Chuyển đổi số để tỉnh Hải Dương phát triển nhanh, bền vững
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 22:29, 31/03/2023
Chuyển đổi số để tỉnh Hải Dương phát triển nhanh, bền vững
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) mong muốn tỉnh Hải Dương phát triển mạnh mẽ, đi đầu về chuyển đổi số (CĐS) để phát triển nhanh và bền vững.
Ngày 31/3, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hải Dương về CĐS. Tham dự buổi làm việc có các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp (DN) TT&TT như VNPT, VnPost, Viettel, Mobifone, VTC, MISA, FPT, VNG,...
CĐS đã bước đầu tạo ra sự thay đổi căn bản trong hoạt động chính quyền, người dân, doanh nghiệp (DN)
Ngày 26/03/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/3/2021 về CĐS giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện triển khai Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ngày CĐS quốc gia, Hải Dương đã ban hành Kế hoạch số 635/KH-UBND ngày 11/3/2022 của UBND tỉnh Hải Dương về việc tổ chức Ngày CĐS tỉnh Hải Dương năm 2022 và phát động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong Tỉnh tuyên truyền về CĐS nhằm nâng cao nhận thức của người dân và DN, nhất là đối với thế hệ trẻ của tỉnh.
Tỉnh đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “CĐS - Cơ hội và thách thức”, hơn 1.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Hoàn thiện và đưa ứng dụng Smart Hải Dương phục vụ người dân, đồng thời hướng dẫn người dân, DN sử dụng ứng dụng ngay tại sự kiện này. Hải Dương đã ban hành 19 văn bản về tình hình ứng dụng CNTT, CĐS của Tỉnh.
Thực hiện Nghị định 47/2020/NĐ-CP, tỉnh đã ban hành Kế hoạch và công bố 30 cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; trong đó có 09 ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối liên thông với các hệ thống của bộ, ngành Trung ương qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng về CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đã được quan tâm thực hiện. Các sở, ngành, địa phương trong năm 2022 đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng được 2.400 CBCCVC về CĐS, an toàn thông tin; 2.500 thành viên tổ Công nghệ số cộng đồng về kỹ năng số. Hơn 500 lượt cán bộ nông nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất và nông dân được tập huấn về CĐS, cách thức đưa sản phẩm nông nghiệp, OCOP lên sàn thương mại điện tử; 162.505 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số;…
Tỉnh đã xây dựng chuyên mục riêng về CĐS tại địa chỉ https://chuyendoiso.haiduong.gov.vn, đến nay đã đăng 80 tin bài và 45 văn bản. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương, Cổng thông tin điện tử tỉnh tích cực xây dựng chuyên mục về CĐS và thường xuyên đưa tin bài về các hoạt động cũng như mô hình điển hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh (tần suất 1 lần/tháng).
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sát sao trong công tác thực CĐS của tất cả các ngành, các lĩnh vực; tạo sức lan tỏa trong tất cả hoạt động của đời sống xã hội và bước đầu đã tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và DN. Theo báo cáo chỉ số đánh giá CĐS cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021) tỉnh Hải Dương tiếp tục duy trì vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành phố (thứ hạng không thay đổi so năm 2020).
CĐS để phát triển nhanh và bền vững
Với những kết quả bước đầu về CĐS tại Hải Dương, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan và cho biết tỉnh Hải Dương là một trong những tỉnh sớm nhất có ngày CĐS là ngày 26/3 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày CĐS Quốc gia - ngày 10/10.
Tỉnh Hải Dương cũng là một trong những tỉnh sớm tuyên bố chiến lược phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, CĐS. Dân số của tỉnh cũng là tỉnh lớn với gần 1 triệu dân, có lực lượng DN đông đảo với 5000 DN. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: “CĐS tỉnh Hải Dương có đi đầu, mạnh mẽ, thành công hay không là do người đứng đầu. CĐS không thể chỉ giao cho Sở TT&TT”.
Theo Bộ trưởng, “CĐS khác với CNTT. CNTT mà yếu thì gõ Giám đốc Sở TT&TT. CĐS phải là người đứng đầu, sau đó mới đến các Giám đốc Sở vì CĐS liên quan đến các ngành. Trong CĐS ngành thì Giám đốc Sở, giống như bộ trưởng ngành ở tỉnh nên đề nghị các đồng chí giám đốc Sở ngành tích cực, mạnh mẽ”.
