Đà Nẵng sử dụng Kho kết quả TTHC số để cung cấp dịch vụ công “nâng cao”
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:39, 30/03/2023
Đà Nẵng sử dụng Kho kết quả TTHC số để cung cấp dịch vụ công “nâng cao”
Sở TT&TT Đà Nẵng triển khai hướng dẫn sử dụng Kho kết quả thủ tục hành chính (TTHC) số để thay thế một số giấy tờ người dân, tổ chức phải nộp trong sử dụng TTHC và cung cấp dịch vụ công (DVC) “nâng cao”.
Cấm cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ thực hiện TTHC trái hoặc không có quy định
Theo Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 07/3/2023 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương “Đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết và nâng cao chất lượng, triển khai thực chất các DVC trực tuyến (DVCTT); Nhanh chóng áp dụng DVCTT toàn trình đối với các TTHC có tần suất sử dụng cao và đủ điều kiện; Tích cực hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp (DN) sử dụng DVCTT.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giao Giám đốc các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện tích cực rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cắt giảm các TTHC rườm rà, không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC của người dân và DN; đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ; Không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh; Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức đưa ra các yêu cầu bổ sung về hồ sơ, giấy tờ thực hiện TTHC trái hoặc không có quy định.
Đồng thời, các Sở, ban ngành, quận, huyện đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết và nâng cao chất lượng, triển khai thực chất các DVCTT; Nhanh chóng áp dụng DVCTT toàn trình đối với các TTHC có tần suất sử dụng cao và đủ điều kiện; Tích cực hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn người dân, DN sử dụng DVCTT.
Theo Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 04/3/2023 của UBND thành phố về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn TP. Đà Nẵng năm 2023 với chủ đề “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, trong đó, xác định một số tiêu chí liên quan đến sử dụng kết quả TTHC như: Đạt 100% tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC; Tỷ lệ TTHC được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số đạt từ 5% - 20%; Tỷ lệ DVC cấp lại, cấp đổi được thực hiện ngay trong ngày (đối với các thủ tục không yêu cầu xác minh thực tế) đạt từ 30% - 100%; Ít nhất 05 Kết quả giải quyết TTHC (số) được sử dụng lại.
Tiếp đó, theo công văn số 1364/UBND-KSTT ngày 23/3/2023 của UBND thành phố về tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ DVCTT năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã; Các sở ngành, địa phương rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo (nộp) trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu số, hoàn thành trong tháng 6/2023.
Không yêu cầu người dân, DN nộp bản giấy/thành phần hồ sơ giấy đã có trong Kho
Kho kết quả TTHC số (gọi tắt là Kho) chứa dữ liệu và tệp (file) kết quả TTHC số có giá trị pháp lý như bản giấy; chia sẻ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC và người dân, DN (đã sử dụng TTHC) để sử dụng lại.
Kho có 02 phân hệ chính: (1) Phân hệ tự động nhận kết quả TTHC phát sinh mới và đã ký số từ phần mềm Một cửa điện tử sau khi hồ sơ được xác nhận hoàn thành; (2) Phân hệ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC số hoá kết quả TTHC trước đây.
Kho kết quả TTHC số kết nối với Hệ thống giải quyết TTHC (Hệ thống một cửa điện tử, Cổng DVC), với Kho dữ liệu số người dân (Nền tảng công dân số).
Để các cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP. Đà Nẵng về nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT đảm bảo thuận lợi cho người dân, tổ chức theo hướng giảm thông tin phải khai báo/xuất trình, giấy tờ người dân phải nộp, Sở TT&TT Đã Nẵng đã ra hướng dẫn sử dụng Kho kết quả TTHC số.
Để cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai nhiệm vụ, Sở TT&TT Đà Nẵng đề nghị cơ quan, địa phương, đơn vị xem xét, thực hiện một số công việc cụ thể.
Đầu tiên là cơ quan, địa phương, đơn vị cử cán bộ về Sở TT&TT để phân quyền sử dụng chức năng số hoá kết quả TTHC lên Kho và phân quyền đại diện lãnh đạo để thống kê, giám sát tình hình, kết quả thực hiện, dữ liệu phát sinh của cơ quan mình.
Thứ hai, triển khai hoàn thiện, cập nhật TTHC số vào Kho bảo đảm 100% kết quả TTHC phát sinh mới phải được ký số trên Hệ thống eGov để được chuyển vào Kho; Có kế hoạch tổ chức số hoá TTHC trước trước đây lên Kho; phân công cán bộ để thường xuyên kiểm tra kết quả TTHC đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, ....
