Bất cập game không phép và giải pháp
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:59, 23/03/2023
Bất cập game không phép và giải pháp
Game không phép đang gây tổn hại lớn không chỉ cho ngành game, theo đó cần có những giải pháp quyết liệt.
Thực trạng game không phép tại Việt Nam
Tại “hội nghị triển khai các giải pháp quản lý kênh than toán” ngày 23/3, thông tin về thực trạng game không phép tại Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT cho biết doanh thu ước tính năm 2022 của Việt Nam trong lĩnh vực game là hơn 500 triệu USD, trong đó game không phép chiếm 30%. Game không phép chủ yếu được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam qua hai chợ ứng dụng Google Play và Apple store.
Hàng trăm nghìn game không phép đang phát hành trên mạng tạo ra doanh thu 5.000 tỷ đồng/năm nhưng trốn thuế. Tại sao làm được điều đó, theo ông Lê Quang Tự Do, đó là do có các kênh thanh toán hỗ trợ cho game không phép. Đầu tiên là thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng và thẻ ATM. Người chơi quét QR để thanh toán và được nạp tiền thanh tiền ảo, sản phẩm ảo trong game. Thứ hai là qua In app - purchase (IAP). Trong đó, Google có 3 loại hình thanh toán: Ví điện tử (MoMo, ZaloPay, VTC Pay, MoMo chiếm thị phần lớn); thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ (MasterCard, Visa, Visa Electron); tài khoản viễn thông (Vinaphone, MobiFone, Viettel). Còn Apple có ví điện tử (MoMo, ShopeePay); thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ (MasterCard, Visa). Apple chưa hợp tác với nhà mạng để thanh toán qua tài khoản viễn thông.
Theo Cục PTTH&TTĐT, bất cập, hạn chế là việc thanh toán các game không phép rất dễ dàng bằng nhiều hình thức; các trung gian thanh toán không kiểm tra tính hợp pháp của game khi tiến hành giao dịch nạp game dẫn tới việc nạp tiền cho các game không phép, game cờ bạc, game vi phạm pháp luật; người dùng vẫn thiếu ý thức cảnh giác trong quá trình chọn lựa và sử dụng dịch vụ, ứng dụng (game).
Hậu quả là các trò chơi không phép vẫn tiếp tục được hỗ trợ và tràn lan tại Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) game trong nước teo tóp (không cạnh tranh được với game không phép, DN game nước ngoài hạn chế hợp tác phát hành với DN game trong nước mà phát hành xuyên biên giới để thu lợi nhiều hơn).
Đồng thời dẫn đến nguy cơ về an toàn thông tin, tuyên truyền các nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo, xuyên tạc lịch sử, thuần phong mỹ tục…; hướng dòng tiền chảy ra nước ngoài; thất thu thuế; ảnh hưởng tới quyền lợi của người chơi game. Người dùng nạp tiền nhưng họ không đảm bảo nội dung, đồi truỵ, phản cảm, xuyên tạc lịch sử, đường lưỡi bò cài cắm và tuyênt ruyền lệch lạc của một số nước thông qua văn hoá chơi game.
6 giải pháp
Để giải quyết những bất cập, hạn chế, Cục PTTH&TTĐT đề xuất 6 giải pháp gồm: định kỳ hàng tháng cập nhật, cung cấp thông tin cho các DN trung gian thanh toán danh sách các game đã được cấp phép, danh sách game không phép để các trung gian thanh toán đối chiếu, không thanh toán, kết nối thanh toán tới các game không phép.
Các trung gian thanh toán được đề nghị phải tuân thủ quy định pháp luật, không cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán cho các game không phép, game vi phạm pháp luật.
Cục PTTH&TTĐT sẽ tăng cường, rà quét phát hiện các game không phép, vi phạm pháp luật trên mạng; Phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định các kênh thanh toán đang cung cấp dịch vụ thanh toán cho các game không phép, vi phạm pháp luật; Xử lý nghiêm các trung gian thanh toán vi phạm.
Các nhà mạng sẽ được yêu cầu ngăn chặn đường truyền truy cập tới các website thanh toán vi phạm pháp luật; chặn đường truyền truy cập tới các website/ứng dụng cung cấp game vi phạm pháp luật Việt Nam.
Apple, Google được đề nghị không hợp tác với đơn vị trung gian thanh toán để thanh toán cho game trên các kho ứng dụng.
Cùng với đó, cơ quan báo chí giám sát, phát hiện và cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý các đơn vị trung gian thanh toán đang kết nối thanh toán hoặc hỗ trợ thanh toán cho các game không phép. Địa chỉ tiếp nhận thông tin về thanh toán cho game không phép: www.game.gov.vn.
