CĐS trong quản lý chuỗi cung ứng: 4 mục tiêu chính của DN
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:58, 01/04/2023
CĐS trong quản lý chuỗi cung ứng: 4 mục tiêu chính của DN
Sau “cú sốc” gián đoạn vì đại dịch COVID-19 và các nguyên nhân địa chính trị khác, chuỗi cung ứng bây giờ đã trở thành “nhân vật chính” của nền kinh tế, chuyển từ chức năng hậu trường sang yếu tố tiên quyết, tác động đến khả năng thành bại của một doanh nghiệp (DN).
Đối với câu chuyện chuyển đổi số (CĐS) của DN, ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc Tư vấn CĐS của FPT Digital, khẳng định xây dựng một lộ trình chuyển đổi sẽ có rất nhiều bước nhưng điều quan trọng là DN cần xác định trọng tâm trong quá trình chuyển đổi, làm thế nào để những trọng tâm đó thực sự phù hợp với nguồn lực hiện tại của DN, kể cả con người lẫn tài chính và sau đó phải có sự liên thông kết nối giữa các phòng ban trong đơn vị, từ khâu lập kế hoạch cho tới thực thi kế hoạch. Đó là sự liên thông về quy trình, nghiệp vụ cũng như dữ liệu. Có như vậy, bộ máy tổ chức mới thực thi chiến lược đến kết quả thành công.
Ngoài ra, chiến lược không phải là một cái gì đó cố định, mà như ông Vương Quân Ngọc nhấn mạnh, DN phải có sự linh hoạt để thích ứng với những sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, bởi vì, thị trường hiện nay biến động rất lớn về mặt vĩ mô lẫn quy mô.
Quản lý chuỗi cung ứng là một nhiệm vụ quan trọng với các DN nhưng cũng là công việc vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp hậu cần giữa các bộ phận và giữa các công ty. Hiện nay, các tập đoàn, DN sản xuất và cung ứng đều đầu tư khá nhiều để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng, tránh đứt gãy và đảm bảo năng suất và doanh thu cho DN.
Chuỗi cung ứng đã trở thành “nhân vật chính” của nền kinh tế
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, ngay cả những chuỗi cung ứng hiện đại nhất cũng phải đối mặt với thách thức chưa từng có. Đó là nhu cầu hàng hóa và dịch vụ thay đổi nhanh chóng, nguồn cung ứng các nguyên vật liệu quan trọng bị gián đoạn, năng lực lao động và nguồn lực sản xuất và logistics bị hạn chế nghiêm trọng.
Tất các các yếu tố này, cộng với những yếu tố khác nữa đã khiến tỉ lệ hài lòng của khách hàng, doanh thu của DN cũng như lợi nhuận giảm mạnh. Chính vì vậy, theo ông Trần Việt Dũng, chuyên gia tư vấn giải pháp SAP Việt Nam, chuỗi cung ứng bây giờ đã trở thành “nhân vật chính” của nền kinh tế, chuyển từ chức năng hậu trường sang yếu tố tiên quyết, tác động đến khả năng thành bại của một DN.
Sau “cú sốc” COVID-19 và nhiều yếu tố địa chính trị khác, giờ đây, các DN ngày càng thận trọng hơn về độ tin cậy và rủi ro của chuỗi cung ứng. Vì thế, xu hướng tìm nguồn ứng đa cấp, linh hoạt đã mở ra kỷ nguyên chuỗi cung ứng bền vững, tránh đứt gãy, đảm bảo năng suất doanh thu cho DN. Cụ thể hơn, chia sẻ trong chương trình DxTalks về chủ đề CĐS trong quản lý chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, ông Dũng cho rằng các DN cung ứng, logistics trên toàn cầu đang tập trung vào 4 mục tiêu sau khi tiến hành CĐS.
Mục tiêu thứ nhất là nhanh nhẹn hơn. Đó là sự nhanh nhẹn trong khả năng cảm nhận, dự đoán và phản ứng với những gián đoạn hay sự kiện bất ngờ. Sự nhanh nhẹn có thể đạt được bằng cách loại bỏ các khối biệt lập trong chuỗi cung ứng.
DN cần có một chuỗi cung ứng được kết nối không chỉ giữa các đơn vị vận hành trong tổ chức mà trong toàn bộ hệ sinh thái bao gồm khách hàng, nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và các đối tác khác. Hơn nữa việc cải thiện, lập kế hoạch bằng cách xem xét nhiều kịch bản cung ứng, bao gồm cả ngắn, trung và dài hạn sẽ giúp DN phản ứng nhanh với những thay đổi, giảm thiểu tác động đến DN.