Bộ trưởng mong muốn và đề nghị tỉnh Hải Dương có kế hoạch tổng thể về những công việc mong muốn thực hiện, tường minh các công việc CĐS. Khi tỉnh đầu tư cho CĐS phải lượng hoá giá trị tạo ra để so sánh với khoản đầu tư cho CĐS. Nếu giá trị dương thì việc triển khai rất yên tâm.
Bộ trưởng cũng cho rằng: “CĐS có khác biệt là khi CĐS thì nhân viên, công chức, người dân được hưởng lợi. CĐS phải mang lại những lợi ích, giá trị cho người dân, người dùng cuối nhiều hơn là cho người quản lý”.
Cũng theo Bộ trưởng, CĐS thực sự thì không có quốc gia nào, tổ chức nào có thể nói giỏi hơn nước khác, tổ chức khác. Kể cả việc tiếp cận CĐS của các quốc gia cũng khác nhau, ví dụ như nước Đức không có từ CĐS mà chỉ có từ sản xuất thông minh vì Đức mạnh về sản xuất. Còn nước Anh chỉ chú trọng vào kinh tế số. Mỹ thì chỉ tập trung vào nền tảng số xuyên quốc gia, các nền tảng cỡ lớn và các công nghệ nền tảng. Còn các nước đang phát triển thì thuận tiện hơn vì đang xuất phát thấp.
Tựu trung lại, theo Bộ trưởng, địa phương có những bài toán nhiều năm, nhiệm kỳ chưa giải được mà ảnh hưởng đến sự phát triển, quản lý thì mang ra tìm câu trả lời. Trong từ CĐS thì từ “chuyển đổi” là quan trọng nhất, còn từ “số” là hỗ trợ. Thay đổi cách vận hành là chính, mà đã thay đổi thì không ai làm được ngoài người đứng đầu, người lãnh đạo. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa có buổi làm việc với Bộ TT&TT đã nhấn mạnh CĐS, CMCN 4.0 là cách mạng về thể chế nhiều hơn là cách mạng về công nghệ.
Điểm nữa, theo Bộ trưởng, bất cứ quốc gia, tỉnh nào càng nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện thì mới phát triển. Đi đầu sẽ có nhiều thuận lợi, phát triển bền vững. Việt Nam có nhiều DN xuất sắc, nhiều DN đi ra nước ngoài trong đó có DN có doanh thu tỷ đô. “Hãy tin các DN công nghệ số Việt Nam có thể giải quyết được và giải quyết xuất sắc các vấn đề của địa phương”.
Bộ trưởng cũng cho biết CĐS phải có dữ liệu, chữ ký của người dùng, nếu không sẽ không thể dạy phần mềm, từ đó trở nên xuất sắc và mong muốn tỉnh Hải Dương hỗ trợ DN, cũng như có khó khăn gì thì có thể liên hệ Bộ TT&TT.
“Thời đại cái gì mà mình thấy khó, nghĩ mãi không ra thì chắc chắn ngoài kia có người làm được nên hãy mang câu chuyện khó đẩy ra bên ngoài và tập trung vào việc dễ. Đấy là cách phát triển tốt nhất và phù hợp với thời đại”, theo Bộ trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc tỉnh Hải Dương “phát triển mạnh mẽ, đi đầu về CĐS để phát triển nhanh và bền vững”.
Vào cuộc tích cực để CĐS
Trước các trao đổi của đoàn công tác, đặc biệt là của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết đây là một buổi chiều làm việc dài, nhưng rất có ý nghĩa, rất nhiều tác dụng đối với toàn thể cán bộ các Sở ngành, địa phương của tỉnh Hải Dượng, giải đáp được các vấn đề đang còn rất phân vân, không biết thế nào là đúng. Đường đi tới đây ra sao, cơ bản là đã được giải đáp rất rõ.
Bí thư Trần Đức Thắng cũng cho biết có những cái khó khăn, vướng mắc đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các thành viên trong đoàn công tác giải quyết ngay lập tức. Các sở, ngành tỉnh Hải Dương tham dự buổi làm việc ghi nhận và chắc chắn sẽ vào cuộc tích cực trong thời gian tới vì tư tưởng đã thông, hiểu hơn thì việc thực hiện sẽ tốt hơn rất là nhiều.
Cũng theo Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hải Dương Trần Đức Thắng, muộn nhất vào tháng 5, tỉnh sẽ phải thông qua được định hướng phát triển của tỉnh trong đó bao gồm tất cả danh mục công việc, hạng mục phải thực hiện trong thời gian tới để không bị tụt hậu.
Bí thư Tỉnh uỷ cũng cho biết tỉnh mở cửa đón các DN công nghệ số và mong tiếp tục nhận được sự phối hợp công tác của Bộ TT&TT./.