ChatGPT mở ra cuộc đua thương mại hoá AI
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:35, 21/03/2023
ChatGPT mở ra cuộc đua thương mại hoá AI
Việc ra đời ChatGPT - một sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) đóng từ mã nguồn cho đến dữ liệu, đánh dấu một bước chuyển mới của thị trường AI, từ giai đoạn nghiên cứu, chia sẻ sang thương mại hoá, hay xa hơn là độc quyền hoá.
Lo ngại sự phân hoá trong thị trường AI
Theo ông Đinh Trần Tuấn Linh, Giám đốc công nghệ Unikon.vn - đơn vị sản xuất nội dung bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data), ChatGPT có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những đơn vị làm nội dung như Unikon.vn. Bởi vì, ChatGPT sẽ làm thúc đẩy những sản phẩm AI mà Unikon.vn đang nghiên cứu để dùng AI trong việc làm nội dung như viết bài, làm sách, viết báo…trở nên hoàn hảo hơn.
Mặc dù, sản phẩm này cũng giúp tạo thêm cho công ty nhiều đối thủ hơn, trong đó bao gồm cả những đơn vị không cần dành nhiều thời gian nghiên cứu mà có thể quảng cáo với khách hàng rằng họ có thể làm được những công việc tương tự thông qua ChatGPT.
Đánh giá về những thuận lợi của thị trường AI khi ChatGPT xuất hiện, ông Linh cho biết, trước đây, dù đã phát triển hàng chục năm nhưng AI chủ yếu phục vụ cho dân công nghệ, những người làm nghiên cứu. Nhưng với ChatGPT, AI đã có giao diện dành cho người dùng cuối và lần đầu tiên, những người không rành về công nghệ đã có thể tiếp cận được, biết được “hình thù” AI và xem nó làm được hay không làm được gì.
“Điều này khiến cho khả năng ra thị trường của các sản phẩm AI cao hơn và những nền tảng khác sẽ nhìn ChatGPT như một tiêu chuẩn mới khi đưa ra thị trường”, ông Linh đánh giá.
Tuy nhiên, việc ChatGPT ra đời cũng đem lại những lo ngại nhất định. Đầu tiên, từ thành công của ChatGPT sẽ tạo nên một sức ép, buộc các sản phẩm AI khác đang xây dựng phải “chín sớm”.
Ngoài ra, trước đây, bản thân OpenAI nói riêng và cộng đồng AI nói chung đều sử dụng chung các nền tảng, một phần bộ dữ liệu của nhau để cùng thúc đẩy, nghiên cứu và phát triển công nghệ. Nhưng việc ChatGPT là một sản phẩm đóng từ mã nguồn cho đến dữ liệu và thương mại hoá rất nhanh chóng, đã cho thấy một cách làm khác, không còn hoàn toàn mở và chia sẻ với nhau như trước.
“Điều này đã tạo nên những sự lo lắng nhất định trong cộng đồng AI. Đó là việc sau này sẽ không còn được chứng kiến sự bùng nổ về các thuật toán như chục năm gần đây, khi mà nhờ sự chia sẻ giữa các cộng đồng với nhau mà công nghệ AI có những bước phát triển vượt bậc”, ông Linh bày tỏ.
Việc này cũng sẽ giúp tạo ra một thế giới, cộng đồng AI mới mà việc chia sẻ sẽ không còn dễ dàng như trước, các sản phẩm sẽ tập trung vào thương mại hoá, các nền tảng AI sẽ trở thành những công nghệ riêng tư (private) của các tập đoàn lớn. Qua đó, sẽ có sự phân hoá trong thế giới AI, những tập đoàn lớn sẽ ngày càng giàu hơn, còn những người chơi mới sẽ khó có cơ hội để tham gia, nhất là với nhiều nước có nền công nghệ chưa có nhiều dấu ấn như Việt Nam. Hiện tại cơ hội để tạo ra các sản phẩm lõi về AI gần như rất thấp, chỉ còn những sản phẩm khai thác từ những công nghệ đã nghiên cứu.
“Do đó, có thể nói, sự ra đời của ChatGPT đã đánh dấu một bước chuyển mới của thị trường AI, từ giai đoạn nghiên cứu, chia sẻ sang giai đoạn thương mại hoá, hay xa hơn là độc quyền hoá. Thời kì hoàng kim, miễn phí của AI và các nghiên cứu liên quan đã bắt đầu trôi qua”, Giám đốc công nghệ Unikon.vn nhận định.
