng chạm, gây phẫn nộ ở cộng đồng khác vì chạm đến những giá trị, tiêu chuẩn riêng của cộng đồng đó. Ví dụ, đăng tải những hình ảnh người nữ mặc trang phục áo dài không đầy đủ, phản cảm có thể gây phẫn nộ trong cộng đồng người Việt vốn rất coi trọng và tôn vinh áo dài như một loại trang phục truyền thống gắn với những giá trị của sự nền nã, đoan trang, nghiêm túc.
Như vậy, chất lượng thông tin không chỉ nằm ở tính xác thực của thông tin mà còn ở tính phù hợp của thông tin. Do đó, việc lựa chọn thông tin, cân nhắc trước khi đăng tin hoặc phổ biến tác phẩm truyền thông là điều quan trọng, sự vội vàng, cẩu thả, thái độ qua loa, hời hợt trong chọn lọc, xử lý thông tin có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng thông tin, mặc dù thời đại hiện nay đòi hỏi tốc độ thông tin cao nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đưa thông tin sai sự thật, cẩu thả. Cũng không thể lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để phát ngôn bừa bãi, làm trái với quy định của pháp luật và vi phạm ranh giới đạo đức như xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân hay nhà nước.
Bên cạnh sự xác thực, phù hợp, thì một yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng thông tin chính là ý nghĩa của thông tin. Trong nghiệp vụ báo chí, giá trị tin (news value) nhấn mạnh tầm quan trọng hoặc ý nghĩa của thông tin. Thực vậy, thông tin mà báo chí truyền thông cung cấp cần có ý nghĩa, giá trị, lợi ích đối với công chúng. Thông tin đó phải thực sự cần thiết, quan trọng đối với quốc kế, dân sinh, có ích cho người đọc người nghe trên các phương diện khác nhau của cuộc sống. Ví dụ, thông tin về diễn biến dịch COVID-19 giúp người dân nắm bắt được tình hình dịch bệnh, từ đó xác định cách hành động, có phương án tổ chức cuộc sống, chăm sóc sức khỏe hợp lý. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, có lệnh cách ly xã hội, người dân cần sẵn sàng chuẩn bị tinh thần ở nhà để phòng tránh dịch bệnh lây lan. Nếu tình hình dịch bệnh dịu xuống, người dân có thể từng bước phục hồi đời sống, sinh hoạt, sản xuất.
Hoặc các thông tin về chính sách của Nhà nước về giáo dục, về tổ chức các kì thi cuối cấp, tổ chức thi tuyển sinh đại học… rất cần thiết với các em học sinh và các bậc phụ huynh. Những thông tin về các tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao dân trí. Thông tin về luật pháp giúp Nhà nước phổ biến pháp luật đến người dân, còn người dân nắm bắt được các quy định của pháp luật để nghiêm chỉnh tuân thủ, góp phần giúp xã hội vận hành ổn định và ngày càng phát triển. Thông tin về các thành tựu văn hóa giúp người dân mở mang hiểu biết, làm giàu tri thức. Thông tin về thời tiết giúp người dân tổ chức tốt hơn cuộc sống, chủ động ứng phó thiên tai, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra với đời sống.
Những chuyên mục trên báo chí giúp nêu lên các vấn đề bất cập trong thực tế, trình bày ý kiến của người dân xung quanh các vấn đề này góp phần giúp cảnh báo các nguy cơ, phát hiện các vấn đề và giải quyết các vấn đề trong xã hội, giúp xã hội phát triển lành mạnh hơn, đồng thời giúp góp phần giải tỏa những bức xúc (nếu có) trong xã hội, trấn an dư luận, tạo sự hài hòa trong đời sống. Những ví dụ trên cho thấy những thông tin thực sự hữu ích mà báo chí truyền thông cung cấp có ý nghĩa lớn với công chúng, với xã hội. Thông tin mà báo chí truyền thông cung cấp không thể thiếu yếu tố về ý nghĩa để đảm bảo chất lượng thông tin, từ đó phục vụ thực sự tốt cho công chúng.
