Thách thức “3 chữ C” thúc đẩy DN chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:52, 22/03/2023
Thách thức “3 chữ C” thúc đẩy DN chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo
Cơ hội luôn tiềm ẩn trong mỗi thách thức, đặc biệt với sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp (DN) sẽ có thể hiện thực hóa các ý tưởng, cơ hội để tăng trưởng trong bối cảnh mới.
Ngày 22/3/2023 tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Công nghiệp số Siemens Việt Nam tổ chức hội thảo “Thúc đẩy ĐMST thông qua các ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) cho DN sản xuất”. Hội thảo được tổ chức nằm mục tiêu hỗ trợ các DN bắt kịp xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, tăng tốc quá trình CĐS và ĐMST thông qua các dịch vụ và giải pháp công nghệ.
“Kích hoạt” chế độ số hóa để cải thiện năng suất và lợi nhuận
Trước tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các DN Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Vì vậy, CĐS là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng DN đứng vững và phát triển.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia cho biết hiện nay ở Việt Nam, CĐS đã diễn ra ở hầu hết các loại hình DN với nhiều mức độ khác nhau nhưng cần phải triển khai với kế hoạch cụ thể và thiết kế sao cho phù hợp với đặc tính của từng ngành và từng DN.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường IDC về các xu hướng ngành công nghiệp CNTT toàn cầu năm 2023, đến năm 2027, tổng ngân sách dành riêng cho đầu tư CNTT tại các DN vừa và nhỏ sẽ tăng 45% khi các DN này chuyển sang sử dụng công nghệ để cạnh tranh với các DN lớn hơn. Đến năm 2024, 50% nhà sản xuất sẽ ưu tiên hiểu biết về kỹ thuật số như một bộ kỹ năng chính trong quá trình thu hút, giữ chân nhân tài.
Năm 2026, hơn 65% các nhà sản xuất thiết bị gốc sẽ hợp tác với khách hàng của họ, nhằm truy cập thông tin theo thời gian thực, từ đó có thể điều khiển các hoạt động giám sát và giải quyết sự cố từ xa hiệu quả. Đến năm 2028, việc sử dụng robot và tự động hóa sẽ tăng gấp 10 lần, giúp tăng 30% năng suất nhiệm vụ.
Ông Alvin Tan, Giám đốc phát triển kinh doanh châu Á - Thái Bình Dương của Siemens, cho rằng tất cả các xu hướng trên sẽ dẫn đến việc DN phải “kích hoạt” chế độ số hóa để cải thiện năng suất và lợi nhuận. Ngoài ra, DN sẽ ngày càng chú trọng đến các kỹ năng số của nguồn nhân sự.
TS. Trần Anh Quân, Giám đốc Trung tâm phát triển Công nghệ và Tri thức, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, cho biết thế giới đã nhận định trong 5-10 năm tới, năng lực cạnh tranh quốc gia không phải là việc huy động các nguồn vốn, mà năng lực ĐMST chính là nguồn vốn của một quốc gia. Trong đó, đối với DN, ĐMST sẽ giúp tạo và duy trì ưu thế của DN trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và kinh doanh nhiều biến động.
Thách thức mang đến cho DN cơ hội tăng tốc CĐS và ĐMST
Trao đổi về vấn đề thúc đẩy CĐS và ĐMST cho DN sản xuất, ông Võ Hồng Kỳ, Giám đốc phần mềm công nghiệp số Siemens Việt Nam, đã đưa ra mô hình thách thức “3 chữ C”. Đặc biệt, chính những thách thức “3 chữ C” này cũng mang lại cho DN nhiều cơ hội “dấn thân” vào CĐS và ĐMST, từ đó giúp DN tăng trưởng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh mạnh mẽ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thách thức “3 chữ C” được ông Võ Hồng Kỳ đề cập chính là “Climate” (khí hậu), “COVID” (dịch COVID-19) và “Conflict” (xung đột). Đối với thách thức về khí hậu, ông Kỳ cho biết Việt Nam đang hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050. Thách thức về khí hậu này sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho DN. “Với tầm nhìn mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của chính phủ, DN sẽ có thêm thị trường mới, được sự khuyến khích, hỗ trợ phát triển của các cơ quan chức năng và có cơ hội thu hút các tổ chức tài chính”, ông Võ Hồng Kỳ nói.
Trong khi đó, dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức vận hành cho các DN. Nhưng cũng chính từ đó, DN đã có cơ hội thay đổi, trang bị các công nghệ số hóa để linh hoạt, phù hợp với các cách thức làm việc mới, hệ thống tương tác nhuần nhuyễn, mọi lúc mọi nơi.
Đối với thách thức “conflict”, nghĩa là những xung đột địa chính trị trên thế giới, nguồn cung ứng hàng hóa đã bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh này, DN buộc phải đưa ra những giải pháp để thích ứng. Đây cũng là cơ hội cho DN Việt Nam khi nhiều công ty trên thế giới hướng đến Việt Nam vì nhận định đây là thị trường an toàn, nền kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển tốt.
Cơ hội luôn tiềm ẩn trong mỗi thách thức, đặc biệt sự phát triển của công nghệ sẽ hỗ trợ DN hiện thực hóa các ý tưởng, cơ hội để tăng trưởng trong bối cảnh mới. Tại hội thảo, những giải pháp công nghệ tối ưu cũng đã được giới thiệu với các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp ĐMST, giúp các DN phát triển nhanh hơn, đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Ông Võ Hồng Kỳ cho biết ngày càng có nhiều DN quan tâm đến công nghệ bản sao số (digital twin). Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, trước khi nhà máy thực sự vận hành, DN cần có một mô hình “như thật” để thể hiện, lập trình trước nhằm đảm bảo hiệu quả khi đi vào vận hành. Vì thế, công nghệ bản sao số của Siemens được nhiều DN ứng dụng, giúp DN hình dung ra sản phẩm, thậm chí có thể nhận định về sản phẩm thực tế, về đầu ra thị trường.
Ngoài ra, tại Hội thảo, các DN cũng được cập nhật và trải nghiệm thực tế các giải pháp công nghệ mới nhất hiện nay như thiết kế cơ khí), thực tế ảo), thiết kế điện, mô phỏng sản phẩm, thiết kế khuôn, quản lý dữ liệu sản phẩm, quét 3D, mô phỏng quy trình), thiết kế và tối ưu hóa), Internet vạn vật,...