Việt Nam không có nhiều cơ hội trong việc phát triển công nghệ lõi về AI
Cũng theo ông Linh, không phải nhờ ChatGPT mà mọi người mới nhắc nhiều về câu chuyện AI mà cách đây 4 năm, xu hướng AI đã được diễn ra và các doanh nghiệp (DN) bắt đầu nghiên cứu về công nghệ này. Mặc dù vậy, việc ChatGPT ra đời cũng là một tín hiệu mừng trong thời điểm ảm đạm của ngành công nghệ với sự đi xuống của tiền ảo, trong khi metaverse (vũ trụ ảo) chưa có nhiều ứng dụng thực tiễn.
Khi được hỏi về cơ hội của các doanh nghiệp Việt trong thị trường AI với sự ra đời của ChatGPT, ông Linh cho rằng, các công ty ở Việt Nam rất giỏi trong việc làm ra những ứng dụng mới trên nền tảng những công nghệ sẵn có. Nhưng đối với việc tạo ra những công nghệ lõi, có thể cạnh tranh sòng phẳng với những gã khổng lồ trên thế giới thì các đơn vị ở Việt Nam không có nhiều cơ hội. Nguyên nhân là do các công ty ở Việt Nam không có trung tâm hay một dữ liệu đủ lớn để “huấn luyện”AI.
Vì vậy, việc ra đời của ChatGPT sẽ khiến những đơn vị nghiên cứu công nghệ lõi về AI gặp ảnh hưởng đầu tiên. Mặc dù các đơn vị đã có sự đầu tư, nghiên cứu với rất nhiều nhân sự giỏi, để có thể xử lý ngôn ngữ tiếng Việt. Trong thời gian qua, mọi người đã sử dụng ChatGPT và bất kì ai cũng thấy rằng, nó có thể trao đổi tiếng Việt rất mượt mà. Do đó, việc nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ tiếng Việt trong thời gian qua không mang lại nhiều giá trị khi có rất ít ứng dụng thực tiễn. Công nghệ lõi là một bài toán rất khó để cạnh tranh, so sánh với nước ngoài, nhất là khi xử lý ngôn ngữ, thuật toán của họ đều tốt.
“Đây không phải lần đầu tiên, các DN Việt dù đầu tư rất nhiều nhưng lại không có nhiều cơ hội trên chính sân nhà, khi các đối thủ nước ngoài cho thấy việc xử lý ngôn ngữ bản địa của họ tốt như thế nào. Câu chuyện này tương tự như đã từng xảy ra với mạng xã hội, hệ điều hành hay công cụ tìm kiếm tiếng Việt”, ông Linh nhận định.
Bản thân Unikon.vn cũng đã từng hợp tác với một số DN Việt có công nghệ lõi về AI nhưng do không đáp ứng được nhu cầu, chi phí cao nên cuối cùng vẫn phải lựa chọn các giải pháp của nước ngoài.
Trong làn sóng AI cách đây 4 năm, nếu như các DN khác tập trung vào việc phát triển những công nghệ lõi thì Unikon.vn theo đuổi hướng dùng AI để xử lý câu chuyện nội dung như viết sách, làm phim… Chỉ khi gần đây, với ChatGPT thì mọi người mới đặt ra bài toán về nội dung thông qua AI, như cách mà công ty đang thực hiện. Dù “nước lên thuyền lên”, nhưng việc xử lý nội dung thông qua AI không phải là chỉ sử dụng ChatGPT là có thể thực hiện được.
Nói về sự khác biệt của giải pháp “AI content hub” mà Unikon.vn xây dựng, ông Linh cho rằng, sản phẩm của công ty có thể viết được sách với những nội dung có thể xuất bản được. Còn nếu chỉ sử dụng ChatGPT thì ngay cả những bài viết trên trang web cũng hoàn toàn có thể bị Google phát hiện và đánh điểm rất thấp.
“Chúng tôi có thể sinh 1.000 bài viết với AI mà nội dung hoàn toàn khác biệt, còn ChatGPT thì đến bài thì đến bài thứ 20 là đã có những sự lặp lại nhất định”, ông Linh chia sẻ thêm.
Sở dĩ, Unikon.vn có thể làm được điều này vì đã có kinh nghiệm, quá trình nghiên cứu…với việc tạo nội dung từ dữ liệu lớn thông qua những thuật toán, tinh chỉnh riêng, thay vì lệ thuộc hoàn toàn vào AI.