Xử lý nghiêm các đơn vị tín dụng, trung gian thanh toán không tuân thủ pháp luật
Trước những bất cập trong việc thanh toán game không không phép, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết các bộ, ngành có trách nhiệm quản lý về loại hàng hoá theo thẩm quyền. Các chợ như Google Play và Apple Store giống như các siêu thị của Việt Nam nên hàng hoá được đặt trong đó, được bán và người mua đến mua thì phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, hợp lệ của loại hàng hoá đó. Hàng giả, không có bản quyền… liên quan đến thẩm quyền của các bộ, ngành liên quan thì phải quản lý.
Theo số liệu của Cục PTTH&TTĐT, Google đã gỡ 294 game cờ bạc, đổi thưởng, game bạo lực, game không phép; Apple đã gỡ 90 game cờ bạc, đổi thưởng, không phép; dừng hoạt động 543 trang web có dấu hiệu cung cấp các game không phép, game cờ bạc, đổi thưởng. Như vậy, Cục PTTH&TTĐT đã ngăn chặn được ngay từ đầu, từ nguồn và thẩm quyền của cơ quan quản lý để không thể thanh toán.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị Bộ TT&TT công bố kịp thời, thường xuyên danh sách website, ứng dụng bất hợp pháp trên mạng, số tài khoản thanh toán, ví điện tử được phát hiện trong các hướng dẫn quảng cáo website, ứng dụng bất hợp pháp. NHNN nhận được danh sách của Bộ TT&TT sẽ có chỉ đạo hàng tuần đến các tổ chức trung gian thanh toán, tín dụng nào cố tình thanh toán cho các game bất hợp pháp thì sẽ xử lý thích đáng.
Cách tiếp cận mới về quản lý ngành game
Tại Hội nghị các tổ chức trung gian thanh toán, ngân hàng hoan nghênh các giải pháp của Bộ TT&TT và cho biết sẽ tuân thủ nghiêm các quy định.
Trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết ngành game là ngành nhưng giá trị gia tăng của phía Việt Nam cho ngành là không cao. Gần 90% game là game nhập khẩu và xin phép, còn game không phép trên mạng còn lớn hơn nữa. Một số nước láng giềng thay đổi chính sách, siết chặt quản lý game và tràn sang nước ta. Công nghệ hiện nay cho phép xuyên biên giới nên trải nghiệm người dùng chưa bao giờ tự do, thoải mái như hiện nay. Chỉ cần trả tiền là được.
Thứ trưởng cũng cho rằng bản thân nội lực của ngành game yếu, mới chủ yếu là phát hành, nhiều đơn vị game làm cũng làm trung gian thanh toán, không có nhiều lợi thế. Làm game nhiều chi phí, vòng đời ngắn. 100 game thì chỉ có 1-2 game thành công, rồi lại chịu cạnh tranh không lành mạnh, các trung gian thanh toán lại tiếp tay cho thanh toán không phép.
Trong lúc đó, nhận thức về game còn nhiều vấn đề. Khi nói về game vẫn tạo ra nhiều sự lo lắng và mang tiếng oan. Cách tiếp cận về game hiện nay rất khác, như mô hình đào tạo mới dùng nhiều đến game theo xu hướng game hoá một số phương thức giao tiếp, đào tạo, bổ trợ cho nhau.
Với việc thanh toán game không phép qua thanh toán trung gian, Thứ trưởng cho rằng đây là rủi ro sát nút cho các tổ chức trung gian thanh toán Việt Nam. Trong những năm qua, bài học rút ra là phải quản trị rủi ro với một tâm thế hoàn toàn khác, phải nghiêm túc hơn rất nhiều.
Giấy phép trung gian thanh toán được NHNN cấp quản lý rất chặt chẽ nên các công ty tham gia lĩnh vực này đầu tư, có lợi thế và nắm thị trường lớn như MoMo. Theo đó, Thứ trưởng cho rằng khi đã xác lập các ngôi vị thì các công ty càng lớn càng phải tuân thủ với trách nhiệm lớn đặt lên đầu tiên.
Ngành game muốn phát triển lành mạnh thì phải gạt bỏ những rủi ro cho chính ngành. Ngành game đại diện cho ngành nội dung số, có những lẫn lộn trắng, đen và những đơn vị làm đen thì lại phát triển nhanh, giàu lên và nhiều giải pháp đối phó với quản lý nhà nước, gây hại hệ sinh thái này.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Bộ TT&TT đang tiến hành nhiều giải pháp quản lý đồng bộ để luật pháp nghiêm minh và trên cơ sở đó mới hỗ trợ tốt cho ngành. Bên cạnh đó, ngành game cần ý thức và truyền thông tốt về ngành và không đưa ra thông điệp gây nhiễu. DN phát triển phải dựa trên lợi thế của mình. Bộ TT&TT cũng sẽ công bố danh sách các game có phép, không phép, cổng trung gian thanh toán tuân thủ và không tuân thủ pháp luật trên truyền thông đại chúng”./.