Ứng dụng AI và ChatGPT để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí
Báo chí - Ngày đăng : 08:00, 14/04/2023
Ứng dụng AI và ChatGPT để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) và ChatGPT tạo cơ hội và thách thức lớn cho báo chí, buộc các tòa soạn phải thay đổi mô hình kinh doanh cũng như phương thức làm báo nếu muốn tồn tại.
Tóm tắt:
Cơ hội và thách thức trong việc ứng dụng AI và ChatGPT trong báo chí.
* Cơ hội:
- Thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo: viết bài, biên tập, nắm bắt hành vi bạn đọc,…;
- Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng;
- Thúc đẩy báo chí thích ứng, sáng tạo.
* Thách thức:
- Tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả;
- Thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thông, từ góc nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp...
- Tiềm ẩn việc có thể thay thế một số công việc của nhân lực, làm thay đổi mô hình kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số.
Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung và tăng cường trải nghiệm độc giả
Đối diện với sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin như hiện nay, các tổ chức báo chí, truyền thông đang dần quá tải nếu vẫn duy trì cách làm truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng AI để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản và phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn.
Chia sẻ tại hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” diễn ra trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết: "Mối quan hệ giữa AI và báo chí đang được nhắc đến nhiều, nhưng thực ra nó không phải chuyện gì mới mẻ và không phải toàn những điều tồi tệ".
Trên thế giới, nhiều tòa soạn đã sử dụng AI để sản xuất nội dung báo chí nhanh hơn, đồng thời giảm tải khối lượng công việc cho các phóng viên (PV). Những cơ quan báo chí lớn như Forbes, hãng tin AP hay tạp chí online nhỏ hơn như Worldcrunch đã sử dụng AI từ nhiều năm qua để sản xuất những bản tin tự động và đơn giản.
Tại Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí từng bước áp dụng các công nghệ số hiện đại như AI, Internet vạn vật (IoT), đám mây, dữ liệu lớn… vào hoạt động của mình. Hầu như các đơn vị báo chí lớn như Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), VnExpress, VietNamNet, Zing… đều đã trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện với các trang báo đáp ứng tiêu chí mobile first (ưu tiên tốc độ và tối ưu cho di động), đa nền tảng, sử dụng các hình thức truyền tải tin bài hiện đại như E-magazine, Interactive, Infographic, Story scroll…
AI cũng đang được bước đầu ứng dụng vào báo chí với những hình thức ngày một phổ biến hơn: Podcast, Text to speech, Text to video… Phân tích dữ liệu người dùng và gợi ý các nội dung yêu thích của độc giả cũng là một ứng dụng AI mà một số tòa soạn lớn cũng đã bước đầu triển khai áp dụng. VietNamNet, Thanh niên, Tạp chí điện tử Ngày Nay… cũng đã triển khai mô hình Premium - thu phí độc giả trên một nhóm nội dung chất lượng cao, thanh toán phí qua cổng thanh toán tiện lợi, phù hợp với một số nhóm đối tượng, tuy nhiên chưa đạt mức cá nhân hóa đến từng độc giả.
Chia sẻ kinh nghiệm từ VietnamPlus, nhà báo Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho biết: VietnamPlus đã sử dụng ứng dụng chatbot để giải phóng sức lao động cho PV, tiên phong trong sáng tạo nội dung và tăng cường trải nghiệm cho độc giả. Việc sử dụng chatbot cũng giúp VietnamPlus đi tiên phong trong việc sản xuất podcast làm nền tảng để nghiên cứu ra trợ lý ảo về tin tức đầu tiên ở Việt Nam.
Ngoài ra, VietnamPlus cũng đã sử dụng AI để xử lý các công việc sản xuất báo chí đơn giản như vẽ biểu đồ, chuyển đổi từ giọng nói sang văn bản, chuyển đổi từ văn bản sang giọng nói… Nhờ ứng dụng AI, trong vài giây PV, biên tập viên (BTV) VietnamPlus đã có thể tạo ra các bảng biểu phù hợp. Các sản phẩm báo chất lượng cao lúc đó, VietnamPlus đều đẩy dữ liệu vào và là yếu tố giúp VietnamPlus đạt giải báo chí quốc gia 10 năm liên tiếp.
