Giới thiệu sách: Chuyển đổi số trong giáo dục
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 10:00, 10/04/2023
Giới thiệu sách: Chuyển đổi số trong giáo dục
Sự bùng nổ của công nghệ khiến cho tần suất xuất hiện của hàng loạt từ khóa như “IoT”, “Big Data”, “AI”, “Cloud”, “Blockchain”… ngày càng dầy. Trong số đó, có những từ ta đã quen thuộc, có những từ ta đã biết, có những từ mới chớm biết, nhưng vẫn còn nhiều từ mà ta còn rất mơ hồ, ví dụ: "chuyển đổi số", “chuyển đổi số trong giáo dục”.
Vậy chuyển đổi số trong giáo dục là chuyển đổi những gì?
Cuốn sách với 232 trang, khổ 16 x 24cm của các tác giả: TS. Hoàng Sỹ Tương, GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, TS. Nguyễn Thị Loan sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên.
Để giúp bạn đọc hiểu sâu hơn, thấu đáo hơn về những điểm mạnh, điểm yếu và tiềm năng ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo hiện nay, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, lựa chọn xuất bản cuốn sách “Chuyển đổi số trong giáo dục” được chắp bút bởi nhóm tác giả, là những chuyên gia hàng đầu, gồm: TS. Hoàng Sỹ Tương - Phó Trưởng Phòng Sau đại học, Học viện Kỹ thuật mật mã; GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc - một trong những giáo sư, tiến sĩ Tâm lý - Giáo dục hàng đầu Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đang là Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023 và TS. Nguyễn Thị Loan - Giảng viên Khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục.
Các tác giả đều có bề dầy kinh nghiệm trong giảng dậy, nghiên cứu khoa học trong các chuyên ngành mật mã, an toàn thông tin, quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, các tác giả còn có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước; đồng thời còn là tác giả/đồng tác giả của một số cuốn sách.
Công nghệ phát triển thần tốc đang mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành Giáo dục. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định Giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ hai, ngay sau lĩnh vực Y tế. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của ngành Giáo dục, là bước đi then chốt trong việc đẩy nhanh sự phát triển của hoạt động dạy và học trong tương lai.
Chuyển đổi số trong giáo dục tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong công tác quản lý và chuyển đổi số công nghệ trong giáo dục. Trong quản lý giáo dục, chuyển đổi số bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong giáo dục một cách nhanh chóng, chính xác. Chuyển đổi số trong công nghệ giáo dục chính là quá trình dạy, học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa học liệu, thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường học ảo.
Trong khuôn khổ cuốn sách này, Nhóm tác giả gửi gắm đến bạn đọc những nội dung trong công tác quản lý thể hiện ở 04 nội dung chính, cụ thể:
- Tổng quan về chuyển đổi số trong giáo dục, mang đến cái nhìn toàn cảnh về chuyển đổi số trong giáo dục, gồm khái niệm, tầm quan trọng, thách thức, lợi ích, khó khăn, vai trò, giới thiệu môi trường học tập, những kinh nghiệm trên thế giới và thực trạng tại Việt Nam từ đó dự báo xu hướng công nghệ trong chuyển đổi số giáo dục trong tương lai.
- Thư viện số trong chuyển đổi số giáo dục, bạn đọc sẽ được tiếp cận kiến thức chung, nhiệm vụ, đặc điểm, phát triển, kiến trúc, phương thức hoạt động, phân loại, ưu điểm, thách thức, khung đánh giá, cuối cùng và quan trọng hàng đầu là bảo mật thư viện số.
- Giáo dục 4.0 và vai trò của công nghệ trong chuyển đổi số giáo dục, dẫn dắt từ cuộc cách mạng công nghiệp, vấn đề giáo dục 4.0 ở các cơ sở giáo dục đại học sẽ được làm sáng tỏ, tiếp đó là kỹ năng học tập cho tương lai, nhu cầu của xã hội về hệ thống giáo dục, định hướng học tập, công nghệ, phương pháp sư phạm, kiến thức chuyên môn, học tập số, năng lực số, khung năng lực số, và kết lại là vấn đề lợi ích và rủi ro của công nghệ.
- Ứng dụng công nghệ 4.0 trong chuyển đổi số giáo dục, là Blockchain, Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, Điện toán đám mây mà chính các công nghệ này sẽ làm nền tảng cho hạ tầng số giáo dục.
Với phương châm “Áp dụng thật đúng đắn để tận dụng tối đa giá trị của công nghệ”, cuốn sách hứa hẹn sẽ nguồn tài liệu hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách, quản lý giáo dục, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo… trong việc quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành Giáo dục và Đào tạo một cách nhanh chóng, chính xác.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2023)