AI hoàn toàn có thể thay thế được con người trong mọi công việc
Chia sẻ về những ảnh hưởng của ChatGPT đến thị trường, ông Linh cho rằng, về ngắn hạn, ChatGPT sẽ ảnh hưởng đến những công ty đã đầu tư nghiêm túc vào AI tại Việt Nam, từ những công ty nghiên cứu công nghệ lõi, cho đến việc có nhiều đơn vị “ăn theo” ChatGPT như các khóa học, dịch vụ sử dụng AI làm nội dung….
Xa hơn, về trung hạn, dù có điểm thuận lợi là các công ty sẽ bắt đầu có kế hoạch ứng dụng AI vào hoạt động của mình nhưng lại tạo ra một vài “tranh tối” trên thị trường, bao gồm những “ảo giác” - tức là những thứ mà mọi người nghĩ ChatGPT sẽ giải quyết được bài toán của đơn vị mình. Để rồi, các công ty sẽ coi AI như một “trang sức” phải có thay vì đem lại giá trị thực cho công ty.
Một viễn cảnh đáng sợ hơn về dài hạn, theo ông Linh, khi quá phụ thuộc vào AI, mọi người sẽ dần thay đổi hành vi giống như cách Google đang làm. Trước đây, khi chưa có Internet, mọi người sẽ tìm đến các thư viện để tìm kiếm thông tin, tri thức nhưng hiện nay, chỉ cần tìm kiếm trên Google, bất kì ai cũng dễ dàng chấp nhận những kết quả đầu tiên, thay vì tiếp tục đào sâu để có được câu trả lời chính xác nhất. Nhờ đó đã có không ít ý kiến cho rằng, nền tri thức của nhân loại đang đi xuống kể từ khi Google xuất hiện.
Với ChatGPT, mọi thứ còn “tồi tệ” hơn, một công cụ dựa trên xác suất và chỉ đưa ra một kết quả theo ý nó hiểu, hoàn toàn không có kiến thức. Chưa kể, với những câu từ AI đưa ra sẽ dễ khiến mọi người chủ quan. Nếu hoàn toàn tin vào kết quả của những công cụ này mà không có sự kiểm chứng lại thì sẽ rất nguy hiểm, nhất là với thế hệ trẻ. Độ phủ của công nghệ hiện nay quá nhanh và rất dễ thay đổi thói quen, tác động ngay lập tức lên thế hệ trẻ. Để rồi sẽ đem lại những hậu quả mà ngay cả những người tạo ra những công cụ AI cũng không thể lường trước được.
“Mọi người dễ háo hức với công nghệ mới và khi AI dần âm thầm đi vào đời sống, sẽ làm mất đi những khả năng vốn có của con người”, ông Linh chia sẻ thêm.
Khi được hỏi liệu AI có thể thay thế con người được không, theo ông Linh, nếu cách đây 5 năm thì câu trả lời là không nhưng hiện tại thì điều này là hoàn toàn có thể. Nguyên nhân là do AI đã có sự thay đổi, tiến bộ khủng khiếp, minh chứng như việc bộ dữ liệu Da Vinci và ChatGPT qua các phiên bản. Có thể nói, những công cụ AI như ChatGPT sẽ thay thế được con người trong tương lai với những bộ dữ liệu không giới hạn.
Cụ thể, với việc chứng kiến các công cụ ChatGPT đầu tiên của OpenAI khi còn là mã nguồn mở cho đến công cụ riêng tư như hiện nay, nó đã có sự tiến triển chóng mặt và tạo ra sự ngạc nhiên với bất kì ai. “Tôi không hình dung được những công việc nó sẽ thay thế trong tương lai và chỉ mong rằng sẽ không làm việc của mình”, ông Linh bày tỏ.
Việc nó sẽ thay thế công việc nào chủ yếu phụ thuộc người phát triển muốn hướng công cụ AI như thế nào. Như trước đây, các đơn vị phát triển muốn hướng AI để thay thế các giác quan của con người thì hiện nay, sản phẩm đã thị giác, thính giác, xác giác và chỉ còn khứu giác và vị giác.
Vì vậy, những công cụ này hoàn toàn vượt bậc và có thể thay thế con người ở những công việc lặp đi lặp lại như công nhân, lái xe… hay thậm chí cả những nghề thuộc về nội dung như vẽ (chép tranh), viết nội dung.
Thứ duy nhất, ông Linh cho rằng, thứ duy nhất mà các công cụ AI như chatbot không thể thay thế được là những cuộc trao đổi, giao tiếp trực tiếp giữa con người và con người (human connection), điều rất quan trọng đối với sức khoẻ, tâm lý và xã hội./.