Thứ ba, triển khai sử dụng Kết quả TTHC số để thay thế một số giấy tờ phải nộp và cung cấp DVC “nâng cao” cho tổ chức, công dân. Theo đó, sẽ rà soát, cắt giảm các TTHC rườm rà, không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC, đảm bảo:
- Huỷ, bỏ các TTHC cấp lại do hư hỏng, mất,.. do kết quả TTHC số có giá trị pháp lý đã được lưu trữ trong Kho kết quả TTHC (ví dụ các TTHC cấp lại Giấy chứng nhận, giấy... của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Chi cục Thủy sản, UBND quận huyện ...);
- Sử dụng lại kết quả TTHC số đã có trong Kho để thực hiện cấp đổi ngay trong ngày đối với TTHC đã cấp trước do thay đổi địa điểm v.v... (ví dụ TTHC: Cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm khi có thay đổi về tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm và không thay đổi nội dung quảng cáo; Cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bán lẻ điện đến cấp điện áp 0,4kv tại địa phương... của Sở Y tế, Sở Công Thương ...);
- Không yêu cầu người dân, DN phải nộp bản giấy/thành phần hồ sơ giấy (đầu vào là kết quả TTHC số đã có trong Kho) khi thực hiện các TTHC khác;
- Cung cấp DVCTT toàn trình (Mức độ 4 trước đây) đối với các DVCTT cần người dân, DN phải đến bộ phận một cửa để xác minh mà dữ liệu đối chiếu đã có sẵn trong Kho.
Mã QR sẽ được cấp, gắn cho kết quả TTHC số sẽ được triển khai (DVCTT “nâng cao”) để thuận lợi trong sử dụng, kiểm tra; ưu tiên đối với các TTHC liên quan đến thi công, giao thông cần có kiểm tra, giám sát. Theo đó, DVCTT “nâng cao” khi triển khai sẽ mang lại những thuận lợi như với người dân, lưu giữ trong tài khoản số, điện thoại và xuất trình kết quả gắn QR Code khi cơ quan nhà nước kiểm tra trên ứng dụng di động (app mobile) (như xuất trình Giấy đi đường QR Code trước đây), không cần qua công chứng lưu giữ bản giấy.
Trong khi đó, cán bộ kiểm tra, thanh tra thực tế sử dụng điện thoại/App Mobile quét QR để xác minh giấy phép. Cơ quan nhà nước giám sát, thống kê được việc đi kiểm tra, thanh tra thực tế của cán bộ được giao nhiệm vụ.
Hiện nay, chức năng phần mềm gắn mã QR trên Kết quả TTHC đã sẵn sàng, Ban An toàn thực phẩm thành phố đã triển khai cho 09 TTHC, Sở Giao thông vận tải đã triển khai cho 04 TTHC (trong đó TTHC cấp giấy phép thi công cấp nước, đang phân cấp cho UBND quận, huyện thực hiện).
Thúc đẩy nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả DVCTT
Để thúc đẩy cung cấp, sử dụng DVCTT, Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả DVCTT. Bên cạnh ban hành nhiều văn bản giao chỉ tiêu DVCTT gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, Đà Nẵng cũng yêu cầu các cơ quan giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến, giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.
Đà Nẵng cũng đã triển khai chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng nhằm cải tiến chất lượng DVCTT, điển hình là Nền tảng Công dân số TP. Đà Nẵng.
Với nền tảng này, mỗi người dân thành phố có một tài khoản công dân số và Kho dữ liệu trên Hệ thống để sử dụng DVC, tiện ích của chính quyền, giúp giảm thành phần hồ sơ. Hồ sơ công dân số do người dân đăng ký và được hệ thống cấp phát tài khoản nhằm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ trong quá trình sử dụng DVC. Tài khoản công dân số do công dân quản lý để sử dụng các dịch vụ, không phải khai báo lại hoặc không nộp thêm thành phần hồ sơ đã có; sử dụng thông tin, dữ liệu, kết quả TTHC số của mình để nộp hồ DVC các lần sau.
Ngoài ra, mỗi người dân có 01 mã QR duy nhất theo chuẩn quốc gia các thông tin được mã hóa để sử dụng trong các giao dịch DVC như: dịch vụ với chính quyền, DN: điện, nước, môi trường, y tế, giáo dục, ngân hàng; kiểm soát vào/ra...
Về tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ DVCTT của các cơ quan, địa phương tính đến ngày 8/3/2023, theo Sở TT&TT, Đà Nẵng có số DVC phát sinh hồ sơ trực tuyến là 470/509 DVC có hồ sơ trực tuyến, chiếm tỷ lệ 92%, cao hơn so với mức trung bình toàn quốc (80%).
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tính chung toàn thành phố đạt tỷ lệ 92%, tăng 19% so với cuối năm 2022 và cao hơn 1,6 lần so với mức trung bình toàn quốc (55,84%). Trong đó:
Khối các cơ quan cấp thành phố có 41/44 cơ quan đạt tỷ lệ trên 65%, đặc biệt có 32/44 cơ quan có tỷ lệ 100%; 03/44 cơ quan còn lại là đơn vị sự nghiệp, và mới triển khai từ tháng 11/2022 gồm: Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng, Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà, Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị.
Các quận, huyện đều có tỷ lệ đạt trên 80%. Khối UBND phường xã đã có 52/56 địa phương đạt tỷ lệ trên 65%, chỉ còn 04 phường chưa đạt./.