Nhận diện cơ hội và tháo gỡ nút thắt để ngành game Việt cất cánh
Diễn đàn - Ngày đăng : 17:03, 03/04/2023
Nhận diện cơ hội và tháo gỡ nút thắt để ngành game Việt cất cánh
Tại Diễn đàn game Việt Nam diễn ra mới đây trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội game Việt Nam, lần đầu tiên các cơ quan quản lý, nhà sản xuất, phát hành đã cùng nhau ngồi lại đàm đạo về thực trạng, thách thức và tiềm năng của ngành game Việt trên bản đồ thế giới.
Tiềm năng của ngành game Việt
Trên thế giới hiện có khoảng 3 tỷ người chơi trò chơi điện tử (game) và đến năm 2030 con số này dự kiến sẽ tăng lên 4,5 tỷ người. Thị trường game cũng được dự đoán đạt doanh thu 218,7 tỷ USD vào năm 2024. Tại Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là một cường quốc game của khu vực, đứng thứ hai về lượt tải xuống.
Sau hai năm đại dịch COVID-19, nhu cầu chơi game đã gia tăng đáng kể, góp phần thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của ngành game. Theo đó, hệ sinh thái game đang tập trung phát triển các công cụ và cơ sở hạ tầng để những nhà sáng tạo nội dung và các nhà phát triển game trên khắp thế giới, từ các studio lớn đến các đơn vị độc lập nhỏ lẻ, đều có thể tận dụng xây dựng và đưa các tựa game của họ đến với cộng đồng ngươi chơi toàn cầu.
Phát biểu tại Diễn đàn game Việt Nam nằm trong khuôn khổ Ngày hội Game Việt Nam 2023 (GameVerse 2023) diễn ra mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT)- Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - cho biết Bộ đặt mục tiêu trong 5 năm tới ngành game Việt Nam đạt mục tiêu 1 tỷ USD, số lượng đơn vị phát hành game tăng trở lại, lên mức 100 - 150 doanh nghiệp, đồng thời có thêm khoảng 400 dự án khởi nghiệp mới trong lĩnh vực này.
Dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG, đánh giá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất nhìn thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, riêng Việt Nam có 54,6 triệu người chơi, doanh thu 507 triệu USD. Mảng game liên quan đến thể thao điện tử (eSport) trong nước cũng đạt được nhiều thành tích cao.
"Trong bối cảnh Việt Nam có hạ tầng Internet tốt, rẻ, dân số dùng smartphone lớn, ngành game Việt có nhiều dư địa phát triển cho cả các nhà phát hành, phát triển", ông Thắng đánh giá.
Ở góc nhìn rộng hơn, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc VTC Game, đánh giá game đã tạo ra một lĩnh vực mới là thể thao điện tử. Lĩnh vực này có thể trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế số. Dẫn số liệu thống kê trên thế giới, ông Bảo cho biết eSport có tốc độ tăng trưởng hàng năm 8,1% và dự kiến có 640 triệu người theo dõi bộ môn này năm 2025.
"Nếu chỉ quan tâm chữ game thì có 10%, nhưng quan sát cả hệ sinh thái thì sẽ thấy có 90% còn lại đóng góp vào nền kinh tế số. Khi có người xem là có giao tiếp, có dữ liệu và là mỏ vàng trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay", Tổng giám đốc VTC Game, nhấn mạnh.
Thách thức và giải pháp
Trong bối cảnh Việt Nam có hạ tầng Internet tốt, rẻ, dân số dùng smartphone lớn, ngành game Việt có nhiều dư địa phát triển cho cả các nhà phát hành, phát triển.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT, để đạt được mục tiêu 1 tỷ USD trên, ngành game và các cơ quan quản lý cần nhìn nhận để đánh giá được các thuận lợi và thách thức, đồng thời đưa ra giải pháp phù hợp cho sự phát triển.
Theo ông Lê Quang Tự Do, khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp game chưa có sự liên kết để đồng hành cùng nhau trong thời gian qua. Việc không đi cùng nhau khiến doanh nghiệp (DN) không tận dụng được lợi thế của nhau, dẫn đến thực trạng người Việt Nam chơi game nước ngoài trong khi DN Việt lại có nhiều người nước ngoài chơi.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox cho biết bản thân cảm thấy khá trăn trở khi nhìn thấy những gì đang diễn ra tại thị trường game Việt Nam, người Việt chơi game nước ngoài nhiều hơn chơi game được sản xuất tại Việt Nam. Ông Liêm cho rằng, một phần nguyên nhân là trình độ làm game của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu và tầm chơi của người Việt Nam. Thực tế, người Việt Nam có trình độ chơi game khá cao.
Ngoài ra, một thách thức khác của ngành game là chính sách quản lý còn nhiều bất cập, đặc biệt mới đây nhất là Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game.
"Thị trường nội địa đang ở trạng thái nuôi dưỡng, còn nhiều rủi ro, nếu như áp thêm thuế thì làm sao có cơ hội", ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc VTC Game, cho biết và hy vọng sẽ có chính sách tạo cơ hội để DN cống hiến, tránh việc họ ra nước ngoài, dẫn đến thất thoát nguồn thu.
Bên cạnh đó, cũng do chính sách chưa theo kịp sự phát triển của game web 3.0, game blockchain nên nhiều DN phải mở rộng ra nước ngoài trước, khiến chảy máu chất xám trong ngành game Việt
Mặt khác, để khai thác được tối đa nguồn lực kinh tế từ ngành game, đòi hỏi đặc biệt về vấn đề nhân lực. Năm 2015, nhân lực ngành game là 7.000 người nhưng đến 2021 đã lên tới 25.000 người. Tuy vậy, theo thông kê, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến quý I/2021) là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần.
Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp cần. Bên cạnh đó, lực lượng CNTT được đào tạo nhưng lại không chuyên sâu về ngành game.
Để gỡ nút thắt cho ngành công nghiệp game tỷ USD, theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ TT&TT đang xây dựng chiến lược ngành game để khắc phục về việc chưa đoàn kết, chưa hỗ trợ để cùng nhau đi xa. Đơn cử là việc thành lập Liên minh Game Việt Nam với sự chung tay của 40 công ty dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT vào tháng 6/2022.
Mặt khác, Bộ cũng đã có những chính sách để bảo hộ ngành game. Theo đó, trong 2 năm vừa qua, Cục PTTH&TTĐT đã gỡ 200 game trên Google App và 90 game trên Apple Store. Con số này sẽ còn tăng nữa. Phía Cục cũng đã kết nối với các bên trung gian thanh toán để chặn việc thanh toán game lậu.
Về nhân lực, ông Lê Quang Tự Do cho biết Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng đã đề xuất lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở bộ môn mới chuyên đào tạo cho ngành game. Ngoài ra, Bộ TT&TT còn kết nối với Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT, Đại học Bách Khoa và nhiều trường khác để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game./.