Như vậy, cũng giống như các nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp, thì báo chí truyền thông (bao gồm cả mạng xã hội) cũng là các nhà máy sản xuất tin tức (“news factories” theo cách gọi của một số nhà nghiên cứu báo chí truyền thông phương Tây), do đó, sản phẩm mà báo chí truyền thông tạo ra cũng cần được đảm bảo về mặt chất lượng để phục vụ tốt nhu cầu thông tin của công chúng.
Nếu nhìn sâu vào 4 yếu tố đảm bảo chất lượng thông tin: tính xác thực (nghĩa là không phải tin giả, không phải tin đồn, không phải bịa đặt), tính phù hợp (phù hợp với bối cảnh, luật pháp, đạo đức), tính ý nghĩa (tức là giá trị, lợi ích của thông tin đối với công chúng), tính cập nhật (không lỗi thời), thì chúng ta có thể thấy nhà báo không chỉ cần có kĩ năng giỏi về thu thập và trình bày thông tin, mà còn cần có các biện pháp kiểm chứng thông tin, rèn luyện thao tác xem xét, cân nhắc cẩn trọng trước khi tiến hành thực hiện hoạt động báo chí truyền thông, đặc biệt là trước khi đăng tải thông tin. Sự có mặt và hoạt động của bộ phận canh cổng (gate keeping) là cần thiết không chỉ ở các cơ quan báo chí mà nên phát triển trong các đơn vị quản lý các trang mạng xã hội. Dự đoán hiệu quả truyền thông, khả năng tác động của thông tin cũng là một loại kỹ năng mà nhà báo cần được chú trọng rèn luyện.
Bên cạnh đó, chất lượng thông tin cũng được quyết định một phần bởi cách thức trình bày thông tin. Trong thời kì 4.0 hiện nay, cách thức trình bày thông tin báo chí truyền thông ngày càng phát triển. Bên cạnh chữ viết, ảnh chụp thông thường, hiện nay công nghệ kỹ thuật số đã và đang giúp phát triển nhiều phương thức thể hiện mới của báo chí truyền thông, ví dụ như các video clip, audio clip, infographic, podcast, livestream… Chất lượng hình ảnh, âm thanh được sử dụng ngày càng được nâng cao, khả năng tương tác giữa người làm truyền thông và công chúng ngày càng được tăng cường (ví dụ khán giả có thể viết comment ngay trong quá trình livestream và chủ phòng có thể trả lời trực tiếp những comment này).
Lời nói, chữ viết có thể được sử dụng đồng thời, tạo sự dễ dàng cho việc tiếp thu thông tin, âm thanh và hình ảnh rõ ràng, đẹp, sắc nét… Các sản phẩm báo chí truyền thông như bài viết, ảnh chụp, video clip có thể được dễ dàng chia sẻ, lan truyền nhanh chóng qua các trang mạng xã hội, góp phần lan tỏa thông điệp, tăng cường hiệu quả truyền thông. Đây là những thuận lợi lớn đối với người làm truyền thông trong thời đại kỹ thuật số hiện nay.
Tuy nhiên, dù kỹ thuật có phát triển đến mức cao thì một số nguyên tắc cơ bản vẫn cần được đảm bảo như: sử dụng ngôn từ phù hợp, lịch sự trên truyền thông đại chúng, tránh dùng các ngôn từ, hình ảnh thô tục mang tính xúc phạm, lăng mạ, thổi phồng, bóp méo sự thật, không phù hợp các chuẩn mực văn hóa, đạo đức.
Bên cạnh đó, kỹ thuật thông tin phát triển, công nghệ phát triển, ra đời các loại thiết bị tác nghiệp thuận lợi như smartphone kết nối Internet có thể thực hiện livestream sự kiện ngay tại chỗ, ghi âm, ghi hình hết sức thuận lợi, cung cấp thông tin cập nhật, tức thì phục vụ nhu cầu của công chúng.
