Fujitsu “hái quả ngọt” nhờ ĐMST và chuyển đổi thành doanh nghiệp CĐS
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 06:06, 31/03/2023
Fujitsu “hái quả ngọt” nhờ ĐMST và chuyển đổi thành doanh nghiệp CĐS
Sau 5 năm đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số (CĐS), Fujitsu đã tìm ra giá trị bền vững và vươn mình trong top 10 thế giới về các giải pháp, dịch vụ CNTT và tích hợp.
Chuyển đổi thành DN CĐS để đóng góp cho xã hội phát triển bền vững hơn
Theo ông Bùi Đức Tân, Giám đốc công nghệ Fujitsu Việt Nam, Fujitsu thành lập năm 1935, hiện đã có 124.200 nhân viên và có các công ty thành viên tại 180 nước trên thế giới. Fujitsu hiện đang là tập đoàn số 1 Nhật Bản và đứng trong top 10 của thế giới về các giải pháp và sản phẩm dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin (CNTT) và tích hợp.
Fujitsu Việt Nam thành lập vào năm 1999 với mục tiêu ban đầu là để phục vụ các giải pháp công nghệ cho những DN Nhật muốn xây dựng nhà máy hoặc các DN Nhật Bản mở tại Việt Nam. Sau đó, Fujitsu Việt Nam đã mở rộng phát triển thêm các giải pháp công nghệ dịch vụ cho DN trong nước và khối chính phủ, ngân hàng và viễn thông.
Trong 5 năm trở lại đây, Fujitsu đã đề ra chiến lược ĐMST chuyển đổi từ DN CNTT và truyền thông (Information & Communications Technologies - ICT) sang DN CĐS. Theo đó, ngoài việc sáng tạo công nghệ mới, Fujitsu sẽ phải thấu hiểu nhu cầu khách hàng và ứng dụng công nghệ để CĐS cùng với họ, nhằm đem lại giá trị cho các DN cũng như giúp xã hội phát triển bền vững, có chất lượng sống tốt hơn.
Lý giải cho sự thay đổi này, theo ông Tân, Fujitsu thấy rằng cần phải nhìn nhận về giá trị đích thực để có thể đóng góp và giúp xã hội ngày càng phát triển bền vững, thịnh vượng hơn. Do đó, công ty đã đưa ra một khái niệm mới là Uvance - xu thế mỗi DN có giá trị riêng và tối ưu giúp cho xã hội ngày càng phát triển bền vững.
Trong quá trình chuyển đổi sang một DN CĐS, Fujitsu đã đầu tư nhiều tỷ USD để ĐMST ngay trong nội bộ tập đoàn. Để có thể thay đổi tư duy, từ nhân viên cho đến lãnh đạo công ty đều phải trải qua những khóa đào tạo về tư duy thiết kế (design thinking)… Tiếp theo, Fujitsu đã đầu tư vào hệ thống công nghệ để có thể tổng hợp, trao đổi thông tin giữa tất cả thành viên trong tập đoàn ở khắp nơi trên thế giới một cách nhanh chóng và xuyên suốt nhất.
“Fujitsu quan niệm rằng việc kết nối là nòng cốt để tạo ra sự giao tiếp với các đơn vị thành viên và giúp nâng cao hiệu suất trong quá trình làm việc”, ông Tân chia sẻ.
Để rồi, kết quả của sự thay đổi này là Fujitsu đã có được rất nhiều giải pháp và khách hàng trên thế giới liên quan đến nhiều lĩnh vực bao gồm nhà máy thông minh, y tế thông minh, trí tuệ nhân tạo, học máy,… thậm chí hệ thống siêu máy tính của công ty có thể giả lập ra chuỗi ADN của con người, xử lý dữ liệu lớn.
Về kế hoạch trong thời gian tới, Fujitsu sẽ tập trung vào việc lắng nghe nhiều hơn nhu cầu về mô hình kinh doanh của khách hàng. Để từ đó có thể ứng dụng công nghệ đem lại giá trị đích thực cho khách hàng.
Liên tục ĐMST là chìa khoá để giải quyết những rào cản khi chuyển đổi
Chia sẻ về quá trình ĐMST trong nội bộ tập đoàn, theo ông Tân, Fujitsu đã gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên, là một tập đoàn rất lớn với hơn 124.200 nhân sự cùng rất nhiều quy trình, tư duy truyền thống. Do đó, để thay đổi được tư duy sẽ phải đòi hỏi quá trình đào tạo và chuyển đổi trong chính mỗi thành viên cũng như ban lãnh đạo của Fujitsu, nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội.
