Điều căn cốt của báo chí và ứng dụng AI
Diễn đàn - Ngày đăng : 13:43, 21/03/2023
Điều căn cốt của báo chí và ứng dụng AI
Theo các nhà báo, chuyên gia, dù ứng dụng AI đến đâu thì vẫn không thể thay thế điều căn cốt của báo chí là yếu tố con người.
Yếu tố con người trong tác phẩm là quan trọng nhất
Kể về kinh nghiệm thực hiện phóng sự truyền hình đầu tiên được viết bằng ChatGPT, mới đây tại hội thảo “Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn”, nhà báo Ngô Trường Thịnh, Đài truyền hình TP. HCM (HTV), người chịu trách nhiệm sản xuất chương trình Cafetek cho biết chương trình đã thực hiện phóng sự truyền hình “Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam”. Đây là phóng sự truyền hình đầu tiên được viết bằng ChatGPT. Cafetek là chương trình “sandbox” của HTV khi truyền tải cái mới, cái còn “lăn tăn” về công nghệ đến với người xem với mục đích tạo sự trải nghiệm nhưng có kiểm soát.
Khi làm phóng sự này, bên cạnh nghiên cứu rất nhiều về AI, nhà báo Ngô Trường Thịnh chia sẻ: Chúng tôi thử nghiệm luôn chatGPT - sản phẩm của AI để từ đó để biết được ưu điểm, khuyết điểm của công nghệ. Chúng tôi cho chatGPT viết kịch bản để thấy được khả năng của chatGPT đến đâu”.
ChatGPT đã đề xuất phóng sự có bố cục gồm 4 phần. AI tự tổng hợp và viết 400 -500 từ mỗi phần. ChatGPT khuyến nghị cả những người có thể phỏng vấn. Sau đó, ekip chương trình tổng hợp, chỉnh sửa, dựng và thành phẩm. Quy trình duyệt 3 bước trước khi lên sóng.
Tuy nhiên, nhà báo Ngô Trường Thịnh cho biết sản phẩm chưa lôi kéo được người xem bởi vì AI chỉ viết đúng, đủ thông tin, nhưng không có điểm nhấn, không giá trị lôi kéo khán giả. “Thành công của một tác phẩm là lôi kéo khán giả từ đầu đến cuối. AI chưa làm được việc đó”.
Cũng theo nhà báo Ngô Trường Thịnh, khi chatGPT viết kịch bản khuyết điểm còn rất nhiều. “Tôi phải sửa từng đoạn kịch bản, đối chiếu đúng, sai… Thực sự là rất là cực. Để chatGPT đưa ra được câu trả lời thì có khi phải mất 8 câu hỏi mà phải là những hỏi đúng, chứ hỏi lung tung là không ra đúng câu trả lời”.
“ChatGPT có thể tạo ra được kịch bản nhưng thiếu yếu tố con người. AI rõ ràng không có cảm xúc, sự sáng tạo chắc chắn không bằng con người, cách viết bài, bố cục. AI không dự sự kiện, không bàn bạc, không có nghiệp vụ, họp chia sẻ ý tưởng như nhà báo. Trong đó, yếu tố con người trong tác phẩm báo chí là quan trọng nhất, đó là cảm xúc, sự sáng tạo, nghiệp vụ và dàn dựng”, nhà báo Ngô Trường Thịnh nhấn mạnh.
Tiếp tục chia sẻ, nhà báo Ngô Trường Thịnh cho biết người làm báo là người hỏi thẳng, hỏi thật, tiên phong về thông tin, có được thông tin đầu tiên, khai thác thông tin. “Tính cách mạng của nhà báo là nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp thông tin đúng cho độc giả, người dân là điều AI không thể thay thế. Điều này cũng là điều nhà báo hơn AI. AI là tổng hợp thông tin trên mạng và thông tin đã có, có thể nói đúng như không phải ai tin được 100%. Người đọc tìm kiếm nhờ AI nhưng vẫn hỏi lại báo chí”.
Từ thực tiễn trải nghiệm công việc, nhà báo Ngô Trường Thịnh chia sẻ: “Việc làm chủ sáng tạo, nghiệp vụ cao của người làm báo thì AI còn lâu mới theo kịp. AI chỉ là công cụ đồng hành cùng, gợi ý, mở dữ liệu để nhà báo khai phá góc nhìn. AI giúp tiết kiệm thời gian rất nhiều cho nhà báo như bỏ qua các công việc đơn giản để tập trung cho sáng tạo khi sáng tạo cần nhiều thời gian hơn. AI không thể thay thế nhà báo”.