Tuy nhiên, dù có trong tay các thiết bị này, người sử dụng không nên quên những nguyên tắc đạo đức cơ bản như: tôn trọng quyền riêng tư, tôn trọng môi trường… Việc livestream hoặc ghi, đăng tải hình ảnh những hoạt động phản cảm, tiêu cực là không nên (ví dụ ăn uống mất vệ sinh, hoạt động mang tính phá phách, chống đối xã hội…). Hoặc hoạt động livestream tại những sự kiện như đám tang của người nổi tiếng cũng cần có khuôn khổ, giới hạn nhất định, tránh vi phạm những quy chuẩn đạo đức xã hội, bảo đảm tính nhân văn trong hoạt động truyền thông. Người làm truyền thông cần được giáo dục ý thức đạo đức nghề nghiệp và luôn tôn trọng những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong quá trình hoạt động truyền thông.
Chất lượng thông tin có vai trò quan trọng trong hoạt động báo chí truyền thông, do đó, việc đảm bảo chất lượng thông tin báo chí truyền thông cần được các nhà giáo dục và đào tạo chuyên ngành nhấn mạnh như một yêu cầu quan trọng đối với người làm báo chí truyền thông. Cần coi đây là một trong những yêu cầu nghiệp vụ cơ bản, cần đạt được của quá trình đào tạo. Ví dụ, nên đề ra một số tiêu chí về chất lượng thông tin để sinh viên ngành Báo chí truyền thông lấy đó làm cơ sở tự đánh giá, đo lường chất lượng sản phẩm của mình. Một bảng tiêu chí đơn giản có thể như sau:
Việc đánh giá dựa trên bảng này nên được áp dụng cho các tất cả các sản phẩm truyền thông được sáng tạo trong các môn học/học phần. Nghĩa là bảng này có thể được sử dụng để đánh giá chất lượng thông tin của các bài báo, các video clip, audio clip, quảng cáo, thông cáo báo chí, podcast, infographic... Bảng này tuy rất đơn sơ nhưng nên được vận dụng cho sinh viên các chuyên ngành thuộc lĩnh vực báo chí truyền thông trong suốt quá trình học tập để giúp sinh viên bước đầu hình thành và phát triển ý thức đảm bảo chất lượng thông tin và kỹ năng đánh giá chất lượng thông tin trong tác nghiệp.
Tóm lại, chất lượng thông tin là một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu trong đào tạo nhân lực ngành báo chí truyền thông và trong cả các hoạt động tác nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, với sự bùng nổ của thông tin trên Internet, mạng xã hội và sự phát triển của nền kinh tế tri thức, thì đảm bảo chất lượng thông tin càng trở thành yêu cầu quan trọng hơn đối với người làm báo chí truyền thông. Tính chân thật, tính hữu ích, tính phù hợp, tính cập nhật của thông tin cùng với phương thức trình bày thông tin hợp lý là những yếu tố cơ bản tạo nên chất lượng thông tin.
Việc đảm bảo chất lượng thông tin cần được quan tâm ngay từ khi người làm báo chí truyền thông còn ngồi trên ghế nhà trường đại học chuyên ngành và tiếp tục được tôn trọng, thực hiện liên tục trong quá trình làm nghề sau này. Đảm bảo chất lượng thông tin là yêu cầu đạo đức, cũng là yêu cầu nghiệp vụ cần được các cơ sở đào tạo nhân lực ngành báo chí truyền thông và các đơn vị hoạt động báo chí truyền thông chú trọng đầy đủ trong quá trình giảng dạy và hoạt động chuyên môn, qua đó tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động báo chí truyền thông.
Tài liệu tham khảo:
Trần Thị Hòa (2021), Giáo trình Lý thuyết truyền thông, NXB Đà Nẵng.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2023)