Bước tiếp theo, Fujitsu đã tái cấu trúc lại toàn bộ mô hình theo hướng toàn cầu hoá. Bởi vì, Fujitsu có rất nhiều công ty thành viên trên thế giới. Trước đây mỗi đơn vị hoạt động độc lập với nhau nhưng hiện nay, sau khi cấu trúc lại, các công ty thành viên đã được liên thông một cách chặt chẽ, kết nối với nhau xuyên suốt và mang tính toàn cầu hoá toàn diện hơn, cho dù ở Nhật, châu Âu, Mỹ hay cả Việt Nam…
Rào cản thứ hai là tìm được giá trị bền vững, giá trị đích thực của từng thành viên cũng như của Fujitsu trên toàn thế giới. Để giải quyết được vấn đề này, Fujitsu không chỉ tập trung phát triển công nghệ của riêng mình mà còn kết hợp với tất cả các đối tác trên thế giới để tìm ra giá trị của mình, qua đó tạo ra hệ sinh thái về giải pháp, sản phẩm mang tính bền vững cho công ty.
“Thay vì mải mê trên những giải pháp công nghệ rồi nghĩ mình đứng đầu, trong 5 năm vừa qua, chúng tôi đã có rất nhiều đổi mới về mặt tư duy, cách làm, về mặt cấu trúc tổ chức cũng như tìm ra được giá trị về mặt công nghệ và giá trị đem lại cho xã hội”, ông Tân nói.
Ngoài ra, do là tập đoàn công nghệ, Fujitsu đã biết áp dụng các công nghệ tiên tiến để giúp cho quá trình CĐS có những thuận lợi nhất định. Ví dụ như trong quá trình trao đổi thông tin giữa tất cả công ty thành viên, nhờ có những giải pháp công nghệ tiên tiến tập đoàn và các đối tác, Fujitsu đã xây dựng được nền tảng liên thông One ERP cho toàn bộ hoạt động. Nhờ đó, rất nhiều hệ thống CNTT trong tập đoàn Fujitsu được liên kết với nhau và hoạt động một cách trơn tru, cũng như hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định kịp thời và nhanh chóng hơn.
Chia sẻ về bài học sau quá trình chuyển sang DN ĐMST của Fujitsu, ông Tân cho rằng, đến từ chính câu chuyện của Kodak, dù là một ông lớn trong ngành phim và xử lý hình ảnh nhưng mải mê trên chiến thắng quá lâu và không tìm cách thay đổi theo thị hiếu và yêu cầu của thị trường nên đã chậm thay đổi và dẫn đến thất bại. Với Fujitsu, tập đoàn đã nhìn ra điểm hạn chế của mình và thấy rằng cần phải thay đổi, ĐMST mạnh mẽ hơn nữa. Vì vậy, trong vòng 5 năm vừa qua Fujitsu đã đầu tư rất lớn trong việc đào tạo con người, R&D, xây dựng hệ thống nội bộ để có thể cùng CĐS với khách hàng.
Nhiều rào cản để DN Việt có thể ĐMST bền vững
Đánh giá về quá trình ĐMST của các DN Việt, Giám đốc công nghệ Fujitsu Việt Nam cho rằng, các công ty công nghệ trong top đầu của Việt Nam đã rất tích cực thay đổi, cơ cấu lại tổ chức… cùng với việc sử dụng nền tảng liên thông, quản trị nội bộ một cách bài bản để đáp ứng nhu cầu của người dùng cũng như hướng ra toàn cầu.
Tuy nhiên, còn rất nhiều các DN Việt gặp những hạn chế nhất định trong việc ĐMST. Đầu tiên, đó là việc tổ chức quy trình mang tính bền vững và quy củ xuyên suốt từ phòng ban cho đến toàn bộ công ty.
Một rào cản khác của các đơn vị trong quá trình ĐMST liên quan đến vấn đề về mặt công nghệ, khi mà việc quảng bá các giải pháp ra thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Tiếp theo, các nền tảng cần mang tính chất cộng đồng nhiều hơn, để có thể tạo ra giá trị và giúp ích cho xã hội, thay vì cạnh tranh, kéo giá sản phẩm đi xuống.
“Tôi cũng rất mong các DN, đặc biệt là các DN trẻ và đội ngũ trẻ của Việt Nam có thêm được những diễn đàn, môi trường sân chơi giao lưu học hỏi lẫn nhau”, ông Tân chia sẻ.
Như vậy, có thể thấy, Fujitsu là một trong những bài học kinh nghiệm (case study) điển hình, thay vì “ngủ quên trên chiến thắng” như Kodak thì đã có sự đầu tư, chuyển mình phù hợp thành một DN CĐS theo xu hướng của thị trường để hái về “những quả ngọt”.
Những thông tin về xu hướng thị trường và ĐMST mới nhất giúp DN bứt phá trong năm 2023 hiện đã có trong Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST Mở Việt Nam năm 2022 có thể đọc tại đây: http://ldp.to/OI22-News
Báo cáo được thực hiện bởi Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP, dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và DN Khoa học và Công nghệ (NATEC) - Bộ Khoa học và Công nghệ./.