ChatGPT: sức ép với các cơ quan báo chí có nguồn thu dựa vào quảng cáo số
Gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến việc sử dụng AI trong làm báo và sự xuất hiện của ứng dụng ChatGPT trong sáng tạo nội dung. Rõ ràng, sự xuất hiện của ChatGPT đã kích hoạt cuộc “chạy đua vũ trang về AI” trong lĩnh vực báo chí với nhiều cơ hội và thách thức lớn.
Thực tế, hiện nay, Google đang mang lại 40 - 50% tổng lượng truy cập cho các trang tin tức. Điều đó khiến các tòa soạn phải đầu tư thời gian và tiền bạc cho việc tạo ra nội dung, tối ưu hóa bằng “search engine”, từ đó tăng lượng truy cập để đảm bảo nguồn thu quảng cáo.
Với sự phát triển của các chương trình AI, người dùng tập trung vào hỏi đáp thay vì nhấp chuột để đọc. Điều đó cũng đồng nghĩa ngày càng ít lượng truy cập cho trang tin tức. Như vậy, mặc dù các cơ quan báo chí vẫn là nguồn sản xuất nội dung chứa đựng câu trả lời, thế nhưng doanh thu từ Google Search là lượng truy cập sẽ ngày càng eo hẹp. Xu hướng này đã tạo thêm sức ép với những cơ quan báo chí có nguồn thu dựa vào mô hình kinh doanh quảng cáo số, buộc họ phải thay đổi nếu muốn tồn tại.
Theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ TT&TT, có hai mô hình kinh tế báo chí số chủ yếu hiện nay. Đó là mô hình Google-Facebook-Fogg với doanh thu chủ yếu dựa trên quảng cáo và mô hình Netflix-Fogg dựa trên việc phát triển thuê bao. Do đó, để phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay, các tòa soạn cần chuyển dần mô hình kinh tế từ phụ thuộc nhiều vào quảng cáo số sang mô hình hoạt động có thu phí. Đây cũng là xu hướng chung của báo chí thế giới những năm gần đây. Tại Việt Nam mới có 5 cơ quan thử nghiệm mô hình này, gồm: Vietnam+ (năm 2018), VietNamNet và Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động và báo Tuổi Trẻ (năm 2022). Tuy nhiên, hiện chưa có đánh giá hiệu quả các mô hình này.
Đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho biết để muốn phát triển được mô hình kinh tế báo chí có thu phí, các tòa soạn cần phải đáp ứng được 3 điều kiện: thương hiệu của tờ báo phải đủ mạnh, khối lượng dữ liệu phải đủ lớn để hỗ trợ AI và máy học và thành phần nhân khẩu học của độc giả tờ báo đó phải đủ hấp dẫn đối với các nhà quảng cáo.
Sự chuyển dịch từ báo chí truyền thống sang báo chí thích ứng, sáng tạo nhờ công nghệ thích ứng (ChatGPT)
AI được ứng dụng hàng ngày trong cuộc sống, từ tính năng tự động sửa chính tả cho đến các gợi ý người mua hàng nhận được trên các trang mua sắm đều là những ví dụ về các thuật toán do AI cung cấp nhằm tự động hóa các quy trình và tiết kiệm thời gian. Sự dịch chuyển từ báo chí truyền thống sang báo chí thích ứng, sáng tạo diễn ra do sự thúc đẩy của công nghệ số, đặc biệt là ChatGPT.
Mặc dù công nghệ ChatGPT vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực AI tin rằng các tòa soạn có thể hưởng lợi từ việc áp dụng ChatGPT và các công cụ tương tự vào công việc hàng ngày. Quy trình sản xuất tin tức hiện đại rất năng động với mỗi bước đều được hỗ trợ bởi AI.
Trong mô hình báo chí truyền thống, vai trò của Tổng Biên tập có thể trải dài từ tìm kiếm, tổ chức xây dựng, điều chỉnh chủ đề, nội dung cho đến trở thành trung tâm phản hồi mỗi khi nội dung thay đổi. Ngày nay, vai trò của Tổng Biên tập dần chuyển sang hướng tập trung vào định hướng chủ đề, nội dung cũng như hướng dẫn, gắn kết PV. Công nghệ thích ứng trở thành một công cụ đắc lực của nền báo chí thích ứng trong việc tìm kiếm nội dung và định hướng cách làm phù hợp nhất cũng như hỗ trợ tổ chức và điều chỉnh nội dung phù hợp với định hướng của từng PV.