Mục tiêu thứ hai là tăng năng suất, điều này có thể thực hiện thông qua tự động hóa các quy trình sản xuất và các quy trình khác trong DN, bằng việc ứng dụng các công nghệ thông minh như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), robotic, hay Internet vạn vật (IoT)…. Các công ty sản xuất phải đối mặt với thách thức tăng năng suất, sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu, chất lượng cao và trong bối cảnh nhu cầu khách hàng thay đổi liên tục. Để đối phó với những thách thức này, DN có thể tận dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi chuỗi giá trị của mình, thông thường là bắt đầu với sản suất thông minh.
Mục tiêu thứ ba là cải thiện kết nối trong hệ sinh thái. Để thành công, các công ty không chỉ dựa vào năng lực của mình trong 4 bức tường DN mà phải giao tiếp, cộng tác với một mạng lưới đối tác rộng lớn, kết nối với một loạt các mạng lưới kinh doanh trên các quy trình chuỗi cung ứng đầu cuối, cho phép cộng tác ở một mức độ cao hơn, khả năng nắm bắt thông tin tốt hơn về các nhà cung cấp, nhà sản xuất thiết bị máy móc, nhà cung cấp dịch vụ logistics và các đối tác kinh doanh khác. Điều này sẽ giúp DN điều phối quy trình, ra quyết định phù hợp hơn.
Mục tiêu cuối cùng là tính bền vững trong kinh doanh. Vận hành các phương thức kinh doanh bền vững có nghĩa là tối đa hóa việc tái sử dụng, giảm thiểu lãng phí vật liệu từ thiết kế sản phẩm cho đến vận hành, bảo trì, giảm thiểu lượng khí thải carbon mà DN gây ra môi trường, đồng thời bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của nhân viên. Việc đưa tính bền vững vào quy trình kinh doanh, ví dụ bằng cách đo lường mức độ phát thải carbon trong quá trình sản xuất và hậu cần, sẽ giúp DN đạt được mục tiêu này. Đây đang là xu thế ngày càng quan trọng trong toàn bộ hoạt động của chuỗi cung ứng.
Dịch chuyển từ “product-centric” sang tư duy “customer-centric”
Chuyên gia tư vấn giải pháp SAP Việt Nam cho rằng ở Việt Nam hiện nay, các DN đang tập trung nhiều vào hai yếu tố đầu tiên, đó là tăng cường tính nhanh nhẹn và tăng năng suất lao động. Hai yếu tố liên quan đến kết nối cộng đồng và đặc biệt là đảm bảo tính bền vững vẫn còn khá mới, DN chưa có nhiều sáng kiến, chưa được hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Trong khi đó, chia sẻ trong chương trình DxTalks về chủ đề CĐS trong quản lý chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, ông Đoàn Hữu Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), cho biết VNPost luôn quan niệm CĐS là quá trình chuyển đổi một cách toàn diện từ tư duy mục đích, cách thức hành động, lấy khách hàng là trọng tâm và trải nghiệm của khách hàng là ưu tiên hàng đầu. VNPost đã thay đổi, dịch chuyển từ tư duy lấy sản phẩm làm trung tâm (product-centric) sang tư duy lấy khách hàng làm trung tâm (customer-centric), từ đó có thể đáp ứng hiệu quả các nhu cầu thị trường trong quá trình CĐS.
Bên cạnh đó, ông Hậu cũng cho biết những quan điểm CĐS của VNPost, như xác định nhiệm vụ trọng yếu của toàn thể bộ máy chính trị của mỗi tổ chức, đặc biệt là sự vào cuộc của người đứng đầu. Người đứng đầu có sự cam kết và đồng hành cũng như bố trí nguồn lực, tổ chức mới có thể đến đích thành công. Ngoài ra, nhận thức đúng đắn về CĐS, về ý nghĩa của CĐS với mỗi một tổ chức là điểm mấu chốt để triển khai kế hoạch.
Chuyên gia tư vấn CĐS của FPT Digital, ông Vương Quân Ngọc, cũng đồng tình với tư duy lấy khách hàng làm trọng tâm. Theo ông, trải nghiệm khách hàng hiện nay đang có nhiều thay đổi và tác động lớn vào hoạt động quản trị chuỗi cung ứng. DN logistics phải bám theo sự thay đổi của khách hàng.
Ngoài ra, muốn đi xa thì đi cùng nhau, vì thế DN phải lựa chọn đối tác thật sự tin cậy, thấu hiểu chứ không chỉ lựa chọn những đối tác hiểu biết về công nghệ. Sâu xa hơn, để trở thành những DN đi đầu về chuyên môn, nghiệp vụ và kinh doanh sản xuất, DN cần những đối tác hiểu được bài toán của họ, mục tiêu kinh doanh của họ, hay cả những yếu tố xu hướng quan trọng như tính bền vững. Bởi vì, CĐS là một hành trình sẽ liên tục diễn ra, liên tục mang lại sự cải tiến cho DN./.