Cần hiểu về AI để ứng dụng
Thêm phần khẳng định, nhà báo Minh Dũng, Trung tâm sản xuất nội dung số VTV cho biết phải hiểu nguyên tắc của AI và luôn tin một điều là nếu không có con người thì không có AI. Nếu không có phóng viên, quay phim, người viết bài không thì không có nội dung đẩy lên mạng, mạng xã hội. AI không thể nào viết về sự kiện. “Chúng ta nên sử dụng AI là công cụ và trên cơ sở phải hiểu rất rõ về AI, hiểu cơ chế, nguyên tắc, ứng dụng vào công việc của chúng ta. Chúng ta không ứng dụng AI thì mới e sợ”.
Theo nhà báo Minh Dũng, chương trình truyền hình thể thao ứng dụng AI rất nhiều. Thể thao sản xuất ra những clip “highlight” cho một trận đấu và AI hỗ trợ. Chúng tôi đã làm ra những clip hay về một trận đấu bóng đá nhờ cho đọc nhiều thông tin, đặt câu hỏi. “Quan trọng là chúng ta phải hiểu và ứng dụng vào trong công việc. Chúng ta muốn ứng dụng AI hay bất cứ thứ gì thì phải dần dần, từng giờ, từng ngày làm những việc cụ thể, phải hiểu có những việc máy có thể giúp và chấp nhận dành công việc để cho máy làm, chứ không nên cố gắng bảo vệ, giữ những việc đang làm thì mới là nguy cơ đối với chúng ta”.
Chỗ dựa của báo chí vẫn là công chúng
Là người làm công tác đào tạo về báo chí nhiều năm, PGS. TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết sự phát triển và tồn tại của báo chí, truyền thông lâu nay gắn liền với hai yếu tố là: công nghệ và công chúng. Báo chí đã chứng kiến nhiều bước ngoặt khi phát thanh truyền hình (PTTH) ra đời nhiều người nói đó là dấu chấm hết cho báo in, hay truyền hình ra đời là dấu chấm hết cho phát thanh, báo điện tử ra đời thì chấm hết cho các loại hình báo chí còn lại. Khoảng 7 - 8 năm trước đã có những cuộc trao đổi mạnh mẽ về liệu mạng xã hội có nguy cơ chấm dứt báo chí hay không? “Nhưng may mắn công chúng của báo chí là con người và điều quan trọng là dù công nghệ có phát triển đến đâu thì báo chí vẫn có chỗ dựa là công chúng”.
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Đặng Thu Hương, công chúng là con người, là một kiểu gọi là “vũ trụ” phức tạp bởi có rất nhiều mong muốn, yêu cầu… và tất cả mọi thứ đều bất biến nên phải chọn cách phục vụ công chúng một cách tốt nhất.
“Tôi nghĩ rằng công chúng là cái trụ để điều phối cả về quản lý lẫn kinh tế. Công chúng rất nhanh nhạy nắm bắt cái mới và vì vậy, báo chí không thể đứng ngoài cuộc AI, mạng xã hội. Mạng xã hội tác động có tác động nhanh chóng, có khả năng chia sẻ thông tin nhanh nhạy nhưng báo chí cũng phải nói với công chúng là thông tin trên mạng xã hội khó kiểm định, kiểm chứng. Theo đó, công chúng sẽ quay trở lại với giá trị căn cốt nhất là tính chính xác, giá trị đạo đức, nhân bản trong thông tin. Công chúng sẽ tự cân bằng giữa việc vẫn tiếp cận thông tin trên mạng xã hội và vẫn tìm về giá trị căn cốt nhất của báo chí”.
Công nghệ chỉ là công cụ
Là người từng trải qua những năm tháng làm báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: “Nhà báo chỉ nên dùng công nghệ khi công nghệ mang lại lợi ích cho chúng ta, không nên vào hùa công nghệ mà làm mất đi bản thể. Nhà báo luôn ghi nhớ cốt lõi của báo chí, cốt lõi của mình. Công nghệ chỉ là công cụ và mô hình kinh doanh dựa trên sự chú ý (attention economy) hiện nay đang mệt mỏi, những mô hình kinh doanh, sản phẩm, thị trường khác mà không phải cả xã hội tung hô nhưng có chỗ đứng trong một phân khúc, khán giả nào đó đang được tìm kiếm”.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, công nghệ giúp loại bỏ những công đoạn, kỹ năng cơ bản và có thể làm tốt hơn. “Đừng làm những việc thừa. Nhà báo đi ra thế giới, đón nhận cái vô tận của thế giới nhưng có phần quên thế giới bên trong mỗi con người cũng vô tận và sâu vô cùng mà đến giờ máy móc chưa can thiệp”.
“Nhà báo trong quá trình tác nghiệp của mình hãy kể ra những điều tốt đẹp nhất, kể ra những câu chuyện bên trong của công chúng. Thế giới bên trong cũng nhiều giá trị vô cùng. Điều đó luôn có giá trị với thế giới bởi vì nó đơn nhất, duy nhất, độc bản, không sao chép, không bị AI nguỵ tạo. Có thể đây là hướng mới cho tác nghiệp báo chí”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ./.