Hỗ trợ DN nội dung số khai thác thị trường quốc tế, mở rộng kinh doanh ra nước ngoài

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 16:52, 31/03/2023

Trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ có nhiều hoạt động cả trong nước lẫn quốc tế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.
Doanh nghiệp số

Hỗ trợ DN nội dung số khai thác thị trường quốc tế, mở rộng kinh doanh ra nước ngoài

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ có nhiều hoạt động cả trong nước lẫn quốc tế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.

Ngày 31/3/2023 tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số (NDS).

Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 DN NDS hàng đầu Việt Nam, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Bộ TT&TT nhằm hỗ trợ DN công nghệ số, DN NDS, mở rộng thị trường và khai thác hiệu quả hơn các cơ hội cho sản phẩm, dịch vụ NDS của Việt Nam ở các nước.

Nhiều hoạt động hỗ trợ DN công nghệ số ra nước ngoài

Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nhờ tư duy sáng tạo, các DN Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển và vươn ra thế giới, đặc biệt trong mảng phát triển phần mềm, NDS. Tại hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT, đã thông tin về những định hướng, chính sách phát triển ngành công nghiệp ICT của Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ các sản phẩm Make in Việt Nam và DN NDS Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu. 

anh-2.jpg
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội nghị

Ông Triệu Minh Long cũng chia sẻ bài học kinh nghiệm của những DN Việt Nam điển hình đã ra nước ngoài thành công như FPT và Viettel. Theo ông Long, đây là hai DN công nghệ nổi bật của Việt Nam đã có chiến lược ra nước ngoài ngay từ giai đoạn bắt đầu phát triển, chứ không chờ đến khi DN đã vững mạnh về các nguồn lực tài chính và con người. Tùy thuộc vào nguồn lực, vào chiến lược sản phẩm, kinh doanh, mỗi DN đều có cách làm khác nhau. 

Chẳng hạn, Viettel thường nhắm đến những khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, những nơi mà các tập đoàn lớn, đối thủ cạnh tranh bỏ qua hoặc chưa tiếp cận, từ đó Viettel hiện diện, dần xây dựng và đi lên, phản ánh rõ chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” của Viettel. Trong khi đó, FPT nhắm đến những thị trường mạnh như Nhật, Mỹ để ra nước ngoài.

Điều đáng nói, đây đều là những DN vun đắp chiến lược ra nước ngoài ngay trong quá trình xây dựng, phát triển kinh doanh. Bài học thành công và kinh nghiệm của các DN công nghệ số đã đi ra thế giới như Viettel, FPT được đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh, cũng như đề cập đến các hoạt động dẫn dắt, hỗ trợ của các DN đi trước đối với các DN đi sau.

Cơ hội từ chính sách nước ngoài và tiềm năng tiếp cận các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… cũng đã được trao đổi tại Hội nghị. Theo thông tin được lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế chia sẻ, hiện nay có hơn 450.000 người Việt Nam tại Nhật Bản. Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang Nhật Bản hàng hóa, dịch vụ trị giá 24,2 tỷ USD. Đáng chú ý, Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực CNTT. Nhiều DN CNTT Việt Nam hiện cũng đã có mặt tại Nhật Bản.

Trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ có nhiều hoạt động cả trong nước lẫn nước ngoài nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam mở rộng kinh doanh ra thế giới. Mới đây, vào ngày 23/2 tại Hà Nội, Hội nghị Đưa DN số Việt Nam ra thế giới đã được tổ chức.

Trong thời gian tới, một số hoạt động hội nghị, hội thảo cũng sẽ được Bộ TT&TT tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tăng cơ hội giao lưu, tương tác cho các DN, như Diễn đàn quốc tế về xúc tiến đầu tư, kinh doanh số được tổ chức vào tháng 8/2023 bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến; Tuần lễ số quốc tế 2023 (Vietnam International Digital Week) diễn ra vào tháng 10/2023 tại Hà Nội.

anh-1.jpg
Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 DN NDS hàng đầu Việt Nam, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành.

Để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho DN, Bộ TT&TT đã thành lập Tổ tư vấn gồm đại diện của các bộ, ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, đại diện một số hiệp hội chuyên ngành và một số tập đoàn, DN đã có kinh nghiệm đi ra thế giới. Tổ tư vấn sẽ tập trung hỗ trợ cung cấp thông tin, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, kinh doanh, kết nối DN với các đối tác nước ngoài hỗ trợ xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình kinh doanh tại nước ngoài.

Thúc đẩy ngành công nghiệp NDS bằng các chính sách ưu đãi 

Tại phiên thảo luận về khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo NDS, ông Triệu Minh Long cho rằng chính sách thuế của Việt Nam đang rất hấp dẫn, cả với DN trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Long cũng khuyến nghị các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực NDS có thể chuyển hướng kinh doanh sang nước ngoài. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế tin tưởng, nhờ lợi thế ở khả năng đáp ứng nhanh, nhạy, DN Việt Nam đủ sức đưa những sản phẩm nội dung “Made in Viet Nam” ra quốc tế nhiều hơn.

Việt Nam được đánh giá có lợi thế rất lớn để phát triển công nghiệp NDS nhờ dân số trẻ, năng động và tính sáng tạo cao, đặc biệt hạ tầng viễn thông, Internet phát triển. Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT - Truyền thông, Bộ TT&TT cho biết, lĩnh vực sáng tạo NDS đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và có doanh thu khoảng 800 triệu USD vào năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng như việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, ông Nghĩa cho rằng cơ quan quản lý cần có những chính sách ưu đãi về thuế, cả thuế thu nhập cá nhân lẫn thuế thu nhập DN, để duy trì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, cũng như giữ chân các chuyên gia.

Đặt sứ mệnh kết nối DN, cá nhân trong ngành NDS, công nghệ thông tin và truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam hy vọng những nhà sáng tạo nội dung sẽ được hưởng ưu đãi về chính sách như lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao, tạo điều kiện tốt để các DN phát triển, vươn mình ra quốc tế. Đặc biệt, nhà nước xem xét hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp NDS với các chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực… 

Anh Minh