Các nhà báo, PV phải là những người nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. AI hỗ trợ mỗi PV có một lộ trình làm tin bài riêng, thay vì phải tham gia thụ động vào các chủ đề cố định. Giờ đây, PV có thể nhận được gợi ý của dữ liệu và từ đó phản hồi kịp thời, đảm bảo được tác phẩm báo chí của họ sáng tạo và ấn tượng.
Thay đổi phương thức làm báo, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí
Việc sử dụng AI đã giúp nhiều cơ quan báo chí thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản và phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này, đặc biệt là ChatGPT hiện nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.
ChatGPT đã giúp tăng tương tác với độc giả, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng. Việc sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp.
Nhưng bên cạnh đó, việc sử dụng AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thông, từ góc nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp... Ngoài ra, việc sử dụng ứng dụng AI cũng tiềm ẩn việc có thể thay thế một số công việc của nhân lực, gây ra mất việc làm cho một số nhân viên…
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, AI đang đe dọa nguồn thu nhập của báo chí và đây là vấn đề sống còn đối với các cơ quan báo chí tại Việt Nam. “Nguy cơ chúng ta mất 50% lượng cập nhật từ công cụ tìm kiếm là rất rõ, kèm theo đó là mất tiền quảng cáo”, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh. Mặc dù vậy, nhà báo Lê Quốc Minh cũng khẳng định việc đầu tư ứng dụng AI vào sáng tạo nội dung trong báo chí là cực kỳ cần thiết.
Trong một kỷ nguyên mà các cơ quan báo chí phải cạnh tranh về tốc độ, những tiêu đề hoặc tóm tắt do AI gợi ý có thể giúp công tác nghiên cứu và viết bài hiệu quả hơn đối với những nhà báo luôn chịu sức ép về thời gian. Nhưng ngay cả khi số lượng các nội dung tự động hóa phức tạp tăng lên thì rõ ràng các tòa soạn không thể phụ thuộc vào mỗi AI để sản xuất ra các bài báo.
"Những cơ quan báo chí tên tuổi và có thương hiệu lớn đã phải mất nhiều thập kỷ thúc đẩy hoạt động đưa tin thận trọng và cân bằng, sẽ phải tiếp tục duy trì vị thế như là nguồn tạo ra nội dung gốc chất lượng cao để giành lấy niềm tin của độc giả, khán thính giả”, ông Lê Quốc Minh cho biết.
Với sự xuất hiện của AI nói chung cũng như ChatGPT, báo chí truyền thống sẽ dần chuyển dịch sang báo chí thích ứng và sáng tạo. Đồng thời cũng có sự phân hóa trong lực lượng làm báo, theo đó sẽ chỉ còn chỗ cho những nhà báo chân chính, biết cách phân tích dữ liệu sâu, kể chuyện hấp dẫn, biết những câu chuyện thật, những trải nghiệm thật, cảm nhận đích thực. Theo nhà báo Ngô Trần Thịnh, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV), con người là yếu tố quan trọng nhất trong tác phẩm mà AI không có thì sẽ không thể có cảm xúc, sự sáng tạo, nghiệp vụ và tính dàn dựng. Đồng quan điểm, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử cho biết, AI đang tham gia vào nhiều công đoạn sản xuất các tác phẩm báo chí, nhưng vai trò của nó giống như một người trợ lý hơn là một nhà báo.
Công chúng của báo chí là con người nên dù công nghệ có phát triển đến đâu thì báo chí vẫn có chỗ dựa là công chúng. Mạng xã hội có thể cung cấp thông tin nhanh chóng nhưng tính chính xác chưa cao. AI cũng vậy. Do đó, báo chí vẫn sẽ là chỗ dựa để mang lại thông tin chính xác nhất và nhân văn nhất để công chúng tin tưởng.
Trong bối cảnh đó, dữ liệu có ý nghĩa sống còn và sẽ sinh ra giá trị mới vô hạn cho báo chí. Đây cũng chính là nền tảng để các cơ quan báo chí chuyển đổi thành công từ việc dựa vào mô hình kinh doanh quảng cáo số sang mô hình báo chí thu phí.
Mặc dù, AI nói chung và ChatGPT nói riêng có nhiều tính năng nổi trội, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là một công cụ và có thể mang lại những tác động tiêu cực đối với báo chí, do đó các nhà báo phải học cách để làm chủ công cụ này. Khi sử dụng ChatGPT cũng như các phần mềm, các sản phẩm công nghệ mới khác chúng ta cần có một cách tiếp cận tỉnh táo, khoa học, phát huy được lợi thế của nó, đồng thời hạn chế những tiêu cực./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2023)